Thân nhân người có công được Nhà nước đóng BHYT
2016-09-13 15:46:58
0 Bình luận
Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội (LĐTB&XH) đã ban hành Thông tư số 25/2016/TT-BLĐTBXH, hướng dẫn xác định, quản lý đối tượng tham gia BHYT được Nhà nước đóng BHYT.
Ảnh minh họa |
Theo quy định tại thông tư này, thân nhân người có công, cựu chiến binh, cán bộ chiến sĩ CAND, QĐND tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong lực lượng... sẽ được Nhà nước đóng BHYT.
Theo quy định tại Thông tư 25, Nhà nước sẽ chi trả khoản kinh phí đóng BHYT cho các đối tượng là người có công với cách mạng theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; thân nhân của người có công với cách mạng bao gồm: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ trên 6 tuổi đến dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp hàng tháng.
Nhà nước cũng sẽ đóng BHYT cho con liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ 6 tuổi đến dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
Không chỉ người trực tiếp tham gia hoạt động kháng chiến, người phục vụ người có công với cách mạng cũng được Nhà nước đóng BHYT.
Cụ thể: Nhà nước sẽ chi trả kinh phí đóng BHYT cho người phục vụ Bà mẹ Việt Nam anh hùng sống ở gia đình; người phục vụ thương binh, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên sống ở gia đình; người phục vụ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên sống ở gia đình.
Các cựu chiến binh thuộc các đối tượng sau cũng sẽ được miễn đóng BHYT: Cựu chiến binh đã tham gia kháng chiến từ ngày 30/4/1975 trở về trước theo quy định tại Khoản 6, Điều 5, Nghị định số 150/2006/NĐ-CP của Chính phủ; người được hưởng chính sách theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg và Quyết định số 188/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; cán bộ, chiến sĩ CAND, QĐND tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong ngành đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương; thanh niên xung phong; dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc...
Nguyên tắc xác định, quản lý đối tượng tham gia BHYT quy định tại Thông tư 25 khá chặt chẽ để tránh việc các cá nhân, tổ chức lợi dụng làm khống hồ sơ để rút tiền ngân sách. Cụ thể, người tham gia BHYT theo quy định của Thông tư 25 thuộc đối tượng nào thì xác định theo đối tượng đó. Đối với người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì chỉ xác định theo một loại đối tượng theo quy định của Luật BHYT.
Đặc biệt, khi xác định đối tượng tham gia BHYT phải bảo đảm đủ căn cứ, đúng các quy định của pháp luật hiện hành.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Theo daidoanket.vn