Tin tức kinh tế, tài chính ngày 26/7/2021: Những diễn biến chính của thị trường bất động sản 

2021-07-26 10:42:16 0 Bình luận
COVID-19 khiến doanh nghiệp lao đao, lợi nhuận ngân hàng đến từ đâu? Khởi tố 3 cán bộ Cục Quản lý thị trường Hà Nội vụ tiêu thụ hơn 3 triệu cuốn sách giả

Giá vàng hôm nay 26/7: Sức ép bán vàng do ảnh hưởng dịch Covid-19

Giá vàng miếng SJC sáng 26/7 không có nhiều thay đổi so với cuối tuần qua, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào với giá 56,8 triệu đồng/lượng và bán ra 57,45 triệu đồng/lượng; Eximbank mua vàng với giá 56,95 triệu đồng/lượng và bán ra 57,5 triệu đồng/lượng… Người dân có nhu cầu bán vàng nữ trang trong nước trang trải cho các chi phí trong thời điểm dịch Covid-19 thực hiện giãn cách nhưng gặp nhiều khó khăn khi các tiệm vàng dừng hoạt động.

Mức giá 1.800 USD/ounce của vàng đang được cố giữ trong sáng 26.7 sau khi thị trường mở cửa xuyên thủng từ 1.803,8 USD/ounce xuống 1.798,3 USD/ounce rồi nhanh chóng quay đầu tăng vượt lên 1.806,4 USD/ounce, tăng gần 2 USD/ounce so với đầu ngày. Làn sóng bán vàng dự báo vẫn tiếp tục diễn ta trong tuần này. Nhiều người Ấn Độ bán vàng vật chất để trả nợ ngân hàng. Trong 10 ngày qua, Quỹ đầu tư vàng lớn thế giới SPDR đã bán ròng 6,99 tấn vàng, lượng vàng nắm giữ còn 1.027,38 tấn. Như vậy kể từ đầu tháng 7 đến nay, quỹ này đã bán ròng tổng cộng 18,4 tấn vàng. 

Kim loại quý hiện vẫn đang chịu sức ép từ USD tăng giá và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng trong thời gian tới. Chuyên gia phân tích của TD Securities ông Daniel Ghali cho rằng giá vàng có thể sẽ tiếp tục chịu sức ép giảm trong ngắn hạn, nếu bị đẩy xuống dưới 1.780 USD/ounce trong tuần thì có nguy cơ xuống 1.730 USD/ounce.

Giá vàng trong tuần này sẽ chịu ảnh hưởng từ thông tin cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về chính sách tiền tệ vào ngày 29.7. Một số dự báo cho rằng Fed sẽ giữ lãi suất ở mức 0 - 0,25% nhưng có thể sẽ bật tín hiệu thu hẹp chương trình nới lỏng định lượng (QE) từ tháng 9 sắp tới. Nếu điều này xảy ra, làn sóng bán tháo trái phiếu Chính phủ Mỹ xuất hiện đẩy lợi suất trái phiếu gia tăng, qua đó hỗ trợ USD tăng giá và gây bất lợi cho vàng.

Thị trường chứng khoán lại "lắc lư", HNG dư bán sàn gần 30 triệu cổ phiếu

Thị trường chứng khoán hiện tại không thực sự cho thấy xu hướng nào rõ nét. Mỗi một nhịp điều chỉnh sâu của thị trường thì lực cầu-tuy không quá mạnh-lại xuất hiện.

Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, thị trường chứng khoán tiếp tục "lắc lư" rất mạnh. Ngay khi mở cửa thị trường chứng khoán phái sinh, chỉ số VN30F đã giảm về vùng 1.395 điểm rồi lại hồi phục nhanh lên 1.404 điểm. Khi thị trường chứng khoán cơ sở mở cửa, chỉ số VnIndex cũng "rung lắc" không kém khi giảm sâu 6 điểm rồi hồi phục về tham chiếu và trong một thoáng chốc lấy được sắc xanh tăng giá. Tuy nhiên, diễn biến hồi phục chỉ trong chốc lát, VnIndex đảo chiều ngay sau đó trước áp lực bán mạnh. Tại thời điểm 9h30', VnIndex mất 10 điểm sau khi đã mất 25 điểm cuối tuần trước.

