Tin tức kinh tế, tài chính ngày 24/7/2021: Nợ xấu ngân hàng tăng mạnh bởi Covid-19

2021-07-24 09:12:31 0 Bình luận

Giá vàng hôm nay 24/7: Giảm về mức cản 1.800 USD/ounce

Khoảng 6 giờ ngày 24/7 (theo giờ Việt Nam), giá vàng hôm nay của thế giới đóng cửa tại 1.802 USD/ounce, ghi nhận phiên giao dịch cuối tuần giảm 5 USD/ounce.

Trước đó trong ngày 23/7, giá vàng thế giới không vượt qua ngưỡng 1.810 USD/ounce khi USD tăng giá trên diện rộng, nhà đầu tư quan tâm đến trái phiếu Mỹ và chứng khoán quốc tế

Cụ thể, lãi suất trái phiếu Mỹ từ 1,2%/năm vọt lên 1,3%/năm. Nhiều người đã thu gom USD để mua trái phiếu giúp đồng tiền này tăng giá sau khi suy yếu vào hôm trước.

Do USD mạnh lên nên một số tổ chức tài chính không dám đưa vốn vào thị trường vàng. Biểu hiện rõ nhất là tại phiên giao dịch kéo dài từ đêm 22 đến rạng sáng 23/7, quỹ đầu tư lớn nhất thế giới SPDR Gold Shares không giao dịch, đánh dấu phiên thứ 4 liên tiếp "án binh bất động". Từ đó, nhiều nhà đầu tư khác ít quan tâm đến kim loại quý. Giá vàng vì thế không thể để bật tăng.

Trong khi đó, cổ phiếu tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản tăng giá dữ dội. Điều này chứng tỏ giới đầu tư tập trung vốn vào chứng khoán. Nghĩa là dòng tiền chảy vào thị trường vàng bị chi phối. Giá vàng rơi vào hoàn cảnh bất lợi.

Thế nên khi giá vàng thế giới leo lên 1.810 USD/ounce, nhiều người đã tranh thủ bán ra chốt lời hoặc cắt lỗ. Số khác thì bán khống với kỳ vọng giá vàng đi xuống sẽ mua vào hưởng chênh lệch. Giá vàng lúc 18 giờ ngày 23/7 giảm mạnh 20 USD/ounce, từ 1.810 USD/ounce rơi xuống 1.790 USD/ounce.

Sau đó, những người đã bán khống lại mua vào. Giá vàng hôm nay giành lại 15 USD/ounce, cán mức 1.805 USD/ounce lúc 1 giờ ngày 24/7. Tiếp đến, giá vàng hôm nay đi ngang và đến 6 giờ cùng ngày đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần tại 1.802 USD/ounce

Giới phân tích nhận định giá vàng đang biến động trong bối cảnh chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) có xu hướng trái chiều.

Cụ thể, ECB không tăng lãi suất cho đến khi lạm phát ở khu vực châu Âu đạt mục tiêu 2%. Nghĩa là lãi suất ở châu Âu sẽ còn ở mức âm 0,5% đến 0,25% trong thời gian dài. Điều này cho thấy kinh tế ở khu vực này còn nhiều khó khăn do Covid-19, có thể kích thích giới đầu tư tài chính trú ẩn vốn vào kim loại quý, tạo động lực cho giá vàng khởi sắc.

Trong khi đó, Fed tính đến việc tăng lãi suất và giảm dần động thái mỗi tháng bơm ra thị trường 120 tỉ USD nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế, có thể tạo thêm sức mạnh cho đồng USD trong tương lai, tác động tiêu cực đến giá vàng.

Chứng khoán mất gần 25 điểm

Áp lực bán kéo dài suốt phiên khiến VN-Index đóng cửa ngày giao dịch cuối tuần tại 1.268 điểm, mất gần 25 điểm so với tham chiếu.

Phiên tăng mạnh hôm qua, theo đánh giá của một số công ty chứng khoán, là dấu hiệu cho thấy VN-Index đang củng cố vùng đáy mới sau nhịp giảm mạnh vừa qua. Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM có thể đi ngang trong phiên cuối tuần này lẫn đầu tuần sau nhờ niềm tin của nhà đầu tư với chứng khoán có sự phục hồi, thể hiện trước hết qua dòng tiền dần quay lại thị trường.

