Tin tức kinh tế, tài chính ngày 16/7/2021: Các khu công nghiệp TP.HCM điêu đứng vì Covid-19

2021-07-16 08:40:14 0 Bình luận
3 ngân hàng đầu tiên công bố giảm lãi suất cho vay. Giao dịch bất động sản chững lại tại nhiều địa phương. Tiền đổ vào chứng khoán giảm mạnh, VN-Index vẫn chưa vượt ngưỡng 1.300 điểm

Giá vàng hôm nay 16-7: Tăng tiếp dù USD đảo chiều đi lên

Giá vàng hôm nay tiếp tục đi lên bất chấp USD tăng giá trở lại sau khi giảm mạnh vào hôm trước

Giá vàng hôm nay của thế giới tiếp tục tăng

Khoảng 6 giờ ngày 16-7 (theo giờ Việt Nam), giá vàng hôm nay của thế giới giao dịch tại 1.830 USD/ounce, đánh dấu một phiên giao dịch tăng thêm 2 USD/ounce sau khi tăng mạnh 20 USD/ounce trong phiên trước.

Theo giới phân tích, tuy đêm qua đồng USD tăng giá trở lại nhưng yếu tố này không tác động tiêu cực đến giá kim loại quý, nguyên nhân chủ yếu là dòng tiền trên thị trường vẫn tập trung vào giá vàng.

Thực tế cho thấy, lãi suất trái phiếu Mỹ từ 1,33%/năm xuống còn 1,31%/năm. Từ đó, nhiều người hạn chế mua trái phiếu. Họ dịch chuyển một phần vốn vào vàng với kỳ vọng giá của kim loại này sẽ tăng mạnh trong tương lai. Nhất là khi lạm phát tại Mỹ đang nóng lên, nhu cầu trú ẩn vốn vào vàng ngày càng nhiều. Vì thế, giá vàng hôm nay tiếp tục khởi sắc.

Trong khi đó, biến chủng Covid-19 mới ngày càng gia tăng ở một số khu vực trên thế giới, đặc biệt là châu Á. Điều này làm dấy lên lo ngại nền kinh tế của các quốc gia bị ảnh hưởng dịch bệnh trở nên khó khăn. Nhất là khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại trong quý II/2021, có thể kìm hãm đà phục hồi kinh tế toàn cầu.

Theo đó, giới đầu tư tài chính chính giảm dần việc nắm giữ cổ phiếu khiến thị trường chứng khoán Nhật Bản, châu Âu "đỏ" sàn. Nhiều người đã hướng dòng tiền vào kim loại quý giúp giá vàng thế giới có lúc tăng 10 USD/ounce, từ 1.825 USD/ounce lên 1.835 USD/ounce.

Tuy vậy, khi giá của USD đảo chiều đi lên, một số nhà đầu tư ngắn hạn cho rằng nắm giữ kim loại quý là bất lợi. Thế nên họ đã mạnh tay bán ra. Giá vàng thế giới lúc 23 giờ ngày 15-7 giảm 15 USD/ounce xuống còn 1.820 USD/ounce.

Ở mức giá này, những nhà đầu tư vàng dài hạn liền tăng sức mua. Giá vàng hôm nay lúc 6 giờ ngày 16-7 giành lại 10 USD/ounce vọt lên 1.830 USD/ounce.

Trước đó, do từ 9 giờ đến 17 giờ ngày 15-7 giá vàng thế giới đi ngang, sức mua yếu nên giá vàng SJC trong khoảng thời gian này giữ nguyên 57,6 triệu đồng/lượng. Như thế, giá vàng thế giới quy đổi khoảng 50,8 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước 6,8 triệu đồng/lượng.

Tiền đổ vào chứng khoán giảm mạnh, VN-Index vẫn chưa vượt ngưỡng 1.300 điểm

Lượng tiền đổ vào giao dịch chứng khoán trong những phiên gần đây sụt giảm mạnh. Ở phiên 15-7, tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 18.342 tỉ đồng, giảm hơn 12.840 tỉ đồng (-41%) so với hồi đầu tháng.

Phiên giao dịch hôm nay chứng kiến các cổ phiếu thuộc nhóm nguyên vật liệu và tài chính (ngân hàng, chứng khoán) dẫn dắt thị trường đi lên rõ rệt.

Trong đó, cổ phiếu của VPBank (VPB), VietinBank (CTG), Techcombank (TCB), ACB (ACB), Sacombank (STB), Vietcombank (VCB)... nhận được lực mua khá tốt.

Nhiều doanh nghiệp lớn cũng hòa chung không khí cổ phiếu tăng giá, như Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Công nghiệp cao su Việt Nam (GVR)...

