Tin tức kinh tế, tài chính ngày 11/7/2021: Những xung đột lợi ích khiến bất động sản bị thao túng

2021-07-11 09:25:47 0 Bình luận
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu giảm lãi suất cho vay ngay trong tháng 7. Vi phạm giao dịch chứng khoán, 3 cá nhân bị xử phạt. Các xung đột lợi ích khiến nguồn cung bất động sản bị thao túng. Bà Rịa-Vũng Tàu: Thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tăng

Dự báo giá vàng tuần tới: Nhiều khả năng sẽ tăng trên thị trường quốc tế

Theo khảo sát của Kitco, thị trường kim loại quý đang chứng kiến một tâm lý lạc quan với phần lớn các nhà phân tích Phố Wall và các nhà đầu tư nhỏ lẻ dự đoán giá vàng sẽ tăng vào tuần tới.

Cụ thể, 16 nhà phân tích Phố Wall đã tham gia cuộc khảo sát vàng của Kitco News. Trong đó, 12 người (75%) dự đoán giá vàng thế giới sẽ tăng, 12,5% cho rằng kim loại quý này sẽ giảm giá và 12,5% còn lại có quan điểm trung lập.

Cuộc thăm dò trực tuyến trên Phố Main thu hút 902 nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia. Tổng cộng có 550 người (61%) cho rằng giá vàng tuần tới đi lên, 178 nhà đầu tư (20%) có nhận định ngược lại và 174 người (19%) dự kiến thị trường vàng bình ổn.

Bảng khảo sát giá vàng Kitco. (Ảnh: Kitco).

Theo những bình luận mới nhất trong cuộc khảo sát của Kitco tuần này, hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng những tác động từ đợt bán tháo mạnh trên thị trường vàng trong tháng 6 sắp kết thúc.

Ole Hansen, Giám đốc chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo, cho rằng thị trường vàng sẽ khởi sắc vào thời gian tới, tuy nhiên vẫn cần thận trọng vì lượng giao dịch có thể bất ổn vì nhiều nhà đầu tư có thể sẽ dành thời gian cho kỳ nghỉ hè.

Eugen Weinberg, Giám đốc bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Commerzbank, cũng nằm trong số những người có cái nhìn tích cực về thị trường vàng khi nhận thấy giá kim loại quý này giữ vững trên mức 1.800 USD/ounce. Ông Weinberg cho rằng chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi giá vàng bắt đầu tăng cao hơn.

Nicholas Frappell, Tổng giám đốc của ABC Bullion, tin rằng giá vàng có thể đạt 1.820 USD/ounce miễn là kim loại quý này duy trì trên mức hỗ trợ 1.790 USD.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích lưu ý rằng các nhà đầu tư không nên chủ quan vì thị trường kim loại quý đang gặp nhiều khó khăn khi phải đối mặt với một số sự kiện, bao gồm việc Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) thay đổi mục tiêu lạm phát trung bình xuống 2% trong trung hạn và Ngân hàng Trung Quốc giảm mạnh lợi suất trái phiếu.

Adrian Day, Giám đốc của Adrian Day Asset Management, tỏ ra trung lập với vàng vào tuần tới, nhưng ủng hộ xu hướng giá kim loại quý đi lên trong dài hạn nhờ các chính nới lỏng tiền tệ và lạm phát leo thang.

Trong khi đó, Marc Chandler, Giám đốc điều hành tại Bannockburn Global Forex, dự đoán giá vàng sẽ đi xuống trong thời gian tới vì lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ có khả năng sẽ tăng vào tuần tới sau khi giảm mạnh trong tuần này.

Vi phạm giao dịch chứng khoán, 3 cá nhân bị xử phạt

Ngày 10/7, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết vừa ban hành loạt quyết định xử phạt các cá nhân có vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Cụ thể, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Lê Thị Ngọc Thúy, liên quan đến mã cổ phiếu VNM.

Mức phạt tiền là 20 triệu đồng vì đã có hành vi "không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch". Bà Lê Thị Ngọc Thúy đã giao dịch mua 20.000 cổ phiếu VNM (tương ứng 200.000.000 đồng mệnh giá cổ phiếu VNM) và bán 20.000 cổ phiếu VNM (tương ứng 200.000.000 đồng mệnh giá cổ phiếu VNM) từ ngày 11.1 đến ngày 20.1 nhưng không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch.

Cơ quan chức năng cũng ban hành quyết định xử phạt với ông Nguyễn Hải Trường (quận 7, TP Hồ Chí Minh), mức phạt tiền 100 triệu đồng.

