Tin tức kinh tế, tài chính ngày 31/7/2021: Tiền Giang dừng hoạt động các khu công nghiệp vì Covid-19, doanh nghiệp đề nghị xem xét

2021-07-31 09:44:26 0 Bình luận
Nhiều sếp tập đoàn bất động sản nhảy sang điều hành ngân hàng. Tiền Giang tạm dừng sản xuất tại khu công nghiệp, doanh nghiệp gặp khó.

Giá vàng hôm nay 31/7: Yếu tố kích thích, vàng tăng giá mạnh

Mở cửa thị trường vàng ngày 31/7, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji và SJC niêm yết theo thứ tự mua vào và bán ra như sau:

Doji Hà Nội:  56,48 triệu đồng/lượng -  57,93 triệu đồng/lượng

Doji TP.HCM: 56,48 triệu đồng/lượng -  57,93 triệu đồng/lượng

SJC Hà Nội:  56,55 triệu đồng/lượng - 57,27 triệu đồng/lượng 

SJC TP.HCM: 56,55 triệu đồng/lượng - 57,25 triệu đồng/lượng 

Mở cửa thị trường vàng ngày 30/7, giá vàng miếng trong nước được Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji và SJC niêm yết theo thứ tự mua vào và bán ra như sau:

Doji Hà Nội:  56,50 triệu đồng/lượng -  57,95 triệu đồng/lượng

Doji TP.HCM: 56,50 triệu đồng/lượng -  57,90  triệu đồng/lượng

SJC Hà Nội: 56,70 triệu đồng/lượng - 57,42 triệu đồng/lượng

SJC TP.HCM: 56,70 triệu đồng/lượng - 57,43 triệu đồng/lượng

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên tại Mỹ tăng 20,4 USD lên 1.827,9 USD/ounce.

Giá vàng tương lai giao tháng 8 trên sàn Comex New York giảm 3,6 USD xuống 1.828,7 USD/ounce.

Lãi suất thấp làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng vốn không sinh lời. Vàng tăng hơn 1,4% tính đến thời điểm này của tuần, sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell lưu ý rằng thị trường lao động Mỹ cần có những số liệu mạnh mẽ trong những tháng tới để xem xét việc tăng lãi suất.

Theo đề xuất sửa đổi “Đạo luật mua hàng Mỹ” (1933), chính quyền Mỹ sẽ tăng số lượng hàng hóa và dịch vụ do các công ty trong nước sản xuất từ 55% hiện nay lên 60% trong ngắn hạn và dần tăng lên 75% trong dài hạn.

Dự kiến, chính phủ liên bang sẽ chi 600 tỷ USD mỗi năm để mua hàng hóa và dịch vụ nội địa.

Nhà trắng cho biết đang đề xuất sửa đổi đạo luật nói trên để khắc phục những lỗ hổng và buộc các doanh nghiệp Mỹ cung ứng cho chính phủ gia tăng thêm sản phẩm nội địa vào chuỗi cung ứng.

Lượng vàng dự trữ do quỹ trao đổi vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust nắm giữ trong phiên 30/7 tăng 0,6%, lần tăng đầu tiên trong khoảng một tháng qua.

Theo một số nhà phân tích, sự bất ổn ngày càng gia tăng trong chính sách tiền tệ, lạm phát và nguy cơ biến động trên thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với các tài sản trú ẩn an toàn như vàng.

Chuyên gia tư vấn nghiên cứu cao cấp về Nam Á Harshal Barot của tổ chức nghiên cứu kim loại quý Metals Focus có trụ sở ở London (Anh) cho biết nền tảng cơ bản của vàng vẫn còn khả quan, khi rất khó đoán định về việc liệu nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ hay điều gì sẽ xảy ra trên thị trường lao động Mỹ.

Theo kết quả khảo sát của hãng tin Reuters, giá vàng được dự đoán trung bình sẽ ở trên mức hiện tại 1.830 USD/ounce trong thời gian còn lại của năm 2021 trước khi giảm vào năm 2022.

Chứng khoán tăng suốt tuần

VN-Index tăng liên tiếp 5 phiên, đóng cửa tại 1.310 điểm và tích luỹ hơn 41 điểm so với cuối tuần trước nhờ dòng tiền trở lại thị trường.

Chuỗi tăng điểm liên tiếp từ đầu tuần đánh dấu nhịp hồi phục mạnh mẽ của thị trường chứng khoán trong nước. Khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu từ các nhóm phân tích, cộng thêm tâm lý hưng phấn giúp đà thăng hoa được duy trì trong phiên cuối tuần.