Ngược dòng, nhiều mã chứng khoán của những doanh nghiệp thuộc nhiều nhóm ngành khác nhau bị sức ép thoát hàng, rớt giá, điển hình như BCM (Đầu tư và phát triển Công nghiệp), GAS (PetroVietnam Gas), MSN (Masan), VJC (Vietjet Air), FLC (Tập đoàn FLC), Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ)...

Bộ ba cổ phiếu họ Vin có diễn biến khá trái ngược, trong khi cổ phiếu của Vinhomes (VHM) tăng giá nhẹ thì cả hai thành viên còn lại là Vingroup (VIC), Vincom Retail (VRE) lại bị giảm giá.

Dựa vào chỉ số ngành, có thể thấy dòng tiền tập trung đổ vào mua cổ phiếu của nhóm nguyên vật liệu, tài chính, công nghiệp, chăm sóc sức khỏe. Chỉ số của các nhóm khác như công nghệ thông tin, dịch vụ tiện ích, hàng tiêu dùng, hàng tiêu dùng thiết yếu, năng lượng... chỉ nhích nhẹ. Đối lập, ngành bất động sản có chỉ số giảm nhẹ.

Khép lại phiên giao dịch hôm nay (15-7), VN-Index hồi phục với mức tăng 14,01 điểm (+1,09%) lên 1.293,92 điểm. Tổng giá trị giao dịch trên sàn HoSE đạt xấp xỉ 15.144,7 tỉ đồng, giảm 34% so với phiên hôm qua, giảm 36% so với mức bình quân của tháng trước.

Như vậy, kể từ mốc đỉnh lịch sử 1.420,27 điểm được xác lập vào ngày 2-7, sau 9 phiên, trải qua hàng loạt cú chao đảo, lao dốc, giằng co, VN-Index đã mất 126,35 điểm.

Hôm nay, rổ VN30 có mức tăng mạnh hơn VN-Index, chốt phiên ở mốc 1.430,29 điểm (+19,99 điểm, tương đương 1,42%).

Cả sàn HNX và rổ HNX30 cũng đón nhận sắc xanh, tăng lần lượt 9,45 điểm (+3,18%) lên 306,3 điểm và 14,77 điểm (+3,17%) lên 480,54 điểm.

Dù các chỉ số chứng khoán tăng, nhưng giá trị giao dịch chứng khoán lại sụt giảm mạnh. Trong ngày, tổng giá trị giao dịch ở ba sàn gồm HoSE, HNX và UPCoM đạt 18.342 tỉ đồng, thấp hơn 29% so với phiên hôm qua, giảm 41% so với phiên đầu tháng 7.

Nhà đầu tư ngoại tiếp tục mua ròng, với giá hơn 735 tỉ đồng. Lũy kế từ đầu tháng 7 đến nay, khối ngoại mua ròng hơn 6.526 tỉ đồng.

Giao dịch bất động sản chững lại tại nhiều địa phương

Bị tác động bởi Covid-19, số giao dịch bất động sản giảm mạnh tại nhiều địa phương, nhất là những nơi từng có sốt đất đầu năm.

Báo cáo tình hình thị trường quý II, Hội môi giới bất động sản Việt Nam nhận xét, đợt dịch lần bốn là nguy hiểm nhất, tác động mạnh đến cả nền kinh tế và thị trường bất động sản.

Theo ghi nhận, giao dịch bất động sản giảm mạnh ở 3 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc. Đây là những địa phương từng có sốt đất hồi đầu năm. Một số tỉnh còn lại, giao dịch phần lớn đạt được nhờ các dự án đấu giá đất.

Như tại Quảng Ninh, ngoài một tập đoàn lớn cung cấp sản phẩm mới, lượng hàng tồn của các dự án khác không còn nhiều, cùng với việc không có sản phẩm mới chào bán nên giao dịch chậm. Thị trường nhìn chung ổn định, không có biến động như quý I.

Tại Nghệ An, trong 6 tháng đầu năm có 9 dự án đủ điều kiện bán hàng ra thị trường với 780 sản phẩm nhưng tỉ lệ hấp thụ không cao vì Covid-19. Giá bán không có biến động.

Ở Thanh Hóa, Hiệp hội cho biết số lượng giao dịch đến nay không nhiều dù từ đầu quý ghi nhận con số hàng trăm. Hoạt động đấu giá đất tại địa phương này bị chững lại do dịch bệnh.

