Săn giày hiệu giá rẻ
Hàng trăm đôi giày secondhand được chủ cửa hàng bày ra trên sàn, trên kệ cho khách tha hồ săn đón |
Săn được hàng hiệu phải có “nghề”
Thú “săn” giày hiệu hàng “si” đã trở nên quen thuộc trong văn hóa tiêu dùng của nhiều người ở Sài Gòn.
Những địa điểm như chợ Bàn Cờ, chợ Nhật Tảo, chợ Bà Chiểu,... từ lâu đã trở thành địa chỉ quen thuộc với những tay chơi “hàng hiệu giá rẻ” tại Sài Gòn. Theo số người giới thiệu, chúng tôi ghé chợ Bàn Cờ, nơi được đánh giá là bán hàng chất lượng và dễ săn được đồ hiệu nhất.
Nằm khiêm tốn ở một góc chợ Bàn Cờ trên đường Nguyễn Đình Chiểu. 7 giờ sáng, khi chợ vừa nhóm họp, lượng khách ra vào tiệm giày Y đông hơn hẳn so với các cửa hàng bán giày dép hàng mới.
Khách hàng sẽ rất dễ dàng săn được cho mình một đôi giày da hiệu nếu thật sự là người am hiểu về các thương hiệu của dòng sản phẩm này |
Anh Duy Phong, người bán hàng tại đây, vui vẻ cho biết. Mỗi ngày cửa hàng anh đón khoảng hơn 300 khách mua hàng. Độ tuổi nào cũng có. Mấy cô cậu trẻ tuổi thường là những người thích săn giày “hiệu và độc”, nên các mẫu giày bán chạy nhất vẫn là giày bata secondhand của các nhãn hiệu nổi tiếng như Adidas, Nike, Balenciaga, Raf Simons, Reebok…
Hàng được nhập về đóng thành từng kiện. Giá sản phẩm được thay đổi theo từng “nước”. Nước 1 (mới khui kiện), thấp nhất là 250 ngàn/đôi, còn giày dép nữ thì cũng tầm giá từ 190 ngàn/đôi – 250 ngàn/đôi. Độ tuổi trung niên, người ta thường chọn mua những đôi giày tây của các hiệu Crockett & Jones, Church’s, Gucci…giá cũng dao động từ 250 ngàn/đôi – 300 ngàn/đôi.
Hàng được bán sau hai ngày (nước 2,3) giá sản phẩm sẽ được giảm dần xuống 10 ngàn/đôi/ngày. Khách mua từ 2 đôi trở lên cũng sẽ được giảm từ 10 – 15 ngàn/đôi và được đổi trả thoải mái trong 2 ngày. “khi lấy hàng, tụi tôi thường chọn những hiệu giày có tiếng, nhưng do đã qua sử dụng nên giá rẻ và hấp dẫn người tiêu dùng… hàng còn tốt nhưng giá chỉ khoảng 20 - 30% so với giá hàng mới…” Anh Phong, bảo vậy.
Một khách hàng nhanh tay lựa được Reebok InstaPump Fury giá mới 3tr6-4tr đồng dc bán 300k tại cửa hàng giày cũ ở chợ Bàn Cờ |
Để có được giày hiệu giá rẻ, chủ các shop thường phải tìm nguồn hàng từ thị trường hàng cũ tại các nước như Nhật, Hàn Quốc, Thái… Sau khi gom hàng, sản phẩm được chỉnh sửa ngay tại chỗ rồi vận chuyển về Việt Nam.
Với số lượng thu mua lớn, nên đôi khi các chủ “xị” cũng không phát hiện ra đâu là hàng thật đâu là hàng giả. Chính vì vậy, có săn được hàng hiệu giá rẻ hay không, chất lượng tốt ra sao hoàn toàn phụ thuộc vào kinh nghiệm và quyết định của người mua.
Cô Lựu, một khách hàng ở quận Bình Tân mua hàng tại đây chia sẻ: “ Người Việt Nam mình thích bền - đẹp - rẻ. Mua hàng này vừa với túi tiền, nhưng phải biết nhìn hàng, lựa kỹ thì mới không bị lầm mà còn săn được hàng hiệu nếu mua hàng mới cũng vài trăm hay cả triệu. Đi êm chân lắm mà quan trọng là mang cả năm trời vẫn không hư.”
