Tin tức kinh tế, tài chính ngày 12/8/2021: 16 ngân hàng hỗ trợ lãi suất 20.300 tỉ đồng cho doanh nghiệp vì Covid-19

2021-08-12 12:19:15 0 Bình luận
Ngân hàng dành 20.300 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp. Ủy ban Chứng khoán sẽ cân nhắc điều chỉnh biên độ giá chứng khoán

Giá vàng hôm nay 12/8: Tăng mạnh, vượt ngưỡng 1.750 USD/ounce

Giá vàng hôm nay ở thị trường trong nước tăng trở lại khi thị trường thế giới hồi phục.

Lúc 9h, giá vàng SJC tại TP HCM được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 56,4 triệu đồng/lượng, bán ra 57,1 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng so với hôm qua.

Giá vàng PNJ được doanh nghiệp giao dịch mua vào 50,85 triệu đồng/lượng, bán ra 52,25 triệu đồng/lượng, tăng tới 400.000 đồng mỗi lượng.

Trong khi đó, giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại được giao dịch phổ biến quanh 50,45 triệu đồng/lượng mua vào, 51,15 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 200.000 đồng/lượng.

Trên thị trường quốc tế, giá vàng hôm nay hiện được giao dịch ở mức 1.751 USD/ounce, quy đổi theo tỉ giá niêm yết chỉ khoảng 48,4 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC khoảng 9 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng trang sức khoảng gần 3 triệu đồng/lượng.

Tỉ giá trung tâm sáng nay được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm tới 26 đồng mỗi USD so với hôm qua, về mức 23.152 đồng/USD. Giá USD ở các ngân hàng từ đó cũng có ảnh hưởng mạnh, khi lao dốc về quanh 22.710 đồng/USD mua vào, 22.910 đồng/USD bán ra, giảm tới 70 đồng mỗi USD so với hôm qua. Đây là mức giảm rất mạnh của đồng USD trong nhiều ngày qua.

Giá vàng hôm nay của thế giới tăng mạnh

Đầu ngày 12/8 (theo giờ Việt Nam), giá vàng hôm nay của thế giới giao dịch tại 1.752 USD/ounce, đánh dấu một phiên tăng tới 22 USD/ounce.

Trước đó trong ngày 11-8, giá vàng thế giới giao dịch giằng co không nhiều trong nhiều giờ. Tuy nhiên, sau khi Mỹ thông báo dữ liệu liên quan đến lạm phát, giá vàng đã tăng hàng chục USD/ounce.

Cụ thể, Bộ Lao động Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 -2021 tăng 0,5%. Như vậy, so với mức tăng của tháng trước là 0,9%, CPI tại Mỹ đã giảm 0,4 điểm %. Thế nhưng, nếu so với cùng kỳ năm trước thì CPI tại Mỹ đã tăng 5,4%.

Lập tức, thị trường tài chính có phản ứng. Đồng USD suy yếu sâu so với nhiều đồng tiền mạnh khác, tạo đà cho giá vàng hôm nay khởi sắc.

Do CPI tại Mỹ hạ nhiệt nên giới phân tích nhận định có thể lạm phát tại nước này đã lên đến đỉnh và sẽ đi xuống trong thời gian tới. Yếu tố này có thể tác động Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ lỏng lẽo. Nghĩa là Fed sẽ không tăng lãi suất cơ bản trong năm 2022, chưa tính đến giảm dần việc tung ra thị trường mỗi tháng 120 tỉ USD nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế vượt qua khó khăn do Covid-19.

Theo đó, giới đầu tư suy đoán nguồn cung USD tiếp tục dồi dào, có thể làm cho "đồng bạc xanh" suy yếu nhiều hơn nữa, tạo điều kiện cho giá vàng đi lên trong tương lai. Vì thế, khi giá vàng giao dịch tại 1.730 USD/ounce, họ đã dồn vốn vào kim loại quý.

Giá vàng hôm nay tăng một mạch 25 USD/ounce, cán mức 1.755 USD/ounce lúc 2 giờ ngày 12-8. Sau đó, giá vàng hôm nay đi ngang và đến 6 giờ giao dịch tại 1.752 USD/ounce.

Tại Việt Nam, giá vàng SJC ngày 11-8 giữ nguyên ở mức 56,9 triệu đồng/lượng. Theo đó, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới quy đổi 8,2 triệu đồng/lượng.

