Tin tức kinh tế, tài chính ngày 13/7/2021: 16 ngân hàng giảm lãi suất cho vay

2021-07-13 09:43:19 0 Bình luận
16 ngân hàng sẽ giảm lãi suất cho vay. Chứng khoán lao dốc, nhà đầu tư cắt lỗ thoát hàng. Ngành công nghiệp hỗ trợ ôtô Việt Nam “mắc kẹt” với các điểm nghẽn

Giá vàng hôm nay 13/7: Trụ vững trên ngưỡng 1.800 USD/ounce

Giá vàng hôm nay cầm cự trên ngưỡng 1.800/USD trong bối cảnh thị trường chưa có yêu tố nào tác động tích cực đến kim loại quý

Giá vàng hôm nay của thế giới trên ngưỡng 1.800 USD/ounce

Khoảng 6 giờ ngày 13/7 (theo giờ Việt Nam), giá vàng hôm nay của thế giới giao dịch 1.808 USD/ounce, ngang bằng với mức giá cửa hôm trước.

Đêm qua, giá vàng thế giới gần như đi ngang trong vùng 1.800 USD/ounce, dù USD còn xu hướng tăng giá, dòng tiền dồn vào chứng khoán quốc tế bất lợi cho thị trường vàng.

Nhà phân tích Jim Wyckoff của Kitco.com (trang thông tin về thị trường vàng tại Mỹ) nhận định những lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu kém mạnh mẽ do chủng virus Covid-19 mới gia tăng, khiến nhiều người nắm giữ vàng để bảo toàn vốn. Giá vàng nhờ thế đứng vững trên 1.800 USD/ounce.

Mặt khác, giới đầu tư vàng đang chờ đợi các yếu tố có thể tác động tích cực đến thị trường. Nhất là dữ liệu lạm phát tại Mỹ sẽ được công bố vào rạng sáng 14/7. Theo đó, nhiều người đang tập trung vốn vào cổ phiếu giúp thị trường chứng khoán Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu đồng loạt tăng điểm. Điều này đồng nghĩa dòng tiền chảy vào thị trường vàng bị hạn chế. Thế nên giá vàng hôm nay chưa có động lực để bật tăng.

Theo dõi diễn biến giá vàng ngày 12/7, nhiều người nhận thấy thị trường gần như không có những giao dịch lớn. Khi giá thế giới giằng co trong vùng 1.800 USD/ounce, một số nhà đầu tư đã bán khống chờ giá vàng đi xuống sẽ mua vào thu về lợi nhuận. Thế nên lúc 23 giờ cùng ngày, giá vàng thế giới giảm 10 USD/ounce từ 1.805 USD/ounce xuống còn 1.795 USD/ounce.

Ở mức giá này, những người đã bán khống bắt đầu mua vào. Lập tức giá vàng thế giới quay đầu đi lên. Đến 6 giờ ngày 13/7, giá vàng hôm nay giao dịch tại 1.808 USD/ounce.

Nói về xu hướng của thị trường vàng, nhà phân tích Carsten Fritsch của Commerzbank (Đức) nhận định nếu ngày 14/7, Mỹ công dữ liệu lạm phát tăng mạnh thì các tổ chức tài chính sẽ tập trung vốn vào kim loại quý để phòng ngừa rủi ro do lạm phát. Khi đó, giá vàng thế giới có động lực bật tăng.

Chứng khoán lao dốc, nhà đầu tư cắt lỗ thoát hàng

Ngay khi bước vào phiên giao dịch đầu tuần 12/7, xu hướng cắt lỗ diễn ra trên diện rộng, hàng trăm cổ phiếu đồng loạt rớt giá. Có thời điểm VN-Index giảm hơn 70 điểm, VN30 rớt hơn 86 điểm. Nhiều cổ phiếu trắng bên mua.

Khởi động phiên giao dịch đầu tuần, các chỉ số chứng khoán đồng loạt giảm mạnh khi các nhà đầu tư thoát hàng.

Theo ghi nhận, sau khi trải qua một tuần "đỏ lửa", VN-Index giảm hơn 73 điểm (từ ngày 5 đến 9/7), khiến danh mục cổ phiếu của không ít nhà đầu tư bị chuyển từ xanh sang đỏ, lãi sang lỗ, do đó nhiều nhà đầu tư đã chủ động bán cắt lỗ.

