Thông tin kinh tế, tài chính ngày 22/6/2021: Giá phân bón tăng bất hợp lý?

2021-06-22 09:25:39 0 Bình luận
Giá phân bón tăng bất hợp lý? Lợi nhuận ngân hàng giảm tốc trong quý 2 do áp lực dự phòng? Chỉ có 5-10% doanh nghiệp, nhà máy cập nhật Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19

Giá vàng hôm nay 22-6: Bật tăng mạnh mẽ, dòng tiền quay lại thị trường
Giá vàng hôm nay tăng mạnh trong bối cảnh USD suy yếu so với nhiều đồng tiền khác, lãi suất trái phiếu Mỹ giảm mạnh


Giá vàng hôm nay của thế giới tăng mạnh

Khoảng 6h này 22/6 (theo giờ Việt Nam), giá vàng hôm nay của thế giới giao dịch tại 1.784 USD/ounce, tăng 20 USD/ounce so với giá mở cửa hôm trước.
Trước đó, giá vàng SJC tại Việt Nam ngày 21/6 cũng tăng 200.000 đồng/lượng, chốt cuối ngày tại 56,95 triệu đồng/lượng. Theo đó, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng 7,3 triệu đồng/lượng.
Giới phân tích nhận định giá vàng hôm nay tăng mạnh vì dòng tiền đã quay lại thị trường. Nhiều quỹ đầu tư tăng số lượng vàng nắm giữ sau khi giá vàng giảm hơn 100 USD/ounce.
Cụ thể, tại phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước, một số quỹ đầu tư đã mua vào 19 tấn vàng, trong đó quỹ đầu tư lớn nhất thế giới SPDR Gold Shares mua 11 tấn. Có thể động thái này đã kéo theo nhiều nhà đầu tư khác đưa vốn vào vàng. Giá vàng hôm nay của thế giới bật tăng mạnh mẽ.
Trong khi đó, chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) - bà Christine Lagarde -  nói trước Ủy ban Kinh tế và tiền tệ của Nghị viện Châu Âu rằng ECB tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ lỏng lẻo, giữ nguyên lãi suất cơ bản dù Mỹ dự kiến tăng lãi suất vào năm 2023.
Thông tin này có lẽ đã hỗ trợ cho thị trường vàng bởi sau tuyên bố của bà Christine Lagarde, đồng USD đã giảm giá so với euro, tác động tích cực đến giá vàng hôm nay.
Mặt khác, lãi suất trái phiếu Mỹ có lúc từ 1,5%/năm xuống 1,35%/năm. Giới đầu tư tài chính không còn thu gom USD để mua trái phiếu, khiến đồng tiền này giảm giá so với nhiều đồng tiền khác. Từ đó, không ít nhà đầu tư tập trung vốn vào vàng . Giá vàng hôm nay có thêm động lực đi lên.
Giao dịch trên thị trường cho thấy đầu ngày 21/6, giới đầu tư ồ ạt đưa vốn vào kim loại quý. Lập tức, giá vàng thế giới tăng 10 USD/ounce, cán mức 1.774 USD/ounce lúc 10 giờ. Sau đó, họ tăng thêm sức mua giúp giá vàng lên tới 1.786 USD/ounce lúc 23 giờ cùng ngày.
Tại thời điểm này, dòng tiền chạy vào thị trường vàng có phần khựng lại, nguyên nhân được cho  không ít nhà đầu tư chuyển dịch vốn vào chứng khoán giúp giá cổ phiếu tại châu Âu và Mỹ đồng loạt "xanh" sàn. Thế nên, giá vàng phải đi ngang trong nhiều giờ liên tiếp. Đến đầu ngày 22/6, giá vàng hôm nay giảm nhẹ rồi giao dịch tại 1.784 USD/ounce lúc 6h cùng ngày.

