Tin tức kinh tế, tài chính ngày 27/7/2021: Thị trường bất động sản đang thời kỳ 'đỏng đảnh'

2021-07-27 10:31:11 0 Bình luận

Giá vàng hôm nay 27/7: Bị “đánh xuống”dưới 1.800 USD/ounce

Giá vàng hôm nay ở thị trường trong nước giảm khá mạnh theo đà đi xuống của giá vàng thế giới.

Lúc 8h30, giá vàng SJC tại TP HCM được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 56,6 triệu đồng/lượng, bán ra 57,3 triệu đồng/lượng, giảm 150.000 đồng mỗi lượng so với hôm qua.

Đây là mức biến động khá mạnh của giá vàng SJC trong những ngày qua. Biên độ chênh lệch giá vàng mua – bán được giữ ở mức khá cao 700.000 đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng PNJ được điều chỉnh giảm nhẹ 50.000 đồng mỗi lượng, khi doanh nghiệp giao dịch mua vào 51,2 triệu đồng/lượng, bán ra 52,6 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K giảm 100.000 đồng/lượng xuống còn 50,85 triệu đồng/lượng mua vào, 51,55 triệu đồng/lượng bán ra. 

Lúc 8h30, theo giờ Việt Nam, giá vàng hôm nay trên thị trường quốc tế được giao dịch ở mức 1.799 USD/ounce, không thay đổi so với giá mở cửa đầu ngày. Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết vào khoảng 50,1 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC trên 7 triệu đồng/lượng.

Giá vàng hôm nay của thế giới bị bán khống

Đầu ngày 27/7 (theo giờ Việt Nam), giá vàng hôm nay của thế giới giao dịch tại 1.798 USD/ounce, giảm 4 USD/ounce so với giá mở cửa hôm trước là 1.802 USD/ounce.

Trước đó, giá vàng thế giới có lúc leo lên 1.812 USD/ounce nhưng sau đó giảm mạnh khi dòng tiền dồn vào chứng khoán Mỹ, nhà đầu tư tranh thủ "đánh xuống" (bán khống rồi chờ giá vàng giảm sẽ mua vào thu về lợi nhuận).

Theo giới phân tích, thị trường đang dồn sự chú ý đến thông báo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào đầu ngày 27/7 về việc trong ngắn hạn, Fed có hay không đưa ra biện pháp hạn chế mỗi tháng tung ra thị trường 120 tỉ USD để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua Covid-19.

Thế nên tại thời điểm này nhiều người chưa dám đổ tiền vào kim loại quý vì nếu Fed giảm dần động thái bơm tiền ra thị trường thì USD có thể tăng giá, tác động xấu đến giá vàng. Biểu hiện rõ nhất là trong 5 phiên giao dịch của tuần trước, quỹ đầu tư lớn nhất thế giới SPDR Gold Shares có 4 phiên không giao dịch, 1 phiên bán ra hơn 1,1 tấn vàng.

Mặt khác, giới đầu tư tài chính lại dồn vốn vào chứng khoán Mỹ giúp cổ phiếu tại Phố Wall đồng loạt "xanh" sàn. Điều này cho thấy nhiều người không mặn mà với thị trường vàng khiến giá kim loại này không có cơ hội tỏa sáng.

Vì thế, khi giá vàng thế giới giao dịch tại 1.812 USD/ounce, một số nhà đầu tư đã tranh thủ bán khống chờ giá vàng đi xuống sẽ mua vào hưởng chêng lệch. Theo đó, giá vàng hôm nay có lúc giảm 16 USD/ounce, xuống còn 1.796 USD/ounce lúc 2 giờ ngày 27/7.

Ở mức giá này, những người đã bán khống bắt đầu mua vào. Giá vàng hôm nay lúc 6 giờ bật lên 1.798 USD/ounce.

Dưới góc độ kỹ thuật, giới kinh doanh dự báo trong vài ngày tới giá vàng có thể trở lại 1.812 USD/ounce, sau đó sẽ leo lên 1.825 USD/ounce và nếu không vượt qua mức cản này, giá vàng sẽ lùi về 1.789 USD/ounce.

Chứng khoán thị trường đảo chiều thành công, cổ phiếu ngân hàng bị “bỏ lại”

Cơ hội cuối phiên sáng cuối cùng cũng được tận dụng thành công. Chiều nay thị trường phục hồi khá ấn tượng với số lớn cổ phiếu tăng vượt tham chiếu, nhiều mã còn bật tăng mạnh. Tuy nhiên cổ phiếu ngân hàng vẫn bị bỏ lại, tác động tiêu cực lên chỉ số...  

