Thái Nguyên: Tòa hủy án sơ thẩm vì vi phạm nghiêm trọng tố tụng
Như Hòa Nhập đã phản ánh trong bài: “Thái Nguyên: Một CCB kêu oan vì bị vợ, con đẩy ra đường” (đăng ngày 05/9/2019). Sau khi báo đăng, ngày 12/9/2019, TAND tỉnh Thái Nguyên đã mở phiên tòa xét xử vụ án này theo trình tự phúc thẩm vì cả nguyên đơn và bị đơn đều kháng cáo bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, vào sáng ngày phiên tòa khai mạc, bà Ch (nguyên đơn) và anh Vũ Tuấn A (con ông Tiến - bà Ch, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan) không đến dự phiên tòa nên HĐXX phải hoãn xét xử.
![]() |
Cha và con người CCB khốn khổ tại phiên tòa phúc thẩm |
Chiều ngày 11/10, phiên Tòa phúc thẩm được mở lại, bà Ch vắng mặt nhưng ủy quyền toàn bộ việc tham gia tố tụng cho bà Nguyễn Thanh Hiển (luật sư). Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tại phiên tòa cho bà Ch và anh Lê Tuấn A là luật sư Nguyễn Hữu Toại- Công ty Luật TNHH Hừng Đông (Đoàn Luật sư TP Hà Nội). Ông Tiến cũng nhờ 3 luật sư là Nguyễn Thị Hằng Nga, Nguyễn Thị Phương Lan và Trần Thị Ninh (Văn phòng Luật sư Hằng Nga, thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội) bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình tham gia tố tụng tại phiên tòa.
Hội đồng xét xử có 3 thẩm phán: bà Lê Thị Hồng Phương (chủ tọa), ông Nguyễn Văn Quế và bà Dương Thị Liên. Cả 3 thẩm phán này được đánh giá là “kỳ cựu” của TAND tỉnh Thái Nguyên. Đại diện VKSND tỉnh Thái Nguyên tại phiên tòa là kiểm sát viên Nguyễn Tuyết Vân. Thư ký phiên tòa là bà Trần Thị Thanh Thủy.
Chia sẻ “nỗi đau” của đồng đội về “cuộc chia ly màu xám” này tại phiên tòa phúc thẩm, có rất nhiều cựu chiến binh là đồng đội cũ của ông Tiến và hội viên hội CCB của phường Hoàng Văn Thụ, TP Thái Nguyên. Phía nguyên đơn, chỉ có 3 người là: đại diện ủy quyền của bà Ch, anh Tuấn A và luật sư Toại.
![]() |
Luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga, Nguyễn Thị Phương Lan và Trần Thị Ninh cho rằng: HĐXX cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng luật Tố tụng Dân sự trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án. |
Phiên tòa thể hiện rất đậm nét tinh thần cải cách tư pháp, cả về hình thức và nội dung. Phần thẩm vấn, các câu hỏi của HĐXX, đại diện VKSND, các luật sư nêu ra đã tập trung làm sáng tỏ những tình tiết liên quan đến tài sản chung, tài sản riêng của ông Tiến - bà Ch, anh Tuấn A. Phần tranh luận, nhiều tình tiết về quy trình tố tụng ở cấp sơ thẩm vi phạm cũng đã được các luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị đơn làm rõ như: người tham gia tố tụng, vai trò của từng người tham gia tố tụng, việc tiếp nhận, đánh giá và công khai chứng cứ đến việc xét xử vắng mặt bị đơn... đã được các luật sư làm rõ. Nhiều tình tiết cho thấy, HĐXX phiên sơ thẩm đã “rất ẩu” trong quá trình tiếp nhận chứng cứ, đánh giá chứng cứ và xét xử vụ án này, dẫn đến bản án chưa thấu tình, đạt lý.
Qua 2 buổi xét xử, HĐXX phiên tòa phúc thẩm quyết định: Hủy toàn bộ phần phân chia tài sản mà bản án sơ thẩm đã tuyên, trả hồ sơ vụ án cho TAND TP Thái Nguyên xét xử lại theo trình tự sơ thẩm.
Trong khi HĐXX nghị án, điều đau lòng nhất diễn ra tại hội trường phiên tòa là ông Tiến và người con rứt ruột đẻ ra của mình là anh Lê Tuấn A đã “lời qua tiếng lại” khi đề cập đến nguồn gốc các tài sản là nhà, tiền gửi ngân hàng và cả “công lao sinh thành dưỡng dục”. Ông Tiến chỉ tay vào mặt người con trai nói: “Tôi sinh ra anh, nuôi anh ăn học, xin việc cho anh, mua nhà, mua xe cho anh, để đến bây giờ tôi già yếu, anh và mẹ anh lừa đảo tôi như thế này à?”. Anh Tuấn A đáp lại: “Tôi học ở trường Đại học Nghệ thuật quân đội, được bao cấp hoàn toàn, ông có phải nuôi ngày nào đâu?”…
![]() |
Ông Tiến- bị đơn trong vụ án ly hôn trước ngôi nhà do bố ông cho riêng ông, nhưng bản án sơ thẩm đã xác định là tài sản chung vợ chồng |
Những lời lẽ đối thoại giữa ông Tiến và người con trai (hiện đang làm việc tại Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Thái Nguyên), thêm một lần nữa, cứa vào nỗi đau của những CCB tham dự phiên tòa. Một ông già dự phiên tòa, người dân tộc Tày, thốt lên: “Ơ, sao cái anh trai trẻ này không chịu hiểu à. Cái ông bố già thế kia rồi, sắp chết rồi, có mang đi theo được cái gì nữa đâu mà. Nó bỏ bố nó thì nó bỏ luôn cả cái họ Lê nhà mình à. Thế cái đứa con nó nay mai cúng cái con ma cho ai? Nó là con ma không có tổ tiên à?”
Tôi lặng người trước lời lẽ rất thật của vị khách “đặc biệt” này, bởi có thể ông không được học hành nhiều như con ông Tiến và nhiều người khác, nhưng đạo lý làm người đã cho ông cái nhìn đời sâu sắc quá!
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.