Về mặt kỹ thuật, giới phân tích dự báo trong ngắn hạn, giá vàng thế giới có thể bứt phá mức cản 1.760 USD/ounce để hướng tới 1.800 USD/ounce. Ngược lại, giá vàng không vượt qua mức cản này sẽ lùi về vùng 1.700 USD/ounce.

Ủy ban Chứng khoán sẽ cân nhắc điều chỉnh biên độ giá chứng khoán

Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam vừa có báo cáo đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2021 - 2023. Một điểm đáng chú ý là hiệp hội này đã đề xuất cơ quan quản lý nâng biên độ dao động sàn HoSE từ 7% lên thành 10% ngay trong năm nay, để đáp ứng sự phát triển mới của thị trường chứng khoán.

Phản hồi đề nghị này, trong thông cáo của Bộ Tài chính gửi cho cơ quan báo chí hôm 11-8, Ủy ban Chứng khoán cho hay sẽ xem xét, cân nhắc việc điều chỉnh biên độ dao động giá khi diễn biến thị trường thực sự cần thiết.

Theo Ủy ban Chứng khoán, điều chỉnh biên độ dao động giá là một trong các biện pháp mà cơ quan quản lý sử dụng để kích thích tăng quy mô và thanh khoản cho thị trường, nhằm cân đối cung cầu chứng khoán, tăng tính hấp dẫn cho nhà đầu tư.

Hiện nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn có xu hướng đi ngang và giảm. Thanh khoản cũng giảm từ đỉnh với giá trị giao dịch đạt hơn 31.000 tỉ đồng xuống còn trung bình 15.000 - 16.000 tỉ đồng/phiên.

Tình hình thị trường chứng khoán thế giới cũng đan xen các phiên tăng giảm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này.

Về quy định điều chỉnh biên độ, thông tư số 120 năm 2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch và chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng quyền có bảo đảm niêm yết trên hệ thống giao dịch chứng khoán, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam quyết định biên độ dao động giá/cơ chế ngắt mạch thị trường sau khi được Ủy ban Chứng khoán chấp thuận.

Căn cứ điều kiện thực tiễn của thị trường, Ủy ban Chứng khoán quyết định áp dụng cơ chế ngắt mạch thị trường hoặc cơ chế ngắt mạch thị trường kết hợp với biên độ dao động giá.

Trong quản lý điều hành thị trường, Ủy ban Chứng khoán thông tin từ năm 2000 đến nay, quá trình thay đổi biên độ dao động giá trên HoSE là 9 lần; trong đó có 7 lần điều chỉnh tăng và 2 lần điều chỉnh giảm.

"Việc tăng - giảm biên độ dao động giá phụ thuộc vào tình hình và biến động của thị trường. Khi thị trường diễn biến xấu thì điều chỉnh giảm biên độ dao động giá là biện pháp cần thiết, nhằm hạn chế đà giảm, ngăn không để thị trường giảm sốc.

Khi các yếu tố cơ bản được kiểm soát, thị trường có dấu hiệu ổn định trở lại và nhằm tăng tính hấp dẫn cho thị trường chứng khoán, bắt đầu có sự điều chỉnh tăng nhẹ dần từ mức 2%, rồi 3% sau cùng là tăng lên mức 7% và áp dụng cho đến hiện nay" - Ủy ban Chứng khoán nêu.

Ngân hàng dành 20.300 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp

Hiện tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, thường xuyên yêu cầu có các chương trình hành động nhằm tháo gỡ khó khăn, thực hiện "mục tiêu kép". Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngành ngân hàng tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm cơ cấu, hoãn, giãn các khoản nợ đến hạn, không chuyển nhóm nợ doanh nghiệp…

Mới đây nhất, 16 ngân hàng đã họp và thống nhất cam kết các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế với nguồn từ số lợi nhuận cắt giảm, ước tính sơ bộ vào khoảng 20.300 tỉ từ nay đến cuối năm, tuỳ quy mô ngân hàng. Riêng 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn là Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV, ngoài gói hỗ trợ chung còn cam kết thêm khoảng 1.000 tỉ đồng hỗ trợ giảm lãi suất cho các doanh nghiệp, người dân ở các địa phương gặp khó khăn nhất do dịch COVID-19 và phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Các ngân hàng này đã triển khai miễn phí 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng cho các địa phương bị ảnh hưởng nặng như TPHCM, Bình Dương…

“Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết giảm lãi suất, giảm được bao nhiêu, giảm thế nào để có sự hỗ trợ thực chất nhất. Các ngân hàng sẽ phải thường xuyên báo cáo kết quả triển khai các biện pháp hỗ trợ như cam kết để thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là dù các ngân hàng thương mại cũng hoạt động kinh doanh như một doanh nghiệp nhưng lúc này, các ngân hàng nên đề cao trách nhiệm chia sẻ với doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, khi tình trạng dịch căng thẳng, việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp, người dân là căn cơ và thiết thực. Để có điều kiện chia sẻ trách nhiệm đồng hành, giảm sâu hơn lãi suất cho doanh nghiệp, đòi hỏi các ngân hàng phải “thắt lưng buộc bụng”, tiết giảm chi phí hoạt động và chia sẻ nguồn lợi nhuận”, ông Đào Minh Tú cho biết.

Vốn ngoại "chực chờ ngoài cửa" để mua bất động sản công nghiệp và logistics TP.HCM

Trong những tháng đầu năm 2021, thị trường bất động sản công nghiệp và logistisc đang là điểm sáng giữa đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, với giá thuê đất, nhà xưởng, kho bãi liên tục leo thang.

Tại TP.HCM, trong 7 tháng đầu năm 2021 đã đón thêm dự án bất động sản logistics lớn từ BW Industrial (Hà Lan) đầu tư tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung, huyện Củ Chi.

BW Industrial quyết định “rót” 80,6 triệu USD vào Công ty TNHH Phát triển công nghiệp BW Tân Phú Trung để xây dựng kho bãi cho thuê và cung cấp dịch vụ logistics trên quy mô 146.387m2 tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung.

Đến từ Singapore, SEA Logistics Partners (SLP) đang cùng đối tác xúc tiến đầu tư khoảng 1 tỷ USD để phát triển các dự án bất động sản logistics trong vòng 3 - 4 năm tới tại thị trường Việt Nam.

Hiện nhà phát triển bất động sản công nghiệp này đã thu gom được 5 khu đất với tổng diện tích gần 700.000m2, đều nằm ở vị trí chiến lược tại hai thị trường trọng điểm là Hà Nội và TP.HCM.

Trước đó, một nhà đầu tư Singapore khác là Emergent VN Logistics Development Pte. Ltd đã được cấp phép đầu tư dự án Trung tâm Logistics ECPVN Sài Gòn 1, với tổng vốn đầu tư 34,1 triệu USD.

Theo ông John Campbell, Trưởng bộ phận Bất động sản Công nghiệp Savills Việt Nam, tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp ở TP. HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bình Dương lên tới 89-99%, đất trống còn rất ít, giá thuê tăng 5-10% mỗi năm. Thị trường bất động sản công nghiệp hiện có nhu cầu thuê đất, nhà xưởng, kho bãi rất cao. Đối với các công trình xây sẵn do các nhà cung cấp thận trọng hơn trong việc cam kết thuê đất dài hạn hoặc dựa vào các hợp đồng ngắn hạn với khách hàng.

Ngoài ra, điều khiến dòng vốn ngoại vẫn liên tục “rót” vốn vào bất động sản công nghiệp và logistics, đó là sự phát triển vũ bão của thương mại điện tử không chỉ trong bối cảnh dịch Covid-19 mà còn chuẩn bị cho tương lai, đã khiến nhu cầu đầu tư kho vận tại Việt Nam tăng cao.

TPHCM là nơi xuất khẩu nhiều hàng hóa và có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử cao gấp đôi mức bình quân cả nước. Do đó, thành phố cũng đã phê duyệt đề án phát triển ngành logistics giai đoạn 2021-2030, trong đó, sẽ tập trung phát triển 7 trung tâm logistics với tổng diện tích khoảng 623ha.

Cụ thể, các Trung tâm Logistics Long Bình, Cát Lái, Linh Trung, Khu Công nghệ cao ở TP. Thủ Đức; Trung tâm Logistics Tân Kiên ở huyện Bình Chánh; Trung tâm logistics Củ Chi ở huyện Củ Chi và Trung tâm logistics Hiệp Phước ở huyện Nhà Bè.

Thông tin từ UBND TP.HCM cho biết, theo định hướng quy hoạch đến năm 2020, thành phố có 23 khu chế xuất, khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 5.921ha.

Đến nay, 19 khu chế xuất, khu công nghiệp có quyết định thành lập nằm trên địa bàn TP. Thủ Đức và 8 quận, huyện với tổng diện tích 4.546ha/5.921ha, chiếm 77% quy mô diện tích quy hoạch dự kiến dành cho các khu chế xuất, khu công nghiệp tính đến năm 2020.

