Tin tức miền Tây 2/6: Kiến nghị 9.185 tỷ đồng phòng, chống sạt lở
Cà Mau kiến nghị hỗ trợ 9.185 tỷ đồng phòng, chống sạt lở
Thông tin từ Báo PLVN, tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) 2023 tổ chức mới đây, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm, xem xét tiếp tục hỗ trợ vốn để tỉnh tiếp tục thực hiện đầu tư các công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển… với tổng kinh phí dự kiến thực hiện các công trình khoảng 9.185 tỷ đồng.
Sạt lở làm mất nhiều diện tích rừng đê biển; ảnh hưởng tài sản, tính mạng nhân dân.Ảnh: PLVN
Theo số liệu thống kê, Cà Mau có tổng chiều dài bờ biển 254km, với hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc, địa hình bờ biển phức tạp... Trong giai đoạn 2011 - 2021, sạt lở làm mất rừng ven biển khoảng 5.250ha (tương đương diện tích bình quân 1 xã của tỉnh). Do sự vận động tự nhiên của địa chất, địa mạo ven sông, ven biển đã gây ra tình trạng sạt lở rất nghiêm trọng, tổng chiều dài bờ biển bị sạt lở khoảng 188/254km, sạt lở bờ sông khoảng 365/8.118km, nhiều công trình hạ tầng bị phá hủy.
Riêng trong năm 2022, tình hình gió mạnh, mưa trái mùa, triều cường, sạt lở đất tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tính mạng tài sản người dân; ước tổng thiệt hại về tài sản khoảng 38 tỷ đồng.
Được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, Cà Mau đã đầu tư xây dựng hoàn thành được 56,7km kè bảo vệ, tổng kinh phí 1.848 tỷ đồng. Những công trình được bố trí đủ vốn và đầu tư hoàn thiện đã phát huy hiệu quả rõ rệt, làm giảm sóng, chống sạt lở và bước đầu đã gây bồi, tạo bãi, khôi phục gần 1.000ha rừng phòng hộ.
Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu: Phải làm nhanh, làm quyết liệt trong GPMB
Theo phản ánh từ Báo Giao Thông, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều vừa chủ trì Hội nghị sơ kết công tác xây dựng cơ bản 5 tháng đầu năm, thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn năm 2023 và trung hạn 2021-2025.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều yêu cầu các địa phương GPMB phải làm nhanh, làm quyết liệt. Ảnh: Báo Giao Thông.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đề nghị các ngành, các địa phương phải khẩn trương trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm trên địa bàn.
“Trong quá trình thực hiện GPMB dự án, các huyện đừng ngại, đừng chờ đợi. Mặt bằng vướng mắc phải tổ chức họp kiến nghị, xử lý ngay, đừng đùn đẩy kéo dài, phải chủ động”, ông Thiều lưu ý.
Để chấn chỉnh kịp thời tại chỗ những khó khăn, vướng mắc của địa phương, chủ đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đến ngày 15/6 phải quyết định thành lập 4 đoàn kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện các dự án công trình trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, đoàn số 1 do Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều làm Trưởng đoàn kiểm tra tiến độ thi công các dự án đường giao thông và các dự án đầu tư trên địa bàn huyện Phước Long, huyện Hồng Dân.
Đoàn số 2 do Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Lê Tấn Cận làm trưởng đoàn, kiểm tra các dự án nông nghiệp, nông thôn và các dự án đầu tư trên địa bàn TP Bạc Liêu và huyện Hòa Bình.
Đoàn số 3 do Phó chủ tịch UBND tỉnh - Huỳnh Chí Nguyện làm trưởng đoàn, kiểm tra các dự án lĩnh vực dân dụng, công nghệ thông tin và dự án đầu tư trên địa bàn huyện Vĩnh Lợi.
Đoàn số 4 do Phó chủ tịch UBND tỉnh - Phan Thanh Duy làm trưởng đoàn, kiểm tra tiến độ thi công các công trình y tế, giáo dục và các dự án đầu tư trên địa bàn thị xã Giá Rai và huyện Đông Hải.
“Tỉnh sẽ giao các huyện, thị xã, thành phố phụ trách đoàn kiểm tra của huyện quản lý. Về công tác GPMB phải làm quyết liệt, làm nhanh. Chủ tịch UBND cấp huyện phải làm Trưởng ban GPMB, không giao cho Phó chủ tịch nữa”, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo quyết liệt.
Sóc Trăng : Đầu tư cơ sở hạ tầng vùng khó khăn để đẩy mạnh công tác giảm nghèo
Thông tin từ vneconomy.vn, cho biết, mới đây, làm việc với tỉnh Sóc Trăng về tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh đề nghị tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo trong thời gian tới.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh làm việc với tỉnh Sóc Trăng. Ảnh - MOLISA.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2021-2023, tỉnh được phân bổ nguồn vốn hơn 126 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Ngoài ra, tỉnh cũng bố trí vốn đối ứng hơn 12 tỷ đồng và huy động các nguồn lực khác từ người dân.
Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh giảm được hơn 10.700 hộ nghèo và cận nghèo (từ 52.178 hộ xuống còn hơn 41.300 hộ). Hiện tỉnh có 2 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.
Các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình được triển khai trên địa bàn tỉnh đã tạo cơ hội cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, tạo thêm thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Các chính sách giảm nghèo khác cũng tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận đầy đủ hơn các dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm, y tế, giáo dục, nước sạch, thông tin,…).
Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đánh giá, thông qua việc triển khai thực hiện chương trình, đời sống người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo từng bước được nâng lên, góp phần tích cực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, việc triển khai và giải ngân nguồn kinh phí thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình còn chậm; một số chỉ tiêu đạt thấp về dạy nghề, giải quyết việc làm,…
Qua kiểm tra, giám sát, đoàn công tác nhận thấy tiến độ giải ngân liên quan đến hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài của tỉnh chưa đạt hiệu quả đề ra.
Ông Phạm Anh Thắng, Phó Chánh văn phòng Bộ, Trưởng đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tại TP.HCM đánh giá, Sóc Trăng có nhiều tiềm năng lợi thế phát triển kinh tế - xã hội để góp phần giảm nghèo bền vững, nhưng tiềm năng này cần được tỉnh xác định đi đúng hướng.
Theo ông Thắng, thống kê cho thấy tỉnh có khoảng 650.000 người trong độ tuổi lao động từ 15-50 tuổi. Đây là tiềm năng để triển khai các chương trình đào tạo nghề, giới thiệu việc làm phục vụ phát triển của tỉnh.
"Sóc Trăng có nhiều điều kiện để thu hút đầu tư sau khi các dự án lớn như cảng, đường cao tốc… được hoàn thành. Nếu không làm từ bây giờ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì sau này khó thu hút đầu tư, bởi chất lượng nguồn nhân lực phải đi trước một bước", ông Phạm Anh Thắng lưu ý.
Tiền Giang: Triệt phá đường dây mua bán ma tuý, thu 2 khẩu súng
Theo Báo Công an TP.HCM, mới đây, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang đã khởi tố bị can Trần Văn Sang (SN 1992), Nguyễn Hoàng Phong (SN 1997), Trần Bảo Tiến (SN 1997), Trần Thanh Toàn (SN 1997, cùng ngụ huyện Gò Công Đông) và Lại Ngọc Phương (SN 1983, ngụ TPHCM).
Trần Văn Sang, kẻ cầm đầu băng nhóm. Ảnh: CACC.
Trước đó, qua công tác điều tra, xác lập chuyên án đấu tranh, lúc 14 giờ ngày 23/4, tại khu phố 4, phường 5, TX.Gò Công, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý Công an tỉnh chủ trì, phối hợp các đơn vị nghiệp vụ, Công an TX.Gò Công, Công an huyện Gò Công Đông cùng sự phối hợp của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tiền Giang và Đoàn đặc nhiệm số 3 (thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) tiến hành khám phá chuyên án, bắt giữ 2 đối tượng có hành vi tàng trữ trái phép chất ma tuý, gồm: Nguyễn Hoàng Phong và Trần Bảo Tiến.
Tại hiện trường và khám xét nơi ở của Phong trên địa bàn xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông, lực lượng làm nhiệm vụ thu giữ 4 túi nylon chứa tinh thể rắn màu trắng có trọng lượng hơn 30gram. Theo lời khai của Phong là ma tuý đá, cùng một số tang vật khác có liên quan.
Đồng Tháp: Nhu cầu cung ứng cát cho các công trình tăng đột biến
Theo Báo Nhân Dân, ngày 2/6, Đoàn công tác do Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên và Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm dẫn đầu đã đến làm việc với tỉnh Đồng Tháp về tình hình quản lý và khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh; việc cung ứng cát cho công trình cao tốc Cần Thơ-Hậu Giang và Hậu Giang-Cà Mau.
Đoàn công tác kiểm tra việc khai thác cát tại huyện Hồng Ngự. Ảnh: Báo Nhân Dân
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, hiện trên địa bàn tỉnh có 14 giấy phép khai thác khoáng sản (có thời hạn đến ngày 30/6), với tổng khối lượng cát được khai thác 6 tháng đầu năm là hơn 972.500 m3.
Tổng trữ lượng cát được phê duyệt còn lại của 14 giấy phép đang khai thác hiện nay là 25,18 triệu m3. Sau ngày 30/6, trữ lượng cát được phê duyệt này sẽ giảm còn 21,59 triệu m3. Tổng công suất cho phép khai thác cát của 14 giấy phép là 5,655 triệu m3/năm.
Năm 2023, nhu cầu về cát của tỉnh Đồng Tháp khoảng 19,9 triệu m3 (chưa kể cung ứng cho cao tốc ngoài tỉnh). Tuy nhiên, tỉnh đang cố gắng cung cấp cát cho công trình cao tốc Cao Lãnh-An Hữu và Mỹ An-Cao Lãnh với 6,6 triệu m3 (riêng năm 2023 là 0,7 triệu m3); cao tốc Cần Thơ-Hậu Giang và Hậu Giang-Cà Mau là 7 triệu m3 (riêng năm 2023 là 3,3 triệu m3).
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, tỉnh đã cung cấp cho công trình xây dựng đường cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau được 1,9 triệu m3 cát.
Tỉnh đang rà soát một số mỏ cát để tính toán, cung ứng đủ 5,1 triệu m3 cát còn lại cho cao tốc Cần Thơ-Hậu Giang và Hậu Giang-Cà Mau theo yêu cầu của Trung ương.
Hiện tại, nhu cầu cung ứng cát cho các công trình trong tỉnh và các tuyến cao tốc của Trung ương tăng đột biến so với nhu cầu của những năm trước, trong khi nguồn khai thác cát có hạn...
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.