Thông tin kinh tế tài chính ngày 11/6/2021: Gia hạn 21.000 tỷ đồng thuế cho đối tượng, doanh nghiệp nào?
Dự báo giá vàng 11/6: Có thể giảm phiên thứ 3 liên tiếp?
Giá vàng SJC hôm qua (10/6) lại quay đầu tăng vào cuối phiên trong khoảng 50.000 - 150.000 đồng/lượng tại hầu hết các hệ thống cửa hàng kinh doanh được khảo sát vào lúc 18h10.
Cụ thể, tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn và Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận, giá vàng SJC đồng loạt tăng 150.000 đồng/lượng theo cả hai chiều mua bán.
Tại Tập đoàn Doji và Bảo Tín Minh Châu, vàng SJC cuối phiên cùng điều chỉnh tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Còn tại Tập đoàn Phú Quý, giá vàng trong nước điều chỉnh tăng lần lượt 130.000 đồng/lượng chiều mua, còn chiều bán nhích thêm 50.000 đồng/lượng.
Trên thế giới trong phiên giao dịch chiều ngày 10/6, giá vàng giao ngay giảm 0,75% xuống 1.873,2 USD/ounce vào lúc 19h10 (giờ Việt Nam), theo Kitco. Giá vàng giao tháng 8 giảm 0.95% xuống 1.877,85 USD/ounce.
Giá vàng tiếp tục giảm trong phiên giao dịch chiều muộn ngày thứ Năm (10/6) vì đồng USD phục hồi.
Tại thời điểm khảo sát, chỉ số USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền đối thủ khác trong rổ tiền tệ, tăng 0,06% lên 90,17. Đồng USD mạnh khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua bằng ngoại tệ khác.
Jigar Trivedi, chuyên gia phân tích hàng hóa tại Anand Rathi Shares, cho biết thị trường đang ở chế độ chờ và theo chỉ số CPI của Mỹ và kết quả cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
“Nếu dữ liệu CPI có xu hướng tăng cao hơn, nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới vàng khi thị trường thảo luận nhiều hơn về việc thu hồi các chính sách hỗ trợ nền kinh tế, và mối quan tâm rời sang phần vấn đáp trong cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào tuần tới.
Cho thấy tâm lý lạc quan của thị trường, lượng vàng nắm giữ tại quỹ SPDR Gold Trust, quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới, đã tăng 0,6% vào thứ Tư (9/6), theo Reuters.
Vàng trong nước thường biến động theo xu hướng giá vàng thế giới, vì vậy, giá vàng SJC có thể giảm phiên thứ ba liên tiếp trong phiên giao dịch sáng nay (11/6).
Góc nhìn kỹ thuật giao dịch chứng khoán ngày 11/6: Thị trường cần tích lũy thêm.
VN-Index tạo cây nến giảm điểm Bearish Harami đi kèm khối lượng suy giảm cho thấy dòng tiền bên ngoài cũng vẫn chưa quay trở lại. Thị trường tiếp tục giảm trở lại từ vùng kháng cự MA(10) và có lẽ cần tích lũy thêm hoặc dòng tiền đột biến trở lại để tăng giá.
Các chuyên gia Asean Securities nhận định rằng về kỹ thuật, đồ thị ngày VN-Index xuất hiện cây nến đỏ dài dạng ‘Spinning top’, với giá đóng cửa nằm dưới các đường trung bình động ngắn hạn MA5 ngày và MA10 ngày là tín hiệu khá tiêu cực.
Điều này cho thấy bên bán đang tạm thời chiếm ưu thế, và xu hướng ngắn hạn của thị trường đang trở nên xấu đi.
Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS.
Cùng quan điểm đó các chuyên gia của CTCK Tân Việt – TVSI nhận định rằng đà giảm điểm trở lại hôm nay vẫn chủ yếu là do tác động của nhóm ngân hàng nhưng khá tích cực khi biên độ giảm đã thu hẹp.