Góc nhìn kỹ thuật phiên giao dịch chứng khoán ngày 22/6: Giằng co quanh vùng giá hiện tại

Một khi thị trường chưa đánh mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn quanh 1.345 điểm (MA20) thì xu hướng hiện tại vẫn được đánh giá ở mức trung tính.

Về kỹ thuật, đồ thị ngày VN-Index xuất hiện cây nến đỏ nhỏ dạng ‘Doji’ tại vùng đỉnh 1.370-1.380 điểm là tín hiệu khá tiêu cực. Điều này cho thấy đà tăng đang tạm thời chững lại.
Với lý do trên các chuyên gia Asean Securities cho rằng, trong kịch bản tiêu cực, VN-Index có thể kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.365-1.370 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 1.355-1.360 điểm.
Trong kịch bản tích cực, vùng kháng cự gần của VN-Index dự báo ở mức 1.375-1.380 điểm, vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 1.385-1.390 điểm.


 
Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS.


VN-Index điều chỉnh với thanh khoản suy giảm so với phiên trước đó và xấp xỉ mức trung bình 20 phiên cho thấy, áp lực bán ra trong phiên hôm nay là không thực sự mạnh.
Tuy nhiên, phiên hôm nay phát ra một tín hiệu đáng lưu ý là khả năng hình thành mô hình hai đỉnh quanh ngưỡng 1.375 điểm trên VN-Index. Sẽ cần một vài phiên nữa để thị trường xác nhận về khả năng này là đúng hay sai.
Tuy nhiên, một khi thị trường chưa đánh mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn quanh 1.345 điểm (MA20) thì xu hướng hiện tại vẫn được đánh giá ở mức trung tính. Do đó, trong phiên giao dịch tiếp theo, thị trường có thể sẽ tiếp tục giao dịch giằng co tại vùng giá hiện tại.

 
Biểu đồ kỹ thuật HNX-Index. Nguồn: VCBS.

 

Chỉ có 5-10% doanh nghiệp, nhà máy cập nhật Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, cho biết, qua thực tế kiểm tra hơn 200 nhà máy, doanh nghiệp, Đoàn công tác Bộ Y tế nhận thấy còn hạn chế trong công tác phòng, chống dịch tại một số nhà máy, doanh nghiệp ở một số địa phương.

“Một số địa phương chưa xây dựng hoặc chưa xây dựng hoàn chỉnh kế hoạch phòng, chống dịch tại khu công nghiệp và của từng nhà máy. Công tác kiểm tra, giám sát và yêu cầu duy trì người lao động đến làm việc tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch còn hạn chế. Việc cập nhật lên Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19 mới chỉ đạt 5-10% trong số các doanh nghiệp, nhà máy được kiểm tra".
Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến tập huấn Hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc, cơ sở sản xuất, kinh doanh và khu công nghiệp cho 63 tỉnh, thành phố trong cả nước do Bộ Y tế tổ chức ngày 27/5. 

Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị tất cả địa phương phải phân công rõ trách nhiệm từng người để trực tiếp phụ trách từng doanh nghiệp, chịu trách nhiệm trước chính quyền và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh.
 Công nhân tại Công ty TNHH YOKOWO Việt Nam (Hà Nam) thường xuyên đeo khẩu trang để phòng chống dịch COVID-19. Ảnh minh họa: TTXVN
Với các doanh nghiệp chưa ghi nhận ca mắc COVID-19, các doanh nghiệp phải chủ động kiểm tra, có phương án phòng, chống dịch cụ thể như phân luồng với ca làm việc; kiện toàn, thành lập tổ phòng, chống dịch trong từng bộ phận; yêu cầu công nhân đi làm phải khai báo y tế. Những trường hợp cán bộ phục vụ phải được lấy mẫu thường xuyên theo khuyến cáo 7 ngày/lần.

“Chính quyền địa phương phải chỉ đạo ngành Y tế và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để khám sàng lọc, ít nhất khám cho 20% số công nhân lao động có nghi ngờ. Thực hiện nghiêm giãn cách trong sản xuất, giờ ăn trưa và tan ca, bảo đảm công tác phòng, chống dịch”, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị.

