Tin tức miền Tây 10/5: ĐBSCL huy động nguồn cát cho cao tốc
Huy động nguồn cát cho cao tốc
Đến nay, các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đảm bảo nguồn cung về vật liệu cát cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường của các dự án đường cao tốc trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long khởi công trong giai đoạn 2021-2025 là rất lớn. Ảnh: Báo Hậu Giang.
Tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đến nay triển khai khá thuận lợi. Các tỉnh có dự án đi qua đã nỗ lực vào cuộc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, cơ bản đáp ứng yêu cầu khởi công và tổ chức thi công đồng loạt theo đúng Nghị quyết của Chính phủ. Ngay từ đầu năm, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã bố trí đủ nhân sự điều hành dự án trực tiếp tại công trường, Giám đốc Ban đã trực tiếp kiểm tra hiện trường hàng tháng để chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Thông tin từ chủ đầu tư, tuyến cao tốc từ cần Thơ đến Cà Mau dài hơn 110km và 25,85km tuyến nối. Đến nay toàn tuyến đã đào hữu cơ được 37,5km và tổ chức thi công các cầu đã có mặt bằng và có đường tiếp cận (39 cầu). Tính đến ngày 12/4, khối lượng thi công đạt khoảng 148/20.767 tỉ đồng, đạt 0,71% so với hợp đồng. Trong đó, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang đạt 1,1% so với hợp đồng, đoạn Hậu Giang - Cà Mau, đạt 0,5% so với hợp đồng. Tiến độ chậm do thiếu cát đắp.
Liên quan đến khó khăn về nguồn cát, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết đã phối hợp với nhà thầu chủ động làm việc cùng các địa phương. Đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã có văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài nguyên và Môi trường về khả năng cung ứng cát cho cao tốc khoảng 1,9 triệu m3. UBND tỉnh An Giang và UBND tỉnh Vĩnh Long đã giao cơ quan tham mưu nghiên cứu đề xuất. Đến nay, chỉ có UBND tỉnh Đồng Tháp có quyết định nâng công suất mỏ cát đang khai thác để cung cấp cho dự án 0,37 triệu m3 (đạt 2% nhu cầu) dẫn đến nhiều đoạn tuyến đã được đào hữu cơ, đắp bờ bao... nhưng không có cát để đắp. Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận kiến nghị UBND các tỉnh ưu tiên thực hiện các thủ tục để cung cấp vật liệu cát đắp nền cho dự án theo nguyên tắc dự án nào thi công trước thì cung cấp trước trong khi chờ nghiên cứu thử nghiệm cát biển.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các nhà thầu tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi hoàn thành công tác huy động nhân sự, máy móc, thiết kế bản vẽ thi công, xây dựng đường công vụ, phối hợp chính quyền địa phương giải quyết thủ tục mỏ vật liệu, bãi đổ thải…, để đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công các gói thầu. Bộ đã tổng hợp nhu cầu sử dụng các loại vật liệu xây dựng theo tiến độ triển khai dự án gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để thực hiện phân bổ, điều phối. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có văn bản gửi các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long cung cấp số liệu về khả năng cung ứng vật liệu cát đắp nền làm cơ sở phân bổ cho các dự án. Dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau đã triển khai thi công từ tháng 1-2023 nên cần ưu tiên phân bổ trước nguồn cát đắp để đáp ứng tiến độ triển khai thi công.
Tiến độ 2 dự án giao thông trọng điểm vốn hơn 15,6 ngàn tỷ đồng tại An Giang
Tỉnh An Giang đang triển khai thực hiện dự án quan trọng quốc gia và dự án trọng điểm liên vùng gồm: Dự án thành phần 1 thuộc dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1) và Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường liên kết vùng, đoạn từ thị xã Tân Châu đến TP. Châu Đốc, kết nối tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp.
