Tăng trưởng kinh tế phục hồi mạnh mẽ trong 9 tháng qua
Sáng 1/10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2022. Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá trong 9 tháng qua, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.
Chúng ta tiếp tục kiểm soát tốt dịch COVID-19 trên toàn quốc; tổ chức thành công chiến dịch tiêm vaccine, bảo đảm khoa học, hiệu quả, đến ngày 29/9, cả nước đã tiêm được trên 260 triệu liều, Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về số liều vaccine trung bình mỗi người dân nhận được; tỉ lệ chuyển nặng, tử vong rất thấp so với thế giới (0,4% so với 1,1% bình quân toàn cầu); không để dịch chồng dịch; tạo nền tảng quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định. Lạm phát được kiểm soát ở mức 2,73% trong khi chịu sức ép lạm phát thế giới rất cao. Tỉ giá, lãi suất, thị trường ngoại tệ cơ bản ổn định. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, có mặt được cải thiện hơn.
Thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 94% dự toán, tăng 22%. Xuất nhập khẩu đạt gần 559 tỷ USD, tăng 14,2%, xuất siêu 6,52 tỷ USD. An ninh năng lượng (điện, xăng, dầu), an ninh lương thực được bảo đảm (xuất khẩu trên 5,4 triệu tấn gạo, xuất khẩu nông sản đạt 40,8 tỷ USD). Thị trường lao động phục hồi tốt; cơ bản đáp ứng nhu cầu lao động (lao động khu vực công nghiệp tăng 21,8% so cùng kỳ).
Tăng trưởng kinh tế phục hồi mạnh mẽ. GDP 9 tháng tăng 8,83% (cao nhất cùng kỳ từ năm 2011 đến nay). Cả 3 khu vực đều phát triển tốt: Nông nghiệp tăng 2,99%, công nghiệp và xây dựng tăng 9,44%; dịch vụ tăng 10,57%. Nhiều địa phương đạt mức tăng trưởng cao, đặc biệt là có 10 địa phương có tốc độ tăng trưởng trên 11%, gồm Bắc Giang (23,98%), Khánh Hòa (20,48%), Cần Thơ (17,57%), Đà Nẵng (16,76%), Hậu Giang (14,74%), Thanh Hóa (14,24%), Lâm Đồng (14,18%), Quảng Nam (13,15%), Hải Phòng (12,06%), Tây Ninh (11,52%). Hai đầu tàu kinh tế gồm TPHCM đạt 9,97% và Hà Nội đạt 9,69%.
Vốn đầu tư toàn xã hội tăng mạnh; 9 tháng đạt trên 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 12,5% so cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện đạt trên 15,4 tỷ USD (cao nhất cùng kỳ trong 5 năm qua), tăng 16,3%.
Thủ tướng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức trong bối cảnh nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, quy mô còn khiêm tốn, khả năng chống chịu thì có hạn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng khởi sắc. Có trên 163.000 doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động, tăng 38,6%, gấp 1,44 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường (112,7 nghìn doanh nghiệp). Tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung trên 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 36%. Có 82,6% doanh nghiệp chế biến chế tạo lạc quan, đánh giá tích cực về tình hình sản xuất, kinh doanh quý IV so với quý III/2022.
An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất và tinh thần của người dân tiếp tục được nâng lên. Từ tháng 7/2021 đến nay, đã hỗ trợ trên 85.000 tỷ đồng cho trên 55 triệu lượt người và gần 856.000 người sử dụng lao động gặp khó khăn theo các Nghị quyết số 68, 126, 116 của Chính phủ.
Thu nhập bình quân của lao động là 7,6 triệu đồng/tháng, tăng 1,6 triệu đồng so với cùng kỳ. Theo kết quả khảo sát sơ bộ, 83,2% số hộ dân có thu nhập tăng hoặc không đổi so với cùng kỳ. Tỉ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm; lực lượng lao động tăng (9 tháng là 51,6 triệu người, tăng 1,2 triệu so với cùng kỳ).
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu được chú trọng. Tổ chức thành công các sự kiện, ngày lễ lớn của đất nước; nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao diễn ra sôi động, lành mạnh, hiệu quả. Gần nhất, Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thứ 14 tại Việt Nam. Công tác phòng, chống thiên tai được chỉ đạo quyết liệt.
Tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông, xét tuyển đại học, khai giảng năm học mới 2022-2023. Nhiều học sinh Việt Nam đạt giải cao trong các kỳ thi quốc tế năm 2022. Ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ, Việt Nam đứng thứ 63/113 thế giới và thứ 4 Đông Nam Á về chỉ số toàn cầu về Hệ thống khởi nghiệp kỹ thuật số của ADB.
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, hoàn thiện thể chế, pháp luật, xây dựng quy hoạch, cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh. Đã cơ bản hoàn thành rà soát, ban hành các Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ.
Công tác thông tin truyền thông được tăng cường; đã kiểm soát, ngăn chặn, xử lý nhiều thông tin giả, xấu, độc, phản cảm, lừa đảo trên mạng, chống phá Đảng và Nhà nước, xử lý nghiêm các vi phạm. Các cơ quan truyền thông, đội ngũ những người làm báo dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, sự quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông, đã vào cuộc rất tích cực, nhất là trong phản bác các thông tin xấu độc và thông tin về người tốt, việc tốt.
Nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài, các dự án yếu kém được tập trung xử lý, có hiệu quả, báo cáo cấp có thẩm quyền trên tinh thần không hợp thức hóa cái sai nhưng có giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giải phóng các nguồn lực, như đưa vào vận hành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Sông Hậu 1; triển khai xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, Nhiệt điện Long Phú 1, Ô Môn, Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Lào Cai, cơ sở 2 của các Bệnh viện Bạch Mai, Việt – Đức…
Các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại đạt nhiều kết quả quan trọng. Chính trị ổn định; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được tăng cường; đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam được nâng lên.
Về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục chủ động, quyết liệt xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ được giao. Một số kết quả cụ thể như đã ban hành 15/17 văn bản cụ thể hóa Nghị quyết 11/NQ-CP; đã giải ngân đạt gần 60,8 nghìn tỷ đồng gồm vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội 10.411 tỷ đồng, hỗ trợ tiền thuê nhà 3.545 tỷ đồng cho hơn 5 triệu lao động, giảm thuế, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất 39.422 tỷ đồng; hỗ trợ 2% lãi suất cho khoảng 9.800 tỷ đồng dư nợ tín dụng, với số tiền là 13,5 tỷ đồng; đã giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương thuộc Chương trình với tổng số vốn 147.138 tỷ đồng cho 94 nhiệm vụ, dự án.
Về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, đã ban hành 66 văn bản quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện; hầu hết các địa phương đã xây dựng, hoàn thiện văn bản quản lý, điều hành; 47/52 địa phương hoàn thành giao kế hoạch vốn.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.