Tại Đà Nẵng, không có dự án mới nào được chào bán, giao dịch chủ yếu ở thị trường thứ cấp. Đối với sản phẩm đất nền, giá đất hiện đã ổn định lại, giá bán tại các dự án bất động sản dao động từ 12 - 15 triệu đồng một m2.

Trong khi đó, tình trạng mua bán, giao dịch diễn ra chậm tại Quảng Nam, Quảng Ngãi. Tại Hội An, nhiều dự án mới chào hàng tạo nguồn cung mới hàng ngàn sản phẩm, nhưng tiêu thụ thấp.

Với khu vực Tây Nguyên, Hiệp hội cho biết, hồi tháng 4, thị trường rất sôi động ở cả các dự án phát triển nhà ở, đô thị, du lịch lẫn các hoạt động tự phát, gom đất ở với phân lô bán nền. Giao dịch trong tháng 4 đạt khoảng gần 1.000 giao dịch nhưng sau đó bị chững lại vì Covid-19 bùng phát, các nhà đầu tư từ vùng khác không đến được.

Tại Đồng Nai, Hiệp hội cho biết, thị trường chung còn chậm do ảnh hưởng dịch bệnh, các dự án triển khai tương đối trùng thời điểm dẫn tới cạnh tranh cao, một số dự án tiến độ hạ tầng còn chậm, phần đa sản phẩm bán ra cho nhà đầu tư, nhu cầu ở thực còn thấp. Tuy nhiên phân khúc bất động sản giá rẻ có sổ riêng vẫn giao dịch rất nhiều bất chấp dịch.

Theo khảo sát, giá căn hộ tại Đồng Nai dao động 1,8-3,2 tỷ đồng một căn; giá đất nền dự án, đất nền trong dân khoảng 850 triệu đồng đến 1,4 tỷ đồng; giá biệt thự, liền kề, nhà phố, shophouse là 6,5-8 tỷ đồng một căn; condotel, biệt thự nghỉ dưỡng 15-34 tỷ đồng một căn.

3 ngân hàng đầu tiên công bố giảm lãi suất cho vay

Cuối ngày 15-7, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) công bố giảm lãi suất cho các khách hàng hiện hữu với mức tối đa 0,8%/năm cho khoản vay ngắn hạn và 1%/năm cho khoản vay trung dài hạn.

Theo đó, ACB sẽ xét mức độ dịch bệnh tác động đến tình hình kinh doanh (doanh thu, lợi nhuận, số lượng lao động…) của các doanh nghiệp, thu nhập của khách hàng cá nhân và mức độ gắn kết của khách hàng để có mức giảm lãi suất phù hợp cho khách hàng đang vay.

Những khách hàng thuộc đối tượng sẽ được ngân hàng xem xét điều chỉnh lãi suất khi hợp đồng vay đến hạn thay đổi lãi suất trong khoảng thời gian 15-7 đến 15-10. Đồng thời triển khai thêm gói vay ưu đãi 10.000 tỉ đồng với mức lãi suất tối thiểu 6%/năm cho doanh nghiệp và 7%/năm cho cá nhân từ nay đến 31-10-2021. 

Sacombank cũng công bố giảm lãi suất cho vay với mức 1%/năm cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân đang có khoản vay tại ngân hàng thuộc các ngành nghề chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh COVID-19 như du lịch, lữ hành, vận tải, nhà hàng - khách sạn - nghỉ dưỡng, giáo dục, y tế… 

Đồng thời, tiếp tục ưu đãi hoặc miễn phí dịch vụ, cơ cấu nợ và điều chỉnh giảm khung lãi suất cho vay.

Hiện ngân hàng này cũng đang triển khai nguồn vốn ưu đãi trị giá đến 10.000 tỉ đồng với lãi suất từ 4%/năm, thời hạn vay tối đa 6 tháng dành cho doanh nghiệp xuất khẩu cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Cùng ngày, Agribank cũng công bố giảm lãi suất với mức giảm 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ cho vay ngắn hạn có lãi suất từ 5%/năm trở lên và dư nợ cho vay trung, dài hạn có lãi suất từ 7%/năm trở lên, áp dụng đối với khoản vay tại thời điểm 15-7 kéo dài đến hết ngày 31-12-2021. 

Với việc giảm lãi suất lần này, Agribank ước tính dành khoảng 5.500 tỉ đồng để hỗ trợ khách hàng.

Hơn 1.800 ca nhiễm ở các khu công nghiệp, chế xuất

Tính đến nay, cơ quan chức năng ghi nhận 1.837 ca nhiễm tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn.

Thông tin được ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban quản lý các Khu công nghiệp - Khu chế xuất TP HCM (Hepza) cho biết tại cuộc họp đánh giá một tuần thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tối 15/7.

