Sa Pa lạnh 1 độ C, trẻ em vẫn bị đẩy ra đường chèo kéo du khách
Chính quyền Sa Pa (Lào Cai) đã khuyến cáo khách du lịch không cho tiền, không mua hàng của trẻ em nhưng những đứa trẻ vùng cao vẫn bị đẩy ra đường bán hàng trong giá rét.
Đến Sa Pa du lịch, hẳn du khách sẽ quen thuộc với hình ảnh chiếc xe lưu động của thị xã Sa Pa liên tục chạy quanh khu vực nhà thờ đá, sân quần phát loa kêu gọi, khuyến cáo khách du lịch không cho tiền, không mua hàng của trẻ em bán hàng rong: "Các cháu đang bị chính người thân của mình lợi dụng, bóc lột sức lao động để kiếm tiền, gây ảnh hưởng xấu đến du lịch Sa Pa.
Vì vậy, chúng tôi kêu gọi du khách không tiếp xúc, mua hàng hoặc cho tiền để các cháu được về gia đình vui chơi và học hành, nếu quý khách tiếp tục cho tiền, mua hàng thì vô tình lòng tốt của quý khách đặt chưa đúng chỗ, người thân các cháu vẫn bắt ép các cháu phải đi lang thang, đeo bám bán hàng rong...".
Tuy nhiên, loa phát cứ phát, còn đám trẻ vẫn cứ đeo bám, chèo kéo khách du lịch mua hàng. Thực tế hơn một năm sau khi chính quyền thị xã Sa Pa dùng loa tuyên truyền kêu gọi du khách không cho tiền, không mua hàng của trẻ bán hàng rong, đến nay nhiều người không còn cho con em đi bán hàng rong nữa.
Thế nhưng, ở Sa Pa vẫn còn một nhóm chuyên chèo kéo du khách ở khu vực nhà thờ đá, sân quần, đường Xuân Viên. Những đứa trẻ này được các bà mẹ đưa đến rồi ngồi một chỗ canh chừng, để trẻ đi bán hàng nhằm lấy lòng thương hại của du khách.
Nhóm trẻ này đeo bám, chèo kéo khách du lịch mua hàng. Nếu một em bán được hàng, lập tức 4, 5 em khác xúm lại bao vây. Có nhóm khách bị vây, phiền quá chạy, bị đuổi theo đến tận cầu thang khách sạn.
Trao đổi trên Tuổi trẻ, bà Hoàng Thị Vượng, trưởng Phòng văn hóa - thông tin thị xã Sa Pa, cho hay chính quyền thị xã đã vào cuộc nhằm giảm thiểu tình trạng chèo kéo khách du lịch từ hàng chục năm nay nhưng chưa thực sự hiệu quả.
Theo bà Vượng, hiện nay chính quyền thị xã đã thực hiện một kế hoạch dài hạn. Trong đó, điểm mấu chốt là tạo điều kiện để chính đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận với cách làm kinh tế văn minh.
"Chúng tôi đang tập hợp nguyện vọng của từng hộ dân. Hộ nào muốn bán hàng chúng tôi sẽ bố trí địa điểm, hướng dẫn kỹ năng. Hộ nào muốn phát triển nghề dệt thổ cẩm, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ du lịch... chúng tôi xây dựng chính sách để hỗ trợ" - bà Vượng nói.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.