Thông tin kinh tế, tài chính ngày 4/7/2021: Thị trường xe hơi ế ẩm, cơ hội cho khách hàng?
Giá vàng hôm nay 4/7: Thêm động lực hỗ trợ, vàng có cơ hội bứt phá tuần tới
* Cập nhật giá vàng hôm nay
Thị trường vàng thế giới khép lại tuần giao dịch đầu tháng 7 với phiên "lội ngược dòng" tăng giá vào cuối tuần.
Giá vàng giao ngay trên sàn giao dịch Kitco ghi nhận mức tăng 10,6 USD/ounce trong phiên đêm 3/7 (giờ Việt Nam) và đóng cửa tuần ở mức 1.787,3 USD/ounce.So với cuối tuần trước, giá vàng giao ngay chỉ ghi nhận mức tăng khoảng 6 USD và vẫn chưa thoát khỏi vùng giá thấp nhất 2 tháng gần đây.
Theo các chuyên gia, giá vàng thế giới ghi nhận phiên tăng cuối tuần vừa qua đến từ những số liệu việc làm mới và tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ trong tháng 6/2021.
Cụ thể, theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, nền kinh tế lớn thứ nhất thế giới đã ghi nhận thêm 850.000 việc làm phi nông nghiệp trong tháng 6, cao hơn nhiều so với ước tính trước đó của thị trường là 700.000 việc làm mới.
Chốt phiên giao dịch cuối tuần này, Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng tại 56,60 - 57,20 triệu đồng/lượng, giữ nguyên ở chiều mua vào và tăng 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên giao dịch liền kề. Chênh lệch giá bán vàng hiện đang cao hơn giá mua 550.000 đồng/lượng.Cùng thời điểm, hệ thống Bảo tín Minh Châu cũng điều chỉnh tăng giá vàng SJC 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và thêm 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, niêm yết tại 56,66 - 57,14 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long cũng điều chỉnh tăng lên 51,34 - 51,94 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 50,55 - 51,65 triệu đồng/lượng.
Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá USD tại Vietcombank ở thời điểm tham chiếu: 1 USD = 23.100 đồng, giá vàng thế giới tương đương 49,74 triệu đồng/lượng, thấp hơn 7,46 triệu đồng/lượng so với giá vàng SJC ở cùng thời điểm.
* Tín hiệu tích cực tuần tới
Các nhà phân tích nhận định, vàng có thể sẽ tăng đáng kể và đạt trên mức 1.800 USD/ounce vào tuần tới.
Một trong những sự kiện lớn nhất cần theo dõi vào tuần tới sẽ là biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Cuộc họp diễn ra vào giữa tháng 6 đã gây ra một đợt bán tháo vàng đáng kể.
Chuyên gia kim loại quý Everett Millman của Gainesville Coins cho biết: “Biên bản cuộc họp của của Fed rất thú vị nếu biên bản này mâu thuẫn với bất cứ điều gì mà các nhà đầu tư đã nghe từ Fed từ khi kết thúc cuộc họp cho đến nay".
Hiện tại, vàng đang kết thúc tuần với đợt tăng giá 10 USD/ounce sau báo cáo việc làm tại Mỹ.
Ông Meleck nói: "Mỹ đã có thêm 850.000 việc làm mới cho nền kinh tế trong tháng 6, nhưng tỷ lệ thất nghiệp đã lên tới 5,9%. Tỷ lệ tham gia thị trường lao động cũng rất yếu, có nghĩa là không có động lực cụ thể nào để Fed sớm thắt chặt chính sách tiền tệ. Và điều đó tốt cho vàng.
Chúng tôi cũng đang thấy, tăng trưởng tiền lương chậm lại. Điều đó ngụ ý rằng lạm phát có thể xảy ra nhất thời và không có lý do nào để Fed bắt đầu tăng lãi suất".
Vẫn chưa rõ liệu thị trường kim loại quý có đủ động lực để đẩy giá vàng lên cao hơn nhiều vào tuần tới hay không, nhưng ông Melek nhận định, giá sẽ quay trở lại mức 1.900 USD/ounce trong 6 tháng tới.
* Thêm động lực hỗ trợ giá vàng
Chuyên gia Millman cũng cho biết thêm, một động lực khác cần theo dõi là diễn biến giá dầu và lưu ý, bất kỳ đợt tăng giá bổ sung nào cũng sẽ có lợi cho vàng.