Dòng tiền rút ra khỏi các cổ phiếu trụ, có vốn hóa lớn như Vinhomes (VHM), Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Công nghiệp cao su Việt Nam (GVR)…

Áp lực bán đè nặng cổ phiếu của các nhà băng, trong đó có Vietcombank (VCB), BIDV (BID), Techcombank (TCB), VietinBank (CTG), VPBank(VPB), ACB (ACB), VIB (VIB)…

Trong khi đó, ngược dòng bán tháo, các cổ phiếu của Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (SJS), Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT), Dịch vụ Nông nghiệp Bình Thuận (ABS), Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD) nhận được lực mua khá tốt.

Theo dữ liệu giao dịch, hầu hết các lĩnh vực kinh doanh đều bị giảm điểm, trong đó giảm mạnh rơi vào nhóm nguyên vật liệu, công nghiệp, tài chính, bất động sản, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ tiện ích…

Hàng trăm cổ phiếu rớt giá, bảng giao dịch "đỏ lửa" trong phiên 12-7 - Ảnh: chụp màn hình

Nhân lúc thị trường "đỏ lửa", nhiều nhà đầu tư đã "vợt" cổ phiếu rớt giá, mua vào, giúp rút ngắn mức giảm. Tuy nhiên, diễn biến này kéo dài không lâu.

Đến gần cuối phiên sáng, hàng loạt cổ phiếu "múa bên trăng" (trắng bên mua).

Tạm dừng phiên sáng, có 789 mã chứng khoán bị rớt giá trên ba sàn HoSE, HNX và UPCoM, trong khi đó có 87 mã tăng giá và 798 mã đứng giá.

Chỉ số VN-Index giảm 55,76 điểm (-4,14%) xuống 1.291,38 điểm. Thanh khoản đạt 19.209 tỉ đồng.

Ở rổ VN30, có thời điểm giảm đến 83 điểm, sau đó tạm nghỉ phiên sáng với con số giảm 61 điểm (-4,08%) xuống 1.433,43 điểm, toàn bộ 30 thành viên đều bị rớt giá.

Sàn HNX và rổ HNX30 giảm lần lượt -15,59 điểm (-5,08%) xuống 291,14 điểm và 23,94 điểm (-5,01%) xuống 453,89 điểm.

Điểm sáng của thị trường là khối ngoại mua ròng 320 tỉ đồng.

16 ngân hàng sẽ giảm lãi suất cho vay

Động thái giảm lãi suất cho vay của 16 ngân hàng thương mại sẽ được thực hiện ngay trong tháng 7 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong dịch Covid-19.

Tối  12-7, thông tin từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết có tổng cộng 16 ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua dịch Covid-19.

Tại cuộc họp diễn ra cùng ngày giữa VNBA với các tổ chức tín dụng là hội viên để trao đổi, thống nhất phương thức và thời gian thực hiện việc giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu trong 5 tháng cuối năm 2021.

Đợt giảm lãi suất này sẽ tập trung vào các doanh nghiệp chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19.

16 ngân hàng thương mại đồng thuận giảm lãi suất gồm Vietcombank, Agribank, Vietinbank, BIDV, MB, Techcombank, SHB, LienVietPostBank, VPBank, VIB, TPBank, SeABank, MSB, Sacombank, ACB và HDBank.

Có 16 ngân hàng thương mại sẽ tham gia đợt giảm lãi suất cho vay lần này

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký VNBA, cho biết đại dịch Covid-19 đang có những tác động tiêu cực tới nền kinh tế và hoạt động của các doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Ngân hàng Nhà nước vừa có cuộc họp trực tuyến bàn các giải pháp triển khai Nghị quyết 63, trong đó đặc biệt lưu ý đến làm sao để giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp.

"Hiện việc giảm lãi suất là rất khó nhưng rất cần sự chia sẻ, cảm thông của ngành ngân hàng đối với những khó khăn của doanh nghiệp. Vì vậy, VNBA mời họp bàn để các tổ chức tín dụng thống nhất giảm lãi suất như thế nào; thời gian giảm từ thời điểm nào; số dư nợ được giảm đối với các dư nợ hiện hữu bằng tiền đồng ra sao?" - ông Nguyễn Quốc Hùng gợi ý.