Thế nhưng, phiên giao dịch hôm nay diễn ra trái hoàn toàn với dự đoán này. VN-Index mất điểm ngay khi mở cửa, sau đó gượng dậy trở lại tham chiếu trong ít phút rồi tiếp tục lao dốc. Biên độ giảm của chỉ số càng ngày càng tăng theo áp lực bán ra, đến lúc đóng cửa mất 24,84 điểm xuống 1.268,83 điểm.

Đây là phiên giảm thứ ba trong tuần, xen kẽn với hai phiên tăng. Tổng kết tuần này VN-Index tiếp tục mất hơn 30 điểm.

Số lượng cổ phiếu giảm hôm nay hơn 280 mã, trong khi cổ phiếu tăng chưa đến 100 mã. Rổ vốn hoá lớn chịu áp lực bán mạnh khi có đến 26 mã giảm, trong đó hàng loạt mã trụ như VHM, CTG, VCB, HPG mất trên 3%. Đây cũng là những mã nằm trong danh sách 10 cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến thị trường khi khiến VN-Index mất hơn 12 điểm.

Ở chiều ngược lại chỉ ghi nhận 4 mã tăng gồm VNM, FPT, POW và STB nhưng biên độ lớn nhất chỉ 2,5%. VNM đóng góp cho VN-Index 0,9 điểm, còn STB 0,5 điểm.

Thanh khoản thị trường đạt 19.329 tỷ đồng, tăng hơn 2.300 tỷ đồng so với hôm qua. Tài chính vẫn là nhóm hút tiền nhiều nhất với hơn 6.3000 tỷ đồng, nhưng dòng tiền đang có dấu hiệu đổ sang những nhóm ngành khác như bất động sản, nguyên vật liệu và công nghiệp nhiều hơn.

STB dẫn đầu về giá trị giao dịch với trên 1.850 tỷ đồng và cũng là cổ phiếu duy nhất trong rổ VN30 có lúc tăng hết biên độ, lên 29.950 đồng. Xếp sau trong danh sách về thanh khoản là HPG và TCB, lần lượt đạt 1.343 tỷ đồng 1.009 tỷ đồng.

Nhà đầu tư nối dài mạch bán ròng phiên thứ 5 liên tiếp. Giá trị giao dịch hôm nay giảm mạnh, chỉ mua vào 1.096 tỷ đồng và bán ra 1.259 tỷ đồng. VIC vẫn là cổ phiếu chịu áp lực xả hàng nhiều nhất với trên 250 tỷ đồng, sau đó đến MWG và FPT.

Ngân hàng Nhà nước kiến nghị cần có luật xử lý nợ xấu

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam hôm 22/7 có văn bản đề nghị các ngân hàng thương mại tập trung nghiên cứu và tham gia ý kiến đối với dự thảo đề nghị xây dựng Luật xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Nội dung cần nghiên cứu để góp ý là nguyên tắc xử lý nợ xấu; bán nợ xấu và tài sản bảo đảm; quyền thu giữ tài sản bảo đảm; áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến khoản nợ xấu; mua bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai...

Hiện Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng dự thảo đề nghị xây dựng Luật xử lý nợ xấu để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng.

Theo báo cáo đánh giá kết quả xử lý nợ xấu theo nghị quyết số 42 năm 2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của Quốc hội, có hiệu lực từ 15-8-2017, Ngân hàng Nhà nước cho biết trong tổng nợ xấu 425.400 tỉ đồng, các tổ chức tín dụng đã xử lý được 353.810 tỉ đồng. Đặc biệt, số nợ xấu được khách hàng tự nguyện trả nợ tăng mạnh với 130.100 tỉ đồng, chiếm 39,28% tổng nợ xấu.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu, gây tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội. Điều này dẫn đến khả năng trả nợ của khách vay suy giảm. 