Ông Millman nhấn mạnh: "Tôi quan tâm đến những gì diễn ra tại cuộc họp của OPEC +. Sự không chắc chắn về dầu mỏ có thể có tác động lớn đến lạm phát và đó vẫn là một trong những động lực chính cho vàng. Nếu OPEC+ đi đến thỏa thuận hạn chế sản lượng, điều đó sẽ đẩy giá dầu lên cao hơn."
"Giá dầu tăng cao sẽ dẫn đến lạm phát cao hơn và điều đó là tích cực cho vàng. Thật thú vị trong trường hợp của Nga - một người chơi lớn của OPEC+. Nga phụ thuộc vào thị trường năng lượng cho nền kinh tế và gần đây họ không mua vàng. Nếu giá dầu tăng, nước này có thể kiếm thêm tiền và có thể bắt đầu mua vàng trở lại", chuyên gia Millman khẳng định.
Dù vàng đang trong xu hướng tăng giá nhưng ông Sean Lusk, đồng giám đốc của Walsh Trading nhận thấy, kim loại quý này đang "tiến một bước và lùi hai bước".
Ông Lusk nói: "Vàng không thể giữ được mức 1.800 USD/ounce và đã xuống mức thấp nhất trong 2 tháng qua là 1.760 USD/ounce. Tôi lạc quan về giá vàng trong tháng 7 bởi mùa cưới ở châu Á sắp diễn ra và vàng có xu hướng mua vào".
Nhà môi giới hàng hóa cao cấp của RJO Futures Daniel Pavilonis dự báo, sự bứt phá trên 1.820 USD vào tuần tới sẽ mở ra cánh cửa cho một đợt phục hồi khác của vàng. Nếu kim loại quý đạt mức giá này, vàng có thể tăng cao hơn nhiều và thậm chí tạo ra mức đỉnh mới.
HOSE lại gián đoạn website đến chiều 4.7
Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) thông báo sẽ tạm thời gián đoạn việc truy cập hệ thống website để bảo trì kỹ thuật trong khoảng thời gian từ 18h ngày 2/7/2021 đến 18h ngày 4/7/2021.
Sau thời gian này, hệ thống website của Sở sẽ tiếp tục truy cập bình thường.
Trong một diễn biến khác, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng ký ban hành quyết định cho Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) được phép triển khai vận hành giải pháp giao dịch của Công ty FPT từ ngày 5/7/2021.
HoSE chịu trách nhiệm về tính chính xác của các nội dung tại Biên bản kiểm thử với FPT, tổ chức kiểm tra, đánh giá, rà soát kỹ, bảo đảm hệ thống giao dịch an toàn, thông suốt.
HoSE thống nhất với FPT các nội dung công bố trên các phương tiện thông tin truyền thông và truyền thông về việc chính thức đưa giải pháp xử lý sự cố giao dịch vào sử dụng trên qui tắc không tổ chức sự kiện tập trung.
Trước đó, ngày 28/6, HoSE đã có phiên chạy thử nghiệm với các công ty chứng khoán thành viên.
Ông Dương Dũng Triều - Chủ tịch Công ty FPT IS nói về hệ thống HOSE sẽ được vận hành từ ngày 5.7. Ảnh TL
Trao đổi với phóng viên, ông Dương Dũng Triều - Chủ tịch Công ty FPT IS - cho biết: "Khác biệt với hệ thống cũ của Thái Lan, số lượng lệnh giao dịch hệ thống mới của HOSE có công suất lên tới 3-5 triệu lệnh/ngày. Các công ty chứng khoán thoải mái đẩy lệnh theo năng lực của họ".
Theo ông Dương Dũng Triều, một điểm quan trọng nữa là chúng ta làm chủ hệ thống, trong quá trình giám sát khắc phục sự cố, chúng ta có thể biết lỗi ở đâu và khắc phục được ngay. Trường hợp quá tải có thể chủ động nâng cấp phần cứng, các thuật toán nhằm đáp ứng tăng trưởng của thị trường.