Theo ông Hưng, trước khi thành phố giãn cách theo Chỉ thị 16, các doanh nghiệp thuộc Hepza ghi nhận 1.159 ca nhiễm, chiếm 15% tổng số ca tại TP HCM. Từ ngày 9/7 đến nay, doanh nghiệp phát hiện thêm 678 ca, nâng tổng số ca nhiễm tại các khu công nghiệp, khu chế xuất lên 1.837 ca. Số ca nhiễm từ khi thực hiện

Chỉ thị 16 đã giảm lại, trung bình mỗi ngày khoảng 40 ca. 

Công nhân nhà máy Nidec Việt Nam chờ xét nghiệm Covid-19. Ảnh: An Phương.

Trước đó, theo báo cáo của Sở Y tế thành phố, chỉ tính riêng tại Khu công nghệ cao ở TP Thủ Đức, qua khám sàng lọc, ngành y tế phát hiện 4 nhân viên Công ty Nidec Sankyo dương tính hôm 28/6. Tổng cộng đến nay, công ty này ghi nhận 739 ca dương tính, trong đó có 5 khách nước ngoài.

Tại khu chế xuất Tân Thuận, từ 25/6 ngành y tế phát hiện một F0 là nhân viên công ty. Đây là F1 của một F0 đã cách ly tập trung từ trước. Trong khu cách ly, F1 này chuyển thành F0 nên y tế quận 7 tiếp tục truy vết, xét nghiệm các nhân viên ở công ty, phát hiện 154 ca dương. Qua truy vết, ngành y tế phát hiện thêm 160 ca ở nhiều công ty khác. Cơ quan y tế đã ghi nhận tổng cộng hơn 400 ca bệnh tại 50 công ty trong Khu chế xuất Tân Thuận.

Tại Khu chế xuất Linh Trung 2, ngày 2/7 Công ty Theodore Alexander phát hiện 6 trường hợp dương tính. Sau đó, công ty lấy mẫu sàng lọc và phát hiện thêm nhiều trường hợp khác, đến nay tổng cổng 161 ca nhiễm tại doanh nghiệp này.

Trước tình hình đó, ngày 13/7, UBND thành phố yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất chỉ được hoạt động nếu bảo đảm công nhân ăn nghỉ, sản xuất tại nhà máy; hoặc bố trí lao động sống tập trung tại ký túc xá hoặc khách sạn, có xe vận chuyển từ chỗ ở đến nơi sản xuất. Những doanh nghiệp không đáp ứng các yêu cầu này phải dừng hoạt động từ 0h ngày 15/7.

Sở Y tế được giao phối hợp các cơ quan liên quan nhanh chóng thẩm định doanh nghiệp đảm bảo đủ điều kiện mới cho phép hoạt động; thực hiện xét nghiệm định kỳ 7 ngày một lần với công nhân, doanh nghiệp trả chi phí.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Quảng Ninh: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng tại Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh

Sau một ngày (19/4) làm việc khoa học, nghiêm túc, trách nhiệm, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Quảng Ninh khóa XIV nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 18 theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các quy định pháp luật hiện hành.
2024-04-20 13:28:10

Hải Phòng tổ chức thi kể chuyện theo sách

Đây là hoạt động thường niên và là năm thứ 10 TP.Hải Phòng tổ chức, hưởng ứng các hoạt động về Ngày Sách nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, khẳng định sách và văn hóa đọc mãi trường tồn.
2024-04-20 09:09:26

Hải Phòng tổ chức gặp mặt chiến sĩ Điện Biên và thân nhân

Sáng 19/4, TP.Hải Phòng tổ chức buổi gặp mặt thân nhân liệt sĩ, thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến, những người đã trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.
2024-04-20 08:25:46

Chia sẻ về chữ “thật” của TH true MILK tại Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2024

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng chất lượng sản phẩm và mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.
2024-04-19 17:55:22

Cựu chiến binh xã Quảng Hải tổ chức nhiều mô hình phát triển kinh tế

Chiều 19/4, Hội cựu chiến binh xã Quảng Hải, thị xã Ba Đồn tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” giai đoạn 2019 – 2024.
2024-04-19 16:20:00

Việt Nam nằm trong tốp đầu châu Á về đầu tư cơ sở hạ tầng

Ngày 18/4, trong khuôn khổ “Tuần lễ bền vững”, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã tổ chức Phiên thảo luận cấp cao về Thúc đẩy phát triển bền vững thông qua kết nối cơ sở hạ tầng.
2024-04-19 11:24:44
Đang tải...