Nợ xấu của các tổ chức tín dụng có khả năng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Việc kiểm soát tỉ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng ở mức dưới 2% trong thời gian tới được coi là thách thức không nhỏ đối với ngành ngân hàng.

Đến thời điểm ngày 31/5 vừa qua, toàn hệ thống vẫn còn khoảng 425.400 tỉ đồng nợ xấu, chiếm hơn 42% tổng dư nợ xác định theo nghị quyết số 42.

"Nếu các khó khăn, vướng mắc trong khuôn khổ pháp lý liên quan đến xử lý nợ xấu nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, chưa được tháo gỡ thì sẽ không thể khơi thông được nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, qua đó ảnh hưởng đến mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng và tăng trưởng GDP của nền kinh tế" - Ngân hàng Nhà nước nhận định.

Trong khi đó, thời gian thực hiện xử lý nợ xấu chỉ còn khoảng 1 năm nữa khi hạn cuối áp dụng là đến giữa tháng 8-2022. Như vậy, tổ chức tín dụng sẽ thiếu cơ chế tự xử lý nợ xấu. 

Do vậy Ngân hàng Nhà nước đề xuất tiếp tục kéo dài cơ chế xử lý nợ xấu theo nghị quyết 42 và nâng lên thành Luật xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. 

BĐS công nghiệp đang gặp trở ngại?

Ông John Campbell, Quản lý bộ phận Bất động sản công nghiệp, Savills Việt Nam cho rằng, các nhà đầu tư và khách thuê tiềm năng không thể trực tiếp đến tham quan và khảo sát các dự án ở các tỉnh khác cũng khiến BĐS công nghiệp gặp trở ngại. Tuy nhiên, việc triển khai tiêm chủng cộng đồng và những hứa hẹn về chương trình hộ chiếu vắc xin đang tạo niềm tin cho các chủ sở hữu bất động sản cũng như các nhà đầu tư. Với những trở ngại mà phân khúc này phải đối mặt, bất động sản công nghiệp đang phải tiếp tục cuộc chiến của mình trong làn sóng đại dịch thứ tư này.

Theo Trading Economics, trong tháng 6/2021 hoạt động sản xuất công nghiệp của Việt Nam đã tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với mức tăng 11,8% trong tháng 5. Điều này đánh dấu mức tăng trưởng của sản lượng công nghiệp trong bốn tháng liên tiếp do đại dịch Covid-19, với sản lượng sản xuất , đạt mức 11,6% so với 14,4% trong tháng 5. Tính chung 6 tháng đầu năm, sản lượng công nghiệp tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo IHS Markit, chỉ số PMI Manufacturing (Quản lý thu mua sản xuất) của Việt Nam đã giảm từ mức 53,1 vào tháng 5/2021 xuống còn 44,1 vào tháng 6/2021.Ông John đánh giá thêm, chỉ số quản lý thu mua sụt giảm đã cho thấy hoạt động kinh doanh gặp khó khăn lớn nhất kể từ tháng 5/2020 và con số này đã kết thúc giai đoạn tăng trưởng kéo dài 6 tháng, giữa lúc đất nước phải áp dụng các biện pháp phong tỏa và đóng cửa công ty tạm thời bởi làn sóng thứ tư của đại dịch. Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều giảm và giảm mạnh nhất kể từ khi dịch bệnh bắt đầu lây lan.

Đây cũng là lần đầu tiên số lượng việc làm giảm sau 5 tháng. Hơn nữa, đại dịch cũng ảnh hưởng đến hoạt động của chuỗi cung ứng, dẫn đến thời gian giao hàng kéo dài. Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát chi phí đầu vào vẫn ở mức rõ rệt và các doanh nghiệp đã tăng nhẹ giá bán. Nhìn chung, các công ty vẫn lạc quan rằng sản lượng sẽ tăng trong năm tới.

Hơn hai tháng kể từ làn sóng đại dịch lần thứ tư được đánh giá có tác động nghiêm trọng nhất từ trước tới nay, Việt Nam đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn trên toàn bộ cá mặt kinh tế, y tế, xã hội. Tính đến ngày 21/7/2021, Bộ Y tế Việt Nam đã ghi nhận tổng số hơn 62.000 ca nhiễm Covid-19, trong đó có gần 11.500 ca đã hồi phục và xuất viện.