Chỉ số đại diện cho sàn chứng khoán TP HCM đi trên tham chiếu suốt phiên, càng về cuối càng nới rộng biên độ tăng. VN-Index chốt phiên tại 1.310,05 điểm, tăng 16 điểm so với tham chiếu. Đây là phiên tăng thứ 5 liên tiếp và giúp chỉ số tích luỹ thêm 41,22 điểm so với cuối tuần trước.

Đà tăng hôm nay được hỗ trợ bởi rổ VN30. Chỉ số đại diện cho rổ này tăng gần 20 điểm khi có đến 27 mã đóng cửa trong sắc xanh, trong khi số lượng cổ phiếu giảm là 2 và giữ tham chiếu là 1.

VPB dẫn đầu về biên độ tăng với 5,7% lên 61.000 đồng, tiếp đến là REE tăng 5%, MSN tăng 4,9% và PNJ tăng 3%. MSN và VPB là hai cổ phiếu tác động tích cực nhất đến thị trường khi đóng góp cho VN-Index lần lượt 2,33 và 1,99 điểm. Ở chiều ngược lại, VNM giảm 0,8% xuống 86.100 đồng và VJC giảm 1,2% xuống 113.000 đồng, cùng trở thành lực hãm thị trường tăng thêm.

Tín hiệu tích cực nhất trong phiên cuối tuần là dòng tiền trở lại thị trường mạnh mẽ khi có 21.760 tỷ đồng được giải ngân, cao nhất trong nửa tháng qua. Dòng tiền tập trung chủ yếu ở nhóm tài chính, bất động sản, nguyên vật liệu và công nghiệp. ACB dẫn đầu về thanh khoản với 1.246 tỷ đồng, tương ứng 35 triệu cổ phiếu. Các cổ phiếu còn lại trong nhóm 5 mã có giá trị giao dịch nhiều nhất gồm HPG, STB, VPB và TCB đều trên 800 tỷ đồng.

Nhà đầu tư nước ngoài cũng bơm tiền mạnh vào thị trường chứng khoán, thể hiện qua giá trị mua vào đạt 1.522 tỷ đồng trong khi bán ra xấp xỉ 1.180 tỷ đồng. FPT là cổ phiếu được sang tay nhiều nhất với giá trị gần 280 tỷ đồng, sau đó là MWG, SSI, CTG.

Giảm áp lực nợ xấu ngân hàng thời COVID-19

Xoay quanh vấn đề này, TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng và ông cho biết “Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng kể từ khi đưa vào triển khai đến nay đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, Nghị quyết 42 tạo ra hành lang pháp lý cho các tổ chức tín dụng thu hồi nợ. Mặt khác, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, từ các bộ ngành đến chính quyền địa phương các cấp, tòa án... cùng tạo điều kiện hỗ trợ cho việc hoàn tất thủ tục thi hành án, xử lý tài sản đảm bảo. Hơn nữa, người dân nhận thức được trách nhiệm trả nợ cao hơn nhiều so với trước”.

Tổng số nợ xấu xử lý từ khi thành lập Công ty quản lý tài sản (VAMC) đến nay khoảng 550 nghìn tỷ đồng; trong đó 350 nghìn tỷ đồng xử lý theo Nghị quyết 42, chiếm 66%. Trong 350 nghìn tỷ đồng đó có 150 nghìn tỷ đồng là khách hàng tự trả nợ. Điều này cho thấy ý thức trả nợ của khách hàng đã tăng gấp đôi so với trước khi có Nghị quyết 42.

Nợ xấu thường đi chậm hơn một bước và độ trễ rất dài. Hiện các tổ chức tín dụng đang tái cơ cấu, xử lý để đưa tỷ lệ nợ xấu về mức an toàn và kết quả triển khai đang rất khả quan, thể hiện sự cố gắng tích cực của các tổ chức tín dụng và ý thức của người dân, khách hàng.

Đồng thời, trình độ nghiệp vụ trong phân tích, thẩm định, đánh giá các khoản vay mới của nhân viên ngân hàng cũng được nâng cao nên hạn chế phát sinh nợ xấu. Tốc độ thu hồi nợ xấu cũ và nợ xấu theo Nghị quyết 42 đang trên đà tích cực.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh và cả nền kinh tế. Trong giai đoạn hiện nay, tôi cho rằng các ngân hàng đã nhìn nhận đánh giá và xây dựng kịch bản riêng của mình.