Lý do bởi ông Nguyễn Hải Trường đã không đăng ký chào mua công khai theo quy định pháp luật. Cụ thể, ngày 29.6.2020, ông Nguyễn Hải Trường đã mua 3.673.250 cổ phiếu của Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh vật tư (mã chứng khoán: CNT), dẫn đến tỉ lệ sở hữu tăng từ 0,2% (tương ứng 82.900 cổ phiếu) lên 37,88% (tương ứng 3.756.150 cổ phiếu) nhưng không đăng ký chào mua công khai theo quy định.

Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã ban hành quyết định đối với ông Đặng Phú Quý - thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã chứng khoán: QNS) với mức phạt tiền 5 triệu đồng.

Ông Quý bị xử phạt do đã có hành vi không báo cáo về việc dự kiến giao dịch khi thực hiện mua 10.000 cổ phiếu QNS vào ngày 15.9.2020.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu giảm lãi suất cho vay ngay trong tháng 7

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Hiệp hội Ngân hàng vận động sự đồng thuận của các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay với những mức cụ thể ngay trong tháng 7.

Đây là một trong những nội dung quan trọng được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị thành viên, các tổ chức tín dụng nêu ra tại hội nghị trực tuyến về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế trước tác động của đại dịch COVID-19.

Tại hội nghị, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết dịch, COVID-19 bùng phát gần 18 tháng qua đã tác động lớn đến nền kinh tế nói chung và hoạt động của ngành ngân hàng nói riêng. Trong khi đó, đại dịch vẫn còn diễn biến rất phức tạp, đặt ra yêu cầu phải vừa phòng, chống dịch nhưng vẫn bảo đảm được khôi phục, đạt mục tiêu kinh tế.

Trên thực tế, các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn vì dịch bệnh. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ doanh nghiệp rút khỏi thị trường tương đối lớn do sức chống chịu không còn. 

Theo Phó Thống đốc, Nhà nước đã và đang nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, ngành ngân hàng được xem là một kênh hỗ trợ doanh nghiệp tích cực thời gian vừa qua.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 1/2020, sau đó là Thông tư 3/2021 sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 để tái cơ cấu, giãn hoãn các khoản vay dư nợ và lãi vay đến hạn, giảm lãi suất, phí, cùng nhiều cơ chế chính sách khác, hệ thống ngân hàng đã triển khai hỗ trợ doanh nghiệp.

Các chính sách mới này cùng với các hỗ trợ về thuế, bảo hiểm, san sinh xã hội… đã giúp các doanh nghiệp, người lao động tháo gỡ khó khăn.

Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục phức tạp, các doanh nghiệp vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn và khả năng chống chịu ngày càng suy giảm khi dịch bệnh kéo dài. Vì vậy, năm 2021 này vẫn cần những hỗ trợ tích cực và trách nhiệm hơn từ tất cả ngân hàng trong việc tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ, hỗ trợ lãi suất.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, mọi hoạt động của ngành ngân hàng phải hài hoà giữa 2 mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng và cho từng tổ chức tín dụng, không chỉ trong ngắn hạn mà còn trong trung, dài hạn.

Lãnh đạo cơ quan quản lý tiền tệ cũng cho biết thêm trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát; duy trì ổn định vĩ mô, thị trường, hỗ trợ phục hồi nhanh kinh tế.

Theo đó, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua các giải pháp, biện pháp trên tinh thần hỗ trợ tích cực, thực chất. Đặc biệt, hỗ trợ doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo an toàn, duy trì năng lực tài chính cho bản thân ngân hàng và hệ thống.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và 12 ngân hàng thương mại cổ phần xem xét tiếp tục giảm lãi suất cho vay với các khoản dư nợ hiện hữu. Ngân hàng Nhà nước cũng đã giao Hiệp hội Ngân hàng vận động sự đồng thuận của các tổ chức tín dụng giảm lãi suất với những mức cụ thể ngay trong tháng Bẩy này.

Được biết, đầu tuần tới, các ngân hàng sẽ có thêm 1 cuộc họp với cơ quan quản lý để thảo luận về các bước đi tiếp theo khi thực hiện giảm lãi suất.

Kể từ khi đại dịch bùng phát đến nay, các ngân hàng đã nhiều đợt giảm lãi suất cho cả dư nợ mới và dư nợ hiện hữu để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trước những khó khăn do dịch bệnh.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/5, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 257.602 khách hàng với dư nợ 336.663 tỷ đồng; miễn giảm, hạ lãi suất cho 676.690 khách hàng với dư nợ hơn 1,27 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến tháng 6/2021 là hơn 3,5 triệu tỷ đồng.

Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay hiện giảm khoảng 0,3%/năm so với tháng 12/2020. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm. Lãi suất cho vay USD bình quân ở mức 3,0-6,0%/năm./.

Các xung đột lợi ích khiến nguồn cung bất động sản bị thao túng

Các vấn đề về lợi ích giữa chính những người ra chính sách về đất đai, theo một số chuyên gia, đã khiến nguồn cung bất động sản bị thao túng.

Tại toạ đàm về quản lý và phát triển thị trường quyền sử dụng đất mới đây, nhóm nghiên cứu gồm TS Hoàng Kim Huyền, ThS Nguyễn Thị Ngọc Hà thuộc Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia nhấn mạnh, khu vực quản lý công - các cơ quan quản lý nhà nước - chính là nhóm có tác động lớn đến nguồn cung bất động sản Việt Nam.

Đây là những cấp có thẩm quyền ra quyết định về quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, quyết định khung giá đất... Nhóm này còn có khả năng tác động đến các doanh nghiệp ngành bất động sản – một lực lượng khác quyết định quy mô, chất lượng nguồn cung, thông qua quyết định đơn vị nào được trúng thầu dự án từ tư vấn, quy hoạch đến xây dựng.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hà cho biết, hiện có 5 xung đột lợi ích trong khu vực công này, "khiến nguồn cung bị thao túng".

Thứ nhất, cơ quan có thẩm quyền được phê duyệt quy hoạch, thay đổi, bổ sung quy hoạch, nhưng không phải chịu trách nhiệm về giải trình nếu chậm công bố thông tin hay biến việc lấy ý kiến của bên liên quan thành hình thức.

Bà dẫn chứng, tuy các quy định về công bố quy hoạch lấy ý kiến người dân có đầy đủ, các tiêu chí cụ thể về thành phần, nội dung, cơ chế giải trình của cơ quan quản lý lại không có.

"Theo PAPI 2018, chỉ 25% người dân biết về quy hoạch sử dụng đất nơi mình sống và chưa đến 30% có cơ hội tham gia góp ý kiến cho kế hoạch sử dụng đất", bà Hà nói.

Lý do này khiến quy trình lấy ý kiến từ các bên liên quan đến quy hoạch bị giảm hiệu quả hoặc vô hiệu hoá, dẫn đến méo mó thông tin thị trường, tạo các cụm đầu cơ, trục lợi kéo dài đến nay.

Thứ hai, cơ quan có thẩm quyền vừa được quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất, vừa được chọn nhà thầu cho các dự án liên quan.

Bà Hà cho biết, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thuộc quyền của UBND tỉnh và huyện qua quy hoạch, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch tạo ra chênh lệch rất lớn về giá trị, giá cả. Nhưng do sự phức tạp của quyền sử dụng đất nên quản lý bất động sản còn lúng túng, cơ chế giá không phản ánh đúng cung - cầu thị trường.

Từ đó, dẫn đến nhiều loại giá trong quản lý quyền sử dụng đất ở nhiều cấp, ngành khi tính toán phí, thuế. Theo bà, đây là lỗ hổng cho tham nhũng chính sách đất đai phát triển.

"Khi hàng hoá không được xác định theo quy luật cung - cầu, thông tin thị trường sẽ bị méo mó, quyền lực thị trường thuộc về nhóm có thông tin đầy đủ", bà Hà nói. Điều này có thể tạo thành nhóm lợi ích giữa chính trị gia địa phương và nhà thầu sân sau.

Bên cạnh đó, lựa chọn chỉ định thầu thay vì đấu thầu công khai bằng cách trình lên cấp cao hơn để xin ngoại lệ cũng diễn ra phổ biến. Nhờ vậy, nhiều nhà thầu có chất lượng kém được tham gia vào dự án bất động sản, hạ tầng, gây thất thoát, lãng phí tài nguyên, giảm giá trị gia tăng cho nguồn cung thị trường.

Xung đột lợi ích thứ ba chính là, cơ quan có thẩm quyền vừa được phê duyệt thay đổi quy hoạch mục đích sử dụng đất, vừa được phép thực hiện các thay đổi này ngay trong nhiệm kỳ.

Theo nhóm nghiên cứu, nhiều tỉnh thành đã điều chỉnh quy hoạch nhiều lần do chất lượng quy hoạch thiếu đồng bộ, thiếu tư duy, tầm nhìn dài hạn. Ví dụ, kết quả giám sát của Quốc hội (2019) cho thấy, cả nước có 1.400 dự án được điều chỉnh quy hoạch, trong đó, có những dự án được điều chỉnh lên đến 5-6 lần. Hà Nội có tỷ lệ điều chỉnh quy hoạch cục bộ lên đến 70%, TP HCM là lớn hơn 40%.