“Ngoài ra, FPT cũng đặt mục tiêu ngưỡng số lượng lệnh gửi vào trên một giây từ các công ty chứng khoán nhằm đáp ứng cao hơn nhiều so với hệ thống hiện nay. Ngay cả hệ thống Thái Lan khi hệ thống đạt 90% chỉ có một số biểu hiện, gần đến ngưỡng thì sẽ chậm dần, kết quả khớp lệnh chậm dần. Chúng tôi đang bàn và thảo luận với HOSE để khắc phục kịch bản, sự cố. Năng lực hệ thống mới của FPT lấy 2 chỉ tiêu là tổng lượng lệnh 1 ngày và số lượng lệnh vào trong 1 giây" - lãnh đạo FPT IS nhấn mạnh.
"Chúng tôi đang kiểm tra về an ninh bảo mật và ngưỡng chịu đựng của hệ thống, song song, xây dựng quy trình vận hành, nhất là khi xảy ra sự cố" - ông Triều cho hay.
Ông Dương Dũng Triều cho biết qua khảo sát hệ thống hiện có của HOSE thì đây là hệ thống cũ của Thái Lan chạy trên phần cứng cũng đã cũ.
Thái Lan đã bỏ hệ thống này và sử dụng hệ thống mới. Hệ thống không có code được bàn giao nên không thể sửa chữa dẫn đến không khắc phục tình trạng nghẽn triệt để.
Việc chính thức đưa giải pháp kỹ thuật vào sử dụng được kỳ vọng sẽ giải quyết triệt để tình trạng quá tải hệ thống giao dịch thời gian qua.
Bất động sản công nghiệp miền Bắc trầm lắng vì dịch
Theo JLL, do Covid-19, thị trường bất động sản công nghiệp miền Bắc quý II trầm lắng, không có dự án FDI nổi bật.
Ảnh minh họa
Báo cáo thị trường đất công nghiệp cho thuê ở miền Bắc của JLL đánh giá, tỷ lệ lấp đầy ở các khu công nghiệp miền Bắc vẫn ổn định nhưng thị trường cơ bản hạ nhiệt so với trước. Đây là phân khúc nóng thời gian qua chủ yếu do Việt Nam được hưởng lợi trong làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng.
Theo đó, sau khi hàng loạt dự án lớn được công bố trong quý IV/2020 và quý I/2021 như LG Display điều chỉnh tăng vốn hay sự đổ bộ của Foxconn, Pegatron, dịch Covid-19 bùng phát vào cuối tháng 4 đã làm thị trường bất động sản công nghiệp phía Bắc trong quý II trầm lắng.
Thị trường hiện không có dự án FDI nổi bật nào, chủ yếu là các dự án quy mô nhỏ. Vì vậy, tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp phía Bắc duy trì ở mức 75%, trong khi nhà xưởng xây sẵn có tỷ lệ lấp đầy giảm so với quý I vì thị trường đón chào nguồn cung mới, tập trung chủ yếu ở Hải Dương.
Ngoài ra, lượng lớn doanh nghiệp thuộc ngành chế biến chế tạo phải tạm ngừng hoạt động do Covid-19 trong nửa đầu năm nay cũng tác động tiêu cực đến tỷ lệ lấp đầy nhà xưởng xây sẵn.
Đà tăng của giá đất công nghiệp cũng bị kìm hãm trước việc các khu công nghiệp tại Bắc Ninh và Bắc Giang phải tạm ngừng sản xuất do Covid-19.
Giá đất hiện giữ nguyên ở mức 107 USD một m2 trên chu kỳ thuê vào quý II. Mức này vẫn tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước nhưng đà tăng đã chậm lại so với quý I. Điều này diễn ra tương tự với giá thuê nhà xưởng xây sẵn, với mức tăng chỉ 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về triển vọng, JLL cho biết, thị trường bất động sản công nghiệp vùng Đông Bắc sẽ sôi động thời gian tới. Theo JLL, dù chưa chính thức xác nhận, việc Pegatron được cho là sẽ tăng vốn đầu tư vào Việt Nam sau dự án tại Hải Phòng là tín hiệu tích cực về nhu cầu bất động sản công nghiệp trong tương lai.
Ngoài các tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Hồng, các tỉnh ở vùng Đông Bắc như Bắc Giang, Quảng Ninh, Thái Nguyên đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư với lợi thế về giá thuê, hạ tầng ngày càng được hoàn thiện.
Giá đất ở các khu vực này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 8-10% so với cùng kỳ 2020. Tương tự, thị trường nhà xưởng xây sẵn cũng được dự báo sẽ sôi động ở khu vực Đông Bắc, với nhiều nhà đầu tư mới gia nhập thị trường như GNP Industrial hay Công ty cổ phần công nghiệp KCN Việt Nam.
Thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua kênh phân phối hiện đại
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, việc cấp mã số vùng trồng cho các vùng nguyên liệu, xây dựng vùng nguyên liệu lớn, nâng cao năng lực chế biến… sẽ được đặc biệt chú trọng
Để thúc đẩy tiêu thụ nông sản ở thị trường nội địa, đưa nông sản vào các kênh phân phối hiện đại, hai bên sẽ xây dựng cơ chế phối hợp theo quan điểm chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Tại buổi làm việc mới đây, các tập đoàn, doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam đều đồng tình với quan điểm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cần tạo ra cơ chế phối hợp. Cơ chế phối hợp này không chỉ phát huy vai trò trong thời điểm dịch bệnh, mà còn đảm bảo sự phát triển lâu dài, để nông sản Việt được tiêu thụ ngày càng nhiều trong siêu thị và các kênh phân phối hiện đại, giúp nông dân hướng đến cách làm chuyên nghiệp, bài bản hơn.
Không riêng vải thiều, cơ chế hợp tác còn hướng đến tiêu thụ nhiều loại nông sản đang sắp vào vụ, tạo sự kết nối giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương để doanh nghiệp được tạo điều kiện trong giao thương. Hiệp hội yêu cầu gì, các doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ yêu cầu gì, chúng tôi sẵn sàng cung cấp, quan trọng là tạo cơ chế lưu thông tốt.
Đã đến lúc, vùng nguyên liệu, kể cả phục vụ thị trường trong nước, cũng phải có mã số vùng trồng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đưa vào tiêu chí xây dựng nông thôn mới để khuyến khích các địa phương xây dựng mã số vùng trồng cho các vùng nguyên liệu. Dựa trên tình hình thực tế, Bộ đang thí điểm xây dựng 5 vùng nguyên liệu lớn cho doanh nghiệp ở các vùng sinh thái với diện tích khoảng 26.000 ha. Cụ thể, Bộ xây dựng vùng nguyên liệu dứa (khóm), chanh leo ở Sơn La cùng với kế hoạch xây dựng kho lạnh. Công ty Đồng Giao (Doveco) sẽ bao tiêu sản phẩm của vùng nguyên liệu này.
Ngoài ra, Bộ cũng đang xây dựng vùng nguyên liệu rừng trồng chứng chỉ FSC tại Thừa Thiên Huế, Quảng Trị; vùng trồng cà phê xuất khẩu ở Đắk Lắk, Gia Lai; vùng trồng cây ăn quả (chuối, xoài, sầu riêng) ở Long An, Tiền Giang; vùng lúa chất lượng cao ở Kiên Giang, An Giang. Mục tiêu của Bộ là cung cấp số lượng nông sản đảm bảo chất lượng phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Các vùng nguyên liệu này sẽ được cấp mã số vùng trồng, được thực hiện các dự án khuyến nông để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, để nâng cao năng lực cơ giới hóa và chế biến sản phẩm, Bộ cũng tham mưu Chính phủ xây dựng chiến lược về nâng cao năng lực cơ giới hóa và chế biến nông sản nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch. Mục tiêu là xây dựng mô hình cơ giới hóa cấp vùng để nâng cao chất lượng, năng suất sản phẩm. Đối với các doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cam kết, doanh nghiệp muốn phát triển vùng nguyên liệu ở đâu, Bộ sẽ phối hợp hoặc hỗ trợ địa phương để xây dựng.
Thị trường ô tô phân khúc thấp “ế ẩm”, xe hạng sang giữ ổn định
Dưới tác động của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, thị trường ô tô “lao dốc” mạnh. Ghi nhận tại các hãng xe cho biết, hiện dòng xe phân khúc thấp, tầm trung đang rất ế ẩm. Tuy nhiên, phân khúc hạng sang vẫn giữ ổn định.
Một số đại lý ô tô cho biết, bán được xe trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay không hề đơn giản bởi tổng cầu đang xuống rất thấp. Dịch bệnh khiến các dịch vụ taxi, xe công nghệ suy giảm nên lượng người mua xe hiện nay số ít là khách cá nhân.