Ông Phạm Quang Thắng, Phó Tổng giám đốc Techcombank, cho hay ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng. Dù vậy, trong hỗ trợ không nên cào bằng mà nên tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất thiết yếu cho nền kinh tế, doanh nghiệp có lực lượng lao động lớn… Còn các doanh nghiệp bất động sản đang lãi lớn, các doanh nghiệp xuất khẩu hay các cá nhân vay tiền mua xe ô tô… thì không nên hỗ trợ lãi suất.

Tại Agribank, ông Nguyễn Viết Mạnh, Thành viên Hội đồng thành viên, cho biết ngân hàng đã thống nhất giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Trong ngày 12/7, Hội đồng thành viên của Agribank sẽ họp để đưa ra mức giảm lãi suất, có khoản sẽ giảm 0,5 điểm %, có khoản giảm 2 - 2,5 điểm %.

Theo bà Phạm Thị Trung Hà, Phó Tổng giám đốc MB, trước mắt MB sẽ hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp gặp khó khăn không có doanh thu hoặc doanh thu giảm (ví như doanh nghiệp trong lĩnh vực lưu trú, dịch vụ…) với mức lãi suất có thể giảm 1 điểm % hoặc hơn; đối tượng được hỗ trợ lãi suất tiếp theo là sản xuất và khách hàng cá nhân (đối tượng trả góp từ lương).

Tại cuộc họp, các ngân hàng đã thống nhất việc giảm lãi suất sẽ hướng đến các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tùy theo đối tượng bị ảnh hưởng, các ngân hàng sẽ có mức giảm lãi suất phù hợp. Thời hạn thực hiện giảm lãi suất sẽ thực hiện sớm trong tháng 7 cho đến hết năm 2021.

Đánh thuế bất động sản “bỏ hoang” để chặn đầu cơ, tránh lãng phí?

Hiện nay, tại Thủ đô Hà Nội và khu vực lân cận đang tồn tại nhiều dự án bất động sản bỏ hoang, từ chung cư, nhà liền kề đến các biệt thự có giá lên đến hàng chục tỷ đồng mỗi căn. Có rất nhiều lý do dẫn đến việc chậm đưa vào sử dụng, nhưng có một điểm chung là các bất động sản bỏ hoang này đang làm xấu hình ảnh đô thị, lãng phí tài nguyên và tạo ra sự bức xúc trong nhân dân. Mới đây, Hà Nội đã đề xuất đánh thuế đối với các bất động sản bỏ hoang này. Đề xuất ngay lập tức gây ra nhiều ý kiến khác nhau trong dư luận.

Điểm du lịch sinh thái Song Phương, huyện Hoài Đức, Hà Nội là một trong những dự án được phê duyệt tại thời điểm tỉnh Hà Tây chuẩn bị được sáp nhập với Hà Nội. Tại “điểm du lịch” này đã có đến 147 căn biệt thự được xây dựng từ 3-4 tầng với diện tích từ 250-500m2.

Theo quy hoạch, khu biệt thự này sẽ là vị trí trung tâm của quận Hoài Đức trong tương lai, với nhiều tuyến đường kết nối với các đô thị hiện hữu, trong đó có khu An Khánh. Mức giá hiện tại đã lên đến cả chục tỷ mỗi căn. Thế nhưng, sau hơn 10 năm xây dựng khu biệt thự này vẫn không có người ở và trở nên hoang tàn.

Điều đáng nói là chỉ trong vòng bán kính 10 Km quanh khu vực này, có đến hàng chục khu biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang từ 5-10 năm nay như Khu đô thị Nam An Khánh, Khu đô thị Vân Canh, Khu đô thị Ledico (huyện Hoài Đức), Khu đô thị Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm).

Chuyên gia Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, những bất động sản để bỏ hoang nhiều năm theo quy định phải đánh thuế, nhưng đánh thuế ở mức độ nào thì cần xem xét kỹ. Đánh thuế như thế nào để người ta chịu được nhưng phải đưa của cải vật chất này vào phục vụ cho xã hội.

