Tin tức kinh tế, tài chính ngày 3/8/2021: Chỉ số sản xuất công nghiệp Việt Nam tăng hơn 7,9% cùng kỳ năm ngoái
Chứng khoán ngày 3/8 - Thời điểm đi ra?
Lúc 8h30, giá vàng SJC tại TP HCM được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 56,5 triệu đồng/lượng, bán ra 57,2 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với hôm qua.
Giá vàng PNJ, giá vàng trang sức cũng tiếp tục xu hướng ổn định, ít biến động trong ngày giao dịch.
Theo đó, giá vàng PNJ được công ty PNJ niêm yết mua vào 51,3 triệu đồng/lượng, bán ra 52,7 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại cũng đứng yên quanh mức 50,95 triệu đồng/lượng mua vào, 51,65 triệu đồng/lượng bán ra.
Thị trường vàng trong nước hôm nay trầm lắng cả về giá lẫn lượng giao dịch. Các doanh nghiệp gần như không điều chỉnh biên độ giá trong ngày. Mức chênh lệch giá vàng mua - bán cũng được giữ ở mức cao khoảng 700.000 đồng/lượng, không đổi trong những ngày qua.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng hôm nay lúc 8 giờ 45, theo giờ Việt Nam, được giao dịch ở mức 1.809 USD/ounce, tương đương 50,3 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC khoảng 6,9 triệu đồng/lượng và thấp hơn giá vàng trang sức chỉ trên 1 triệu đồng/lượng.
Tỉ giá trung tâm sáng nay được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.176 đồng/USD, giảm 4 đồng/USD so với hôm qua. Giá USD ở các ngân hàng thương mại ổn định quanh 22.850 đồng/USD mua vào, 23.050 đồng/USD bán ra, không thay đổi so với hôm qua.
Giá vàng hôm nay của thế giới giao dịch dưới ngưỡng 1.820 USD/ounce. Ảnh: Thy Thơ
Khoảng 6 giờ ngày 3/8 (theo giờ Việt Nam), giá vàng hôm nay của thế giới giao dịch tại 1.814 USD/ounce, ngang bằng với mức giá mở cửa hôm trước.
Đêm qua, giá vàng thế giới có lúc leo lên 1.820 USD/ounce trong bối cảnh các thành viên Quốc hội Mỹ thảo luận gói kích thích kinh tế cơ sở hạ tầng để chuẩn bị thông qua trong thời gian tới.
Có lẽ thông tin này làm không ít nhà đầu tư hy vọng thị trường sẽ có những yếu tố mới tác động đến xu hướng của giá vàng. Vì nếu gói kích thích kinh tế cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỉ USD của Mỹ đạt được những thỏa thuận đáng kể thì trong tương lai, USD tràn ngập thị trường. Theo đó, đồng tiền này sẽ suy yếu, ảnh hưởng tích cực đến giá vàng.
Thế nhưng, dữ liệu kinh tế Mỹ ngày càng sáng sủa, lạm phát tại Mỹ có xu hướng đi lên làm thị trường lo ngại Cục Dự trữ liên bang Mỹ có thể sớm tăng lãi suất cơ bản, tác động xấu đến thị trường vàng. Từ đó, nhiều nhà đầu tư chưa mạnh tay đưa vốn vào kim loại quý. Vì thế giá vàng hôm nay không vượt qua mức cản 1.820 USD/ounce.
Giao dịch trên thị trường cho thấy trong ngày 2-8 giá vàng tăng giảm 5-10 USD/ounce trong nhiều giờ. Tuy nhiên, khi thông tin Mỹ có thể tung ra thị trường hàng ngàn tỉ USD để phát triển kinh tế cơ sở hạ tầng, một số nhà đầu tư kỳ vọng USD sẽ suy yếu so với với nhiều đồng tiền khác giúp giá vàng khởi sắc.
Thế nên khi giá vàng thế giới giao dịch tại 1.805 USD/ounce, họ liền tăng sức mua. Giá vàng hôm nay bật tăng 15 USD/ounce lên ngưỡng 1.820 USD/ounce lúc 1 giờ ngày 3-8. Sau đó, giá vàng hôm nay có dấu hiệu hạ nhiệt và đến 6 giờ cùng ngày giao dịch tại 1.814 USD/ounce.
