Tiềm năng phát triển thị trường carbon
Theo ước tính, lĩnh vực lâm nghiệp Việt Nam có 57 triệu tín chỉ carbon, tương đương 52 triệu tấn CO2 có thể bán cho các tổ chức quốc tế. Đây là một nguồn lợi khổng lồ mà mẹ thiên nhiên đang ưu đãi, giúp Việt Nam có thêm nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.
Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) có tổng diện tích tự nhiên 16.950 ha vùng lõi và gần 10.000 ha vùng đệm. Nơi đây lưu giữ hệ sinh thái động, thực vật phong phú. Nhờ ý thức giữ rừng của đồng bào Mông mà những cánh rừng nguyên sinh vẫn xanh tốt.
Nằm gọn trong vùng lõi của khu bảo tổn thiên nhiên quý giá này, người dân ở đây luôn coi rừng là chỗ dựa sinh tồn, tạo nên cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Để bảo vệ rừng, đồng bào Mông xã Nà Hẩu đã hình thành và duy trì nhiều phong tục, tập quán giữ rừng, tiêu biểu là lễ cúng rừng đầu năm mới, nhằm tuyên truyền cách trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng.
Ngoài khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, huyện Văn Yên có 94.000 ha rừng, bao gồm 40.000 ha rừng tự nhiên, 54.000 ha rừng trồng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 67%. Đây là cơ hội rất lớn để huyện Văn Yên tiếp tục mở rộng cơ sở dữ liệu về hiện trạng rừng, phục hồi rừng nghèo kiệt, hướng tới xuất khẩu tín chỉ carbon rừng trong tương lai không xa.
Việt Nam có cơ hội xuất khẩu tín chỉ carbon rừng ở Nà Hẩu.
Ông Phạm Trường Huy - Cán bộ Kiểm lâm xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên – khẳng định, khi tham gia vào thị trường carbon, sẽ tham mưu để tối ưu hiệu quả hấp thụ carbon của rừng thông qua khoanh nuôi tái sinh những diện tích rừng có điều kiện nhưng chưa đảm bảo hoặc cải tạo những khu rừng nghèo kiệt.
Theo ông Phạm Trung Kiên Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái - huyện thường xuyên quan tâm chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các cơ quan chuyên môn, tổ chức bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, đặc biệt là rừng tự nhiên; hướng dẫn nhân dân chăm sóc và khai thác hiệu quả bền vững diện tích rừng trồng hiện có, mang lại lợi ích thiết thực.
Song song với việc thực hiện hoạt động giảm phát thải khí nhà kính và tăng cường hấp thụ khí nhà kính trong các lĩnh vực, thị trường carbon là một trong những công cụ hữu hiệu để đạt mục tiêu Net Zero.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến tháng 7/2024, đã có 48 quốc gia triển khai thị trường carbon theo cơ chế bắt buộc, bên cạnh đó là thị trường carbon tự nguyện do các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế thành lập. Tại Việt Nam, hiện có khoảng 150 chương trình, dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ carbon và thực hiện theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon để trao đổi trên thị trường thế giới.
Theo lộ trình của Chính phủ, năm 2025 sẽ thí điểm thị trường carbon trong nước và vận hành chính thức từ năm 2028. Bộ Tài chính đã xây dựng Đề án thành lập thị trường carbon, nhằm phát triển thị trường carbon tuân thủ tại Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển nền kinh tế carbon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới Net Zero vào năm 2050.
Theo Tiến sĩ Lê Hoàng Thế - Giám đốc Công ty TNHH hệ sinh thái The Vos - Việt Nam có đường bờ biển dài, chứa carbon ở những bãi bồi, nằm ở dưới những vùng trầm tích. Ngoài ra, độ bao phủ rừng của Việt Nam là 42 - 45%, và với lợi thế là một quốc gia nông nghiệp, nên tài nguyên về đất, nước rất nhiều, không những có trữ lượng lớn về tín chỉ carbon mà còn có thể phát triển loại tín chỉ carbon siêu cấp, hay còn gọi là organic carbon.
Tiến sĩ Lê Hoàng Thế khẳng định Việt Nam có thể phát triển tín chỉ carbon siêu cấp (Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam)
Ông nhấn mạnh, Việt Nam cần có nguồn nhân lực để thực hiện các kỹ thuật khai thác, đàm phán và giao dịch. Cụ thể, trước mắt cần đào tạo khoảng 150 ngàn lao động chuyên nghiệp. Lực lượng này được trang bị kiến thức để hiểu biết chuyên sâu về các cơ chế thẩm định, lập hồ sơ liên quan, kê khai và đánh giá các loại tín chỉ carbon. Trong đó, đào tạo thẩm định viên carbon có chuyên môn và chứng nhận quốc tế là một mắt xích quan trọng, giúp Việt Nam vận hành thị trường tín chỉ carbon.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.