Với doanh nghiệp đã có ca bệnh, phải làm tốt công tác khoanh vùng, cách ly, và truy vết triệt để các ca nhiễm, giảm tối đa ca bệnh lây nhiễm ra cộng đồng. Phải điều tra nắm chắc dịch tễ tại nơi cư trú. Việc vận chuyển công nhân cũng phải thực hiện xe thông thoáng, mở cửa, giảm 50% lượng người trên xe, thực hiện ngồi giãn cách, phun khử khuẩn xe hàng ngày.

Với những nơi vừa xuất hiện ca bệnh ngoài cộng đồng và trong doanh nghiệp, Bộ Y tế đề nghị địa phương phải thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch tại cả hai nơi, tránh việc lây nhiễm từ cộng đồng vào doanh nghiệp và ngược lại.

Địa phương xuất hiện nhiều ca bệnh, nhiều đối tượng F1 sẽ phải tính toán, bố trí thực hiện cách ly tại nơi lưu trú, tại hộ gia đình và thực hiện đầy đủ kiểm tra, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, thu gom rác thải như trong khu cách ly tập trung F1.

Lợi nhuận ngân hàng giảm tốc trong quý 2 do áp lực dự phòng?
Báo cáo cập nhật triển vọng ngành Ngân hàng của Chứng khoán Yuanta kỳ vọng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng trong quý 2/2021 sẽ tiếp tục tốt.
Mức tăng trưởng tín dụng đã hồi phục trong quý 2/2021. 5 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng tín dụng của toàn ngành đạt 4,7%, hơn gấp đôi so với 2,0% của giai đoạn 5 tháng đầu năm 2020. Thu nhập lãi ròng quý 2/2021 sẽ tăng so với cùng kỳ năm trước do mức tăng trưởng tín dụng cao hơn.
Hầu hết các ngân hàng đều đã đạt hạn mức tín dụng ban đầu, và Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nới rộng hạn mức tín dụng, đặc biệt đối với các ngân hàng có nguồn vốn mạnh như TCB, VPB, HDB, và MBB. 
 


Yuanta dự báo NIM sẽ cải thiện trong quý 2/2021 nhờ vào mức tăng trưởng tín dụng cao và chi phí huy động vốn thấp. Tuy nhiên, thanh khoản hệ thống ngân hàng có dấu hiệu suy giảm, được thể hiện qua sự gia tăng của lãi suất liên ngân hàng. Lãi suất qua đêm đã tăng 81 điểm cơ bản và lãi suất liên ngân hàng kỳ hận 1 tháng tăng 1,1 điểm phần trăm.
Thanh khoản suy giảm có thể khiến lãi suất tăng, nhưng Yuanta kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ ít nhất cho đến cuối năm. Điều này sẽ giúp giảm chi phí huy động vốn của các ngân hàng và cả lãi suất cho vay. Do đó, dự báo NIM năm 2021E sẽ đi ngang hoặc cao hơn một chút so với năm 2020.
Về thu nhập phí, kỳ vọng trong quý 2/2021 sẽ tăng nhờ vào doanh thu bancassurance và việc ghi nhận khoản phí trả trước của các ngân hàng như ACB, CTG, MSB và VCB.
Tuy nhiên, khoản trích lập dự phòng có thể tăng trong quý 2/2021, đặc biệt là tại các ngân hàng có tỷ lệ LLR tương đối thấp. Theo quan điểm của Yuanta, mặc dù Thông tư 03/2021/TT-NHNN yêu cầu các ngân hàng thực hiện trích lập dự phòng cho các khoản nợ tái cơ cấu trong vòng 3 năm, nhưng việc tăng dự phòng ở thời điểm hiện tại để hạn chế tác động khi nợ xấu gia tăng trong tương lai là một chính sách thận trọng cần thiết.