Trước đó trong ngày 2/8, giá vàng SJC tại Việt Nam bất động tại mức 57,2 triệu đồng/lượng. Như thế, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng 6,8 triệu đồng/lượng.
Chứng khoán ngày 3/8 - Thời điểm đi ra?
Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/8, VN-Index vẫn có màu xanh nhẹ khi tăng 4,17 điểm tức 0,32% về mức 1.314,22 điểm. HNX cũng là một phiên hạ nhiệt khẩn cấp khi chỉ còn xanh không đáng kể cuối phiên khi tăng 0,08 điểm tức 0,03% về 314,93 điểm. UPcom có phần tốt hơn chút khi tăng 0,42 điểm tức 0,48% về 87,35 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/8, VN-Index vẫn có màu xanh nhẹ khi tăng 4,17 điểm tức 0,32% về mức 1.314,22 điểm. HNX cũng là một phiên hạ nhiệt khẩn cấp khi chỉ còn xanh không đáng kể cuối phiên khi tăng 0,08 điểm tức 0,03% về 314,93 điểm. UPcom có phần tốt hơn chút khi tăng 0,42 điểm tức 0,48% về 87,35 điểm.
Thanh khoản đã thoát khỏi cái bóng vùng đáy trước và duy trì ở mức hiện tại là 19.000-20.000 tỷ đồng ở HOSE. Điển hình hôm nay HOSE ghi nhận con số 19.791 tỷ đồng, HNX đạt 1.560 tỷ đồng và Upcom là 1.253 tỷ đồng.
Khối ngoại phiên nay mua ròng 297 tỷ đồng
Top 10 cổ phiếu khối ngoại mua/bán nhiều nhất trên sàn HOSE (Nguồn: ndh.vn)
Tham lãi nghìn tỷ, ngân hàng giảm lãi suất nhỏ giọt
Mới nhất, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) hạ lãi suất cho vay theo kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội Ngân hàng.
Cụ thể, MSB giảm 3%/năm lãi suất cho vay phục vụ kinh doanh với hộ kinh doanh và 1%/năm cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, mua nhà.
Lãnh đạo ngân hàng này cho biết, đây là đợt giảm lãi lớn của MSB trong năm với tổng hạn mức gần 5.000 tỷ đồng.
Hiện, lãi suất cho vay được áp dụng cho các đối tượng ưu tiên là kinh doanh xuất nhập khẩu, thương mại dược - y tế… chỉ từ 5,5%/năm...
Phó tổng giám đốc một ngân hàng lớn ở Hà Nội có room tín dụng 2021 gần cạn cho biết: “Chỉ khi được nới room và lãi suất đầu vào thấp thì ngân hàng mới có thể giảm lãi suất bền vững. Nhưng nếu hạ đầu vào thì khó hút vốn.
Hiện, việc giảm lãi suất của các ngân hàng chỉ mang tính chất tình thế bởi rủi ro trong bối cảnh dịch bệnh rất lớn, nợ xấu nguy cơ tăng lên rất cao”.
Trên thực tế, trong đợt hạ lãi suất này, mức giảm trung bình của các ngân hàng công bố là khoảng 1%, trừ Vietcombank áp dụng cho tất cả khách hàng, còn lại hầu hết đều khoanh vùng từng nhóm khách hàng để áp dụng. Đồng thời, các chính sách chỉ áp dụng tới cuối năm nay.
Trong cuộc họp kêu gọi các ngân hàng hàng đồng thuận hạ lãi suất cho vay, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cũng lưu ý các ngân hàng mặc dù hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế vượt qua khó khăn nhưng phải đảm bảo an toàn hệ thống ở mức cao nhất bởi các tác động tiêu cực từ đại dịch đến ngành ngân hàng là có độ trễ.
Trong khi đó, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các ngân hàng quá chậm trễ trong việc hạ lãi suất. Trong 4 đợt dịch bùng phát, các ngân hàng không giảm lãi suất cho vay nhiều, trong khi lãi suất huy động vẫn tiếp tục giảm sâu từ tháng 3 năm ngoái tới nay.