Điểm đáng lưu ý được nhóm nghiên cứu chỉ ra là thời gian từ khi điều chỉnh quy hoạch cho đến khi thực thi quy hoạch điều chỉnh rất ngắn, có thể cùng trong một nhiệm kỳ. Điều này làm gia tăng mạnh các sai phạm do tư duy nhiệm kỳ ngắn hạn trong hoạt động này.

Nhóm nghiên cứu cho biết, có những trường hợp quy hoạch còn tuỳ tiện, theo lợi ích của nhà đầu tư, ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật... Một số nhà đầu tư vì vậy đã bị xử phạt, tuy nhiên, chưa một cơ quan có thẩm quyền nào phải giải trình hoặc chịu chế tài xử phạt vì quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch yếu kém, sai quy trình.

Thứ tư, quyền lực với nguồn cung của cơ quan chức năng lớn nhưng lại thiếu vắng giám sát tuân thủ độc lập cũng như trách nhiệm giải trình đúng thời điểm trước khi gây hậu quả. Đơn cử, HĐND cấp tỉnh là đơn vị chịu trách nhiệm giám sát việc lập, tổ chức thực hiện, quản lý quy hoạch, sử dụng đất đai tại một số dự án quy mô lớn của tỉnh. Tuy nhiên, HĐND tỉnh cũng đồng thời là cơ quan có thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất và quyết định giá đất.

Ngoài ra, cơ quan triển khai là chính quyền tỉnh thì các vị trí quản lý chủ chốt để thực thi các chính sách của HĐND tỉnh, nhiều trường hợp cũng kiêm nhiệm vị trí chủ chốt của UBND tỉnh.

Xung đột lợi ích cuối cùng chính là, cơ quan có thẩm quyền vừa được quyền thay đổi giá trị tài nguyên đất, vừa được quyết định giá cũng như được để lại nguồn thu 100% từ các quyết định này cho địa phương.

Theo quy định, địa phương được giữ lại 100% các khoản thu thuế, phí liên quan đến nhà đất. Cơ chế này tạo ra tư duy nhiệm kỳ với việc tận thu từ đất đai. Việc này có thể dẫn tới điều chỉnh quy hoạch, vi phạm các khuôn khổ quy hoạch của địa phương.

Với tài nguyên đất, địa phương cũng có quyền trong việc chuyển quyền sử dụng đất (yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến giá đất).

Việc có quyền quyết định với chuyển quyền sử dụng đất và giữ 100% thuế đất cho ngân sách địa phương, nhóm nghiên cứu cho rằng nếu xét trên lý thuyết, có thể tạo ra lỗ hổng thể chế, gây lãng phí tài nguyên đất, thúc đẩy phát triển ngoài quy hoạch nếu không có cơ chế giám sát tốt.

Mặt khác, nhóm cũng lưu ý, nguồn thu từ đất không bền vững khi một phần trong đó là thu một lần, trong khi thuế tài sản, nguồn thu bền vững cho ngân sách, lại chưa có khuôn khổ pháp lý phù hợp.

Để gỡ bỏ xung đột lợi ích, nhóm nghiên cứu cho rằng cần siết chặt kỷ cương về lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện quy hoạch ở mọi cấp chính quyền. Đơn cử, cần pháp lệnh hoá các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị và sửa đổi quy hoạch. Việc vi phạm cần bị truy tố và đền bù tại mọi cấp chính quyền, hoặc với cá nhân có liên quan; Thời hạn từ khi quy hoạch đến khi thực hiện tối thiểu phải 5-10 năm để xoá bỏ lỗ hổng nhiệm kỳ; Cần có quy định thời gian tối thiểu công bố thông tin, kế hoạch thực hiện quy hoạch...

Bên cạnh đó, việc nâng cao hiệu quả giám sát tuân thủ với các vấn đề này cũng cần chú trọng như độc lập về quyền sở hữu, quyền quản lý và quyền giám sát; Sửa đổi quy định về giá đất đai, ví dụ như hoàn thiện cách định giá đất thị trường theo tiêu chuẩn quốc tế.