Những nhà đầu tư bắt đáy hôm 19, 20/7 và đạt 2 phiên tăng mạnh ngày 20 và 22/7 đã không còn nhiều lợi nhuận-thậm chí lỗ sau phiên giảm sâu cuối tuần trước và nếu phiên này thị trường giảm tiếp thì cú bắt đáy tưởng thành công đó có nguy cơ trở thành công cốc!

Theo quan sát của chúng tôi, thị trường chứng khoán hiện tại không thực sự cho thấy xu hướng nào rõ nét. Mỗi một nhịp điều chỉnh sâu của thị trường thì lực cầu-tuy không quá mạnh-lại xuất hiện. Điều này có nghĩa là những nhà đầu tư thực sự tin rằng thị trường chứng khoán hiện tại vẫn phù hợp để mua là khá nhiều.

Các room chứng khoán vẫn cho thấy khá nhiều công ty chứng khoán vẫn khuyến nghị mua vào.

Tại thời điểm 9h40', nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn như VPB, BVH, MBB, MWG....vẫn giảm điểm khá sâu. Phía tăng giá, KDH, VIC, VNM...tăng nhẹ.

Sau thông tin Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương tạm dừng kế hoạch mua thêm cổ phiếu HNG do hàng loạt vấn đề còn tồn đọng, cổ phiếu HNG sáng nay tiếp tục lao dốc và hiện đang dư bán sàn gần 30 triệu đơn vị. HAG hiện tại cũng đang giao dịch ở mức giá sàn. 

COVID-19 khiến doanh nghiệp lao đao, lợi nhuận ngân hàng đến từ đâu? 

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết: “Con số lợi nhuận tính đến thời điểm này chưa phải là con số cuối cùng. Đến cuối năm quyết toán, sau khi được kiểm toán xác định đầy đủ, con số lợi nhuận của các ngân hàng mới phản ánh đầy đủ”.

Có ý kiến cho rằng: Lợi nhuận ngân hàng đang được tạm tính trên cả các khoản dự thu của khách hàng theo quy định của pháp luật. Nếu khách hàng không trả được nợ, ngân hàng phải hối thu, lúc đó sẽ không được ghi nhận vào lợi nhuận nữa.

Vào những ngày cuối tháng 7/2021, nhiều ngân hàng như: VietinBank, Vietcombank, Kienlongbank, LienVietPostBank, Techcombank, ABBank, VPBank, VIB… đều công bố lợi nhuận 6 tháng đầu năm tăng mạnh, thậm chí có ngân hàng tăng gấp 3 - 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, lợi nhuận của Vietcombank đạt hơn 14.500 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 58% kế hoạch năm. Với đà kinh doanh này, mục tiêu lợi nhuận 25.000 tỷ đồng cả năm có thể đạt được. Tuy nhiên theo Vietcombank, lợi nhuận những tháng cuối năm còn phụ thuộc vào các đợt giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng trước sự tác động của COVID-19 cũng tình hình đại dịch. 

Mặc dù tăng trưởng cho vay tăng chưa đầy 3% nhưng thu nhập lãi thuần của Kienlongbank lại tăng 123% trong 6 tháng đầu năm, cùng với mức tăng ba chữ số của lãi thuần từ dịch vụ là động lực chính thúc đẩy lợi nhuận của ngân hàng tăng vọt. Cụ thể: Lợi nhuận trước thuế của Kienlongbank đạt 805,70 tỷ đồng, tăng 409,26 % so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 80,57% kế hoạch năm. 

Theo Kienlongbank, tăng trưởng mạnh đến từ thu nhập từ lãi và mảng dịch vụ là nguyên nhân chính dẫn đến kết quả khả quan. Cụ thể: Thu nhập lãi thuần tăng 123% mang về 1.227 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 270% đạt gần 132 tỷ đồng. Ngoại trừ lãi thuần từ mảng kinh doanh ngoại hối giảm 43,7% các mảng hoạt động còn lại đều ghi nhận thu nhập tăng trong kỳ. Chi phí dự phòng rủi ro giảm 21% cũng là một trong những yếu tố góp phần tăng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng.

