Thầy tôi
Thấy tôi đến, hai con chó nhỏ chạy ra chạy vào sủa vang. Như hồi còn dạy chúng tôi, thầy vẫn giữ thói quen nuôi động vật để vui cửa vui nhà. Đón chúng tôi vào nhà, một cụ già tóc bạc nhưng vẫn còn nhanh nhẹn khỏe mạnh, đó chính là vợ cùa thầy giáo Đỗ Văn Trinh - cụ cũng là giáo viên nghỉ hưu, năm nay đã gần 80 tuổi.
Cụ vừa dẫn tôi vào nhà, cửa mở, điện bật sáng, tôi ngỡ ngàng nhìn lên chiếc giường kê ở gian bên, một cụ già nằm trên chiếc đệm, thân hình gầy guộc, đôi mắt to tròn và vầng trán rộng ánh lên dưới ánh sáng điện. Tôi nhận ra ngay đó là thầy giáo Đỗ Văn Trinh - thầy giáo cũ của tôi.
Thầy giáo Đỗ Văn Trinh
Tôi nhẹ nhàng ngồi xuống cạnh giường thầy đang nằm, hai bàn tay tôi nắm vuốt nhẹ bàn tay thầy. Ánh mắt thầy sáng lên và đôi môi mấp máy. Thầy đã nhận ra tôi, cậu học trò cũ năm nào. Tôi xúc động bồi hồi, thầy giáo tôi ốm yếu nhanh quá ! Mới chỉ cách đây mấy tháng, tôi mới đến thăm thầy, thầy vẫn còn đi lại nhẹ nhàng được và ngồi tiếp chuyện chúng tôi. Thế mà giờ đây căn bệnh cao huyết áp cộng với bệnh tiểu đường làm thầy giáo tôi suy sụp nhanh đến vậy.
Hai bàn tay gầy guộc của thầy động đậy, thầy ra hiệu mời tôi uống nước. Tôi lặng lẽ gật đầu và vẫn nắm chặt tay thầy không muốn rời ra để tận hưởng những giây phút ấm áp tình thầy trò thủa nào. Bất giác, bao nhiêu kỷ niệm cũ năm nào cứ lần lượt hiện về trong tôi.
Ngày ấy đất nước ta còn nhiều khó khăn, cả xã chỉ có vài người có xe máy. Việc đi lại chủ yếu là đi xe đạp hoặc đi bộ kể cả khi có công việc xa 30 - 40 km. Quê tôi làm nông nghiệp là chính, lúa cấy một vụ mùa năng suất 70 - 80 kg/ sào. Gặt xong đất bỏ hoang đến tận vụ mùa năm sau, đến tháng 2, tháng 3 âm lịch cả làng ai cũng mang rổ rá ra đồng ngồi vặt từng nhánh cây rau lùng khúc mang về rửa, giã, trộn loáng thoáng vài hạt gạo làm bánh hấp lên ăn qua ngày.
Cả xã tôi ngày ấy chỉ có vài người học Trung học phổ thông và thầy giáo dạy tôi chính là thầy Đỗ Văn Trinh. Thầy tôi lớn hơn tôi 25 tuổi. Thầy dạy ngay trường làng. Lớp học của chúng tôi lợp bằng ngói, tường đắp vắt bằng đất, trát vôi, tấm bảng ghép bằng gỗ hở toang hoác, mấy chiếc bàn gỗ kê xộc xệch, ghế ngồi là những chiếc băng đặt trên nền đất mấp mô, chỉ cần vô ý là đổ vào chân các bạn khác, rất nguy hiểm.
Tôi cũng chẳng biết lúc ấy thầy giáo có lương không nhưng tôi chỉ thấy thầy khác với mọi người là sáng lên lớp thầy ăn mặc gọn gàng, sạch sẽ và nói năng đàng hoàng, giõng dạc, thầy như “ Người lái đò” cần mẫn chở hết đợt khách này đến đợt khách khác qua sông. Chiều chiều, thầy vẫn đi cày cuốc như những người nông dân khác. Mỗi khi làng có việc, các cụ trong làng phải đến nhờ thầy giúp đỡ, thầy còn viết giúp những lời tựa cho những đêm diễn văn nghệ của làng.
