Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng lĩnh vực lúa gạo và thủy sản ở Đồng bằng Sông Cửu Long
Trong 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 5,8 tỷ USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022. Mặc dù còn giảm mạnh, nhưng mức giảm này đang thấp hơn so với những tháng đầu năm. Dự báo thị trường sẽ có xu hướng khả quan hơn trong các tháng cuối năm nay do nhu cầu nhập khẩu sản phẩm hải sản của một số quốc gia (Trung Quốc, Nhật Bản…) sẽ tăng trong thời gian tới.
Các doanh nghiệp, HTX bao tiêu thu mua lúa tại ruộng cho nông dân huyện Vĩnh Lợi, tỉnh An Giang. Ảnh Trọng Triết.
Ngược lại với diễn biến tăng trưởng âm của xuất khẩu thủy sản, xuất khẩu gạo của nước ta trong năm 2023 đang đứng trước những “cơ hội vàng” từ việc Ấn Độ và một số quốc gia khác cấm xuất khẩu gạo khiến giá gạo tăng lên từng ngày; thiên tai, bão lũ, hạn hán ở châu Á; sự khan hiếm về cầu nhập khẩu gạo của các nước trên thế giới trước tình trạng xung đột Nga – Ukraine. Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan, trong 8 tháng đầu năm xuất khẩu gạo đạt gần 6 triệu tấn, kim ngạch đạt gần 3,16 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay, tăng tới 21,4%về sản lượng và 35,7% về giá trị so cùng kỳ năm trước. Dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhờ số lượng đơn hàng hàng tốt từ nhiều thị trường mới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu lo ngại nguồn cung không đủ đáp ứng, do nhu cầu ở nhiều nước trên thế giới tăng đột biến.
Hiệu quả đầu tư tín dụng lúa gạo, thủy sản
Ngành lúa gạo, thủy sản thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn - là một trong những lĩnh vực luôn được ngành Ngân hàng ưu tiên đầu tư vốn tín dụng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trình Chính phủ ban hành riêng một Nghị định về chính sách tín dụng đối với lĩnh vực này và thường xuyên sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tế
Kết quả đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực thủy sản đến cuối tháng 7/2023, dư nợ tín dụng ngành thủy sản cả nước đạt 217.784 tỷ đồng, tăng khoảng 4% so với cuối năm 2022 và chiếm khoảng 24% dư nợ ngành nông, lâm, thủy sản, trong đó dư nợ tập trung phần lớn vào chi phí khai thác, nuôi trồng thủy sản (chiếm 43% dư nợ ngành thủy sản).
Chế biến tôm tại Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam. Ảnh Trọng Triết.
Riêng dư nợ tín dụng ngành thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến cuối tháng 8 năm 2023 đạt 128.525 tỷ đồng, tăng khoảng 8,5% so với 2022 (cao hơn mức tăng chung toàn quốc 4%), chiếm 59% dư nợ cho vay thủy sản toàn quốc, trong đó: (1) dư nợ tín dụng phục vụ mục đích khai thác, nuôi trồng thủy sản đạt 62.122 tỷ đồng (chiếm khoảng 48%); (2) Dư nợ tín dụng thu mua, tiêu thụ (trong nước, xuất khẩu) thủy sản đạt 34.390 tỷ đồng (chiếm khoảng 27%); (3) Dư nợ tín dụng chế biến, bảo quản thủy sản đạt 31.992 tỷ đồng (chiếm khoảng 25%). Một số địa phương có dư nợ thủy sản lớn, như tỉnh Cà Mau (29.296 tỷ đồng, tăng 12,9%); tỉnh Kiên Giang (14.588 tỷ đồng, tăng 7,5%); tỉnh An Giang (13.543 tỷ đồng, tăng 3,8%); tỉnh Đồng Tháp (12.870 tỷ đồng, tăng 7,3%); TP. Cần Thơ (12.320 tỷ đồng, tăng 6,1%). Trong đó, dư nợ cho vay cá tra đạt khoảng 30.639 tỷ đồng, tăng 10,5% với 31/12/2022 (trong khi mức tốc độ tăng trưởng chung toàn quốc giảm -2,72%), chiếm khoảng 24% tổng dư nợ cho vay thủy sản khu vực, trong đó một số tỉnh có dư nợ cho vay cá tra lớn, như Đồng Tháp (7.475 tỷ đồng, tăng 5,97%); TP. Cần Thơ (6.400 tỷ đồng, tăng 1,11%); An Giang (5.822 tỷ đồng, tăng 9,76%); Hậu Giang (3.208 tỷ đồng, tăng 26,8%). Dư nợ cho vay tôm đạt khoảng 39.991 tỷ đồng, tăng 8,8% so với 31/12/2022 (thấp hơn mức tăng chung toàn quốc là 10,5%) và chiếm khoảng 31% tổng dư nợ cho vay thủy sản khu vực. Một số địa phương có dư nợ cho vay tôm lớn, như: Cà Mau (15.855 tỷ đồng, tăng 7,1%), Bạc Liêu (5.171 tỷ đồng, tăng 4,8%), Trà Vinh (4.552 tỷ đồng, tăng 10%). Dư nợ cho vay cá ngừ đạt khoảng 826 tỷ đồng, tăng 4,8% với 31/12/2022 (thấp hơn mức tăng chung toàn quốc 13,52%), chiếm khoảng 1% tổng dư nợ cho vay thủy sản khu vực.