Phối cảnh cầu Châu Đốc, thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến đường liên kết vùng, đoạn từ thị xã Tân Châu đến TP. Châu Đốc, kết nối tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp
Thông tin từ UBND tỉnh An Giang, đối với Dự án thành phần 1 thuộc dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1- gọi tắt Dự án thành phần 1) đang triển khai thực hiện các gói thầu tư vấn khảo sát thiết kế kỹ thuật - dự toán và tổ chức giải phóng mặt bằng. Dự kiến trong tháng 6/2023 sẽ tổ chức khởi công xây dựng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Dự án thành phần 1 từ tuyến tránh Quốc lộ 91 (xã Vĩnh Tế, TP. Châu Đốc) đến huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ (Km0+314 đến khoảng Km57+328,32), dài 57,014 Km thuộc địa bàn tỉnh An Giang và TP. Cần Thơ, có tổng mức đầu tư 13.526.192 triệu đồng. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang được UBND tỉnh An Giang giao nhiệm vụ chủ đầu tư Dự án. Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2022 - 2027.
Vừa qua, đơn vị này đã mời quan tâm các gói thầu xây lắp Dự án thành phần 1. Theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu Dự án thành phần 1 được UBND tỉnh An Giang phê duyệt tại Quyết định số 274/QĐ-UBND ngày 9/3/2023, có 4 gói thầu xây lắp gồm:
Gói thầu số 42: Thi công xây lắp công trình đoạn từ Km 0+314 đến Km 17+240 (gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công); giá gói thầu theo kế hoạch 2.667 tỷ đồng; Thời gian thực hiện hợp đồng 1.260 ngày; chiều dài tuyến 16,926 km, gồm công trình đường bộ cấp I và 7 cầu (cầu đường bộ cấp III).
Gói thầu số 43: Thi công xây lắp, lắp đặt thiết bị công trình đoạn từ Km 17+240 đến Km 31+280 (gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công); giá gói thầu theo kế hoạch 3.080 tỷ đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng 1.260 ngày; chiều dài tuyến 14,04 km, gồm công trình đường bộ cấp I và 8 cầu (cầu đường bộ cấp III, gồm 7 cầu trên tuyến cao tốc và 1 cầu trên đường ngang).
Gói thầu số 44: Thi công xây lắp công trình đoạn từ Km 31+280 đến Km 43+500 (gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công). Giá gói thầu theo kế hoạch 2.276 tỷ đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng 1.260 ngày; chiều dài tuyến 12,22 km, gồm công trình đường bộ cấp I và 9 cầu (cầu đường bộ cấp III).
Gói thầu số 45: Thi công xây lắp công trình đoạn từ Km 43+500 đến cuối Dự án thành phần 1 (gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công). Giá gói thầu theo kế hoạch 2.313 tỷ đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng 1.260 ngày; chiều dài tuyến 13,828 km, gồm công trình đường bộ cấp I và 9 cầu (cầu đường bộ cấp III)
Còn Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường liên kết vùng, đoạn từ thị xã Tân Châu đến TP. Châu Đốc, kết nối tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp có tổng mức đầu tư 2.131.006 triệu đồng. Dự án được chia thành 3 giai đoạn thực hiện thi công xây lắp. Theo UBND tỉnh An Giang, đã thực hiện hoàn thành giai đoạn 1. Tiến độ thực hiện Dự án đạt 79%.
Dự án có điểm đầu tại nút giao với Đường tỉnh 954 thuộc phường Long Sơn, thị xã Tân Châu, điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 91 thuộc phường Vĩnh Mỹ, TP. Châu Đốc; tuyến kết nối vào đường tỉnh 953 và đường tỉnh 951 dài hơn 3 km.
Đây là công trình giao thông cấp I với tổng chiều dài tuyến 20,960 km; trong đó tuyến chính dài hơn 17 km với điểm đầu tại nút giao với đường tỉnh 954 thuộc phường Long Sơn (thị xã Tân Châu) và điểm cuối tại nút giao với quốc lộ 91 thuộc phường Vĩnh Mỹ (TP Châu Đốc).
Đồng thời, công trình còn có 3 cầu bêtông cốt thép vĩnh cửu, gồm cầu Châu Đốc dài 667 m, có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 500 tỷ đồng; cầu Mương Tri và cầu Thần Nông mỗi cầu dài hơn 33 m.