VN-Index tạo cây nến giảm điểm Bearish Harami đi kèm khối lượng suy giảm cho thấy dòng tiền bên ngoài cũng vẫn chưa dám quay trở lại. Thị trường tiếp tục giảm trở lại từ vùng kháng cự MA(10) và có lẽ cần tích lũy thêm hoặc dòng tiền đột biến trở lại để tăng giá.
Nếu đà giảm tiếp tục, VN-Index có thể sẽ kiểm tra lại hỗ trợ mạnh vùng 1.305-1.310 điểm để tạo đáy 2 trước khi tăng tốt trở lại. Vùng giá quanh 1.372-1.375 điểm tạm thời là vùng đỉnh ngắn hạn.
Bộ Tài chính chỉ đạo thanh tra gấp HoSE
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, Thanh tra Bộ Tài chính ngày 10/6 ký quyết định thanh tra hành chính tại Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE). Dựa vào tình hình dịch bệnh Covid-19, đoàn thanh tra sẽ có kế hoạch làm việc cụ thể với HoSE.
Việc thanh tra được thực hiện trong bối cảnh hệ thống giao dịch chứng khoán trong nửa năm qua thường xuyên trong tình trạng bất ổn. Tình trạng nghẽn, chậm phản hồi lệnh đẩy nhiều nhà đầu tư vào những rủi ro khó lường.
Dù vậy, thanh khoản vẫn không ngừng tăng. Giá trị giao dịch mỗi phiên trên sàn HoSE đang dao động quanh 25.000-30.000 tỷ đồng, tăng hơn 10 lần so với đầu năm 2020 – khi dịch chưa bùng phát tại Việt Nam. Hệ thống giao dịch của HoSE khoảng một tháng trở lại đây thường xuyên "treo" 30-90 phút khiến nhà đầu tư giận dữ vì giao dịch một cách mù mờ, thiếu thông tin.
Bên ngoài Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM.Ảnh: Phương Đông.
Cá biệt phiên giao dịch đầu tháng 6, khi lượng lệnh lớn ồ ạt đổ vào thị trường và đẩy thanh khoản lên trên 21.700 tỷ đồng trong buổi sáng, HoSE phải ra quyết định tạm dừng giao dịch buổi chiều để ngăn chặn sự cố. HoSE nhiều lần đề xuất giải pháp nâng lô giao dịch từ 10 lên 100, sau đó từ 100 lên 1.000 (nhưng không thực hiện), chuyển niêm yết một số doanh nghiệp ra sàn Hà Nội và tạm dừng tính năng huỷ, sửa lệnh.
Đỉnh điểm, nhiều nhà đầu tư đồng loạt phản ứng sau khi nhiều công ty chứng khoán không cho sửa, huỷ lệnh trên sàn HoSE từ 2/6 nhằm hạn chế tình trạng quá tải hệ thống. Sau đó một tuần, các công ty đã thông báo mở lại tính năng này nhưng một số đơn vị vẫn giới hạn vào khung giờ cao điểm.
Tỷ giá ngoại tệ ngày 11/6/2021: USD thế giới “lao dốc” sau khi dữ liệu lạm phát của Mỹ được công bố
USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác, đạt 90,050 ghi nhận lúc 7h15 (giờ Việt Nam).
Tỷ giá Euro so với USD tăng 0,06% lên 1,2176. Tỷ giá đồng Bảng Anh so với USD tăng 0,02% lên 1,4177. Tỷ giá USD so với Yên Nhật tăng 0,07% lên 109,38.
ECB đã nâng cao quan điểm tăng trưởng và lạm phát nhưng cam kết sẽ tiếp tục duy trì chương trình kích thích mạnh mẽ vì lo ngại rằng việc cắt giảm hỗ trợ hiện tại sẽ đẩy nhanh sự gia tăng về chi phí đi vay và cản trở sự phục hồi kinh tế.
Tỷ giá ngoại tệ ngày 11/6/2021: USD thế giới “lao dốc” sau khi dữ liệu lạm phát của Mỹ được công bố
Trong khi đó, báo cáo cho thấy số lượng người Mỹ nộp đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 15 tháng, trong khi giá tiêu dùng tiếp tục tăng trong tháng 5 khi nhu cầu trong nước được thúc đẩy sau đại dịch.