“Không để tình trạng hiện nay rất nhiều nơi như Đức Giang, Gia Lâm, Bắc Ninh hay khu vực Hà Tây cũ rồi Vĩnh Phúc, Hưng Yên tồn tại hàng loạt bất động sản bỏ hoang. Tôi cho rằng, lẽ ra việc này ta phải làm từ lâu rồi”, ông Phú nêu quan điểm.

Theo đề xuất của TP Hà Nội, biệt thự bỏ hoang 3 tháng có thể áp thuế khoảng 5% trên giá trị hợp đồng, còn sau 1 năm biệt thự vẫn bỏ hoang sẽ bị tính thuế 10% trên tổng giá trị. Bên cạnh đó, Hà Nội còn đề xuất xử phạt hành chính chủ sở hữu biệt thự, với mức phạt 10 - 20 triệu đồng/căn, đồng thời kiến nghị Chính phủ áp dụng thu thuế cao lũy tiến đối với người mua từ ngôi nhà thứ hai trở lên. Theo ý kiến của các chuyên gia, đây là một đề xuất khá “táo bạo” của Hà Nội, nhưng việc xử lý đối với các dự án này là rất cần thiết.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, các bất động sản như biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang ảnh hưởng xấu đến cảnh quan đô thị, nhếch nhác, thậm chí trở thành tụ điểm của các phần tử xấu, các tệ nạn xã hội. Vì vậy, làm thế nào để đưa những tài sản đó vào sử dụng và phát huy hiệu quả là vấn đề quan trọng.

“Có ý kiến cho rằng, họ có tiền họ đầu tư thì việc có sử dụng hay không là việc của họ. Nhưng ta phải nhìn thấy một vấn đề là sự nhếch nhác, mất an ninh, an toàn của đô thị là vấn đề lớn. Đây cũng là nguồn lực của xã hội mà cần thiết phải đem lại hiệu quả để làm cho nguồn vốn của xã hội được sử dụng một cách tốt nhất. Tôi cho rằng đề xuất giải pháp đánh thuế cao với những biệt thự, chung cư không đưa vào sử dụng là một trong những đề xuất hợp lý. Nhưng chúng ta phải đánh thuế cao, cao hơn mức cho thuê nhà, có thể cao gấp đôi mức cho thuê nhà”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong thì cho rằng, thu thuế nhà đất luôn là vấn đề nóng, không chỉ của Hà Nội. Những dự án không đưa vào sử dụng, sử dụng không hết công suất hoặc để lâu hiện nay khá phổ biến. Đây cũng là sự lãng phí tài sản công, tài nguyên của đất nước. Nỗ lực của Hà Nội trong việc thu thuế đối với các dự án này là hợp lý.

Mặc dù đến nay chưa có sự tổng kết, đánh giá về việc này và cũng chưa có quyết sách chính thức. Nếu là cá nhân thì áp dựng theo kinh nghiệm của nhiều nước theo nguyên tắc có nhiều tài sản thì phải đóng thuế nhiều, hàng năm để họ không coi việc tích lũy nhà đất như một loại tài sản tiết kiệm mà phải đưa vào sử dụng để mang lại hiệu quả cho xã hội. Còn đối với doanh nghiệp thì sử dụng những biện pháp thúc đẩy, nếu dự án có thời hạn, có thể sử dụng biện pháp gia tăng, lũy tiến về tài chính để buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh để đẩy nhanh tiến độ đưa vào sử dụng.

“Chúng ta không thể duy ý chí khi đưa ra một chính sách áp dụng đồng loạt theo kiểu cưỡng bức, mà cần nghiên cứu, đánh giá cụ thể các lý do. Các dự án này là cả một quá trình tích lũy theo thời gian nên lý do rất phức tạp. Thậm chí, tiêu chí thế nào là bỏ hoang cũng chưa rõ. Vì vậy, cần làm rõ tất cả các tiêu chí nhận diện cũng như các lý do và cơ chế xử lý. Nên lấy ý kiến, đánh giá đồng thuận sau đó mới triển khai, như vậy, mức độ đồng thuận sẽ cao hơn và tính hiệu quả cũng cao hơn. Trước hết, nên tập trung vào những nhóm đất nằm ở vị trí vàng, vị trí nội đô và những dự án mà lý do rõ ràng không thể biện minh”, TS. Nguyễn Minh Phong nêu ý kiến.