Vào ngày 28/3/2022, UBND tỉnh An Giang đã tổ chức lễ khởi công xây dựng cầu Châu Đốc thuộc Dự án xây dựng tuyến đường liên kết vùng (N1) đoạn từ thị xã Tân Châu đến TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp.
Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện dự án: Đến hết năm 2024.
Khi cầu Châu Đốc nói riêng và Dự án xây dựng kết nối vùng nói chung hoàn thành sẽ góp phần thông tuyến quốc lộ N1, kết nối theo trục ngang các tỉnh Tây Nam Bộ nằm trên trục biên giới Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang, hoàn thiện hệ thống giao thông, phục vụ việc bảo vệ quốc phòng an ninh của khu vực.
Đồng thời, Dự án mở rộng không gian đô thị của thị xã Tân Châu và TP. Châu Đốc, tạo điều kiện cho việc đi lại, lưu thông hàng hóa, xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới.
Ký kết giao ước thi đua năm 2023 ngành Công Thương các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL
Ngày 10/5, tại TP Cần Thơ, Cụm thi đua số XI ngành Công Thương các tỉnh, thành phố vùng ÐBSCL 2 gồm: TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, tổ chức hội nghị ký kết giao ước thi đua năm 2023.
Đại diện Cụm thi đua số XI ngành Công Thương các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL 2 ký kết giao ước thi đua năm 2023. Ảnh: N.H
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố vùng ÐBSCL 2 đã thảo luận, thống nhất các nội dung ký kết giao ước thi đua số năm 2023 cũng như kế hoạch tổ chức hoạt động thi đua khen thưởng Cụm thi đua số XI.
Với chủ đề trọng tâm “Ðoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”, Cụm thi đua số XI thống nhất ký giao ước thi đua với nội dung cơ bản: Thực hiện mục tiêu thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 và Quyết định số 32/QÐ-BCT ngày 9/1/2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP. Các đơn vị trong Cụm thi đua số XI tập trung thi đua thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu: Lãnh đạo phong trào thi đua và phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao; chấp hành tốt đường lối, chủ trương chính sách của Ðảng, pháp luật Nhà nước, tập thể đoàn kết tốt; thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng; xây dựng Công đoàn và Ðoàn thanh niên vững mạnh; thực hiện tốt cải cách hành chính và chuyển đổi số; thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng; xây dựng cơ quan đạt chuẩn “an toàn về an ninh trật tự”; triển khai thực hiện tốt và báo cáo đầy đủ về quy chế dân chủ cơ sở; xây dựng “cơ quan đạt chuẩn văn hóa”; không có công chức, viên chức và người lao động vi phạm Luật giao thông đường bộ, Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia; thực hiện tốt phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở cơ quan đơn vị. Ðảng bộ, Chi bộ, Công đoàn, Ðoàn thanh niên của cơ quan, đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; xây dựng cơ quan an toàn, văn minh và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có lối sống lành mạnh, phẩm chất đạo đức tốt. Chỉ tiêu cụ thể: 100% đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức học tập và quán triệt các chủ trương, Nghị quyết của Ðảng, chính sách pháp luật của nhà nước; 100% đảng viên hoàn thành nhiệm vụ trở lên, không có đảng viên bị kỷ luật; 100% cơ quan, đơn vị có đời sống văn hóa tốt và an toàn; 100% tổ chức cơ sở đảng “hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên; hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch được giao trong năm 2023 đối với từng đơn vị thuộc Cụm thi đua XI; tổ chức phát động thi đua chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2023.
Kỷ luật khiển trách Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang vừa công bố kết quả kỳ họp thứ 13 và 14. Theo đó xem xét, quyết định nhiều nội dung, kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Chi ủy Chi bộ BQL Khu kinh tế Phú Quốc.
Trụ sở BQL Khu kinh tế Phú Quốc. Ảnh: QUỐC BÌNH
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang xác định Chi ủy Chi bộ BQL Khu kinh tế Phú Quốc chưa sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát trong việc tổ chức thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, dẫn đến những hạn chế, thiếu sót.
