Startup ngồi xe lăn mở quán cà phê, xưởng đồ thủ công đào tạo người khuyết tật
Kym Việt nằm trên đường Trung Văn (Hà Nội), mô hình xưởng may, do anh Phạm Việt Hoài - Chủ tịch HĐQT. Ông chủ này là người khuyết tật vận động, giàu nghị lực.
Được thành lập từ tháng 12/2013, mục tiêu của KymViet bao gồm: Tạo việc làm cho những người khuyết tật còn khả năng lao động, góp phần cải thiện sinh kế và nâng cao đời sống cho người khuyết tật, giúp họ hòa nhập với cộng đồng; Tạo ra những sản phẩm thủ công tinh xảo, có giá trị sử dụng và giá trị thẩm mỹ cao phục vụ xã hội; Đưa những câu chuyện nhân văn và giá trị văn hóa Việt vào trong từng sản phẩm, góp phần truyền bá những giá trị truyền thống Việt đến cộng đồng trong nước và quốc tế.
Anh Phạm Viết Hoài- Chủ tịch HĐQT Công ty Kym Việt (Ảnh: Báo Dân trí)
Xưởng may Kym Việt hiện có 30 lao động, hầu hết là người điếc, một vài người bị thiểu năng trí tuệ. Trong xưởng vắng tiếng người, chỉ có tiếng máy khâu, máy bơm bông, búa giã quế... Giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ ký hiệu, các công nhân ở đây không muốn mọi người gọi họ là "người khiếm thính" mà phải gọi là "người điếc", bởi lẽ người khiếm thính là người vẫn có thể nghe, nói được phần nào nhưng người điếc thì không.
Những con thú làm từ đủ loại chất liệu như vải lanh, lụa, thổ cẩm… được nhồi bông hoặc cát trắng sạch từ Quảng Bình, rồi trộn vỏ quế cho thơm. Anh Hoài được gọi vui là giúp các công nhân "đặc biệt" môi trường "cả ngày sống trong nhung lụa".
Những sản phẩm thủ công của Kym Việt (Ảnh: Báo Dân trí)
Ngoài ra, xưởng còn sản xuất cả túi xách, gối tựa lưng, gối kê cổ. Nhìn những con thú, những chiếc túi xách, gối tựa tinh xảo, đẹp mắt, khó có thể nghĩ rằng đó là sản phẩm do những người câm điếc làm ra tại gian xưởng thủ công nhỏ.
Với sự chủ động, tích cực và hướng tiếp cận đầy mới mẻ, Kym Việt đã trở thành doanh nghiệp xã hội tiêu biểu, nhận bằng khen của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội cũng như giải thưởng về thiết kế sản phẩm của thành phố Hà Nội.
Bằng khen của KH&ĐT (Ảnh: Báo Dân trí)
Anh Hoài cùng Kym Việt cũng vinh dự đại diện cộng đồng người khuyết tật Việt Nam, tham gia chương trình “Sức sống Việt Nam” do Facebook và Bộ KH&ĐT phối hợp tổ chức. “Khuyết tật chỉ là sự bất tiện, không phải là sự bất hạnh, hãy biến khiếm khuyết trên cơ thể trở thành động lực vươn lên!”, anh Hoài khẳng định.
Từ những ngày đầu thành lập chỉ có 3 nhân viên, đến nay Kym Việt đã tiếp nhận và tạo việc làm cho 18 người khuyết tật, với mức lương trung bình hơn 4 triệu đồng/người. Với những người ở xa, công ty cũng tạo điều kiện về nhà ở, hỗ trợ ăn trưa và được hưởng đầy đủ các quyền lợi về bảo hiểm, khen thưởng, xăng xe, đi lại... như những lao động bình thường.
Được biết, công ty do anh Hoài cùng những người bạn lành lặn là Nguyễn Việt Dũng, Kiều Tuấn, Nguyễn Đức Minh lập ra, hoạt động mang tính chất phi lợi nhuận.
Để gia tăng doanh thu, bên cạnh việc đưa sản phẩm lên bán online, ông Hoài còn có 2 cơ sở khác ở số 91 Nguyễn Đình Thi, số 242 Võ Chí Công cũng hoạt động theo mô hình quán cà phê và làm thú nhồi bông. Đây là nơi trải nghiệm cho các em học sinh, sinh viên, khách du lịch đến giao lưu, tham quan.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.