Trong đó, 17 khu chế xuất, khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Diện tích đất xây dựng xí nghiệp, công nghiệp đã cho thuê đạt 1.830ha/2.539ha đất xây dựng xí nghiệp, công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy đạt 72%.

Các khu công nghiệp đã có quyết định thành lập nhưng chưa hoàn thiện pháp lý đầu tư, sử dụng đất: Phong Phú, Lê Minh Xuân 2, Lê Minh Xuân mở rộng, Tây Bắc Củ Chi mở rộng, Vĩnh Lộc mở rộng.

Các khu công nghiệp có trong danh mục quy hoạch khu công nghiệp thành phố nhưng chưa được thành lập, gồm: Vĩnh Lộc 3, Hiệp Phước giai đoạn 3, Bàu Đưng, Xuân Thới Thượng và Phước Hiệp.

Đến nay, các khu chế xuất, khu công nghiệp thu hút 1.652 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 11,49 tỷ USD. Trong đó, dự án có vốn đầu tư nước ngoài là 556 dự án, vốn đầu tư đăng ký 6,63 tỷ USD; dự án có vốn đầu tư trong nước là 1.096 dự án, vốn đầu tư đăng ký 85.472,17 tỷ đồng (tương đương 4,86 tỷ USD).

Các khu chế xuất, khu công nghiệp thu hút hơn 276.000 lao động. Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 7 tỷ USD, chiếm 17,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đạt 3%.

Với Khu Công nghệ cao có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 913ha, UBND TP.HCM  đã duyệt quy hoạch chung, các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000.

Hiện Ban Quản lý Khu Công nghệ cao đã giao lại đất, cho thuê đất cho 127 dự án với tổng diện tích khoảng 524ha trên khoảng 590ha đất thương phẩm có thể giao lại đất, cho thuê đất trong Khu Công nghệ cao, chiếm tỷ lệ 88,8% và nếu so với tổng diện tích toàn Khu Công nghệ cao 913ha thì diện tích đất giao và cho thuê chiếm hơn 57%.

Theo Ban Quản lý các Khu chế xuất và khu công nghiệp TP.HCM, Ban sẽ chú trọng phối hợp với cơ quan chức năng rà soát quỹ đất có thể phát triển công nghiệp để bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025; định hướng xây dựng khu công nghiệp mới Phạm Văn Hai với diện tích 668ha có chất lượng và tính cạnh tranh cao phù hợp với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Chia sẻ về chữ “thật” của TH true MILK tại Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2024

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng chất lượng sản phẩm và mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.
2024-04-19 17:55:22

Việt Nam nằm trong tốp đầu châu Á về đầu tư cơ sở hạ tầng

Ngày 18/4, trong khuôn khổ “Tuần lễ bền vững”, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã tổ chức Phiên thảo luận cấp cao về Thúc đẩy phát triển bền vững thông qua kết nối cơ sở hạ tầng.
2024-04-19 11:24:44

Giải pháp phát triển nhà ở xã hội

Để hướng tới mục tiêu một triệu căn hộ trong 10 năm nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân, Bộ Xây dựng cần chủ trì phối hợp với các địa phương để có đánh giá tổng thể về nhu cầu nhà ở theo từng phân khúc, để có tham mưu cơ chế chính sách sát thực tế.
2024-04-19 09:57:41

Việt Nam và Australia hợp tác phát triển thị trường điện cạnh tranh

Ngày 17/4, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Cục Điều tiết Điện lực Việt Nam (ERAV) đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác nhằm hỗ trợ phát triển thị trường điện cạnh.
2024-04-19 09:47:51

Standard Chartered Việt Nam và Hoa Kỳ hợp tác đầu tư năng lượng sạch

Ngày 16/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam công bố việc ký kết Bản ghi nhớ giữa Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, với cam kết thúc đẩy tài chính xanh và phát triển ngành năng lượng sạch tiên tiến tại Việt Nam.
2024-04-19 09:42:00

Hải Phòng chi hơn 1,3 tỷ đồng tặng quà thân nhân liệt sỹ, chiến sỹ Điện Biên

UBND TP. Hải Phòng ban hành Kế hoạch 93/KH-UBND về triển khai các hoạt động thăm, tặng quà thân nhân liệt sỹ, chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, là những người đã có nhiều cống hiến, hi sinh… trong chiến dịch lịch sử.
2024-04-19 08:15:51
Đang tải...