Một số ý kiến cho rằng, đánh thuế giảm đầu cơ sẽ giúp thị trường bất động sản trở về với giá trị thật. Những người thu nhập thấp có điều kiện tiếp cận với nhu cầu nhà ở, giải quyết tận gốc tình trạng gom đất đầu cơ, thổi giá. Mặc dù vậy, khi đưa ra quyết định đánh thuế đối với bất động sản chậm đưa vào sử dụng, cần rất thận trọng và có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng.

Khi chủ trương chưa rõ, chưa có những tiêu chí nhận diện và những chế tài cụ thể thì rất khó triển khai. Khó cho nhà đầu tư và khó cho các bộ, ngành, địa phương. Vì vậy, cần có thông tin cụ thể về các dự án, từ đó phân tích các nhóm nguyên nhân, nhóm chế tài và các nhóm xử lý khác nhau để có giải pháp phù hợp.

Quan trọng là định vị rõ các tiêu chí cũng như các chế tài cụ thể, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của các bên liên quan.

Ngành công nghiệp hỗ trợ ôtô Việt Nam “mắc kẹt” với các điểm nghẽn

Theo Bộ Công Thương, dung lượng thị trường và chênh lệch giá thành giữa ôtô sản xuất trong nước và ôtô nhập khẩu, chênh lệch chi phí sản xuất là hai điểm nghẽn lớn nhất của ngành công nghiệp ôtô.

Nhà máy sản xuất ôtô VinFast tại Khu công nghiệp Đình Vũ, huyện Cát Hải, Hải Phòng. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Một chiếc nắp bình xăng nhỏ bé cũng phải nhập khẩu. Trong khi đó, để hoàn thiện một chiếc ôtô cần tới hàng chục nghìn linh kiện. Cho dù đã có hàng loạt cơ chế chính sách được đưa ra để tháo gỡ, nhưng thực tế ngành công nghiệp hỗ trợ ôtô vẫn tiếp tục “giấc mơ” nội địa hóa.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) Lê Dương Quang, gần 30 năm qua, hàng loạt cơ chế, chính sách cho ngành công nghiệp ôtô nói chung và công nghiệp hỗ trợ ôtô nói riêng đã được ban hành, song do thiếu tính khả thi nên hiệu quả triển khai trên thực tế rất thấp.

Đến nay, có tới 80% linh kiện cho sản xuất xe trong nước là nhập khẩu, 20% còn lại sản xuất trong nước nhưng chủ yếu vẫn là các chi tiết cồng kềnh, giản đơn như ghế, săm, lốp, ắc quy, bộ dây điện, nhựa cỡ lớn...

Điều này đã khiến cho chi phí sản xuất lắp ráp xe trong nước cao hơn từ 10- 20% và giá bán xe cao hơn khoảng 20% so với các nước trong khu vực.

Dẫn chứng cho câu chuyện này, Toyota Việt Nam đưa ra ví dụ chiếc nắp bình xăng, bộ phận rất nhỏ trong số 30.000 linh kiện khác nhau để sản xuất ra một chiếc ôtô. Đó là chi phí sản xuất và bán ra ở Thái Lan chỉ 1,5 USD, thì tại Việt Nam là 3,8 USD và sau nhiều lần tiết giảm, sản phẩm này vẫn có giá 2,5 USD. Với giá này, chắc chắn các doanh nghiệp lắp ráp ôtô sẽ phải nhập khẩu.

Không chỉ vậy, lĩnh vực sản xuất ôtô còn phụ thuộc lớn vào các loại chip bán dẫn. Trung bình một chiếc xe có hàng trăm bộ phận bán dẫn, kéo theo đó là có khoảng 1.400 loại chip trên xe.

Trong khi đó, hiện nay chưa có doanh nghiệp trong nước nào sản xuất được đầy đủ một con chip mà đều phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Cũng có chuyên gia cho rằng, chi phí để đầu nhà máy sản xuất chip rất tốn kém, lên tới hàng chục tỷ USD. Chính vì vậy, trên thế giới có rất ít hãng có thể sản xuất được chip như Intel, Samsung...