VHM (màu xanh) có công lớn trong việc đưa VN-Index vượt tham chiếu chiều nay.

Cơ hội cuối phiên sáng cuối cùng cũng được tận dụng thành công. Chiều nay thị trường phục hồi khá ấn tượng với số lớn cổ phiếu tăng vượt tham chiếu, nhiều mã còn bật tăng mạnh. Tuy nhiên cổ phiếu ngân hàng vẫn bị bỏ lại, tác động tiêu cực lên chỉ số.

Những mã blue-chips hiếm hoi tăng giữ nhịp buổi sáng đã mạnh lên trong buổi chiều. VNM, VHM, FPT đều tiến triển rất tốt. Tuy nhiên phải nhờ tới số đông mới có thể bẻ ngược VN-Index lên trên tham chiếu.

Nhịp tăng đầu tiên khoảng 15 phút chiều nay đã khởi động khá tích cực. Dù VN-Index lên cao nhất         vẫn dưới tham chiếu khoảng 2 điểm. Điều mà nhịp phục hồi đầu tiên này đem lại là thay đổi: Lúc 1h15, VN-Index ghi nhận 120 mã tăng/251 mã giảm trong khi 15 phút trước đó (thời điểm cuối phiên sáng) vẫn là 95 mã tăng/265 mã giảm.

Nhịp tăng thứ hai thành công, VN-Index vượt tham chiếu lúc 1h50, độ rộng đã bắt đầu cân bằng. Đến cuối phiên HoSE ghi nhận 190 mã tăng/182 mã giảm. Rổ VN30 cũng có 16 mã tăng/12 mã giảm.

Độ rộng cải thiện là yếu tố xác nhận nhịp phục hồi có tính tin cậy ở VN-Index. VNM tiếp tục tăng cao thêm, chốt phiên trên tham chiếu 1,48%. FPT đóng cửa tăng 3,54%. VHM có màn bứt phá khá ngoạn mục, từ tăng 0,56% cuối phiên sáng lên 1,86% lúc đóng cửa.

Độ rộng của VN30 mở rộng ở phiên chiều tức là nhiều cổ phiếu đã quay đầu thành công vượt ngưỡng tham chiếu. Hầu hết các mã đều phục hồi, nhưng để vượt được tham chiếu thì cần động lực mua mạnh hơn. VIC tăng 0,19%, VJC tăng 0,53%, MSN tăng 1,76%, GAS tăng 0,34%, SSI tăng 0,4% đều là những mã phải trải qua mức phục hồi rất đáng kể.

Cổ phiếu ngân hàng vẫn đỏ rực cuối phiên.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng phục hồi. Tuy nhiên duy nhất HDB là quay lại đến mức vượt tham chiếu, đóng cửa tăng 0,46%. Hai mã nhỏ là NVB và OCB cũng xanh cuối phiên. Đại đa số các mã còn lại trong nhóm vẫn giảm sâu: VCB giảm 1%, VPB giảm 3,1%, TCB giảm 1%, MBB giảm 2%, LPB giảm 3%, KLB giảm 1,9%, CTG giảm 1,1%...

Không có gì bất ngờ, trong 10 cổ phiếu khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất, ngân hàng chiếm tới 9 mã, còn lại là HPG giảm 0,44%. VCB và VPB là hai mã dẫn đầu nhóm giảm. Tuy nhiên nhóm tăng vẫn áp đảo, giúp chỉ số chốt ngày tăng nhẹ 0.31% tương đương 3,88 điểm.

Cổ phiếu ngân hàng vẫn đang là những mã cản trở khả năng phục hồi của chỉ số cũng như của thị trường. Dù vậy các mã này cũng phục hồi nhẹ so với đáy thấp nhất trong ngày. Ví dụ VCB vẫn tăng 0,3% so với đáy, TPB tăng 1,39%, TCB tăng 0,61%, CTG tăng 1,1%, BID tăng 1,27%...

Thanh khoản thị trường buổi chiều không cao, hai sàn chỉ khớp thêm 7.503 tỷ đồng. VN30 chỉ giao dịch nhỏ 3.554 tỷ đồng. Tuy nhiên giá cổ phiếu đảo chiều tốt cho thấy áp lực bán cũng nhẹ.

Khối ngoại ghi nhận bán ròng cả ngày gần 71 tỷ đồng. MSB vẫn được mua ròng tốt từ sáng. Chiều nay thêm NVL và VHM tăng đáng kể. Đặc biệt NVL đảo chiều tăng giá cực mạnh, từ mức giảm 0,29% thời điểm chốt phiên sáng thành tăng 4,37% lúc đóng cửa. Khối lượng mua vào của khối ngoại tại NVL chiếm tới trên 68% tổng thanh khoản.

