Tiền ngoại lì xì Tết 2016 bán gấp 60 lần mệnh giá
Tờ 500 Rupiah Indonesia in hình khỉ được nhiều cửa hàng giới thiệu cho mùa Tết 2016, có mệnh giá chỉ tương đương 811 đồng, nhưng được rao giá 50.000 đồng. Ảnh: Minh Trí.
Trước Tết Âm lịch hơn 2 tháng, nhiều đại lý, cửa hàng cung cấp tiền lì xì đã giới thiệu tới khách hàng các mẫu tiền mừng tuổi dành riêng cho năm 2016. Khác với năm con dê, hình ảnh chú khỉ cho năm Bính Thân xuất hiện trên khá nhiều loại tiền, như của Indonesia, Costa Rica hay tiền kỷ niệm của Australia hoặc Mỹ với giá chênh lệch khá lớn.
Theo đó, giá của một đồng 2 USD được in ấn riêng cho các nước châu Á trong dịp Tết của Bộ Tài chính Mỹ được rao bán trên mạng dao động 400.000-450.000 đồng một tờ. Một phiên bản khác là tờ 2 USD in hình khỉ mạ vàng có giá đắt hơn, từ 450.000 đồng tới 500.000 đồng một tờ. Trong khi đó, đồng tiền kỷ niệm Tết Bính Thân của Australia bán giá 150.000 đồng.
Một số mẫu tiền thật cũng được rao bán giá khá cao, trong đó có đồng 500 Rupiah của Indonesia (giá 25.000 đồng) và đồng 5.000 Colon của Costa Rica (giá 650.000 đồng). Mức này cao hơn từ 2,5 đến 30 lần mệnh giá của đồng tiền, dù đã được nhiều cửa hàng đặt khuyến mại.
Theo anh Trần Minh Trí, một người sưu tập và kinh doanh tiền lì xì độc lạ tại quận Gò Vấp, TP HCM, thời điểm này vẫn còn khá ít người mua lẻ, và chủ yếu là mua số lượng lớn để phân phối lại. Thông thường, cao điểm mua bán tiền lì xì sẽ rơi vào sau Tết Dương lịch, nhất là 2 tuần trước năm mới.
“50% lượng đặt hàng đến từ những ngày cuối năm, nhưng cửa hàng vẫn phải nhập hàng sớm và bán dần để cạnh tranh khách”, anh Trí cho biết.
Hiện tại, cửa hàng của anh có nhiều loại tiền dành riêng cho năm 2016 mang hình con khỉ. Trong đó, loại có số lượng giao dịch nhiều nhất đến nay là đồng 500 Rupiah Indonesia và bộ tiền tứ linh. Chủ cửa hàng này cho biết, giá bán tiền của Indonesia khi mới xuất hiện ở Việt Nam cao hơn mệnh giá thực tới 60 lần, hiện giảm còn 30 lần.
“Đồng tiền này được phát hành tại Indonesia vào những năm 90, nhưng hiện tại đã không còn sử dụng trong lưu thông nữa. Vì thế, giá bán ở Việt Nam sẽ thay đổi tùy vào số lượng thu gom và chuyển về được, và không đặt giá chênh lệch với tiền cũ và mới. Khách mua buôn được giảm thêm 10%”, anh Trí chia sẻ.
Trong khi đó, anh Vũ Nhật Linh ở quận Thủ Đức, TP HCM cho biết, việc kinh doanh tiền lì xì lẻ ngày càng cạnh tranh do có nhiều mối tham gia bán hàng. Thay vì bán hàng lẻ, hai năm nay cửa hàng của anh chuyển sang bán buôn tiền lì xì.
Chủ cửa hàng này cho hay, nhiều mối cung cấp tiền lì xì tết gộp đơn hàng, sau đó đặt mua ở nước ngoài qua một đại lý trung gian. Tiền ở Mỹ, Úc có thể đặt trực tiếp từ công ty sản xuất, còn tiền tại các nước khác thì cần tìm trước nguồn. Thông thường, cửa hàng sẽ đặt giá bán để có lãi tối thiểu 20%, sau khi đã tính đủ chi phí mua hàng, vận chuyển và trả công cho đầu mối mua gom.
“Tiền 2 USD năm nay được Mỹ bán online giá 58,88 USD cho một bản 8 tờ, tức khoảng 7,5 USD cho một tờ (tương đương 150.000 đồng). Nói là bán online nhưng vẫn cần người đặt hàng giúp, thanh toán và chuyển về hộ, vì vậy giá trong những ngày đầu tiên sẽ đẩy lên để bù chi phí, sau đó giảm dần theo lượng cung cầu thị trường”, anh Linh tiết lộ.
Riêng với đồng 500 Rupiah Indonesia, chủ cửa hàng ở quận Thủ Đức, TP HCM tiết lộ muốn mua bao nhiêu cũng có thể cung cấp hàng. Bởi tương tự như tiền 100 đồng ở Việt Nam, dù hầu như đã rút khỏi lưu hành và không in mới, nhưng lượng còn dư trong các ngân hàng là rất nhiều. Vì vậy, đầu mối có thể gom được tiền mới với số lượng không hạn chế.
Ngoài gom tiền có sẵn trên thế giới, cửa hàng này cũng đặt thêm in gia công tại một số xưởng làm hàng mã những mẫu tiền thiết kế riêng. “Phí in gia công tiền rất rẻ, ngay cả có mạ vàng vẫn dưới 500 đồng một tờ. Tuy nhiên tiền này lại ít người mua vì chất lượng in ấn thấp, hình mạ vàng thường nhòe mờ. Năm nay, cửa hàng chỉ đặt khoảng 1.000 tờ, chủ yếu tặng thêm cho khách đặt buôn các loại hàng khác”, anh Linh thừa nhận.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.