Nhớ lại những năm được học thầy, thầy luôn là người thầy tuyệt vời nhất. Thầy quan tâm tới học sinh, biết cuộc sống của chúng tôi khó khăn, thầy động viên an ủi. Thầy luôn giảng giải, hướng dẫn cặn kẽ khi chúng tôi gặp bài khó. Cũng chính vì lý do ấy mà tôi thấy yêu môn Toán, yêu thầy hơn và không bao giờ ngại học.
Tôi và thầy có rất nhiều kỷ niệm, nhưng có lẽ kỷ niệm mà tôi luôn khắc ghi đó là năm tôi học lớp 4. Ngày ấy cuộc sống khó khăn thiếu thốn vô cùng, một lần tôi đi học, do bị mệt nên tôi nhịn ăn sáng mà bữa sáng của tôi ngày ấy chẳng có gì ngoài cơm trộn sắn nhưng có bữa ăn sáng như thế cũng đã là xa xỉ với bọn tôi bấy giờ. Đến lớp, học được một lúc tôi thấy hoa mắt chóng mặt và thiếp đi lúc nào không hay, khi tỉnh lại tôi thấy mình đang ở nhà thầy, vô cùng hoảng hốt và sợ hãi đang định bật dậy khỏi giường thì thầy đã tiến lại, thầy bảo tôi cứ ngồi dậy từ từ. Tôi hỏi thầy: “Tại sao em lại ở đây”? Thầy cười hiền từ và bảo tôi: “Chắc sáng nay đi học em không ăn sáng hả”. Vừa nói thầy vừa đưa cho tôi bát cháo và bảo ăn đi cho lại sức. Tôi chỉ dám cúi đầu bưng bát cháo ngập ngừng. Thấy vậy, thầy tiếp lời: “ Em không phải ngại, hãy ráng ăn hết cháo xong nằm nghỉ một lát rồi thầy sẽ đưa về nhà”. Tôi vâng lời thầy và ăn một cách ngon lành.
Năm tháng dần trôi đi, tôi cũng học xong phổ thông cơ sở (tên cấp học của tôi ngày ấy). Chia tay thầy, chia tay mái trường để theo học cấp 3, cũng từ đấy chúng tôi ít được gặp thầy. Mặc dù vậy, nhưng tôi vẫn luôn nhớ tới thầy, một người thầy đáng kính. Mỗi dịp nghỉ lễ, có thời gian tôi vẫn rủ các bạn đến thăm thầy, được ngồi trò chuyện với thầy chúng tôi thấy vui lắm. Thầy chính là ngọn lửa thắp sáng trong tôi ước mơ trở thành giáo viên, tiếp nối nghề cao quý mà thầy đã đi.
Sau khi học xong Trung học phổ thông, tôi quyết định đăng ký thi vào trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây (tên trường tôi học ngày ấy) với ước mơ trở thành một nhà giáo và niềm mơ ước ấy đã thành hiện thực. Trong suốt thời gian học tập, tôi luôn cố gắng và mong sau này được trở về quê hương công tác, tiếp bước con đường sự nghiệp của thầy.
Thời gian thấm thoắt trôi đi thật nhanh, sau ba năm học, tôi tốt nghiệp ra trường và được nhận công tác tại quê nhà, đó cũng là lúc thầy được nghỉ hưu. Gặp lại thầy, tôi thấy thầy già đi nhiều. Nhưng ánh mắt, lời nói, nụ cười của thầy vẫn như ngày nào, luôn ẩn chứa tình yêu thương đối với học trò chúng tôi.
Đất nước đổi thay từng ngày, kinh tế mở mang hội nhập phát triển. Thầy chính là người lái đò cần mẫn chở hết đợt khách này đến đợt khách khác qua sông, tiếp nối kiến thức cho nhiều thế hệ. Chúng tôi, những thế hệ học trò, tiếp bước con đường của thầy, nguyện phấn đấu rèn luyện, cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người. Luôn ghi nhớ những công ơn, tình cảm mà thầy đã giành cho suốt những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường cũng như tháng ngày đứng trên bục giảng.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.