Thẩm mỹ viện Thu Cúc: Vì sao nhân viên không tư vấn rủi ro cho khách hàng?
PRP là cách gọi tắt của cụm từ tiếng Anh “Platelet Rich Plasma”, có nghĩa là “Huyết tương giàu tiểu cầu”. Phương pháp này thực hiện bằng cách lấy máu của bản thân người nhận trị liệu, sau đó tách huyết tương bằng phương pháp ly tâm với tốc độ quay 3.500 vòng/phút (lúc này thành phần tiểu cầu trong huyết tương sẽ gấp từ 3 đến 7 lần so với bình thường), đưa ngược trở lại vào từng vị trí cần thiết trên cơ thể người nhận giúp hồi phục nhanh các mô bệnh, lão hóa, tăng sinh các mô khỏe mạnh.
Ngày 4/7, có mặt tại Bệnh viện Thu Cúc (286 Thụy Khuê – Tây Hồ - Hà Nội) để tìm hiểu về phương pháp này cũng như "mục sở thị" về cách tư vấn của nhân viên, chúng tôi được giới thiệu sang địa chỉ 263 Thụy Khuê, nơi đặt trụ sở thẩm mỹ Thu Cúc và sẽ thực hiện phương pháp này.
Tại đây, PV được nhân viên tư vấn rất kỹ về quy trình và tác dụng của phương pháp PRP. Cũng theo nhân viên: “Nếu da bị sẹo lõm thì làm phương pháp lăn kim sẽ rất tốt, có nghĩa là vẫn lấy máu tự thân, sau đó tách huyết tương rồi lăn trên mặt”.
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn làm theo phương pháp quảng cáo trên mạng là lấy máu tiêm vào mặt thì nhân viên nói tiếp: “Còn tùy vào tình trạng da, da có sẹo lõm nhiều thì mình mới tiêm huyết tương…”. Như vậy, có thể thấy, khi đến đây được tư vấn lăn kim nhưng khách hàng muốn làm PRP thì vẫn làm và làm tại 263 Thụy Khuê? Thậm chí, nhân viên này khẳng định rõ: “Hai phương pháp này giống hệt nhau”.
“Phương pháp PRP an toàn 100%, không có tác dụng phụ vì nó là sản phẩm tự thân nên hợp với tình trạng da của mình”, đó là lời khẳng định chắc nịch của nhân viên tư vấn.
Trên website của thẩm mỹ Thu Cúc (http://thammythucuc.vn) cũng chỉ nói đến phương pháp PRP, quy trình và giá khi làm dịch vụ. Hoàn toàn không có lưu ý về những rủi ro khách hàng gặp phải khi làm phương pháp này. Thay vì đưa ra những lời cảnh báo về phương pháp PRP thì phần cuối trang web lại đưa ra những ý kiến của khách hàng đã từng làm dịch vụ này. Tất cả ý kiến khách hàng trên trang web đều tốt và hài lòng về dịch vụ.
Làm việc với chúng tôi, lãnh đạo bệnh viện Thu Cúc khẳng định rằng: “Quy định của bệnh viện không bao giờ nêu 100% an toàn, mọi thứ đều có xác suất, rủi ro. Còn phương pháp PRP chỉ có phương pháp lăn kim chứ không tiêm trên mặt, tiêm chỉ có ở bệnh viện Thu Cúc. Chúng tôi sẽ kiểm chứng lại lời nói của nhân viên…”
Về những vấn đề rủi ro không được khuyến cáo trên website, phía Thu Cúc lý giải: "Trên trang web chỉ thông tin dịch vụ, khi bắt đầu làm mới bắt đầu tư vấn trực tiếp cho khách, tất cả các trang khác cũng không ai nói đến tính rủi ro của nó cả...?!"
Vì sao nhân viên của thẩm mỹ viện Thu Cúc lại có những thiếu sót như vậy mà bệnh viện vẫn không hề hay biết? Có hay không việc thẩm mỹ viện Thu Cúc cố tình bỏ qua những rủi ro để bất chấp làm đẹp cho khách hàng?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin sự việc này.
PRP là phương pháp làm đẹp khá mới ở Việt Nam, chưa biết hiệu quả đến đâu nhưng việc làm đẹp này rõ ràng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây bệnh. Do đó, các chuyên gia huyết học khuyến cáo, người có nhu cầu làm đẹp không nên lạm dụng phương pháp này. TS. Lyndsey, Viện Nghiên cứu tế bào gốc, Đại học John Hopkins, nói rằng: “Chúng tôi có cơ sở để tin rằng, ứng dụng PRP vào việc làm đẹp có thể có những tác dụng ngược...”. Theo Viện Phẫu thuật Chấn thương chỉnh hình Mỹ (American Academy of Orthopaedic Surgery - AAOS), phương pháp PRP mới chỉ được dùng để điều trị chấn thương gân, chấn thương cột sống, viêm dây chằng mạn tính hoặc viêm khớp gối, thoái hóa khớp gối... Mặt khác, đây là một kỹ thuật điều trị có xâm lấn cơ thể nên dù bằng đường nào và với dụng cụ gì cũng có những nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Ngoài những yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ như tay nghề và chọn lựa chỉ định điều trị thì yếu tố quan trọng hàng đầu cho liệu pháp này là phải được tiến hành với điều kiện vô khuẩn tuyệt đối trong môi trường vệ sinh y tế tốt nhất. Điều kiện vệ sinh cơ sở và trang thiết bị là yếu tố cần phải lưu ý hàng đầu. Điều kiện vệ sinh y tế không tốt còn có thể gây ra sự lây nhiễm bệnh từ người này sang người khác, mà viêm gan, HIV... là những nguy cơ không hiếm gặp hiện nay. |
THANH THẢO
(Theo GĐ&XH)
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.