Song song với thực hiện giảm lãi suất hỗ trợ người dân, ngân hàng cũng chủ động nâng cao năng lực tài chính và vốn tự có để đảm bảo khả năng của mình trong tương lai. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19. Thông tư 03 yêu cầu trích lập dự phòng trong thời gian 3 năm với tỷ lệ trích lập tối thiểu là 30%, nhưng nếu tình hình tài chính của tổ chức tín dụng tốt nên trích dự phòng các khoản nợ đó ngay từ bây giờ để có dự phòng trong tương lai.

Việc thu hồi nợ trong giai đoạn hiện nay là rất khó khăn với các tổ chức tín dụng. Khi khách hàng không phải là đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng không có khả năng trả nợ hoặc không trả nợ ngân hàng, phát sinh nợ quá hạn trong thời gian dài, ngân hàng bắt buộc phải thu hồi nợ, thậm chí cả biện pháp rắn là khởi kiện ra tòa, thu giữ, phát mại tài sản đảm bảo.

Thêm nữa, việc tiếp cận để đôn đốc thu nợ khách hàng cũng rất khó do phải đảm bảo các quy định phòng chống dịch COVID-19 nên chỉ dựa chủ yếu vào ý thức khách hàng trong việc trả nợ.

Bài toán đặt ra cho các ngân hàng là làm sao để tạo hiệu ứng với người dân và khách hàng trong giai đoạn này rằng nếu có điều kiện trả nợ, có nguồn thu nhập thì tập trung vốn để trả những khoản nợ cũ và đề xuất các phương án mới để tiếp tục ổn định kinh doanh và phục hồi.

Cần phải nhìn nhận lợi nhuận ngân hàng một cách toàn diện và khách quan. Đó là kết quả của cả một quá trình dài tái cơ cấu trong 5 năm vừa qua. Các ngân hàng đã dành mọi nguồn lực, đảm bảo nâng vốn điều lệ, hệ số an toàn vốn CAR. Có ngân hàng không chia cổ tức nhiều năm để dành vốn dự phòng rủi ro.

Mặt khác, các ngân hàng đang thực hiện cơ cấu nợ theo Thông tư 01/2020 của Ngân hàng Nhà nước nên chưa phải trích dự phòng rủi ro, lợi nhuận vì thế có chiều hướng tăng.

Một yếu tố nữa là việc ứng dụng ngân hàng số tạo điều kiện cho người dân, đồng thời cũng đem lại lợi ích cho ngân hàng. Bởi khi người dân không sử dụng tiền mặt thì số tiền trong tài khoản sẽ tăng lên, chính là khoản tiền gửi không kỳ hạn, tạo điều kiện chênh lệch lãi suất huy động và cho vay được nới rộng.

Ngân hàng Nhà nước mới đây đã điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng. Đây là bước đi rất phù hợp trong giai đoạn này. Bởi dịch bệnh dù đang rất phức tạp nhưng tôi kỳ vọng với những giải pháp mạnh tay của Chính phủ thì sẽ sớm kiểm soát được.

Khi đó doanh nghiệp sẽ trở lại ổn định, duy trì sản xuất và phục hồi. Các doanh nghiệp bị gián đoạn sản xuất do dịch bệnh sẽ trở lại với cường độ làm việc cao hơn, nhu cầu vốn lớn hơn, thì ngân hàng cũng cần tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp đó.

Ngoài ra các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thiết yếu cho trong nước và xuất khẩu, khi trở lại hoạt động cũng rất cần vốn. Các ngân hàng cần đánh giá hiệu quả của phương án kinh doanh để cấp vốn kịp thời cho doanh nghiệp. Đây là cơ hội cho phục hồi sản xuất.

Nhìn nhận được điều này, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động nới room tín dụng cho các tổ chức tín dụng, tạo tiền đề để từ nay đến cuối năm các tổ chức tín dụng có nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp.

Nhiều sếp tập đoàn bất động sản nhảy sang điều hành ngân hàng

Mới đây, bà Bùi Thị Thanh Hương - tổng giám đốc Tập đoàn Sun Group - chính thức trở thành tân chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Quốc dân (NCB, mã chứng khoán NVB).

Sun Group là tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh, nổi lên nhờ mảng du lịch - giải trí - bất động sản với các dự án tầm cỡ như Ba Na Hills, JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay, tuyến cáp treo Fansipan...

Doanh nghiệp này có nhiều duyên nợ với Ngân hàng Quốc dân. Điển hình như trong dự án casino Vân Đồn (Quảng Ninh) do Sun Group đầu tư, Ngân hàng Quốc dân cam kết cấp tín dụng.

