Tin tức miền Tây 6/5: Cà phê sáng cùng doanh nghiệp mỗi tháng

2023-05-06 17:45:08 0 Bình luận

Lãnh đạo Sóc Trăng gặp gỡ, cà phê sáng cùng doanh nghiệp mỗi tháng

Sáng 6/5, tại nhà ăn Văn phòng UBND tỉnh Sóc Trăng, các lãnh đạo địa phương này gồm ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy; bà Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư Tỉnh ủy; ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh, cùng các phó chủ tịch và nhiều lãnh đạo sở, ngành đã gặp gỡ, cà phê sáng với nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu (áo trắng) gặp gỡ lãnh đạo các doanh nghiệp trong tỉnh.

Tại buổi gặp gỡ, ông Trần Văn Lâu cho biết, mô hình gặp gỡ, cà phê sáng với doanh nghiệp sẽ được tổ chức định kỳ vào sáng thứ Bảy của tuần đầu hằng tháng. Tại đây, các doanh nghiệp thoải mái phản ánh, kiến nghị những vướng mắc đang gặp trong sản xuất, kinh doanh cũng như đề xuất, giới thiệu những cái hay, những mô hình hiệu quả với địa phương.

Thông qua các buổi gặp gỡ, địa phương sẽ nắm bắt và kịp thời giải quyết, tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần để kinh tế địa phương phát triển.

Trong lần đầu ra mắt mô hình gặp gỡ, cà phê sáng cùng doanh nghiệp này, có đại diện 20 doanh nghiệp tham dự.

Ông Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho biết, “Cà phê doanh nghiệp với lãnh đạo tỉnh” không phải là hình thức sinh hoạt mới. Một số địa phương đã thực hiện và mang lại hiệu quả, như Đồng Tháp. Và sáng nay, lần đầu tiên tại Sóc Trăng, từ sáng kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu, cộng đồng doanh nghiệp đã có buổi cà phê sáng với lãnh đạo tỉnh.

“Đồng chí Chủ tịch tâm sự rằng, thường ngày thì các doanh nghiệp đăng ký gặp lãnh đạo tỉnh cũng không dễ, đặc biệt là gặp cùng lúc các lãnh đạo và sở, ngành có liên quan. Hơn nữa, hoạt động cà phê sáng cùng doanh nghiệp được tổ chức cũng sẽ tạo nên sự gần gũi, dễ chia sẻ, thấu hiểu, là cơ hội để lãnh đạo tỉnh và các cơ quan chức năng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh”, ông Trần Khắc Tâm chia sẽ.

Đại diện các doanh nghiệp ở Sóc Trăng cho rằng sự gần gũi, cầu thị, lắng nghe để thấu hiểu của lãnh đạo tỉnh thông qua hình thức sinh hoạt nhẹ nhàng sẽ là động lực lớn để cộng đồng doanh nghiệp nỗ lực phấn đấu, tăng cường đầu tư sản xuất, kinh doanh, đóng góp hiệu quả cho sự nghiệp phát triển quê hương.

Hơn 12.500 tỷ đồng đầu tư hạ tầng giao thông tỉnh Long An

Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời UBND tỉnh Long An về đề nghị đầu tư xây dựng quốc lộ N1 trong giai đoạn 2026 - 2030 đoạn qua địa bàn tỉnh này.

Một đoạn QL62 đoạn qua tỉnh Long An (Ảnh internet)

Theo Bộ GTVT, tại quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quốc lộ N1 có tổng chiều dài 235km, quy mô quy hoạch từ 2 - 4 làn xe.

Hiện nay, mới chỉ có đoạn từ Châu Đốc - Hà Tiên đã được đầu tư theo quy hoạch. Các đoạn tuyến còn lại, trong đó có đoạn qua tỉnh Long An dài khoảng 100km khai thác gián đoạn trên cơ sở tận dụng các tuyến đường địa phương với quy mô nhỏ hẹp.

Theo Bộ GTVT, do nguồn vốn ngân sách Nhà nước phân bổ hạn hẹp và đang tập trung nguồn lực, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để đầu tư 3 dự án trên địa bàn tỉnh Long An với tổng mức đầu tư khoảng hơn 12.500 tỷ đồng nên chưa thể cân đối được nguồn vốn để thực hiện đầu tư dự án trong giai đoạn 2021 - 2025.

Ba dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Long An bao gồm: Dự án nâng cấp, cải tạo QL62 dài 77km, tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng; dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh Long An dài 7km, tổng mức đầu tư hơn 8.300 tỷ đồng và dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa đoạn qua tỉnh Long An dài khoảng 21km, tổng mức đầu tư gần 2.200 tỷ đồng.

"Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ trong quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 để xem xét, tổng hợp nhu cầu đầu tư dự án theo các nguyên tắc, tiêu chí, mức độ ưu tiên và điều kiện nguồn lực được phân bổ.

Trước mắt, Bộ GTVT sẽ giao Cục Đường bộ VN tăng cường duy tu, sửa chữa từ nguồn vốn bảo trì đường bộ để đảm bảo khai thác an toàn", Bộ GTVT cho biết.

Theo UBND tỉnh Long An, quốc lộ N1 là tuyến đường kết nối các tỉnh Tây Nam bộ nằm trên trục hành lang biên giới kết nối các tỉnh Long An - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang, là trục đấu nối các trục ngang của các tỉnh nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông liên khu vực trong vùng.

Tuyến đường này có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu văn hóa, an ninh - quốc phòng của các tuyến vùng biên giới nói riêng và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long với nước bạn Campuchia nói chung.

