Sau dịch Covid-19 nhiều doanh nghiệp ráo riết tuyển lại lao động
Theo Vnexpress, nhiều ngày nay, Công ty TNHH Toyo Precision (Khu chế xuất Tân Thuận), quy mô 800 công nhân, chuyên sản xuất linh kiện máy may đăng tuyển dụng khoảng 50 lao động. Việc tuyển này do đơn hàng từ Nhật Bản (công ty mẹ) phục hồi khoảng 80%, tới tháng 2 năm sau.
Tương tự, từ tháng 9 đến nay, do có đơn hàng đến hết tháng 3/2021, Công ty TNHH CCH-TOP (Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7) của Đài Loan, quy mô hơn 1.600 công nhân, chuyên sản xuất mũ vải xuất khẩu cũng tuyển hơn 100 công nhân. Trước đó, Covid-19 khiến đơn hàng giảm sút, doanh nghiệp này phải cho nghỉ việc gần 300 công nhân.
Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân) cũng tuyển khoảng 2.000 lao động chuyên môn và phổ thông khi đơn hàng tăng trở lại. Ông Kim Vĩnh Cường, Phó chủ tịch công đoàn công ty cho biết, lao động tuyển dụng đợt này phần lớn làm việc ở các bộ phận khâu chặt, khâu may, thành hình, sản xuất giày. Số ít còn lại là nhân viên làm việc ở khối văn phòng.
Nhiều doanh nghiệp đua tuyển lại lao động sau thời gian sa thải do dịch Covid-19.
Báo cáo của Ban quản lý các khu chế xuất, công nghiệp TP HCM (Hepza) cho biết, do tình hình dịch bệnh được kiểm soát cùng với hiệp định thương mai tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này. Nhiều doanh nghiệp đã khôi phục hoạt động sản xuất ổn định.
Theo đó, một số doanh nghiệp lớn trong ngành may mặc trước đây giảm lao động do ảnh hưởng dịch nay bắt đầu tuyển dụng lại với số lượng hơn 3.000 công nhân. Nhiều doanh nghiệp lĩnh vực khác cũng tuyển dụng trở lại lao động số lượng từ 50 đến gần 200 người.
Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Hepza thông tin, khảo sát tại một số doanh nghiệp lớn cho thấy, trong hai tháng 5 và 6, doanh thu của họ sụt giảm hơn 50%. Nhưng hai tháng gần đây, doanh thu của doanh nghiệp hồi phục hơn 70%.
"Nếu thành phố thực hiện tốt việc kiểm soát dịch thì việc doanh nghiệp khôi phục 100% là hoàn toàn có thể thực hiện được", ông Hưng nói và cho biết, doanh nghiệp nước ngoài đánh giá rất cao việc phòng dịch Covid-19 của thành phố nên họ vẫn sản xuất ổn định, giữ việc làm cho công nhân.
Lý giải thêm về việc tuyển dụng, ông Kim Vĩnh Cường, Phó chủ tịch công đoàn Pouyuen Việt Nam cho biết, do các chi nhánh công ty ở nước ngoài gặp khó khăn vì Covid-19, nên các đơn hàng được chuyển về chi nhánh Việt Nam. Từ tháng 9 đến nay, công ty tăng hơn 50% lượng đơn hàng nên phải ráo riết tuyển dụng để đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Chia sẻ tín hiệu tích cực từ thị trường lao động, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP HCM cho biết, các doanh nghiệp thành phố đang có dấu hiệu phục hồi. Dự báo ba tháng cuối năm, doanh nghiệp tuyển dụng 62.000-65.000 lao động ở các ngành thương mại, vận tải, thực phẩm, chăm sóc khách hàng, tài chính - ngân hàng, bảo hiểm...
"Việc kiểm soát tốt dịch bệnh và gia tăng sản xuất, kinh doanh phục vụ Tết sắp tới góp phần hạn chế lao động ngừng việc, mất việc", ông Tấn nói
Tại Đồng Nai, ngay sau dịch, Cty TNHH Cự Thành (Long Thành, Đồng Nai) tiến hành tuyển dụng lao động để sản xuất hàng hóa cung ứng cho thị trường cuối năm. Ông Lý Xê Ba, Chủ tịch Công đoàn Cty cho biết, Cty mở rộng đối tượng tuyển dụng cho cả những người ở tuổi 50 với mức lương 6-7 triệu đồng/tháng.
Đại diện Cty TNHH UE Furniture VN (Bình Dương) cũng cho hay do cần lao động gấp để kịp đơn hàng dịp cuối năm, doanh nghiệp tuyển mới hơn 1.000 lao động phổ thông. Để có người làm, doanh nghiệp đưa ra mức lương 9 đến 13 triệu đồng/tháng. Đại diện Cty cũng cho rằng, đây là mức lương rất cao so với mặt bằng lương hiện tại.
Cũng tại Hà Nội, phiên giao dịch việc làm quận Long Biên diễn ra vào ngày 7/11 với 71 doanh nghiệp đăng ký tham gia tuyển dụng, hơn 2000 cơ hội việc làm với mức lương khởi điểm từ 5 - 15 triệu đồng. Các doanh nghiệp tuyển dụng tập chung vào nhóm ngành như: Thương mại, dịch vụ, sản xuất, y tế, vận tải,…
Theo ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Dương, nhu cầu lao động tăng cao xuất phát từ việc nhiều doanh nghiệp mới được thành lập và các doanh nghiệp sẽ mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường. Cụ thể, khoảng 4.000 doanh nghiệp được thành lập, 89 dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép đầu tư. Do đó, doanh nghiệp cần khoảng 25.000 - 32.000 người lao động, tập trung vào các ngành nghề giày da, may mặc, may nệm ghế sofa, gỗ, dịch vụ, thực phẩm. Từ tháng 9 đến cuối năm là thời điểm gia tăng hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại phục vụ các dịp lễ, Tết. Lúc này, nhiều việc làm ngắn hạn, cũng là lúc cần người làm nhất.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.