Nhờ tăng mạnh thu nhập từ lãi, dịch vụ và kinh doanh ngoại hối, lợi nhuận trước thuế của LienVietPostBank đạt hơn 2.000 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước. Động lực tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng đến từ 3 mảng kinh doanh chính là thu từ lãi, dịch vụ và kinh doanh ngoại hối.

Trong đó, đáng kể nhất là thu nhập lãi thuần. Cùng với đó, lãi thuần từ dịch vụ tăng 86% mang về hơn 390 tỷ đồng, thu nhập từ kinh doanh ngoại hối tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm trước với 113 tỷ đồng.

Lãnh đạo ngân hàng Techcombank cho biết: Thu nhập từ lãi là động lực dẫn dắt tăng trưởng với nhu cầu tín dụng 6 tháng đầu năm ổn định. Lợi nhuận trước thuế đạt 11.500 tỷ đồng, tăng 71,2% so với cùng kỳ năm trước. Tổng dư nợ tín dụng khách hàng tăng 11,2% so với đầu năm đạt 353.700 tỷ đồng, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân, tăng 16%. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ của Techcombank cũng tăng trưởng 31,5%, đạt 2.800 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA), lợi nhuận ngân hàng cần phải được hiểu đúng, nhìn nhận khách quan, toàn diện ở các góc độ. “Các tổ chức tín dụng - TCTD đã nâng cao được năng lực quản trị, tài chính thông qua tăng vốn điều lệ, đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy chuẩn quản trị rủi ro quốc tế Basel II (Hiệp ước Basel phiên bản 2). Nhiều ngân hàng trong nhiều năm không chi trả cổ tức cho cổ đông để dành nguồn lực vốn cho tương lai”, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết.

Việc các TCTD đẩy mạnh tiết giảm chi phí hoạt động nhờ đầu tư thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính. Nhờ ngân hàng số, thanh toán điện tử, lượng tiền mặt trong lưu thông chủ yếu luân chuyển giữa các tài khoản tại ngân hàng, giúp các TCTD gia tăng nguồn tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất thấp. Nhờ đó, các TCTD có điều kiện tiết giảm chi phí huy động vốn đầu vào.

Theo VNBA, khác với trước kia, nguồn thu của ngân hàng chủ yếu là từ thu lãi vay thì nay, tỷ lệ thu từ dịch vụ tại các TCTD đều gia tăng, có ngân hàng thu dịch vụ đóng góp tới 40% vào lợi nhuận. Điều này phù hợp với xu thế quốc tế. Bên cạnh đó, quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu tại các TCTD đang mang lại hiệu quả cao. Tính đến nay, 21 TCTD đã mua lại các khoản nợ đã bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC), hoạt động trích lập dự phòng rủi ro cũng được tăng cường.

“Các TCTD đã tích cực mở rộng hoạt động dịch vụ như: Ngân hàng đại lý, bảo hiểm và nhiều hoạt động khác giúp tăng thu nhập từ các hoạt động này”, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết.

Ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng: Nên nhìn nhận ngân hàng hoạt động tốt là điểm tích cực. Lần đầu tiên trong lịch sử kinh tế mà khủng hoảng xảy ra, nhưng ổn định vĩ mô và sức khỏe ngành tài chính ngân hàng vẫn được giữ vững. Các tổ chức tài chính cũng đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước. 

"Những lần trước yếu kém đến từ nội bộ ngân hàng dẫn đến khủng hoảng hay do tác động của nước ngoài, ảnh hưởng của kinh tế dẫn đến đổ vỡ ngành tài chính, bất ổn vĩ mô trong nước. Nhưng hiện, ngành tài chính vẫn đứng vững", ông Nguyễn Xuân Thành cho biết. 

Đánh giá về mức tăng lợi nhuận của các ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng độc lập cho biết: “Lợi nhuận tăng mạnh đến từ 2 nguyên nhân: Thứ nhất, 6 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng tương đối tốt, lên tới 5,47%, trong khi huy động thấp hơn tăng trưởng tín dụng. Chi phí hoạt động của các ngân hàng năm nay tương đối thấp do dự phòng nợ xấu theo quy định của NHNN vẫn cho phép các ngân hàng không chuyển nhóm nợ của một số khách hàng nợ trả chậm. Từ đó dự phòng rủi ro thấp hơn thực tế trên sổ sách”.

