Sinh viên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời câu hỏi của sinh viên. (Ảnh: PV) |
Đào tạo vẫn nhẹ thực hành
Đề cập đến một trong những điểm yếu lớn của đào tạo đại học là nặng lý thuyết, nhẹ thực hành, khó khăn trong thực tập, đại biểu sinh viên đặt câu hỏi: Bộ trưởng đã có tham mưu cho Chính phủ giúp sinh viên hoàn thiện kỹ năng này hơn?
Thừa nhận việc đào tạo chưa sát với sử dụng là thực tế phổ biến trong các trường đại học hiện nay và cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực chưa đạt được như mong muốn, ông Nhạ cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Các trường đại học ít quan tâm đến thị trường lao động mà mới đào tạo theo năng lực mình có.
Việc thực tập tại doanh nghiệp có khó khăn vì doanh nghiệp có quy trình làm việc nên sinh viên thực tập khó được giao công việc trong các quy trình này. Chương trình sinh viên học so với thực tiễn còn khoảng cách, do vậy khi sinh viên đến doanh nghiệp chưa thể cập ngay được vào công việc, thậm chí còn ngại ngần tự ti khi được giao việc.
Ông Nhạ cho biết, năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thí điểm hai mô hình đào tạo gắn nhà trường với doanh nghiệp ở lĩnh vực công nghệ thông tin và du lịch. Theo đó, khoảng thời gian đào tạo ngoài nhà trường chiếm tới 30-50% số tín chỉ.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng các trường đại học cần liên kết với các doanh nghiệp cùng đào tạo, đào tạo thông qua thực tiễn. Sinh viên được nhúng mình vào hoạt động của doanh nghiệp ngay từ trên ghế nhà trường thì khi ra trường mới đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. “Những trường không đổi mới sẽ không thể tồn tại vì không có người theo học,” ông Nhạ nói.
Làm sao để các môn lý luận chính trị bớt khô khan?
Một trong những vấn đề được các sinh viên quan tâm là làm sao để nâng cao hiệu quả việc giảng dạy các môn lý luận chính trị trong trường đại học, giúp sinh viên hứng thú học tập và có bản lĩnh chính trị vững vàng hơn?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, thực tế các môn giáo dục lý luận chính trị thường khô khan, khó tiếp thu. Ông Nhạ cho rằng, muốn dạy và học tốt các môn học này, nội dung và phương pháp là rất quan trọng. Nội dung phải thay đổi mạnh, lý luận phải gắn với thực tiễn, gắn với những bài học kinh nghiệm trong thực tiễn mới thu hút được sinh viên. Phương pháp dạy các môn lý luận chính trị cũng phải đổi mới theo hướng linh hoạt.
Sinh viên phải được trao đổi, được thể hiện chính kiến, thì bài học sẽ hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên, thực tế giảng dạy ở một số trường hay một số giáo viên khi giảng dạy vẫn chủ yếu dựa vào lý luận chung dẫn đến sinh viên nhàm chán.
(Ảnh minh họa: PV/Vietnam+) |
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận thấy đây là những vấn đề phải đổi mới và đã tham mưu cho Chính phủ, các ban của Đảng, đặc biệt là Ban Tuyên giáo Trung ương đổi mới trước hết từ nội dung.
Hiện Bộ đang thí điểm đổi mới dạy các môn lý luận chính trị và nhận thấy có sự hào hứng tham gia của sinh viên. Từ thí điểm này sẽ rút kinh nghiệm và mở rộng, áp dụng cho các trường đại học, cao đẳng trong cả nước.
Sinh viên có thể chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học?
Nghiên cứu khoa học cũng là một nội dung được nhiều sinh viên đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Về câu hỏi của sinh viên trước thực tế việc nghiên cứu khoa học trong nhà trường của học sinh sinh viên thường chỉ kéo dài đến khi ra trường, thiếu sự kết nối để tạo ra những sản phẩm nghiên cứu cụ thể đóng góp cho xã hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, nghiên cứu khoa học cùng với đào tạo nhân lực và chuyển giao trí thức là ba trụ cột rất quan trọng của các cơ sở giáo dục đại học.
Bộ trưởng cho biết, Theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học cũng như chủ trương trong các Nghị quyết, trường đại học được thành lập các doanh nghiệp. Đây là doanh nghiệp khoa học công nghệ, các starup, các vườn ươm, là nơi kết nối giữa sinh viên, giáo viên, những người ý tưởng với doanh nghiệp để tạo ra những sản phẩm, chuyển từ ý tưởng thành sản phẩm, thậm chí đầu tư cho những nghiên cứu đỉnh cao.
“Như vậy có thể thấy, động lực để cho các trường đại học, các sinh viên nghiên cứu là có, vấn đề là tổ chức thực hiện như thế nào,” ông Nhạ nói.
Trước câu hỏi của sinh viên về việc có nên giao cho sinh viên làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học hay không, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định là nên, nhưng theo các cách khác nhau. Trong các đề tài nghiên cứu luôn có các cấu phần, sinh viên giỏi hoàn toàn có thể làm chủ các những cấu phần đó.
Ông Nhạ cho rằng sinh viên phải là lực lượng nghiên cứu chứ không chỉ là tập sự nghiên cứu và ông đánh giá cao các nghiên cứu này vì nhiều ý tưởng đã trở thành hiện thực.
Về thực trạng không ít nghiên cứu của sinh viên dù có ý tưởng mới nhưng không được quan tâm hay để trong ngăn kéo, Bộ trưởng nhấn mạnh, tất nhiên là có nguyên nhân do không có điều kiện nhưng rõ ràng là muốn đi đến cùng thì người nghiên cứu thực sự phải gắn với vấn đề họ theo đuổi. Đối với nghiên cứu khoa học, để đến kết quả, thậm chí đỉnh cao đòi hỏi thời gian dài và nhiều công sức.
“Chỉ khi nào việc nghiên cứu khoa học là động lực thực sự của sinh viên và sinh viên theo đuổi vì đam mê chứ không phải chỉ để lấy điểm hay thành tích thi đua thì nghiên cứu đó sẽ kéo dài, kể cả khi các em đã ra trường,” Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.