Ở Việt Nam cũng đã có những ý tưởng về đầu tư xây dựng công nghiệp sản xuất chip nhằm góp phần chủ động nguồn cung cho các doanh nghiệp, nhưng với những khó khăn hiện nay thì điều này là rất khó.

Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân chính khiến ngành công nghiệp hỗ trợ ôtô thời gian qua không phát triển được là do quy mô thị trường ôtô Việt Nam nhỏ bé, so với Thái lan mới chỉ bằng 1/3 và so với Indonesia bằng 1/4.

Quy mô thị trường nhỏ, bị phân tán bởi nhiều nhà lắp ráp và nhiều mẫu mã khác nhau khiến cho các công ty sản xuất (cả sản xuất, lắp ráp ôtô và sản xuất linh kiện phụ tùng) rất khó đầu tư, phát triển sản xuất hàng loạt. Chính vì thế, khả năng để nội địa hóa, phát triển công nghiệp phụ trợ ôtô rất khó.

Thời gian gần đây, để chủ động nguồn linh kiện, gia tăng hàm lượng sản xuất trong nước theo chủ trương của Chính phủ, một số doanh nghiệp lớn trong nước đã chủ động đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ ôtô.

Điển hình như THACO AUTO đầu tư Khu công nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng lớn nhất Việt Nam tại Quảng Nam với 12 nhà máy để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, xuất khẩu ôtô và linh kiện phụ tùng.

Cùng với THACO AUTO, Tập đoàn Thành Công cũng đã đầu tư xây dựng Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ôtô Thành Công Việt Hưng tại Quảng Ninh.

Đây sẽ là nơi quy tụ nhiều doanh nghiệp trong ngành phụ trợ sản xuất phụ tùng và linh kiện có hàm lượng công nghệ cao, không chỉ phục vụ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn Thành Công, mà còn hướng tới xuất khẩu.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Quận Đống Đa phát động thi viết báo bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Đảng ủy Khối doanh nghiệp quận Đống Đa hưởng ứng Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ Tư, năm 2024 trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
2024-03-29 10:26:56

KUN Happy Run Cần Thơ 2024 - Sân chơi thể thao đỉnh cao, căng trào cảm xúc

Trước thềm giải chạy VPBank Can Tho Music Night Run 2024, sáng ngày 13/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), thương hiệu KUN thuộc CTCP Sữa Quốc tế (IDP) và Nexus Sport Events sẽ phối hợp tổ chức giải KUN Happy Run Cần Thơ 2024. Giải chạy nhằm lan tỏa tình yêu thể thao, truyền cảm hứng về lối sống nhân văn, tích cực đến các mầm non tương lai của đất nước.
2024-03-29 10:04:15

Du khách được ăn hơn 400 món tại Lễ hội văn hóa ẩm thực TP.HCM

Lễ hội Văn hóa ẩm thực Món ngon Saigontourist Group 2024 hấp dẫn với hơn 400 món ăn, thức uống đặc trưng ba miền tại 40 gian hàng ẩm thực.
2024-03-28 22:55:00

Thành lập Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật TP Thái Nguyên

Ngày 28/3, tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; Hội Người khuyết tật TP Thái Nguyên tổ chức Lễ ra mắt Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật.
2024-03-28 17:48:00

Về thăm chùa cổ Kiên Lao - Sùng Phúc tự

Chùa Kiên Lao (Sùng Phúc tự) ở làng Kiên Lao, xã Xuân Kiên (Xuân Trường, Nam Định) là một trong những danh lam cổ tự của vùng đất “Địa linh, nhân kiệt”. Nơi đây Hòa thượng Thích Thiện Tri trụ trì là bậc hoằng pháp chân tu cùng Hội phật tử dốc lòng tâm huyết, luôn mang lại phúc lành cho mọi người dân và tín đồ phật tử muôn phương.
2024-03-28 16:04:55

Khám phá những đường chạy cực chất tại VPBank Can Tho Music Night Run 2024

Chính thức khởi tranh vào chiều tối 13/4, VPBank Can Tho Music Night Run 2024 sẽ đưa runner băng qua cung đường ấn tượng gắn kết với những địa danh đã đi vào huyền thoại của thủ phủ miền Tây Nam Bộ.
2024-03-28 13:59:17
Đang tải...