Anh Nguyễn Thành Đạt, phụ trách đại lý Toyota Thái Hoà - Nam Từ Liêm cho biết, trong tháng 5-6 doanh số tại cửa hàng giảm 30-40% nằm ở phân khúc B, phân khúc C với các dòng xe như Innova, Vios. Đây chủ yếu là dòng xe kinh doanh vận tải, trong khi hàng loạt các biện pháp giãn cách xã hội đã khiến hoạt động kinh doanh này kiệt quệ, do đó, doanh số sụt giảm rất nhiều. Đối với phân khúc này, hiện chủ yếu là khách hàng cá nhân mua, dùng cho gia đình.
Ông Đỗ Nguyên Vương, Tổng Giám đốc Volkswagen Việt Nam, cũng thừa nhận doanh số bán xe trong tháng 5 giảm mạnh đến 50% so với kế hoạch. Nhiều hãng xe khác thông tin các điểm bán hàng cạnh tranh khốc liệt để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, khó khăn hiện hữu là áp lực hàng tồn, áp lực quay vòng, dòng tiền… khiến nhiều đại lý chấp nhận bán hòa, thậm chí lỗ, miễn sao giảm được hàng tồn kho.
Ngược lại với các dòng xe phân khúc thấp, tầm trung “vắng khách”, theo nhiều đại lý cho biết, hiện những dòng xe hạng D với mức giá từ trên 1 tỷ như dòng Crossover vẫn duy trì doanh số. Trong khi các dòng xe sang như Lexus, Mec Gls, hay Volvo lại “hiếm hàng”.
Không chỉ đối với các dòng xe mới, thị trường ô tô cũ ở Hà Nội cũng giao dịch trầm lắng. Các cửa hàng xe đều vắng khách, doanh số bán xe giảm đều từ đầu năm đến nay do dịch bệnh và áp lực cạnh tranh do xe mới giảm giá nhiều. Nhiều đại lý lỗ nặng, phải tạm thời đóng cửa, và chuyển hướng kinh doanh. Theo một chủ salon tại Hà Nội cho biết : Việc hàng loạt doanh nghiệp phân phối, nhà sản xuất xe hơi kết hợp với ngân hàng để ưu đãi lãi suất vay mua ô tô mới đã khiến hoạt động kinh doanh xe cũ, đặc biệt là dòng xe phân khúc thấp gần như “chết đứng”. Theo một số chủ kinh doanh xe cũ, những mẫu xe trước đây luôn đứng top các xe cũ đắt giá trên thị trường như: Vios, Fortuner, Innova hay các mẫu xe máy dầu như Fortuner, Everest và SantaFe đều được chọn lựa để chạy dịch vụ. Tuy nhiên, hiện nay các mẫu xe này rất vắng khách.
Trước tình hình đó, để duy trì kết quả kinh doanh trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, một số nhà phân phối, kinh doanh ô tô đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, chăm sóc khách hàng. Đơn cử như VinFast triển khai hình thức phục vụ tận nhà khách hàng trên toàn hệ thống, ưu tiên các khách hàng mua xe trả góp qua website của hãng và các chính sách hỗ trợ, chăm sóc khách hàng khác…
Nhiều dòng xe được giảm giá trực tiếp kết hợp tặng kèm phụ kiện hoặc các gói bảo hiểm, với tổng giá trị khá lớn - điển hình là Subaru trong tháng 6 với hơn 159 triệu đồng ưu đãi dành cho SUV Forester. Thương hiệu Nhật Bản này cũng là hãng xe đầu tiên ở Việt Nam có ưu đãi tặng 1 năm bảo hiểm vật chất (trị giá khoảng 15 triệu đồng) dành cho nhân viên y tế mua xe. Một số mẫu xe của Ford (Everest), Hyundai (Santa Fe)... cũng được giảm giá cả trăm triệu đồng.
Hàng loạt ưu đãi như vậy khiến nhiều ý kiến phân tích cho rằng, đây là thời điểm nhiều thuận lợi để mua xe – đặc biệt trong bối cảnh tháng Ngâu đang tới gần. Ngoài ra, theo đánh giá của các hãng xe, triển vọng của thị trường ô tô những tháng cuối năm phần lớn phụ thuộc vào biên độ dịch tễ, cũng như tác động của dịch. Đặc biệt, gần tết dương lịch, nhu cầu mua sắm ô tô sẽ tăng trưởng khả quan hơn.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.