Hầu hết trường hợp lây nhiễm cộng đồng mới nhất được báo cáo xảy ra ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam gồm Tp.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bến Tre và Khánh Hòa. Chính quyền Tp.HCM đã cho đóng cửa một số nhà máy tại Khu công nghệ cao Tp.HCM, trong đó có khu phức hợp Samsung, sau khi phát hiện hơn 700 ca nhiễm từ một nhà máy ở đây. 

Hiện các nhà máy trong khu công nghệ cao buộc phải cho công nhân vào ở và sinh hoạt ngay tại cơ sở để tiếp tục duy trì hoạt động. Hơn nữa, chính quyền Hà Nội đã ra lệnh đóng cửa các cơ sở kinh doanh không thiết yếu như nhà hàng, quán cà phê và tiệm cắt tóc từ ngày 13/7 do số ca nhiễm gia tăng.

Chính quyền của 9 tỉnh, thành phố đã ra thông báo hủy các chuyến bay đến và đi từ Tp.HCM và áp dụng các biện pháp hạn chế đối với những người ra vào thành phố. Trung tâm kinh tế phía Nam sẽ tiếp tục các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt theo Chỉ thị 16 cho đến khi có thông báo mới do số ca nhiễm gia tăng. Hơn nữa, vắc xin Moderna Covid-19 đã được phê duyệt để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp và là vắc xin thứ 5 được phê duyệt sau Oxford-AstraZeneca, Sputnik V, Pfizer và Sinopharm.

Thêm vào đó, Việt Nam dự kiến sẽ thử nghiệm hộ chiếu vắc-xin vào mùa hè này, nơi những du khách nước ngoài đã tiêm vắc-xin sẽ được phép cách ly trong 7 ngày thay vì yêu cầu 21 ngày như hiện nay. Việc thử nghiệm sẽ được thực hiện tại tỉnh Quảng Ninh, Kiên Giang- Phú Quốc và du khách nước ngoài phải tự cách ly thêm bảy ngày sau 1 tuần cách ly tập trung.

Nhân lực kỹ thuật cao - “nút thắt” của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

Theo Bộ Công Thương, hiện số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chiếm gần 3,4% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Các doanh nghiệp này đã tạo công ăn việc làm cho hơn 600.000 lao động, chiếm 8% lao động toàn ngành chế biến, chế tạo.

Doanh thu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đạt hơn 900.000 tỷ đồng, đóng góp gần 11% tổng doanh thu ngành chế biến, chế tạo.

Nhiều chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ

Trong số những doanh nghiệp sản xuất linh, phụ kiện tại Việt Nam, có nhiều doanh nghiệp có năng lực sản xuất tốt, tập trung tại các lĩnh vực như: Sản xuất khuôn mẫu các loại, linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí; dây cáp điện, nhựa-cao su, săm lốp các loại…

Một số sản phẩm của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ không chỉ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong nước mà còn cung cấp cho các tập đoàn nước ngoài đầu tư tại Việt Nam và xuất khẩu sang một số quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ mà doanh nghiệp trong nước sản xuất chủ yếu chỉ là những sản phẩm, linh kiện hoặc bao bì đơn giản. Còn lại những sản phẩm phức tạp đa số lại là những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất, hoặc phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Đây cũng là lý do, nhiều tập đoàn nước ngoài lớn đầu tư tại Việt Nam cho biết, họ không hài lòng với ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước, vì thế khi đầu tư vào Việt Nam họ thường phải kéo theo các công ty vệ tinh, hoặc tìm nguồn nhập khẩu linh kiện từ nước ngoài về Việt Nam để lắp ráp. Điều này gây ra lãng phí về thời gian, chi phí và cơ hội của doanh nghiệp.

Để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước, thời gian qua Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều chính sách phát triển, tạo cơ chế thuận lợi để doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Cụ thể, năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nghị quyết đã đưa ra những mục tiêu rất rõ ràng cho ngành công nghiệp hỗ trợ đến năm 2025 và 2030, đồng thời đưa ra những giải pháp, những ưu đãi cho doanh nghiệp để đạt được mục tiêu.