Cụ thể, đơn vị chưa thực hiện tốt công tác phối hợp với UBND TP Phú Quốc trong việc lập quy hoạch xây dựng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất dẫn đến việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng đối với một số dự án đầu tư không có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm; việc quản lý đất đai trong khu chức năng chưa tốt để xảy ra một số trường hợp lấn chiếm đất xây dựng trái phép.
Ngoài ra, BQL Khu kinh tế Phú Quốc chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát, rà soát tiến độ triển khai thực hiện dự án đối với các nhà đầu tư đã được giao đất, cho thuê đất nhưng chưa triển khai theo tiến độ đầu tư.
BQL Khu kinh tế Phú Quốc đã tham mưu trình cấp có thẩm quyền cho chủ trương và ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với một số dự án không đúng quy định. Điển hình là quyết định miễn hơn 97 tỉ đồng tiền thuê đất đối với dự án Khu du lịch và biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp Grand World của Công ty TNHH bất động sản Newvision nhận chuyển nhượng không đúng quy định.
Từ các sai phạm trên, Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng BQL Khu kinh tế Phú Quốc. Đồng thời yêu cầu chi ủy chi bộ và tập thể lãnh đạo BQL Khu kinh tế Phú Quốc và 6 cá nhân liên quan tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với những hạn chế, thiếu sót theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra.
Đến thời điểm hiện tại, BQL Khu kinh tế Phú Quốc đã ban hành quyết định khắc phục sai phạm.
Đồng Tháp: Phát động bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước
Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam), Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp phối hợp vừa tổ chức Lễ phát động về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước của Việt Nam.
Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước của Việt Nam. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)
Ông Cao Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, cho biết Ngày Quốc tế đa dạng sinh học (22/5) năm nay có chủ đề “Từ thỏa thuận đến hành động để phục hồi đa dạng sinh học” tôn vinh giá trị đa dạng sinh học đối với đời sống của nhân loại, các thông điệp của thế giới đối với cộng đồng để có hành động thiết thực nhằm bảo tồn, phát huy giá trị đa dạng sinh học cho sự phát triển bền vững của đất nước, nâng cao nhận thức cộng đồng cũng như vai trò của mỗi cá nhân, tổ chức trong việc xây dựng, bảo tồn, phát huy giá trị đa dạng sinh học.
Ông Cao Minh Tuấn cho rằng để thực hiện hiệu quả việc bảo tồn, phát triển bền vững vùng đất ngập nước cần tăng cường, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của đất ngập nước; mong muốn thông qua lễ phát động sẽ nhận được nhiều sự hưởng ứng, tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp nói riêng, cả nước nói chung chung tay cùng hành động về bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước của Việt Nam.
Đất ngập nước đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Với diện tích khoảng 12 triệu ha, phân bố trên tất cả các vùng sinh thái, vùng đất ngập nước ở Việt Nam đang góp phần quan trọng giúp cân bằng sinh thái, “cái nôi” sinh tồn của hàng nghìn loài sinh vật, nguồn sống của hàng triệu người dân.
Tính đa dạng của các kiểu loại đất ngập nước ở Việt Nam đã góp phần tạo nên sự phong phú về loài, có ý nghĩa đối với quốc gia và thế giới. Ngoài ra, vùng đất ngập nước còn góp phần cung cấp lương thực, thủy sản cho nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu nước ngoài.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, việc bảo tồn, phát triển bền vững các vùng đất ngập nước giàu tài nguyên và đa dạng sinh học của Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định là một trong những mục tiêu phát triển bền vững.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định, quyết định để phát huy giá trị các vùng đất ngập nước cũng như khắc phục khó khăn, bất cập.
Ngay sau lễ phát động, các đơn vị đã phối hợp tổ chức Hội nghị tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước của Việt Nam.
Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức ký cam kết cộng đồng về việc thực hiện bảo tồn, phát triển bền vững Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp); trưng bày, triển lãm những tác phẩm đã đoạt giải trong Cuộc thi ảnh về bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước của Việt Nam năm 2022.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.