 


Nhìn chung, Yuanta kỳ vọng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng trong quý 2/2021 sẽ tốt, nhưng không cao như quý 1 do dự phòng được dự báo sẽ gia tăng so với quý trước.
Công ty chứng khoán này tập trung vào các ngân hàng chất lượng như VCB, MBB, ACB. Trong đó, VCB vẫn là ngân hàng có chất lượng cao nhất dựa theo bảng xếp hạng CAMEL và VCB xứng đáng với mức định giá cao. Đồng thời đưa MBB vào danh sách các lựa chọn hàng đầu hồi tháng 3 nhờ vào chất lượng và mức định giá thấp trước đó; tuy nhiên, giá cổ phiếu MBB đã tăng 67% từ đầu năm và hiện cao hơn 14% so với giá mục tiêu của chúng tôi. Vì vậy, không khuyến nghị nhà đầu tư mua đuổi cổ phiếu ở giai đoạn này.

Giá phân bón tăng bất hợp lý?
Các nhà máy sản xuất phân bón cho biết dù ít phụ thuộc vào nguyên liệu nước ngoài nhưng vẫn phải tăng giá vì giá thế giới tăng.
Trong khi đó, các nhà máy sản xuất NPK trong nước đang than không mua được urea để sản xuất và cho rằng giải thích của các nhà máy đạm là thiếu hợp lý, thiếu trách nhiệm.
Tăng giá vì giá thế giới tăng
Đại diện Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCCo) cho biết nền kinh tế Việt Nam có mức độ hội nhập rất cao, nên mọi biến đổi trên thị trường thế giới đều dẫn đến biến đổi tại Việt Nam. 
Kể cả những hàng hóa Việt Nam tự đáp ứng 100% nhu cầu vẫn bị ảnh hưởng, vì nếu giá trong nước thấp thì hàng sẽ chảy ra nước ngoài tới chỗ giá cao hơn, khiến trong nước thiếu nguồn cung và giá cả tăng lên tới mức cân bằng.
Nếu giá trên thị trường thế giới giảm thì giá trong nước cũng giảm theo, như đã diễn ra trong mấy năm vừa rồi trên thị trường phân bón.
Tại Việt Nam, trong quý 1-2021, giá bán các mặt hàng phân bón trong nước vẫn được duy trì ở mức thấp hơn so với giá thế giới. Chính vì vậy, đã có 1 lượng urea tham gia thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 4-2021 đến nay, do lượng hàng tồn kho giá thấp đã hết nên mặt bằng giá phân bón tại Việt Nam bị điều chỉnh tăng theo mức giá chung trên thị trường thế giới để đảm bảo việc nhập khẩu và cung ứng phân bón được ổn định, liên tục.
Đại diện PVFCCo cho biết trong chi phí đầu vào của PVFCCo thì giá khí chiếm khoảng 60%. Theo số liệu thống kê, giá khí đầu vào quý 1-2021 của PVFCCo khoảng 6,37 USD/MMBTU, tăng 24% so với quý 1-2020. Trong khi đó, giá khí cho các nhà sản xuất phân đạm của Indonesia là 6 USD/MMBTU.
Đại diện của Đạm Cà Mau cũng cho rằng từ đầu năm 2021, giá phân bón thế giới tăng kéo giá trong nước tăng theo. Trung tuần tháng 6, xu hướng này tiếp tục với hầu hết các dòng phân bón phục vụ vụ hè thu.
Trong khi doanh nghiệp cùng ngành tăng giá theo giá phân bón thế giới, Phân bón Cà Mau cũng phải điều chỉnh giá bán phù hợp giá thị trường chung. Nhưng công ty này cho hay đã yêu cầu nhà phân phối cấp hàng kịp thời, tránh tình trạng găm hàng kiếm lời cho khâu trung gian mà nông dân không được hưởng lợi.
Tăng lượng phân bón bán ra
Mới đây, Nhà máy Đạm Phú Mỹ do PVFCCo quản lý và vận hành đã hoàn thành đợt bảo dưỡng tổng thể định kỳ năm 2021 trong 32 ngày so với kế hoạch 33 ngày và đã cho ra sản phẩm ure trở lại vào ngày 20-5. 
Trước đó, xưởng amoniac (NH3) của nhà máy đã hoàn thành bảo dưỡng và cho ra sản phẩm vào ngày 18-5, vượt tiến độ 3 ngày. Dự kiến năm 2021, PVFCCo sẽ cung ứng 1,1 triệu tấn phân bón Phú Mỹ ra thị trường.
Nhà máy Đạm Cà Mau cũng cho hay quyết tâm vận hành 105% công suất sản xuất ure cũng như cung ứng ra thị trường 25.000 tấn NPK các loại cho vụ hè thu.
Ông Phùng Hà, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (VNFAV), cho biết giá phân bón cũng như nguyên liệu sản xuất phân bón trên thế giới thời gian qua tăng rất mạnh. Chính vì vậy, giá phân bón nội địa cũng tăng nhanh vì thị trường trong nước và thế giới liên thông nên giá phân bón của Việt Nam biến động theo giá của thế giới.
"Dù nguyên liệu sản xuất urea của Việt Nam không phụ thuộc nhập khẩu nhưng các doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh giá theo thế giới. Nếu bán giá thấp thì phân bón sẽ tìm đường xuất khẩu sang nước ngoài", ông Hà cho biết.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Vụ nhiều người nhập viện sau bữa ăn ở một hội nghị Hà Nội: Cảnh báo an toàn thực phẩm