Bên cạnh hoàn thiện khung chính sách, Bộ Công Thương cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước và các tập đoàn nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam, tạo điều kiện để các nhà cung ứng và bên mua hàng có thể trao đổi, gặp gỡ và đi đến những ký kết hợp tác. Mới đây nhất, vào tháng 6/2021, Bộ Công Thương cũng tổ chức hội nghị giao thương trực tuyến công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản 2021. Tại đây, 21 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã có cơ hội kết nối, giao thương với 48 doanh nghiệp Nhật Bản, mở ra tiềm năng hợp tác lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản trong thời gian tới.

Rõ ràng, có nhiều điều kiện thuận lợi để ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, song ông Akutsu Michio – chuyên gia tư vấn Hiệp hội Các nhà tư vấn kinh doanh quốc tế Nhật Bản – cho rằng: Những hạn chế mà doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang phải đối mặt đang làm ảnh hưởng đến khả năng hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản trong lĩnh vực này, bao gồm: Năng suất của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn quá thấp, trong khi đó một sản phẩm công nghiệp hoàn chỉnh cần đến hàng ngàn linh kiện khác nhau, nếu thiếu một bộ phận, dây chuyền sẽ bị ngừng hoạt động, do đó doanh nghiệp phải đáp ứng được khả năng cung ứng thường xuyên.

Song muốn nâng cao khả năng cung ứng, doanh nghiệp phải đầu tư trang thiết bị, nhưng điều này cũng trở nên khó khăn trong bối cảnh nguồn vốn của doanh nghiệp hạn chế, do đa số họ là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đặc biệt, nguồn nhân lực kỹ thuật cao để đáp ứng nhu cầu sản xuất công nghiệp hỗ trợ của doanh nghiệp Việt Nam cũng hạn chế… Theo đó, để cải thiện các vấn đề trên, bên cạnh việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cần có biện pháp để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia vào lĩnh vực này.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Chia sẻ về chữ “thật” của TH true MILK tại Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2024

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng chất lượng sản phẩm và mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.
2024-04-19 17:55:22

Việt Nam nằm trong tốp đầu châu Á về đầu tư cơ sở hạ tầng

Ngày 18/4, trong khuôn khổ “Tuần lễ bền vững”, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã tổ chức Phiên thảo luận cấp cao về Thúc đẩy phát triển bền vững thông qua kết nối cơ sở hạ tầng.
2024-04-19 11:24:44

Giải pháp phát triển nhà ở xã hội

Để hướng tới mục tiêu một triệu căn hộ trong 10 năm nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân, Bộ Xây dựng cần chủ trì phối hợp với các địa phương để có đánh giá tổng thể về nhu cầu nhà ở theo từng phân khúc, để có tham mưu cơ chế chính sách sát thực tế.
2024-04-19 09:57:41

Việt Nam và Australia hợp tác phát triển thị trường điện cạnh tranh

Ngày 17/4, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Cục Điều tiết Điện lực Việt Nam (ERAV) đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác nhằm hỗ trợ phát triển thị trường điện cạnh.
2024-04-19 09:47:51

Standard Chartered Việt Nam và Hoa Kỳ hợp tác đầu tư năng lượng sạch

Ngày 16/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam công bố việc ký kết Bản ghi nhớ giữa Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, với cam kết thúc đẩy tài chính xanh và phát triển ngành năng lượng sạch tiên tiến tại Việt Nam.
2024-04-19 09:42:00

Hải Phòng chi hơn 1,3 tỷ đồng tặng quà thân nhân liệt sỹ, chiến sỹ Điện Biên

UBND TP. Hải Phòng ban hành Kế hoạch 93/KH-UBND về triển khai các hoạt động thăm, tặng quà thân nhân liệt sỹ, chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, là những người đã có nhiều cống hiến, hi sinh… trong chiến dịch lịch sử.
2024-04-19 08:15:51
Đang tải...