Gần đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chấp thuận cho Ngân hàng Quốc dân tăng tối đa thêm 1.500 tỉ đồng để nâng lên 5.600 tỉ đồng vốn điều lệ, dưới hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Ở đại hội cổ đông thường niên 2021, ngân hàng này chia sẻ kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 7.100 tỉ đồng, sớm nhất sẽ tăng tổng nguồn vốn điều lệ lên 10.000 tỉ đồng, đón nhận cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Theo báo cáo tài chính quý 2-2021, sau nửa đầu năm nay, Ngân hàng Quốc dân lãi ròng sau thuế gần 101 tỉ đồng, tăng hơn 5,4 lần so với cùng kỳ năm trước.

Sau thông tin bà Hương ngồi lên "ghế nóng", cổ phiếu NVB lập tức tăng trần, hiện đang neo ở giá 22.500 đồng/cổ phiếu, biến động tăng gần 32% trong một tuần nay.

Nhiều lãnh đạo tập đoàn bất động sản khác cũng về điều hành các nhà băng thời gian gần đây.

Hồi tháng 5/2021, CEO của Sunshine Group là bà Trần Thị Thu Hằng cũng chính thức đảm nhận chức chủ tịch HĐQT Ngân hàng Kiên Long (Kienlongbank, KLB).

Trong thời gian bà Hằng lên chức tân chủ tịch, bên cạnh tên gọi Kienlongbank, ngân hàng này cũng bổ sung một tên mới là KSBank. Ngoài nắm hơn 15,2 triệu cổ phiếu (tỉ lệ 4,72%) của Kienlongbank, bà Hằng còn sở hữu cổ phần tại Công ty cổ phần KS Group (33%), Công ty cổ phần chứng khoán KS (51%).

Có thể thấy, bất động sản Sunshine Group đang có mối gắn kết chặt chẽ với cả ngân hàng và công ty chứng khoán, lợi thế mà không phải doanh nghiệp nào cũng có được.

Kienlongbank là ngân hàng từng gắn bó tên tuổi của ông Võ Quốc Thắng (bầu Thắng). Vào năm 2018, ông Thắng rút khỏi HĐQT nhà băng này, chọn làm chủ tịch Đồng Tâm Group vì theo Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ ngày 15-1-2018 quy định, chủ tịch HĐQT ngân hàng không được làm thành viên HĐQT ở các doanh nghiệp khác.

Dù vậy, hiện bầu Thắng vẫn làm cố vấn cho Kienlongbank. Theo báo cáo tình hình quản trị 6 tháng đầu năm 2021, trong dàn lãnh đạo Kienlongbank cũng có hàng loạt người thân, quen ông Thắng như: ông Võ Quốc Lợi (con trai, thành viên ban điều hành), ông Phạm Trần Duy Huyền (cháu rể, thành viên HĐQT).

Lũy kế nửa đầu năm nay, Kienlongbank lãi sau thuế gần 607 tỉ đồng, tăng gần 7,4 lần so với cùng kỳ năm trước.

Cũng trong tháng 5 vừa qua, ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) đã được bầu làm phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank - LPB). Ông Thụy là người sáng lập và nắm 24,6% ở Thaiholdings - sở hữu nhiều khu "đất vàng". Trước khi bước vào LienVietPostBank, ông Thụy đã thôi nhiệm chức chủ tịch Thaiholdings.

Theo công bố giao dịch, đầu tháng 7, Thaiholdings đã mua thành công 20 triệu cổ phiếu LPB (sở hữu 1,86% vốn ở LienVietPostBank). Riêng cá nhân bầu Thụy tăng tỉ lệ sở hữu tại nhà băng này lên 2,85%, với 30,58 triệu cổ phiếu LPB. Cả ông Nguyễn Xuân Thủy - em trai ông Thụy - cũng giữ 1,62 triệu cổ phiếu LPB (0,15%).

Với thị giá 25.500 đồng, tổng giá trị cổ phiếu LPB do Thaiholdings, ông Thụy và em trai nắm giữ đạt xấp xỉ 1.294 tỉ đồng.

Về bức tranh tài chính, LienVietPostBank lãi sau thuế hơn 1.617 tỉ đồng trong nửa đầu năm nay, hoàn thành 64% kế hoạch cả năm. Ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng gần 616 tỉ đồng.

Tiền Giang tạm dừng sản xuất tại khu công nghiệp, doanh nghiệp gặp khó

Do phát sinh nhiều ổ dịch COVID-19 phức tạp, từ ngày 29/7, tỉnh Tiền Giang đã quyết định cho tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp kể từ ngày 5/8.

