Thị trường bất động sản biến động ra sao trong thời gian tới?
Đầu tháng 4, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng yêu cầu triển khai, thực hiện nghiêm một số vấn đề để đảm bảo an toàn hoạt động. Đặc biệt, yêu cầu thực hiện kiểm soát các khoản cấp tín dụng với lĩnh vực rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… Thực hiện chỉ thị, một số ngân hàng đã thông báo dừng cho vay bất động sản.
Theo Nhịp sống Việt, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc chi nhánh TP. HCM, Batdongsan.com.vn chia sẻ, việc c siết tín dụng vào bất động sản tác động mạnh đến thị trường. Đây là chính sách kịp thời để hạ nhiệt nhanh cả nguồn cung và cầu, giúp thị trường cân bằng hơn.
Ông Tuấn phân tích, thị trường bất động sản hiện nay đang có tình trạng lệch pha cung cầu. Trong khi nhiều người có nhu cầu thực sự nhưng không tìm được bất động sản phù hợp, thì các nhóm đầu cơ lại đang sử dụng các đòn bẩy tài chính và những nguồn vốn vay khác để mua bất động sản cho mục đích đầu tư. Lúc này, việc siết chặt nguồn vốn đầu vào sẽ có tác động ngay lập tức đối với thị trường, làm nhu cầu mua giảm xuống, đặc biệt là nhóm đầu cơ. Ông nhận định, thời gian tới thị trường bất động sản sẽ hạ nhiệt nhanh chóng.
Dân trí dẫn phát biểu của ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) tại buổi toạ đàm "Kiểm soát nguồn vốn vào bất động sản: Chính sách và tác động": Các ngân hàng thương mại dừng cho vay tín dụng bất động sản dẫn đến khó khăn cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng, bởi đây là "bà đỡ" cho các doanh nghiệp bất động sản trong giai đoạn triển khai thực hiện dự án bất động sản để đến giai đoạn triển khai thu hút vốn của khách hàng.
"Nhà nước không nên thắt chặt thị trường bất động sản mà nên kiểm soát cho vay đối với các doanh nghiệp, đối tượng vay và sử dụng vốn vay đúng mục đích", ông Châu nói.
Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho rằng, hiện Nhà nước đã quy định có gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng, phần lớn tập trung cho lĩnh vực kết cấu hạ tầng. Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm các nước lân cận đang làm là hỗ trợ tín dụng cho thị trường bất động sản, cấp tín dụng cho chủ đầu tư bất động sản, cấp tín dụng cho đối tượng người dân, các nhà đầu tư thứ cấp.
Cũng theo Dân trí, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng: Trong chính sách với bất động sản - đặc biệt là yếu tố tín dụng bất động sản - cần phải tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, tránh để tác động thái quá và tạo nên phản ứng dây chuyền. Nếu siết nguồn vốn vào thị trường này bao gồm cả tín dụng ngân hàng lẫn huy động từ trái phiếu, cổ phiếu một cách cực đoan theo kiểu "kiềng canh nóng, thổi rau nguội" thì khó tránh khỏi các bên đều thiệt hại, từ doanh nghiệp, ngân hàng cho đến người mua.
Do vậy, việc "siết tín dụng" cần phải hiểu theo hướng sàng lọc cho vay, phải xem xét giải ngân dựa trên từng điều kiện của ngân hàng, dự án và phân khúc/đối tượng mua. Đồng thời, việc cung ứng tín dụng cũng cần tính toán ở mức hợp lý để đảm bảo quyền lợi cho những người có nhu cầu thực về nhà ở, trong đó, quan trọng hơn cả là xác định người mua nhà lần đầu và hỗ trợ về lãi suất phù hợp.
Bởi không một doanh nghiệp, thị trường nào phát triển mà không cần đến vốn, điểm mấu chốt chính là đảm bảo dòng vốn chảy đúng hướng, sử dụng đúng mục đích, hoàn toàn khác với việc đóng sập cánh cửa tín dụng với bất động sản.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.