Tin tức miền Tây 12/4: Kỷ niệm 40 năm thành lập huyện đảo Kiên Hải
Kỷ niệm 40 năm thành lập huyện đảo Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang
Ngày 12/4, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm thành lập (12/4/1983-12/4/2023). Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, nguyên lãnh đạo huyện Kiên Hải qua các thời kỳ và đông đảo nhân dân trong huyện dự lễ.
Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang tặng Cờ thi đua đơn vị dẫn đầu cho nhân dân và cán bộ huyện Kiên Hải trong phong trào thi đua năm 2022.
Ngày 12/4/1983, huyện đảo Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang được thành lập theo Quyết định số 04-HĐBT ngày 14/1/1983 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) trên cơ sở chia tách từ một số xã của huyện Hà Tiên và một số xã của huyện An Biên. Qua nhiều lần điều chỉnh, chia tách, đến nay, huyện Kiên Hải có 4 xã là Hòn Tre, Lại Sơn, An Sơn và Nam Du với 13 ấp, 23 hòn đảo lớn nhỏ, diện tích tự nhiên 27,85km2, dân số hơn 22.000 người.
Qua 40 năm hình thành, phát triển, kinh tế của huyện Kiên Hải phát triển khá ổn định, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm trên 14%; thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 62,5 triệu đồng, tăng 20,5 lần so khi mới thành lập. Kinh tế biển được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Kiên Hải. Năm 2022, sản lượng đánh bắt, nuôi trồng thủy sản của huyện Kiên Hải đạt 60.000 tấn, tăng hơn 7,2 lần so năm 1983.
Đến nay, toàn huyện Kiên Hải có hơn 1.200 cơ sở sản xuất, kinh doanh; có 14 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao và 11 sản phẩm công nghiệp tiêu biểu cấp tỉnh. Dịch vụ và du lịch có mức tăng trưởng nhanh, hằng năm, lượng khách du lịch đến Kiên Hải bình quân khoảng 430.000 lượt. Năm 2022, huyện Kiên Hải thu ngân sách được 21,1 tỷ đồng.
Cơ sở hạ tầng ở Kiên Hải từng bước được đầu tư xây dựng, hoàn thiện. Văn hóa-xã hội từng bước được chăm lo, phát triển; tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông và trung học cơ sở hằng năm đạt hơn 98%; 100% cơ sở y tế có bác sĩ; 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020…
Vĩnh Long dự trù 300ha đất phát triển nhà ở tại các đô thị trung tâm
UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Quyết định số 3052/QÐ-UBND phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Vĩnh Long đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035.
Thành phố Vĩnh Long.
Theo đó, đến năm 2025, tỉnh Vĩnh Long có nhu cầu xây dựng 42.833 căn nhà các loại (nhà ở thương mại 5.220 căn, nhà tái định cư 2.182 căn, nhà ở xã hội 3.243 căn, nhà ở dân đầu tự xây dựng 34.370 căn), với tổng quỹ đất hơn 594ha; giai đoạn 2026-2035 nhu cầu 70.788 căn nhà (nhà ở thương mại 16.591 căn, nhà tái định cư 4.557 căn, nhà ở xã hội 5.458 căn, nhà ở dân đầu tư xây dựng 48.731 căn), với tổng quỹ đất hơn 1.180ha. Tỉnh cũng dự trù dành 300ha đất tại các đô thị trung tâm để phát triển nhà ở trong giai đoạn này.
Dự tính tổng nguồn vốn để phát triển nhà ở trong giai đoạn đến năm 2025 là hơn 34.454 tỉ đồng; trong đó ngân sách nhà nước 246 tỉ đồng, còn lại là vốn của doanh nghiệp thực hiện các dự án nhà ở, vốn hỗ trợ từ các doanh nghiệp, vốn của người dân tự bỏ ra hoặc huy động từ họ hàng, người thân để xây dựng nhà ở... Tổng nguồn vốn để phát triển nhà ở trong giai đoạn 2026-2035 khoảng hơn 56.393 tỉ đồng. Ðể thực hiện Chương trình phát triển nhà ở, tỉnh Vĩnh Long sẽ tận dụng tối đa các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, vốn vay từ ngân hàng, nguồn vốn ngân sách tỉnh, nguồn vốn huy động hợp pháp từ các tổ chức, doanh nghiệp và người dân để đầu tư xây dựng nhà ở; sử dụng nguồn thu từ quỹ đất 20% tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để thực hiện hỗ trợ một phần chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng đối với các dự án nhà ở xã hội. Ngoài ra, trình Chính phủ chấp thuận cho thu tiền quỹ đất 20% có vị trí không thuận lợi để thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô trên 10ha để bổ sung kinh phí hỗ trợ một phần chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng đối với các dự án nhà ở xã hội; xem xét thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm, tuyến dân cư vượt lũ theo hình thức BT thanh toán bằng các nền đất sinh lời trong cụm tuyến...