Sau gần một tuần thị trường tiền tệ bình ổn do giới giao dịch có tâm lý chờ đợi, các tin tức trên đã phần nào tạo ra hướng đi mới cho cho các đồng tiền chủ chốt.
Cập nhật đầu sáng nay (11/6) tỷ giá USD/VND ở một số ngân hàng phổ biến ở quanh mức: 22.840 đồng/USD và 23.040 đồng/USD.
Vietcombank niêm yết tỷ giá ở mức: 22.840 đồng/USD và 23.040 đồng/USD. Vietinbank: 22.846 đồng/USD và 23.046 đồng/USD. ACB: 22.870 đồng/USD và 23.060 đồng/USD.
Tỷ giá Euro đứng ở mức: 27.345 đồng (mua) và 28.486 (bán). Tỷ giá Bảng Anh: 31.885 đồng (mua) và 32.884 đồng (bán). Tỷ giá Yên Nhật ở mức 205,2 đồng (mua vào) và 213,8 đồng (bán ra). Nhân dân tệ được mua vào ở mức: 3.556 đồng và bán ra ở mức 3.668 đồng.
Trên thị trường "chợ đen", đồng USD được giao dịch ở mức 23.120 - 23.160 đồng/USD.
Thị trường ngày 11/6: Giá dầu cao nhất trong hơn 2 năm, vàng và quặng sắt đồng loạt tăng
Kết thúc phiên giao dịch đêm qua giá dầu đóng cửa ở mức cao nhất trong hơn 2 năm do dự đoán nhu cầu tăng, vàng, quặng sắt tăng trong khi đồng, dầu thô, đường giảm giá.
Dầu đạt mức cao nhất 2 năm do dự đoán nhu cầu tăng.
Giá dầu tăng lên mức cao nhất trong hơn 2 năm do lạc quan với nhu cầu kinh tế mạnh, sau tuyên bố thất nghiệp mới của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất kể từ làn sóng Covid-19 đầu tiên của nước này trong năm ngoái.
Thị trường thoát khỏi sự sụt giảm một thời gian ngắn sau khi các báo cáo truyền thông cho thấy Mỹ đã dỡ bỏ trừng phạt đối với các quan chức dầu mỏ Iran. Một quan chức Mỹ nói với Reuters rằng hoạt động này là thông lệ và không liên quan đến các cuộc đàm phán với Iran về việc khôi phục thỏa thuận hạn chế phát triển vũ khí hạt nhân năm 2015.
Chốt phiên 10/6, dầu thô Brent tăng 30 US cent hay 0,4% lên 72,52 USD/thùng, đóng cửa cao nhất kể từ tháng 5/2019, trong khi dầu WTI của Mỹ tăng 33 US cent hay 0,5% lên 70,29 USD/thùng, đóng cửa cao nhất kể từ tháng 10/2018.
Số lượng người Mỹ xin trợ cấp thất nghiệp mới giảm trong tuần trước xuống mức thấp nhất trong gần 15 tháng trong khi giá tiêu dùng tăng vững trong tháng 5.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ cho biết nhu cầu dầu sẽ tăng 6,6% hay 5,95 triệu thùng/ngày trong năm nay. Dự báo trong tháng này không đổi tháng thứ hai liên tiếp.
Thị trường này được định giá tương đối nghiêm ngặt và đợt giảm giá giữa phiên qua cho thấy những gì có thể xảy ra nếu Iran hay OPEC+ bổ sung thêm dầu vào nguồn cung toàn cầu.
Chi phí tăng khiến giá gạo Thái Lan tăng, giao dịch của Việt Nam chậm lại
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan nới rộng 455 – 484 USD/tấn trong ngày 10/6 so với 457 – 468 USD/tấn một tuần trước. Nguyên nhân được cho là do chi phí vận chuyển tăng mặc dù nhu cầu thấp. Đồng baht mạnh lên gần đây so với USD cũng đóng vai trò thúc đẩy gạo tăng giá.
