Thanh Hóa: Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng

2020-08-10 11:16:16 0 Bình luận
Ưu đãi người có công với cách mạng là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, thể hiện truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự ghi nhận, tôn vinh của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với những cống hiến to lớn của các thế hệ cha anh trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, giải phóng dân tộc. Đồng thời, giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng, ý thức rèn luyện, phấn đấu vươn lên để cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ những giá trị tốt đẹp, những thành quả to lớn mà các thế hệ trước đã dày công gìn giữ.

Với truyền thống yêu nước và cách mạng, các thế hệ người dân Thanh Hóa luôn cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, anh dũng, quật cường trong chiến đấu, lập nên nhiều chiến công hiển hách trong lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc ta. Trong những năm tháng ác liệt của các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, tỉnh Thanh Hóa đã làm tròn trách nhiệm của “hậu phương lớn”, huy động cao nhất sức người, sức của cho kháng chiến. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng và Bác Hồ kính yêu, với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, hàng vạn người con thân yêu của quê hương Thanh Hóa đã lên đường nhập ngũ, xung phong tham gia phục vụ hoả tuyến, nhiều người đã anh dũng hy sinh, hiến trọn đời mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Hòa bình lập lại, non sông thu về một mối, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã tích cực, nỗ lực cùng với cả nước tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh; tích cực thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và tổ chức vận động toàn dân tham gia hưởng ứng các phong trào “Ðền ơn đáp nghĩa”. Toàn tỉnh hiện đang quản lý 329.824 người có công, trong đó: 4.573 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hiện có 128 Mẹ còn sống; hơn 56.000 liệt sĩ; gần 46.000 thương binh; hơn 16.000 bệnh binh; hơn 18.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiếm chất độc hóa học và có trên 200.000 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và làm nhiệm vụ quốc tế. Toàn tỉnh hiện đang chi trả trợ cấp thường xuyên cho hơn 74.000 đối tượng người có công và thân nhân, với tổng kinh phí gần 140 tỷ đồng/tháng.

Tặng quà và chúc Tết Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Ình thôn Chính Hảo, xã Quảng Đông.

Thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, trong 02 năm (2018-2019), các cấp, các ngành trong tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ, đề nghị Đảng, Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho 46 mẹ; tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, xét duyệt và giải quyết chế độ, chính sách mới cho 673 người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, thiết lập hồ sơ theo quy định và đề nghị công nhận 42 trường hợp là liệt sĩ, 52 trường hợp được xác nhận là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; xét duyệt và chi trả trợ cấp cho 4.713 người được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen trong kháng chiến; thực hiện chế độ tuất, mai táng phí, ưu đãi học sinh, sinh viên đối với 5.118 thân nhân người có công; tiếp nhận và di chuyển 782 hồ sơ người có công; ban hành quyết định trợ cấp thờ cúng liệt sĩ đối với 82.268 lượt người; trình Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp đổi Bằng Tổ quốc ghi công cho 1.961 liệt sĩ. Hằng năm, có hơn 100.000 người có công và thân nhân được thăm hỏi, tặng quà nhân dịp tết Nguyên đán và kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ; gần 15.500 lượt người có công với cách mạng được điều dưỡng, chăm sóc sức khoẻ và 100% người có công và thân nhân người có công được cấp thẻ Bảo hiểm y tế theo quy định.

Cùng với việc thực hiện các chính sách ưu đãi của Ðảng và Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, các đơn vị quân đội, công an, doanh nghiệp và các cá nhân trong và ngoài tỉnh đã tích cực tham gia các phong trào “Ðền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, như: xây nhà tình nghĩa, lập Quỹ Ðền ơn đáp nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, ổn định đời sống thương binh, bệnh binh nặng, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ v.v... Trong 2 năm (2018-2019) đã huy động sự đóng góp của Nhân dân được hơn 38 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng mới 338 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa 555 nhà ở và tặng 408 sổ tiết kiệm cho người có công với cách mạng; 100% Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống trên địa bàn tỉnh đã được các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời.

Cuối năm 2019, toàn tỉnh còn 666 hộ nghèo có thành viên là người có công có công với cách mạng. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, đến quý II năm 2020, toàn tỉnh đã có 354 hộ thoát nghèo, đạt 53,15% kế hoạch; phấn đấu đến hết năm 2020, 100% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú và không còn hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng.