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, chênh lệch giữa dự phòng thực tế và dự phòng trên sổ sách được NHNN cho phép các ngân hàng hạch toán theo lộ trình 3 năm, nghĩa là đến cuối năm 2021, hạch toán 30% của chênh lệch này, sang năm hạch toán 70% và đến năm thứ 3 hạch toán 100%. Có nghĩa các ngân hàng không phải hạch toán chi phí dự phòng rủi ro đúng theo thực tế, mà theo hướng dẫn theo Thông tư ban hành đầu năm của NHNN là được hoãn lại.

Nửa đầu 2021 thị trường Bất động sản liên tục chao đảo

Đợt dịch đầu tiên khởi phát từ sát Tết Nguyên đán khiến thị trường giao dịch toàn quốc trầm lắng trên diện rộng bởi nguồn cung hạn chế: bất động sản cho thuê giảm gần 40%, nhà đất đăng bán giảm 33%. Nhờ kiểm soát dịch hiệu quả, thị trường nhanh chóng bắt lại nhịp sôi động ngay sau khi quay về trạng thái bình thường mới, giúp lượt tìm kiếm mua bán & cho thuê giữ đà tăng trưởng dương.

Đợt thứ hai diễn ra cục bộ ở Đà Nẵng vào giai đoạn nhập học, nên nguồn cầu bị ảnh hưởng không đáng kể. Mảng cho thuê - dù nhạy cảm với tình hình dịch cũng ghi nhận nguồn cung tăng 10%. Các chủ thuê đã phải "ngâm" một thời gian dài từ đợt dịch đầu, bỏ lỡ mùa cao điểm thứ nhất - sau Tết, nên sẽ cố gắng "đẩy hàng" để tìm khách thuê khi mùa cao điểm thứ hai đến - nhập học.

Dù đợt dịch thứ ba tại Hải Dương có quy mô nhỏ, nhưng dư âm từ hai đợt dịch trước vẫn khiến thị trường mua bán bất động sản ở tất cả loại hình tiếp tục "lặng sóng", chưa ghi nhận dấu hiệu khởi sắc nào.

Đợt thứ tư xuất hiện ngay sau lễ 30/4 - 1/5 năm nay với tác động lớn chưa từng có, khiến TP.HCM liên tục thực hiện giãn cách xã hội, đã giáng đòn mạnh mẽ vào nền kinh tế cả nước. Ghi nhận từ chuyên trang Chợ Tốt Nhà, thị trường toàn quốc chứng kiến số lượt tìm mua giảm 15% sau một tháng, số tin đăng bán có mức giảm sâu nhất nửa đầu năm - âm 41%. Thị trường cho thuê không tránh khỏi ảnh hưởng khi nguồn cung một lần nữa trở về mức giảm hơn 30%. Nguồn cầu đón nhận dấu hiệu ảm đạm chưa từng có khi tăng trưởng âm 23% chỉ trong một tháng.

Sau bốn đợt dịch Covid-19, bất động sản ngày càng hạ nhiệt bởi nhiều nguyên nhân nội tại và ngoại lực: tình trạng chung của các doanh nghiệp khiến dòng vốn đầu tư vào Việt Nam bị giảm; giá bán bất cập trong khi thu nhập của người mua chịu ảnh hưởng nặng nề vì dịch; các chủ đầu tư dè chừng hơn khi quyết định đầu tư mới hoặc mở rộng dự án khiến nguồn cung không còn dồi dào; tâm lý người dân lo sợ bị chôn vốn vào các kênh đầu tư có tính dài hạn;…

Mặc cho cầu giảm, giá vẫn neo cao

Đợt dịch thứ tư với số ca nhiễm ngày một tăng và có tính lây lan diện rộng đã làm giảm sức hút của bất động sản. Những tỉnh thành có lượng tìm mua & thuê giảm sâu trong Quý 02/2021 như Đà Nẵng (-27%), Hà Nội (-14%), TP.HCM (-12%) đều là những đại đô thị. Hải Phòng là một trong số những địa phương giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch, nhưng sức hút bất động sản nơi đây vẫn giảm mạnh 35%.