Gạo 5% tấm của Việt Nam giảm xuống 480 – 485 USD/tấn so với 485 – 490 USD/tấn một tuần trước. Mặc dù giá của Việt Nam giảm nhẹ, các khách hàng đang chuyển sang tìm kiếm gạo từ các nhà xuất khẩu Thái Lan, người đang chào với giá thấp hơn.
Chi phí vận chuyển cao tiếp tục gây khó cho việc ký các hợp đồng mới.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm 19,9% trong tháng 4 xuống 626,750 tấn.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ giảm xuống 379 – 383 USD/tấn so với 382 -388 USD/tấn một tuần trước, chủ yếu do đồng rupee giảm giá.
Ấn Độ đã nâng giá mua các loại gạo vụ mới của nông dân thêm 3,9% lên 1.940 rupee (26,59 USD)/100 kg.
Bangladesh có mục tiêu mua 1,8 triệu tấn gạo trong niên vụ hiện nay để tăng dự trữ trong nước, vốn đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong năm nay.
Gia hạn hơn 21.000 tỷ đồng tiền thuế, tiền thuê đất cho doanh nghiệp
Ngày 19/4/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp (DN), thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Đây là Nghị định đầu tiên được Chính phủ ban hành sau khi kiện toàn và được xem là “liều thuốc” quý giá giúp DN tiếp tục trụ vững trong bối cảnh chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, dự kiến tổng số thuế và tiền thuê đất được gia hạn theo chính sách tại Nghị định là 115.000 tỷ đồng. Đây thực chất là khoản cho vay không tính lãi của Nhà nước đối với DN, cá nhân để có nguồn tài chính phục vụ sản xuất kinh doanh, gia tăng nguồn lực trong tương lai.
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai và kế toán thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, tính đến hết tháng 5/2021, số tiền gia hạn theo Nghị định 52 ước tính đạt hơn 21.000 tỷ đồng. Trong đó, thuế GTGT là 10.600 tỷ đồng, thuế thu nhập DN là 6.000 tỷ đồng; tiền thuê đất là 4.100 tỷ đồng thuế GTGT và thu nhập cá nhân của hộ kinh doanh 300 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, dự kiến tổng số thuế và tiền thuê đất được gia hạn theo chính sách tại Nghị định 52 là 115.000 tỷ đồng.
Bà Lê Thị Duyên Hải cho biết, Nghị định 52 đã quy định rõ lĩnh vực ngành nghề, tiêu chí xác định đối tượng áp dụng và điều kiện để được gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất trong năm 2021, đồng thời quy định rõ người nộp thuế tự xác định và tự chịu trách nhiệm về việc xác định được điều kiện để gia hạn.
“Dù vậy, thực tế triển khai vẫn có những trường hợp người nộp thuế đã nộp đề nghị gia hạn nhưng sau đó tự xác định lại không thuộc đối tượng áp dụng và xin hủy đề nghị, hoặc qua rà soát, cơ quan thuế xác định người nộp không thuộc đối tượng áp dụng và có thông báo gửi người nộp đơn”, đại diện Vụ Kê khai và Kế toán Thuế cho biết. Ngoài ra, một số DN, hộ kinh doanh chưa tìm hiểu, nắm bắt chưa đầy đủ thông tin về các điều kiện được gia hạn.
Ông Vũ Chí Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết thêm, số DN nộp đơn xin gia hạn thuế chưa nhiều, một phần do các DN vừa thực hiện quyết toán thuế trong năm trước vào thời điểm cuối quý I/2021.
Đồng thời, do thời gian nộp giấy đề nghị gia hạn theo quy định tại Nghị định là 31/7/2021, tức là còn khá nhiều thời gian, nên nhiều DN chưa nộp tờ khai và giấy đề nghị gia hạn. Ngoài ra, do tình hình dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nên nhiều DN vẫn chưa chú ý đến việc thực hiện thủ tục gia hạn.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.