Bạn B, 17 tuổi, là một tay chơi giày hiệu nói nhỏ với chúng tôi: “Lâu lâu cũng có qua đây, tháng vài lần, ở đây thì tùy, có thật có giả, quan trọng phải biết “check giày”. Thường người ta lên mạng coi cách check trước rồi mới đi. Ở trong kia tôi thấy có mấy đôi NIKE AF1 “real”, bạn vào xem thử đi.”
Cách kiểm tra giày thể thao chính hãng trước khi chọn mua |
Ghé vào một cửa hàng giày “si” trên đường Nhật Tảo, Q.10, chúng tôi bị choáng trước những kiên giày mà chị Thùy đang đóng cho khách. “Cứ thứ 7 hằng tuần là cửa hàng chị khui hàng, nhiều bạn trẻ săn giày hiệu thường đến đây vào ngày đó lắm, mấy em muốn săn là phải tìm hiểu thật kỹ về giày thì mới tranh được với các bạn. Vì dân chơi giày họ chỉ lướt qua là biết đôi nào có giá trị đôi nào không. Cũng có nhiều bạn săn được những đôi thuộc hàng hiệu, hiếm về bán lại kiếm được vài trăm đến vài triệu tiền lời nhưng phải bỏ nhiều thời gian thì mới săn được như vậy.” chị Thùy, đon đả mời.
Thú đi “săn” giày
Với sự phát triển của mạng xã hội, những tay chơi giày thường bỏ ra khá nhiều thường gian để săn được những đôi giày hiệu lạ, hợp với sở thích và phong cách của mình trên các trang web hoặc trang mạng xã hội như facebook, instagram…
Chia sẻ về kỷ niệm trong một lần “đi săn”, anh Khanh, một “tay chơi” ở quận 10, hào hứng: “Để tìm cho được “con” Nike Air Focus 1 High White, mới 90%, với giá “550k”, tôi phải bỏ ra gần 5 tháng. Nếu mua mới “con” này vào khoảng 2,3 triệu đồng tùy vào “size”. Cảm giác “săn” được cái mình thích mà giá rẻ thật là đã…”
Dạo quanh các trang mạng về giày hiệu secondhand, giới chơi giày hiệu truyền tai nhau kinh nghiệm săn hàng và kiểm tra hàng “real” hay “không real”. Giày hiệu có nhiều loại, tuy nhiên đều có nguồn gốc xuất xứ riêng. Chẳng hạn như Adidas, nếu made in German, thì hàng khỏi bàn vì đẹp và chất lượng tốt, nhưng hàng này hiếm, còn made in..các nước khác thì nhiều. Nếu là “thợ săn” thì phải có German mới dữ.
Để test giày có phải hàng real, hàng fake 1, fake 2, superfake, hàng sample… hay không thì trên một đôi giày cần có tem giày phần này rất quan trọng vì nó thể hiện thông số: size, tên, hãng giày, code, mã vạch.. Khi chọn mua, các tay săn giày sẽ nhập mã số trên tem vào các phần mền check mã hoặc nhập trực tiếp lên các trang như google.
Nhưng cũng chính cách kiểm tra này, nên nhiều khi tem thì thật nhưng hàng cũng chưa chắc ổn. Không ít khách hàng “ngậm bồ hòn” khi phát hiện ra tem thật, nhưng hàng…nhái.
Theo kinh nghiệm của một số “thợ săn”, ngoài cái tem còn phải kiểm tra kỹ đường chỉ, đế giày, lót giày, lưỡi gà,… nếu là đồ thật, tất cả đều, đẹp ở mức hoàn hảo. Với những đôi giày tây, giày cao gót…ngoài ưu điểm mang êm chân, form chuẩn thì cách duy nhất để nhận biết hàng hiệu chính là kiểm tra tên thương hiệu được đóng ở đế giày.
Điều kiện để cái thị trường “hàng si” tồn tại và phát triển như hiện nay không chỉ vì giá rẻ, hàng đẹp, mà theo nhiều tay chơi, những người bán dòng sản phẩm này khá uy tín, rất ít những trường hợp cố tình “trộn” hàng để lừa khách. Cũ ra cũ, phải chăng đạo đức kinh doanh đã giúp họ?
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.