“Các ngân hàng đáng lý phải giảm lãi suất sâu hơn và sớm hơn. Ngân hàng hưởng lợi từ xã hội thì phải có trách nhiệm với xã hội. Tôi vẫn muốn ngân hàng giảm chi phí qua việc tìm vốn rẻ, tăng thêm dịch vụ, giảm thiểu chi phí hoạt động, chi phí marketing để có thể hạ lãi suất dù không nhiều”, ông Hiếu nói.
Vậy các ngân hàng có thể giảm lãi suất cho vay vốn để hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế không? Câu trả lời là có, nếu ngân hàng chấp nhận hy sinh một phần lợi nhuận.
Tại cuộc họp của Hiệp hội Ngân hàng mới đây, đại diện LienVietPostBank cho biết, nếu giảm lãi suất bình quân 1%/năm thì lợi nhuận của ngân hàng này giảm khoảng 600 tỷ đồng; Sacombank giảm 1% lãi suất trong vòng 5 - 6 tháng sẽ làm giảm lợi nhuận hơn 1.000 tỷ đồng (40% lợi nhuận kế hoạch); BIDV giảm lãi suất 1%, lợi nhuận 2021 sẽ giảm hàng nghìn tỷ đồng…
Theo tính toán của chuyên gia Cấn Văn Lực, nếu phải giảm 1% lãi suất trên tổng dư nợ hiện hữu của nền kinh tế (khoảng 9,6 triệu tỷ đồng), lợi nhuận của các ngân hàng có thể giảm khoảng 96.000 tỷ đồng, tương đương với 1/2 lợi nhuận của toàn ngành năm 2020.
Tiếp tục siết cho vay bất động sản
Trong bối cảnh người dân, DN đều khó khăn vì dịch Covid-19, nhiều người đặt câu hỏi thắt chặt cho vay BĐS ảnh hưởng thế nào tới người có nhu cầu mua nhà và thị trường BĐS sau khi đại dịch được kiểm soát?
Lãnh đạo một số NH cho rằng lãi suất cho vay BĐS sẽ có thể cao hơn một chút so với những lĩnh vực ưu tiên khác. Như hiện OCB đang cho khách hàng DN vay đầu tư dự án BĐS ngắn hạn với lãi suất khoảng 8%-9%/năm; Nam A Bank cho khách hàng DN vay ngắn hạn đầu tư BĐS khoảng 7,5%-9%/năm; khách hàng cá nhân vay mua nhà khoảng 11%/năm…
Một chuyên gia kinh tế đánh giá trong xu hướng siết tín dụng chảy vào BĐS, người vay mua nhà để ở có thể bị ảnh hưởng. Bởi lãi suất cho vay có thể cao hơn và việc giải ngân sẽ khó hơn. Dù BĐS có thể là lĩnh vực cho vay an toàn bởi có tài sản thế chấp, nếu vay mua nhà để ở thường là người có nhu cầu thật sự nhưng trong bối cảnh dòng vốn được NHNN định hướng nắn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hỗ trợ DN gặp khó do dịch Covid-19, thì tín dụng BĐS bị siết là dễ hiểu.
"Thời điểm này, thanh khoản của thị trường BĐS xuống thấp, giao dịch kém sôi động; trong khi những người vay vốn 10-15-20 năm mua nhà để ở đang có thu nhập sụt giảm trong đại dịch cũng ngày càng nhiều… Lúc này, các NH sẽ thẩm định chặt hơn như không vay cho các dự án đất nền ở xa, vùng ven hoặc thiếu tính pháp lý; tỉ lệ cho vay căn hộ thay vì 70% như trước có thể giảm xuống chỉ 50% đòi hỏi người vay mua nhà phải có tiền tích lũy nhiều hơn" - chuyên gia này phân tích.