SSI vay tín chấp 100 triệu USD các ngân hàng nước ngoài

Ngày 26.7, Công ty CP Chứng khoán SSI (SSI) cho biết đã ký thành công hợp đồng vay vốn tín chấp với hạn mức lên tới 100 triệu USD - tương đương 2.300 tỉ đồng từ nhóm các ngân hàng hàng đầu Đài Loan.

Đứng đầu thu xếp và đầu mối khoản vay cho SSI là Ngân hàng Union Bank of Taiwan (UBOT) và Taipei Fubon Commercial Bank Co., Ltd (Fubon) cùng sự tham gia của các ngân hàng lớn như Bank of Taiwan, Taiwan Shin Kong Commercial Bank, Hua Nan Commercial Bank.

Khoản vay được kết nối thu xếp bởi Khối Dịch vụ Ngân hàng đầu tư SSI (Investment Banking - IB SSI) chỉ sau 3 tháng thương thảo.

Khoản vay 100 triệu USD có kỳ hạn không quá 12 tháng với mức lãi suất ngắn hạn theo thị trường tiền tệ quốc tế và dự kiến được giải ngân thành 2 đợt. Nguồn vốn vay của SSI được sử dụng để phân bổ vào các hoạt động kinh doanh mang lại lợi nhuận cao và rủi ro thấp, tăng cường năng lực cạnh tranh cho khối dịch vụ chứng khoán và bán lẻ, phân bổ vào mảng dịch vụ hỗ trợ tài chính cho khách hàng với mức chi phí và khối lượng cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là hoạt động cho vay margin. Dư nợ cho vay ký quỹ cuối quý 2 đạt 15.539 tỉ đồng, tăng trưởng 72% so với đầu năm, dẫn đầu thị trường và cũng là mức kỷ lục đối với hoạt động cho vay ký quỹ (margin) của SSI.

Trước khi kết nối thu xếp thành công khoản vay tín chấp hạn mức 100 triệu USD lần này, Khối Dịch vụ Ngân hàng Đầu tư SSI cũng đã kết nối thu xếp thành công khoản vay tín chấp 85 triệu USD từ nhóm 9 ngân hàng nước ngoài cho SSI. Đến nay, hai khoản vay tín chấp nước ngoài này vẫn là hai thương vụ vay tín chấp có giá trị lớn nhất trong nhóm các công ty chứng khoán Việt Nam. Năm 2019, SSI cũng đã gọi vốn tín chấp thành công 55 triệu USD từ Ngân hàng Sinopac (Đài Loan).

Lo ngại bong bóng BĐS khi giá nhà tăng cao

Giá chào bán các dự án mới tăng, trong khi đó, thị trường lại xuất hiện một số nhà đầu tư nhỏ lẻ rao bán cắt lỗ tới hàng trăm triệu đồng. Mới đây, Hiệp hội Môi giới BĐS cũng cho biết: Nhiều dự án đã đưa ra mức giá còn cao hơn giá thị trường về mặt nguyên lý, đã tạo ra một điểm giá không thể gặp bất kì một loại cầu nào. Vậy bong bóng BĐS - nỗi ám ảnh suốt hơn 10 năm qua của giới đầu tư BĐS liệu có lặp lại?

2 tháng trở lại đây, một số thông tin rao bán nhà đất cắt lỗ, từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng đã xuất hiện lác đác trên các trang mua bán BĐS. Thế nhưng, một số nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm cho rằng, đây chỉ là hiện tượng nhỏ lẻ, xuất phát từ những nhà đầu tư gặp khó khăn do dịch COVID-19 buộc phải cắt lỗ hoặc bỏ cọc để bảo toàn dòng vốn.

Khác với cách đây hơn 10 năm trước, thị trường hiện rất khan hiếm nguồn cung, nên ngoài việc giá bán tăng cao và nhanh, thì vẫn chưa có dấu hiệu rõ nét của việc hình thành bong bóng BĐS.

Ông Nguyễn Thọ Tuyển cho biết thêm: "Có sản phẩm bán tốt và tăng giá, nhiều dự án phải áp dụng khuyến mại, chiết khấu. Tuy nhiên, có dự án không bán được. Đó là sự không đồng nhất. Đó không phải là bong bóng BĐS.

Trong khi đó, ông Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận định: "Bong bóng BĐS là khi quy mô, số lượng dự án tăng, nhà nhà người người buôn BĐS, nhưng hiện tại chưa thấy rõ. Nói là bong bóng thì không hẳn nhưng mà phải lưu ý. Tại sao kinh tế hạn chế nhưng giá vẫn tăng".