Ngoài chế độ trợ cấp, phụ cấp, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh cũng quan tâm chăm lo người có công bằng các chính sách ưu đãi cụ thể, như chăm sóc sức khỏe, ưu tiên giao đất sản xuất, hỗ trợ cải thiện về nhà ở, đất ở, các chương trình dạy nghề, tạo việc làm; thực hiện chính sách về giáo dục, đào tạo; nâng cấp, mở rộng hệ thống cơ sở dịch vụ và sự nghiệp phục vụ thương binh; đẩy mạnh tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ; xây dựng và tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, tạo điều kiện thuận lợi để gia đình liệt sĩ thăm viếng phần mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang v.v… Những việc làm đầy trách nhiệm và nghĩa tình đó được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của toàn xã hội, trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong đời sống văn hóa, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao tinh thần yêu nước, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân văn sâu sắc.

Dâng hương tại Nghĩa trang Quốc tế Đồng Tâm, Bá Thước.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chăm sóc người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trong thời gian tới, chính quyền các cấp, các địa phương cần tiếp tục tập trung triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây:

Một là, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; tích cực, chủ động tham gia nghiên cứu, tổng hợp những bất cập, hạn chế trong việc tổ chức triển khai thực hiện các quy định về chính sách đối với người có công để kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương điều chỉnh kịp thời.

Hai là, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, bảo đảm thiết thực, sâu rộng, hiệu quả; huy động sự tham gia của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc xây dựng và phát triển Quỹ “Ðền ơn đáp nghĩa”. Thường xuyên quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người có công, kiến nghị cấp ủy và cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan, bảo đảm quyền lợi của người có công với cách mạng.

Gặp mặt đại biểu người có công tiêu biểu nhâm Kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ.

Ba là, tiếp tục rà soát, xem xét, giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường sự phối hợp hiệu quả giữa các cấp, các ngành và địa phương trong thực hiện công tác người có công với cách mạng.

Bốn là, quan tâm thực hiện tốt công tác tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ; đẩy mạnh tìm kiếm, xác định danh tính liệt sĩ, quy tập hài cốt liệt sĩ, kịp thời thông báo và tạo điều kiện thuận lợi để thân nhân liệt sĩ đến thăm viếng.

Năm là, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức, trách nhiệm của những người thực hiện công tác người có công; thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm trong thực hiện luật pháp, chính sách đối với người có công với cách mạng.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Hà Giang: Phát hiện, xử lý 2.125 học sinh vi phạm luật giao thông trong 1 tháng cao điểm

Trong tháng 10, Lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hà Giang đã phát hiện, xử lý 2.125 trường hợp học sinh vi phạm luật giao thông trên địa bàn tỉnh.
2024-11-06 23:08:31

VPBank lần thứ 6 liên tiếp lọt Top 20 doanh nghiệp có điểm ESG cao nhất rổ VNSI

VPBank lần thứ 6 liên tiếp lọt Top 20 doanh nghiệp có điểm số Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) cao nhất trong rổ Chỉ số Phát triển Bền vững (VNSI) của Sở giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSX), đồng thời nằm trong Top 5 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường trong năm 2024.
2024-11-06 18:00:37

Đánh giá chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp cho thương binh và cựu chiến binh tại Việt Nam hiện nay

Trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, vai trò của các doanh nhân, doanh nghiệp thương binh và cựu chiến binh không chỉ là thúc đẩy nền kinh tế mà còn khẳng định giá trị nhân văn và trách nhiệm xã hội sâu sắc. Những doanh nghiệp này thể hiện ý chí kiên cường của những người đã từng xông pha chiến trận, vượt qua mọi thử thách để tiếp tục cống hiến cho Tổ quốc trong thời bình.
2024-11-06 14:00:00

Hải Phòng hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho người hoàn thành nghĩa vụ quân sự

Sáng 6/11, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Hải Phòng tổ chức hội nghị về các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp đối với quân nhân sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương.
2024-11-06 13:53:15

Ngày Việt Nam ở nước ngoài 2024: Cùng 1 dịp ở 2 châu lục

Với hai sự kiện được tổ chức ở Brazil và Saudi Arabia, chương trình “Ngày Việt Nam ở nước ngoài” do Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức sẽ tiếp tục tăng cường sự hiện diện của Việt Nam trên bản đồ thế giới.
2024-11-06 11:55:00

Vietcombank, Vietinbank, BIDV, HDBank.. được vinh danh Thương hiệu Quốc gia

Tại Lễ Công bố sản phẩm và dịch vụ đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2024 với chủ đề “Tiến vào Kỷ nguyên xanh” diễn ra ở Hà Nội ngày 4/11/2024, các ngân hàng hàng đầu của Việt Nam như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, HDBank… đã được vinh danh là Thương hiệu Quốc gia.
2024-11-06 11:10:15
Đang tải...