Những năm gần đây, người dân tại TP.HCM có xu hướng tìm về các vùng ven như Thủ Đức, Bình Chánh, Hóc Môn. Tình hình dịch khiến nguồn cầu trong Quý 02 giảm 12% nhưng giá đất thổ cư ở các quận huyện này dao động không đáng kể, mức giảm sâu nhất là Quận 2 (Tp. Thủ Đức), từ giá trung bình 63 triệu/m2 xuống còn 57 triệu/m2. Những địa phương có giá bán đi ngang trong suốt nửa đầu 2021 gọi tên Huyện Bình Chánh, Quận 9 (Tp. Thủ Đức) và Huyện Củ Chi với giá đất thổ cư cho mỗi mét vuông lần lượt là 13.3 triệu, 39.5 triệu và 9 triệu.

Những địa phương có tín hiệu sôi động ở phân khúc đất nền trong Quý 01 thì sang Quý 02 đã nhanh chóng "sóng yên biển lặng" với giá bán đi ngang như: Nha Trang (Khánh Hoà, 18 triệu/m2), Thuỷ Nguyên (Hải Phòng, 14 triệu/m2), Phú Quốc (Kiên Giang, 12 triệu/m2), Đức Hoà (Long An, 8 triệu/m2). Ở một diễn biến khác, một số địa phương đã chứng kiến dấu hiệu tăng giá đất nền trong quý này gồm có Phan Thiết (Bình Thuận), Đông Anh (Hà Nội), Tp. Thanh Hoá.

Lúc này, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đặt câu hỏi: "Đâu là kênh đầu tư thích hợp?", "Liệu có nên xuống tiền lúc này?". Dù sẽ an tâm hơn khi giữ tiền bên người, bởi nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nên sẽ khó đánh giá được tiềm năng sinh lời. Nhưng việc để dòng tiền nhàn rỗi bị nghẽn một thời gian quá lâu cũng khiến nhiều người ‘ngồi trên đống lửa’, bởi mất đi cơ hội khiến tiền đẻ ra tiền và thất thoát dần theo tỷ lệ trượt giá.

Bất động sản là kênh đầu tư dài hạn với kỳ vọng bền vững khi không phụ thuộc các phiên giao dịch. Dù liên tiếp chịu ảnh hưởng bởi dịch, tỷ suất sinh lời ở vùng ven 12 tháng qua vẫn ghi nhận chỉ số tích cực, đặc biệt là khu vực ngoại thành TP.HCM. Tuy vậy, các nhà đầu tư cần thận trọng khi lựa chọn vị trí và tính pháp lý của miếng đất, cũng như nhẫn nại quan sát tình hình trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp.

Khởi tố 3 cán bộ Cục Quản lý thị trường Hà Nội vụ tiêu thụ hơn 3 triệu cuốn sách giả

Ngày 23-7, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) cho biết đang điều tra vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả, xảy ra tại Công ty cổ phần In và văn hóa truyền thông Hà Nội, Công ty TNHH sản xuất & thương mại Phú Hưng Phát và các đơn vị liên quan.

C03 đã khởi tố bổ sung vụ án và khởi tố bị can đối với 3 cán bộ quản lý thị trường về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", gồm: Lê Việt Phương (nguyên phó đội trưởng Đội quản lý thị trường số 17, nay là đội trưởng Đội quản lý thị trường số 14); Phạm Ngọc Hải và Thành Thị Đông Phương (nguyên kiểm soát viên Đội quản lý thị trường số 17, nay là kiểm soát viên Đội quản lý thị trường số 14, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội).

Cơ quan công an đã áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt bị can để tạm giam.

Cùng ngày, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn các quyết định và lệnh tố tụng nêu trên.

C03 cho biết đang khẩn trương điều tra, củng cố tài liệu chứng cứ về hành vi phạm tội của các bị can, mở rộng điều tra vụ án đối với các tổ chức, cá nhân liên quan, xác minh thu hồi tài sản theo quy định của pháp luật.
 