Ngay sau khi có quyết định của UBND tỉnh Tiền Giang về việc tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp, Công ty TNHH Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) “kêu cứu”.

Lý giải nguyên nhân viết đơn “kêu cứu” lên Bộ NNPTNT, bà Trương Thị Lệ Khanh – Chủ tịch Hội đồng thành viên của doanh nghiệp này cho biết: Chấp hành Chỉ thị số 16 của Chính phủ về thực hiện phòng, chống dịch, doanh nghiệp đã tiến hành test COVID-19 cho 1.200 lao động có kết quả âm tính vào nhà máy để sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” (sản xuất – ăn ở, sinh hoạt – nghỉ ngơi tại nhà máy).

Công ty TNHH Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo Phòng chống COVID-19 tại chỗ; tổ chức phân luồng ăn, ở, sản xuất theo từng dây chuyền sản xuất tránh lây nhiễm chéo, đạt yêu cầu theo đánh giá của Ban Quản lý các khu, cụm công nghiệp Tiền Giang. Kết quả, ngày 27/7/2021, toàn thể lao động của công ty được CDC Tiền Giang xét nghiệm PCR âm tính với tỉ lệ 100%.

Tuy nhiên, ngày 29/7 doanh nghiệp nhận được công văn của UBND tỉnh Tiền Giang về việc tạm dừng hoạt động đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”. Điều này khiến doanh nghiệp đứng trước những vấn đề rất nghiêm trọng: Bị đứt gãy chuỗi cung ứng cá tra nuôi;

Việc sản xuất “3 tại chỗ” chỉ đạt 50% công suất đã ảnh hưởng đến kế hoạch nuôi và xuất khẩu, nếu đột ngột ngừng sản xuất sẽ gây thiệt hại kép đến toàn chuỗi cung ứng, cá nuôi vượt size không bán được, lãi ngân hàng phải trả, doanh nghiệp phải bồi thường hợp đồng với siêu thị, nguy cơ bị mất thị trường, nguy cơ phá sản… rất lớn.

Công ty TNHH Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang đề nghị Bộ NNPTNT xem xét, cho phép doanh nghiệp được tiếp tục sản xuất “3 tại chỗ” nghiêm túc, góp phần vào phát triển sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 phức tạp ảnh hưởng đến phát triển nền kinh tế.

“Doanh nghiệp nào làm sai thì xử lý doanh nghiệp đó…. Thiết nghĩ, làm tốt thì phải cho duy trì mới đúng. Chúng tôi khẩn thiết đề nghị Bộ trưởng có ý kiến đến UBND tỉnh Tiền Giang xem xét để công ty tiếp tục được sản xuất” – bà Trương Thị Lệ Khanh đề nghị.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

HDBank mở chi nhánh thứ 2 tại Quảng Ninh

Chi nhánh HDBank tại Móng Cái được đầu tư quy mô về nguồn vốn, tài sản và đội ngũ CBNV nhằm tăng cường cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng và phù hợp, bám sát đặc thù và chiến lược phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm phía Bắc.
2024-04-25 11:31:59

Thái Nguyên khai mạc mùa du lịch 2024

Sáng 25/4 tại Khu du lịch hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Chương trình Khai mạc Mùa du lịch tỉnh Thái Nguyên năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.
2024-04-25 11:06:52

NASU đồng hành cùng người nông dân phát triển kinh tế tuần hoàn, làm giàu bền vững từ cây mía

Đối với người nông dân ở Phủ Quỳ hôm nay, “suy đi tính lại chẳng cây trồng nào so sánh được với cây mía và chưa hợp tác nào bền vững như với NASU”.
2024-04-24 20:12:49

Hoa Kỳ phối hợp cùng Việt Nam tổ chức Hội thảo khu vực về chống IUU

Ngày 23/04/2024, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cục Phòng chống ma túy và Thực thi Pháp luật quốc tế (INL) và Lực lượng Phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ (USCG), đã phối hợp cùng Cục Kiểm Ngư tổ chức Hội thảo Khu vực về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU) tại thành phố Đà Nẵng.
2024-04-24 09:44:47

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Sáng 24/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số.
2024-04-24 09:27:18

Hà Nội chuẩn bị Lễ hội Đền trong Thăng Long Tứ Trấn năm 2024

Ngày 23/4, Đoàn công tác của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đã có cuộc kiểm tra công tác Lễ hội truyền thống tại Di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long Tứ Trấn Đền Kim Liên.
2024-04-23 23:56:38
Đang tải...