Trong số 80 người dự tiệc tại Trung tâm Hội nghị đường Hoa Lan, phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội, 14 người nghi ngộ độc thực phẩm phải nhập viện, 2 người đã tử vong.
2024-12-21 22:15:00

Quảng Ninh: Hội thảo khoa học thúc đẩy động lực tăng trưởng phát triển kinh tế di sản của Quảng Ninh

Ngày 21/12, tại huyện Vân Đồn, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Hội đồng Lý luận Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Ninh đồng tổ chức Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh”.
2024-12-21 19:31:32

Hải Phòng giao lưu nghệ thuật ‘Sáng mãi phẩm chất bộ đội cụ Hồ’

Nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), Đài PT&TH Hải Phòng phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự Thành phố tổ chức giao lưu chương trình nghệ thuật “Sáng mãi phẩm chất bộ đội cụ Hồ” vào tối 20/12, tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt - Tiệp.
2024-12-21 17:06:05

Sóc Sơn: Hơn 1.000 đặc sản vùng miền quy tụ tại Lễ hội mua sắm năm 2024

Tối 20/12, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn tổ chức Lễ hội mua sắm năm 2024. Đây là chương trình kích cầu mua sắm, tiêu dùng lớn nhất trong năm tại huyện Sóc Sơn.
2024-12-21 15:05:14

80 năm Quân đội Nhân dân Việt Nam: Truyền thống hào hùng, sự nghiệp vẻ vang

Sáng 20/12, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024).
2024-12-21 08:00:00

Triển Lãm Quốc phòng Quốc tế 2024: “Nâng tầm quốc phòng Việt Nam lên một bước mới”

Triển lãm Quốc phòng Quốc tế 2024 đã chính thức khai mạc, thu hút sự chú ý của hơn 50 quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều cường quốc quân sự lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Đức, Ấn Độ, Israel... Sự kiện này không chỉ là một dịp quan trọng để giới thiệu và trưng bày các thành tựu công nghiệp quốc phòng, mà còn mang tầm vóc quốc tế, thể hiện sự vươn lên mạnh mẽ của Việt Nam trong lĩnh vực quốc phòng.
2024-12-21 02:34:58
Đang tải...