Bà Rịa-Vũng Tàu: Thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tăng

Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết tính đến hết tháng Sáu vừa qua, trên địa bàn tỉnh có 342 cơ sở sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, tăng 297 cơ sở so cùng kỳ năm ngoái, với diện tích 2.818ha.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh cũng đã có thêm nhiều dự án xin chủ trương đầu tư về lĩnh vực này. Trong số đó, các công nghệ áp dụng điển hình như nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tiên tiến tiết kiệm nước kết hợp điều tiết dinh dưỡng tự động, công nghệ thủy canh, theo dõi điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm theo cảm biến, sử dụng điện năng lượng Mặt Trời,… trên các sản phẩm như rau các loại, dưa lưới, chuối, cây ăn quả, hoa, hồ tiêu.

Hiện, toàn tỉnh có 119 trang trại chăn nuôi lợn, gia cầm, đầu tư ứng dụng công nghệ cao, chiếm 27,5% tổng đàn chăn nuôi gia cầm và 59,3% tổng đàn chăn nuôi lợn. Các công nghệ sử dụng gồm trang trại thiết kế hệ thống chuồng lạnh, sử dụng chế phẩm sinh học, ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, sử dụng giống bố mẹ nhập ngoại.

Lĩnh vực thủy sản, có 15 cơ sở nuôi thủy sản thương phẩm và sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 400ha, tăng 50ha so cùng kỳ. Theo đó, công nghệ áp dụng sản xuất là nuôi tôm sinh học siêu thâm canh, tuần hoàn nước, sử dụng hệ thống máy lọc nước hiện đại, ứng dụng kỹ thuật kiểm soát, quản lý nuôi của Israel, quy trình 3 sạch, công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh với mật độ 250-500 con/m2, 3-5 vụ/năm.

Ông Trần Văn Cường cho biết thêm trong năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh tiếp tục thực hiện Kế hoạch hành động của Ủy ban Nhân dân tỉnh triển khai Đề án số 04-ĐA/TU của về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025 theo Quyết định phê duyệt số 712/QĐ-UBND ngày 14/3/2018.

Theo kế hoach trên, Sở tiếp tục hoàn thiện, trình duyệt các đề án, dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao như đề án lập phân khu chức năng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Châu Đức, đề án đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao trong nông nghiệp, dự án Cơ giới hóa nông nghiệp và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch; tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh báo cáo đánh giá chủ trương quỹ đất thực hiện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Hiện trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, các doanh nghiệp đang thực hiện liên kết và áp dụng các công nghệ cao vào sản xuất với các hợp tác xã và bà con nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi trên một số loại cây trồng, gồm hồ tiêu, lúa, ca cao, rau các loại, cây ăn quả,... với tổng diện tích 16.131ha, tăng 668ha.

Trong chăn nuôi và thủy sản, có 40 cơ sở nuôi lợn, 50 cơ sở chăn nuôi gà và khoảng 7ha nuôi tôm tại Xuyên Mộc.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Hải Phòng phát động thi sáng tác tranh Kỷ niệm 70 năm giải phóng thành phố

Sáng 5/5, TP.Hải Phòng tổ chức lễ phát động Cuộc thi Sáng tác tranh cổ động hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng thành phố (13/5/1955 - 13/5/2025).
2024-05-05 17:56:20

Phát hành bộ tem bưu chính Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ Thông tin & Truyền Thông đã phát hành bộ tem bưu chính ‘Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 – 2024)’. Đây là bộ tem thứ tám của Bưu chính Việt Nam về Chiến thắng Điện Biên Phủ.
2024-05-05 16:45:10

Ra mắt Trung tâm báo chí Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Hôm nay, 5/5, tại Trung tâm Hội nghị - Văn hoá tỉnh Điện Biên ra mắt Trung tâm báo chí Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
2024-05-05 16:30:00

Tổng duyệt Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 5/5, tại sân vận động tỉnh Điện Biên, TP Điện Biên Phủ, Ban chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước tổ chức tổng duyệt Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
2024-05-05 12:05:00

Nghệ An: Công diễn vở kịch hát 'Lời Người - Lời của nước non'

Hướng đến Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), tối 4/5, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An giới thiệu vở kịch hát “Lời Người - Lời của nước non” của tác giả Vũ Hải, đạo diễn NSND Hồng Lựu.
2024-05-04 22:35:00

HĐND tỉnh Hà Tĩnh thông qua 13 nghị quyết quan trọng

Sáng 4/5, HĐND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Kỳ họp thứ 19 (kỳ họp chuyên đề) đã họp bàn, xem xét và thông qua 13 nghị quyết quan trọng nhằm kịp thời xử lý các yêu cầu thực tiễn đặt ra.
2024-05-04 17:05:00
Đang tải...