Thanh Hoá: Công trình xây dựng 'quên' người khuyết tật
Một trạm y tế cấp xã không có đường tiếp cận cho người khuyết tật
Nhiều công trình khảo sát không có đường cho NKT
Luật NKT (có hiệu lực từ năm 2011) và quyết định của Thủ tướng về đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020 quy định: đến năm 2020, 100% công trình, gồm: trụ sở cơ quan nhà nước, nhà ga, bến xe, bến tàu, cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở giáo dục - dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục thể thao, nhà chung cư,… phải bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với NKT.
Tuy nhiên, theo ghi nhận tại tỉnh Thanh Hóa, rất nhiều nơi, nhiều công trình từ cấp xã cho đến cấp tỉnh không có hạng mục cho NKT tiếp cận; cũng chưa quy định rõ việc xử lý trách nhiệm đối với đơn vị, địa phương không thực hiện nghiêm luật NKT.
Khảo sát một số công trình UBND cấp xã, trạm y tế cấp xã và thậm chí nhiều công sở cấp huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cho thấy, các cơ quan, đơn vị kể trên chủ yếu làm bậc tam cấp, ngũ cấp vào các phòng, ban, không có lối đi riêng cho NKT theo quy định. Đơn cử, trụ sở UBND TT.Tân Phong (H.Quảng Xương, Thanh Hóa), cửa chính vào các phòng có thiết kế các bậc tam cấp, không có lối đi riêng phù hợp cho NKT.
Thực tế này cũng đã được Hội Bảo trợ NKT - Trẻ em mồ côi tỉnh Thanh Hóa chỉ ra khi khảo sát, kiểm tra (năm 2019) đối với 1.242 công trình từ cấp xã đến cấp huyện trên địa bàn Thanh Hóa. Tại H.Lang Chánh (Thanh Hóa), khi khảo sát trụ sở UBND huyện này và 5 công trình cấp huyện khác, đều không có đường cho NKT; hoặc ở xã Tân Phúc (H.Lang Chánh), khảo sát 8 công trình cấp xã thì cả 8 không có đường cho NKT.
Trao đổi với PV, ông Lê Hồng Lương, Chủ tịch Hội NKT - Trẻ em mồ côi tỉnh Thanh Hóa, liên tục nhắc lại “nhiều cơ quan, đơn vị không thực hiện nghiêm luật NKT”. Cũng vì thế, ông Lương cho rằng, chưa có sự quan tâm đúng mức, bình đẳng với NKT khi xây dựng, hoặc sửa chữa công trình. “Năm 2019, chúng tôi đi trực tiếp khảo sát 1.242 công trình ở các địa phương khác nhau, chỉ có 186 công trình (khoảng 15%) có đường tiếp cận cho NKT, còn lại 1.056 công trình (chiếm khoảng 85%) không có đường cho NKT. Như vậy, các địa phương đã không thực hiện nghiêm luật, quy định. Thực trạng này tồn tại nhiều năm, Hội đã nhiều lần có văn bản kiến nghị với các ngành, các cấp, nhưng cũng chưa được quan tâm đúng mức”, ông Lương nói.
Cũng theo ông Lương, nguyên nhân các đơn vị, địa phương thực hiện không nghiêm luật là chưa có quy định bắt buộc trong quá trình thẩm định, phê duyệt các công trình xây dựng. “Mấu chốt của vấn đề là cơ quan tham mưu, thẩm định, phê duyệt dự án không nghiêm, chứ nếu khi thẩm định, phê duyệt thiết kế mà bắt buộc phải có công trình tiếp cận cho NKT, thì sẽ không có tình trạng trên”, ông Lương nói.
Thiếu chế tài
Ông Lê Ngọc Hà, Trưởng phòng Quản lý hoạt động xây dựng (Sở Xây dựng Thanh Hóa), cho biết những năm qua, Sở Xây dựng đều có văn bản triển khai, hướng dẫn các quy định công trình tiếp cận cho NKT xuống các địa phương, đơn vị. “Việc thẩm định dự án đã được phân cấp, Sở Xây dựng thẩm định các dự án cấp tỉnh và chúng tôi luôn thực hiện đầy đủ theo quy định; còn các công trình cấp xã, cấp huyện thì đơn vị các cấp chịu trách nhiệm”, ông Hà nói.
Khi được hỏi về việc xử lý vi phạm và khắc phục tình trạng công trình không có hạng mục cho NKT tiếp cận, ông Hà cho biết, trong kế hoạch trợ giúp NKT giai đoạn 2013 - 2020 của UBND tỉnh Thanh Hóa không quy định về nội dung xử lý các đơn vị vi phạm, các đơn vị không thực hiện nghiêm luật NKT.
“Vừa rồi, Sở đã có văn bản đề nghị Sở LĐ-TB-XH Thanh Hóa tham mưu cho UBND tỉnh về việc nghiêm khắc xử lý các đơn vị vi phạm, đặc biệt là giai đoạn 2021 - 2030. Đồng thời, thời gian tới, Sở cũng sẽ phối hợp tích cực hơn với các đơn vị, địa phương để kiểm tra công tác quản lý chất lượng, nghiệm thu công trình, nhằm phát hiện, kiến nghị bổ sung hoặc xử lý những công trình không đảm bảo tiếp cận cho NKT”, ông Hà khẳng định.
Được biết, hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 217.000 NKT, trong khi thực tế các công trình phúc lợi xã hội, công trình công cộng ở hầu hết các địa phương còn chưa đảm bảo điều kiện cho NKT tiếp cận, khiến cho khả năng tiếp cận các dịch vụ, nhu cầu của NKT bị hạn chế.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.