Các chuyên gia cũng phân tích, vào đợt sốt đất đầu năm, dòng tiền ồ ạt chảy vào bất động sản. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đã lập tức có các động thái hạn chế việc vay tiền đầu cơ BĐS. Vì vậy, nguy cơ việc hình thành bong bóng bất động sản dẫn tới sự đổ vỡ của thị trường cũng đã được giảm bớt.

Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, chia sẻ: "Theo tôi, bong bóng về giá không phải là vấn đề đáng lo ngại trong thị trường hiện tại, đặc biệt khi Việt Nam đang sở hữu những chỉ số kinh tế khá tốt so với những quốc gia khác trong khu vực, với GDP trong sáu tháng đầu năm vẫn tăng 5,64%, sản xuất và xây dựng cũng tăng gần 9%. Vì vậy, trên thực tế, sự gia tăng về giá căn hộ là do đã được các doanh nghiệp đầu tư với 1 tiêu chuẩn cao cấp hơn".

Thay vì nhà nhà người người đi buôn bất động sản, hiện nay, các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính khá tốt, chịu được biến động của thị trường. Tuy vậy, số lượng nhà đầu tư mới, còn gọi là F0 trong bất động sản cũng tăng mạnh thời gian qua. Theo Hội Môi giới, đây là lực lượng đầu tư dễ bị dao động, có thể ồ ạt rút tiền hoặc bán tháo khi thị trường xấu. Bởi vậy, mặc dù theo nhiều phân tích, bong bóng bất động sản có thể chưa diễn ra, nhưng sự e ngại vẫn đang hiện diện, nhất là khi giá bán nhà không ngừng gia tăng.

Chủ trương xây dựng Dự án Cụm Công nghiệp làng nghề Minh Phương

Dự án Cụm Công nghiệp làng nghề Minh Phương đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc thông qua tại Nghị quyết số 49/NQ–HĐND ngày 18/12/2017 về việc chấp thuận thu hồi đất để thực hiện các dự án, công trình năm 2018 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại Văn bản số 1567/TTg-NN ngày 9/11/2018 và đã có trong kế hoạch sử dụng đất năm 2018, 2019, 2020, 2021 của UBND huyện Yên Lạc.

Dự án Cụm Công nghiệp làng nghề Minh Phương có diện tích đất thu hồi là 33,3ha của hơn 500 hộ, trong đó có 14,07 ha đất thuộc địa phận thị trấn Yên Lạc và 19,3ha đất thuộc địa phận xã Nguyệt Đức.

Đến nay, huyện Yên Lạc đã thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) được 28,5 ha (đạt 85,6%), còn lại 4,8 ha (14,4%) chưa GPMB.

Hiện còn 78 hộ ở thị trấn Yên Lạc chưa chấp thuận nhận tiền bồi thường GPMB.

Ý kiến một số hộ cho rằng, dự án này không phải là dự án được nhà nước thu hồi, từ đó không đồng ý với mức giá bồi thường, và đòi hỏi đất dịch vụ, đòi hỏi phải thỏa thuận giá... vì cho rằng doanh nghiệp trục lợi bằng việc mua đất của dân để bán lại với mức giá cao.

Ngoài những ý kiến trên, trong thời gian vừa qua, nhiều người dân đã dựng lều bạt, tập trung đông người trên vị trí diện tích đất đã bàn giao cho doanh nghiệp chủ đầu tư.

Tuy nhiên, cũng theo đại đa số ý kiến của người dân đang sinh sống tại địa phương này thì, việc người dân tập trung đông người là vi phạm các quy định về công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Đảng và Chính phủ đã đề ra.

Ngoài ra, việc người dân dựng lều bạt, ăn ở tại vị trí đã được giao cho chủ đầu tư cũng là vi phạm các quy phạm pháp luật liên quan.

Mặc dù trong suốt thời gian qua, huyện Yên Lạc đã tổ chức tuyên truyền vận động người dân trong diện thu hồi đất thực hiện về việc chấp thuận thu hồi đất để huyện thực hiện các dự án , nhưng một số người dân trong diện có đất phải thu hồi vẫn tập trung gây cản trở cho việc thực hiện dự án của chủ đầu tư.

Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Bí thư Huyện ủy Yên Lạc cho biết, trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động các hộ dân nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, để huyện sớm giao đất cho chủ đầu tư.