Cơ quan chức năng kiểm tra một cơ sở sản xuất sách giả - Ảnh: GIANG LONG

Trước đó C03 đã khởi tố, bắt tạm giam 7 người trong đường dây sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc.

Trong đó có Cao Thị Minh Thuận (42 tuổi, giám đốc Công ty TNHH thương mại và sản xuất Phú Hưng Phát, chủ các nhà sách Minh Thuận), Hoàng Mạnh Chiến (39 tuổi, giám đốc Công ty cổ phần In và văn hóa truyền thông Hà Nội), Nguyễn Mạnh Hà (49 tuổi, phó giám đốc Công ty cổ phần In và văn hóa truyền thông Hà Nội)…

C03 phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động và Nhà xuất bản Giáo Dục bắt quả tang các bị can tham gia in ấn, gia công, tiêu thụ sách giả tại xưởng in sách số 297 đường Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) và các xưởng gia công sách giả khác trên địa bàn Hà Nội.

Lực lượng chức năng cũng khám xét khẩn cấp hơn 50 địa điểm của đường dây sản xuất và tiêu thụ các loại sách giáo khoa giả trên địa bàn các tỉnh, thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Thanh Hóa.

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an tạm giữ hơn 3,2 triệu cuốn sách giáo khoa giả các loại, 3 hệ thống dây chuyền máy in offset, nhiều máy gia công sách giả, hơn 1,5 triệu tem giả của Nhà xuất bản Giáo Dục và nhà xuất bản khác, 5 ôtô tải và nhiều máy móc, công cụ dùng để bốc xếp, vận chuyển sách, khoảng 20 tỉ đồng từ nguồn thu bất hợp pháp…

Được biết đây là đường dây sản xuất, tiêu thụ sách giả với số lượng lớn nhất cả nước từ trước tới nay.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Tăng cường cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ

Theo thông tin từ Đại sứ quán Mỹ ngày 13/9, nhân kỷ niệm một năm nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, phái đoàn thương mại với hơn 100 thành viên do Thứ trưởng phụ trách Đối ngoại Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ Alexis Taylor dẫn đầu, đang có chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam.
2024-09-14 10:46:13

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thư chúc Tết Trung thu cho các cháu thiếu niên, nhi đồng

Nhân dịp Tết Trung thu 2024, ngày 13/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gửi thư cho các cháu thiếu niên, nhi đồng Việt Nam ở trong và ngoài nước, các cháu người nước ngoài ở Việt Nam. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước:
2024-09-13 17:20:01

Nam Định: Trao học bổng Tiếp sức đến trường

Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng Đại Phong trao tặng 527 suất quà, tổng trị giá hơn 2 tỷ đồng cho 390 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
2024-09-13 10:07:20

Vận dụng phương châm 4 tại chỗ trong khắc phục hậu quả bão, lũ

Ngày 7/9/2024 cơn bão số 3 có tên quốc tế là YAGI đã đổ bộ vào miền Bắc nước ta gây ra thiệt hại rất lớn cho các tỉnh ven biển và Thủ đô Hà Nội. Sau đó, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão đã gây ra mưa lớn nhiều ngày trên diện rộng, hậu quả là hàng vạn ngôi nhà bị sập, đổ, tốc mái, ngập sâu trong nước. Tại các tỉnh miền núi phía Bắc hạ tầng kinh tế - xã hội bị hư hỏng nặng khiến sản xuất bị đình trệ; hàng trăm người chết, mất tích và bị thương.
2024-09-13 09:39:25

Hải Phòng tổ chức thăm hỏi người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bão số 3

Cùng với công tác khắc phục hậu quả, các tổ chức, đoàn thể TP.Hải Phòng tích cực thăm hỏi, động viên người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 và đã có những chỉ đạo kịp thời giúp nhân dân ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất kinh doanh.
2024-09-13 08:46:02

Thư của Chủ tịch Hiệp hội VAIDE trong đợt bão số 3

AHLĐ Trần Hồng Quảng- Thương binh 1/4, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam (VAIDE) vừa có thư thăm hỏi người dân, chiến sĩ bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 Yagi cũng như động viên tinh thần của các cán bộ, người lao động trực thuộc đơn vị hội viên của Hiệp hội.
2024-09-12 20:41:40
Đang tải...