Về cho vay lúa gạo đến tháng 7 năm 2023, dư nợ tín dụng ngành lúa, gạo trên toàn quốc đạt 195.191 tỷ đồng, tăng 16,32% so với cuối năm 2022. Trong đó, dư nợ tập trung phần lớn vào khâu thu mua, tiêu thụ lúa, gạo (chiếm khoảng 72% dư nợ ngành lúa gạo).
Đến cuối tháng 8 năm 2023, dư nợ tín dụng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 102.536 tỷ đồng, tăng 9% so với 2022, chiếm khoảng 53% tổng dư nợ ngành lúa gạo toàn quốc. Trong đó, dư nợ phục vụ mục đích trồng trọt đạt 19.050 tỷ đồng (chiếm 19%); phục vụ mục đích thu mua, tiêu thụ đạt trên 72.028 tỷ đồng (chiếm 70%); phục vụ mục đích chế biến, bảo quản đạt 11.485 tỷ đồng (chiếm 11%). Một số địa phương có dư nợ lúa gạo lớn, như tỉnh Long An (20.504 tỷ đồng, tăng 0,3%), TP. Cần Thơ (18.800 tỷ đồng, tăng 28%), Đồng Tháp (12.725 tỷ đồng, tăng 13%), (Kiên Giang 10.517 tỷ đồng, tăng 5,27%), Tiền Giang (9.402 tỷ đồng, tăng 6%).
Các hỗ trợ chính sách của ngân hàng
Để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và xuất khẩu lúa, gạo, thủy sản nói riêng trong việc giảm chi phí vay vốn, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quy định cho phép các tổ chức tín dụng được cho vay bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn ngắn hạn thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay (Thông tư 42/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 24/2015/TT-NHNN).
Về lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành chính sách trần lãi suất ngắn hạn VND đối với lĩnh vực ưu tiên, trong đó có lĩnh vực lúa gạo, thủy sản. Từ tháng 6 năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm trần lãi suất đối với lĩnh vực này xuống mức 4%/năm (đây là lần thứ tư Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất trong năm 2023).
Về tỷ giá từ đầu tháng 6 năm 2023 tới nay, trước áp lực từ diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục duy trì tăng lãi suất; chỉ số đồng USD quốc tế tăng, theo đó gây áp lực chung đối với nhiều đồng tiền trên thế giới, trong khi lãi suất VND điều chỉnh giảm, tỷ giá USD/VND chịu áp lực nhất định và có xu hướng tăng. Tỷ giá liên ngân hàng dao động chủ yếu khoảng 23.678 – 24.000 VND/USD, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu tỷ giá ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng kịp thời, đầy đủ. Ngày 7/9/2023, tỷ giá trung tâm ở mức 23.979 VND/USD (tăng 1,55% so với cuối năm 2022); tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng khoảng 24.055 VND/USD (tăng 2,04% so với cuối năm 2022).
Khách hàng giao dịch tại VietinBank An Giang. Ảnh Trọng Triết
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng thuộc các ngành nghề, lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực lúa gạo, thủy sản, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ (Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023) để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho khách hàng được kéo dài thời gian trả nợ mà không bị chuyển nhóm nợ xấu và được tiếp cận các khoản vay mới phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đối với trong một số ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành lúa, gạo, thủy sản. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn các ngân hàng thương mại thực hiện.
Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng
Ngân hàng Nhà nước chủ động triển khai nhiều giải pháp:
Thứ nhất, thường xuyên chỉ đạo tổ chức tín dụng đa dạng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục cho vay, niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình vay vốn, nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm khách hàng nhằm tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản.
Thứ hai, tăng cường hoạt động truyền thông, phổ biến về cơ chế, chính sách, chương trình tín dụng bằng nhiều hình thức để người dân, doanh nghiệp hiểu và tiếp cận các chính sách, sản phẩm, dịch vụ tín dụng ngân hàng.
Thứ ba, không ngừng phát triển, cung ứng các sản phẩm tài trợ thương mại đối với lĩnh vực xuất khẩu, đa dạng hóa các phương thức thanh toán quốc tế hoạt động an toàn, hiệu quả và thông suốt, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán của doanh nghiệp.
Thứ tư, thường xuyên phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, các địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp tăng cường kết nối Ngân hàng – doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tăng cường khả năng tiếp cận các chính sách tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Thứ năm, triển khai nhiều phương thức thanh toán mới ứng dụng công nghệ Blockchain để rút ngắn thời gian xử lý và tăng cường bảo mật trong thanh toán xuất nhập khẩu;../.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.