Đối với các hộ dân không chấp hành, huyện sẽ tổ chức cưỡng chế. Dự kiến đợt 1, huyện sẽ cưỡng chế đối với 16 hộ/78 hộ tại Cụm Công nghiệp làng nghề Minh Phương vào khoảng giữa tháng 8. Trước khi tiến hành cưỡng chế, huyện sẽ có văn bản, gửi hồ sơ kế hoạch tổ chức cưỡng chế lên Công an tỉnh, Viện Kiểm sát tỉnh, Thanh tra tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc để thẩm định, tư vấn về mặt pháp lý, ông Nguyễn Khắc Hiếu thông tin.

Hiện nay, huyện Yên Lạc đã nhận được các văn bản phúc đáp, trả lời của các cơ quan của tỉnh là đã đầy đủ điều kiện về mặt pháp lý đối với kế hoạch cưỡng chế, ông Nguyễn Khắc Hiếu nhấn mạnh.

Được biết, Dự án Cụm Công nghiệp làng nghề Minh Phương đi vào hoạt động sẽ góp phần xây dựng một khu sản xuất tập trung có quy mô hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ và sản xuất đồng bộ, đáp ứng yêu cầu sản xuất cho người dân.

Ngoài ra, Dự án cũng sẽ giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt tại thị trấn Yên Lạc. Ngành nghề chủ yếu hoạt động trong Cụm công nghiệp này là sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến gỗ, mộc dân dụng, phế liệu...

Khi đi vào hoạt động, Cụm Công nghiệp làng nghề Minh Phương dự kiến sẽ thu hút khoảng 260 doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng các hộ cá thể.

Tính chất của dự án là tạo quỹ đất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào trong Cụm Công nghiệp, đưa các cơ sở sản xuất ở các khu dân cư vào cụm công nghiệp sản xuất tập trung, tách rời khu dân cư, từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp và các hộ dân phát triển sản xuất kinh doanh.

Dự án dự kiến sẽ tạo việc làm cho khoảng 8.000 lao động địa phương và các khu vực lân cận. Giải quyết việc làm, phân công lại lao động, từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; duy trì, phát huy làng nghề truyền thống góp phần phát triển kinh tế của địa phương.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Thành công vượt xa kỳ vọng, Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024 kéo dài thời gian tham quan

Để tạo điều kiện tối đa cho người dân vào tham quan Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024, Ban tổ chức triển lãm quyết định kéo dài thời gian mở cửa một số gian hàng đến 12 giờ, ngày 23/12 (dự kiến ban đầu là ngày 22/12).
2024-12-23 02:06:14

Thêm 521 nhà phố, biệt thự tại Aqua City đủ điều kiện ký hợp đồng mua bán

Ngày 20/12, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai ra văn bản số 6017/SXD-QLN-TTBĐS thông báo xác nhận 521 căn nhà ở thấp tầng tại khu II, dự án Khu đô thị Aqua Waterfront City thuộc đô thị Aqua City (xã Long Hưng, TP.Biên Hòa) đủ điều kiện đưa vào kinh doanh.
2024-12-22 15:24:00

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khánh thành Dự án tái thiết khu dân cư thôn Làng Nủ

Sáng 22/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ khánh thành Dự án tái thiết khu dân cư thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên; thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc và thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai - nơi vào tháng 9/2024 xảy ra thảm hoạ lũ quét, sạt lở đất do bão số 3 gây ra làm hàng chục người dân thiệt mạng và mất tích; hàng chục ngôi nhà bị vùi lấp, cuốn trôi.
2024-12-22 12:00:00

Hải Phòng ‘Hát mãi khúc quân hành, thanh niên với tình yêu biển đảo’

Đó là nội dung chuyên đề do Thành đoàn Hải Phòng tổ chức và trao giải Cuộc thi tìm hiểu truyền thống “80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam; 35 năm ngày hội quốc phòng toàn dân” vào chiều ngày 21/12, tại trường THPT Thái Phiên.
2024-12-22 09:26:46

Bộ đội Cụ Hồ chí nghĩa chí tình, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế

Thượng tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu nhấn mạnh: “Trong kháng chiến hay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế, Bộ đội Cụ Hồ được bạn bè quốc tế tôn trọng, khâm phục. Phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ lan tỏa ra ngoài biên giới Việt Nam, để lại tình cảm và ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế”.
2024-12-22 03:24:00

Vụ nhiều người nhập viện sau bữa ăn ở một hội nghị Hà Nội: Cảnh báo an toàn thực phẩm

Trong số 80 người dự tiệc tại Trung tâm Hội nghị đường Hoa Lan, phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội, 14 người nghi ngộ độc thực phẩm phải nhập viện, 2 người đã tử vong.
2024-12-21 22:15:00
Đang tải...