Trong khi đó, với các DN BĐS, việc NH siết tín dụng vào lĩnh vực này đã diễn ra từ năm 2020 đến nay, nhiều DN đã chuyển sang huy động vốn từ phát hành trái phiếu nên ít bị ảnh hưởng. Báo cáo thị trường trái phiếu DN của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy trong nửa đầu năm 2021, các DN BĐS đã phát hành 92.300 tỉ đồng trái phiếu với lãi suất bình quân 10,36%/năm, thấp hơn 0,23 điểm % so với bình quân năm ngoái. Kỳ hạn trái phiếu DN giữ ở mức 3,8 năm. SSI dự báo thị trường trái phiếu DN sẽ tiếp tục sôi động trong quý III từ cả phía cung và cầu do việc tiếp cận vốn tín dụng vẫn hạn chế và mức lãi suất hấp dẫn của trái phiếu DN được duy trì.
Bất chấp giãn cách xã hội, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng tại nhiều địa phương
Báo cáo Bộ Công Thương cho thấy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2021 chỉ tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất trong 7 tháng qua. Trong đó ngành khai khoáng tháng 7 giảm 8%; ngành chế biến, chế tạo tăng 2,9%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,7%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,4% so với cùng kỳ.
Sản xuất công nghiệp cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để có thể duy trì đà tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm
Đáng chú ý, tính chung 7 tháng năm 2021, IIP tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mức tăng 2,6% của cùng kỳ năm 2020 và thấp hơn mức tăng 9,4% của cùng kỳ năm 2019. “Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,9% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,2%), đóng góp 8,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,2%, đóng góp 0,7 điểm phần trăm…”- báo cáo nêu cụ thể.
Điểm đáng mừng là một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 7 tháng tăng so cao với cùng kỳ năm trước: Thép cán tăng 55,9%; linh kiện điện thoại tăng 40%; ô tô tăng 39,6%; giày, dép da tăng 19,3%; sắt, thép thô tăng 16,2%; phân hỗn hợp NPK tăng 15,4%; điện thoại di động tăng 14,1%; vải dệt từ sợi nhân tạo và sợi tự nhiên cùng tăng 10,6%; quần áo mặc thường tăng 9,5%.
Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Công Thương chỉ ra, sản xuất công nghiệp tháng 7/2021 so với cùng kỳ năm trước của 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ghi nhận 7 địa phương có chỉ số IIP tháng 7 giảm và 12 địa phương tăng.
Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh giảm 19,4%; Long An giảm 14,6%; Cà Mau giảm 13,7%; Đồng Tháp giảm 5,7%; Trà Vinh giảm 5,3%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 1,9%; Bến Tre giảm 0,2%.
Bên cạnh đó, tín hiệu vui tại một số địa phương có chỉ số IIP tăng do một số Khu công nghiệp quyết tâm không để đứt gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh với phương án 3 tại chỗ nên được phép hoạt động để tiếp tục thực hiện các đơn hàng sản xuất đã ký kết hợp đồng trước đó.
Đơn cử như Bạc Liêu tăng 13,7% do sản xuất điện tăng 137,6%; Bình Phước tăng 12,2% do sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 29,5%; Hậu Giang tăng 10,1% do sản xuất chế biến thực phẩm tăng 3,3%, sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 27,2%, sản xuất đồ uống tăng 76,4%; Kiên Giang tăng 8,8% do sản xuất khoáng phi kim loại khác tăng 6,5%, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 69,5%, sản xuất điện tăng 14%; Cần Thơ tăng 8,1% do sản xuất chế biến thực phẩm tăng 20,2%, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 42,7%, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 30,6%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 52%;
Sóc Trăng tăng 7,6% do sản xuất chế biến thực phẩm tăng 3,6%, sản xuất đồ uống tăng 67,4%; An Giang tăng 6% do ngành dệt tăng 20,2%; sản xuất trang phục tăng 0,9%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 10,1%; sản xuất khoáng phi kim loại khác tăng 14,6%.
Đối với các tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang cơ bản đã khống chế, kiểm soát được dịch bệnh, hoạt động sản xuất trong các khu công nghiệp dần hồi phục. Tốc độ tăng chỉ số IIP các tháng 5, tháng 6 và tháng 7 so với cùng kỳ năm trước của hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh lần lượt là: Bắc Giang tháng 5 giảm 26,7%; tháng 6 giảm 49,8% và tháng 7 giảm 15,3%; Bắc Ninh tăng 23,9%; giảm 8,6% và tăng 1,1%.
TP. Hà Nội bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 24/7/2021, chỉ số IIP tháng 7/2021 tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.