Hậu Giang phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm
Ngày 12/4, tại Công viên Xà No, thành phố Vị Thanh, đã diễn ra lễ phát động Tháng hành động vì an toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh Hậu Giang năm 2023.
Quang cảnh lễ phát động. Ảnh: Báo Hậu Giang.
Tháng hành động vì ATTP năm 2023 diễn ra từ ngày 15/4 đến ngày 15/5. Với chủ đề “Bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới”, tháng hành động huy động sự tham gia của các sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể các cấp và toàn xã hội trong công tác đảm bảo vệ sinh ATTP. Tập trung tuyên truyền việc chấp hành Luật ATTP và các văn bản hướng dẫn thi hành khác. Đề cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP. Góp phần nâng cao ý thức về đảm bảo ATTP cho các tổ chức, cá nhân. Giảm thiểu các vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm cho người tiêu dùng.
Khai mạc Hội chợ Triển lãm Quốc tế Công nghệ ngành tôm Việt Nam
Ngày 12/4, Cần Thơ khai mạc Hội chợ Triển lãm Quốc tế công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ tư năm 2023 (VietShrimp 2023).
Các đại biểu tham quan, trao đổi tại hội chợ.
Hội chợ diễn ra từ 12-14/4, có quy mô khoảng 200 gian hàng đến từ 150 doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế. Các đơn vị tham gia hoạt động trong tất cả lĩnh vực liên quan đến ngành thủy sản nói chung và tôm nói riêng, từ con giống, thức ăn, chế phẩm, thuốc, vaccine, quy trình, công nghệ.
Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho biết: Ngành tôm đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam ra thế giới trong suốt 2 thập kỷ qua. Hàng năm, ngành tôm đóng góp khoảng 45 - 50% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Với những nỗ lực không ngừng, Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm hàng đầu với giá trị xuất khẩu chiếm 13 - 14% tổng giá trị xuất khẩu tôm trên toàn thế giới.
Theo Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, ngành tôm Việt Nam đã có nhiều đổi mới và phát triển, đặc biệt nhiều hộ dân, doanh nghiệp đã tăng cường ứng dụng các công nghệ mới vào nuôi tôm để nâng cao hiệu quả sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Dù vậy, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam vẫn còn hạn chế và ngành vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn. Để con tôm Việt Nam gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường tất yếu phải “Nâng tầm chuỗi giá trị”.
Tổng doanh thu của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp Cần Thơ đạt trên 546 triệu USD
Theo Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, trong quý I-2023, tổng doanh thu của các doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố đạt trên 546 triệu USD, tương đương với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp ở Cần Thơ.
Ðến nay, TP Cần Thơ có 258 dự án còn hiệu lực đang thực hiện tại các khu công nghiệp, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1,86 tỉ USD. Trong đó có 228 dự án đầu tư trong nước, 29 dự án FDI và 1 dự án ODA. Trong quý I-2023, tổng doanh thu của các doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố là 546,4 triệu USD, tương đương với cùng kỳ năm trước. Riêng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 432,49 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong quý I-2023, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ đã hỗ trợ nhà đầu tư VSIP hoàn thiện đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn 1); hỗ trợ Công ty TNHH TaeKwang Cần Thơ tháo gỡ khó khăn trong việc thuê đất tại khu công nghiệp Hưng Phú 2B; đồng thời, tổ chức buổi tiếp xúc với 5 doanh nghiệp đang hoạt động trong khu công nghiệp Thốt Nốt. Qua đó, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh và đã giải quyết kịp thời các vướng mắc cho các doanh nghiệp. Ðiển hình như hướng dẫn cho Công ty TNHH Amicogen Nam Việt và Công ty TNHH Ðại Tây Dương trong khu công nghiệp Thốt Nốt thực hiện tốt các thủ tục pháp lý về xử lý nước thải tập trung, theo đúng quy định hiện hành.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.