Dự án đầu tư xây dựng sẽ góp phần giảm lưu lượng phương tiện trên tuyến N2 (đường Hồ Chí Minh) hiện đang quá tải. Việc đầu tư xây dựng quốc lộ N1, nhất là đoạn qua tỉnh Long An là rất cần thiết.

Theo đó, tỉnh Long An kiến nghị Bộ GTVT đầu tư xây dựng dự án trong giai đoạn 2026 - 2030 và bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương để thực hiện đầu tư xây dựng tuyến đường này.

Kiên Giang: Khai trương tuyến tàu khách biển từ Hà Tiên đến Nam Du

Ngày 6/5, Công ty Cổ phần tàu cao tốc Superdong-Kiên Giang chính thức khai trương tuyến mới từ thành phố Hà Tiên-Nam Du (Kiên Hải) và hoạt động lại tuyến Phú Quốc-Nam Du.

Tàu Superdong V chạy tuyến từ thành phố Hà Tiên đến Nam Du, huyện Kiên Hải. (Nguồn: Kiên Giang Online)

Theo bà Nguyễn Thị Tố Nga, Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần tàu cao tốc Superdong-Kiên Giang, dịp khai trương, Superdong triển khai chương trình ưu đãi giảm giá vé từ 10-20%.

Giá vé (chưa tính giảm giá) tàu từ thành phố Hà Tiên đến Nam Du từ 320.000 đồng/vé đến 400.000 đồng/vé.

Giá vé tàu thành phố Hà Tiên-Phú Quốc từ 160.000 đồng/vé đến 230.000 đồng/vé, và giá vé tàu Phú Quốc-Nam Du từ 200.000 đồng/vé đến 250.000 đồng/vé.

Lịch trình tàu chạy hằng tuần vào ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật, khởi hành lúc 6h từ thành phố Hà Tiên-Nam Du; khởi hành 7h40 từ Phú Quốc-Nam Du; khởi hành 12-40 phút từ Nam Du-Phú Quốc-thành phố Hà Tiên.

Thành phố biển Phú Quốc và quần đảo Nam Du, huyện Kiên Hải là hai địa phương có điểm du lịch rất hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế, vì tới đây vẫn còn vẻ nguyên sơ của rừng, biển.

Ngoài việc tham quan nghỉ dưỡng, du khách còn được trải nghiệm tắm biển, lặn ngắm san hô, thưởng thức các món ngon từ hải sản tươi sống…

Việc khai thác các tuyến tàu biển này được kỳ vọng góp phần nâng cao chất lượng mạng lưới giao thông từ đất liền ra các đảo, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đồng thời phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của khách du lịch và người dân.

Trà Vinh: Bắt giữ nhiều cán bộ vi phạm hoạt động ngân hàng

Ngày 6/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Trà Vinh cho biết, đơn vị vừa tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam các đối tượng là thành viên Ban Kiểm soát Quỹ tín dụng, Giám đốc, nguyên Giám đốc Quỹ tín dụng Long Bình (địa chỉ tại phường 4, TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) vi phạm về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Đối tượng Lâm Sanh bị bắt tạm giam. Ảnh: PHẠM HƠN

Theo đó, bắt tạm giam Lê Hoàng Minh (44 tuổi, ngụ khóm 3, phường 1, TP Trà Vinh), nguyên thành viên Ban Kiểm soát Quỹ tín dụng Long Bình và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với các bị can: Nguyễn Minh Liệt (64 tuổi, ngụ khóm 5, phường 7, TP Trà Vinh), nguyên Giám đốc Quỹ tín dụng Long Bình; Đồng Minh Toàn (44 tuổi, ngụ khóm 3, phường 1, TP Trà Vinh), nguyên Phó Giám đốc Quỹ tín dụng Long Bình; Phan Thị Ngọc Vệ (56 tuổi, ngụ khóm 1, phường 1, TP Trà Vinh), nguyên Phó Giám đốc Quỹ tín dụng Long Bình.

Kết quả điều tra cho thấy, từ tháng 11/2016 đến tháng 5/2017, Minh đã ký lập các thủ tục liên quan đến hoạt động cho vay trái quy định, xét duyệt cho vay không đúng đối tượng cấp tín dụng với 10 hồ sơ, gây thiệt hại 6,7 tỷ đồng cho quỹ tín dụng. Đối tượng Liệt cho vay không đúng đối tượng, hợp thức hóa thủ tục kết nạp thành viên Quỹ tín dụng, vi phạm điều kiện vay vốn, không thẩm định việc vay vốn, vi phạm quy chế cho vay và đã tham gia ký 14 hồ sơ cho vay với số tiền trên 8 tỷ đồng. Đối tượng Toàn cũng đã ký 4 hồ sơ vay, gây thiệt hại trên 3,9 tỷ đồng; bà Vệ ký 11 hồ sơ, gây thiệt hại trên 5 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 4/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Trà Vinh cũng đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Lâm Sanh (53 tuổi, ngụ ấp Chợ, xã Đại An, huyện Trà Cú), nguyên Phó Giám đốc Quỹ tín dụng xã Đại An và Trịnh Văn Đèo (41 tuổi, ngụ khóm 1, thị trấn Định An, huyện Trà Cú), nguyên Trưởng ban Kiểm soát chuyên trách Quỹ tín dụng Đại An về các hành vi vi phạm trên.

Cần Thơ dồn lực cho dự án 3

Lãnh đạo TP Cần Thơ vừa có buổi kiểm tra các công trình thuộc Dự án 3, gồm: cải tạo hệ thống thoát nước trung tâm quận Ninh Kiều, kè sông Cần Thơ và đường sau kè (gói thầu CT3-PW-1.2), cải tạo hạ tầng đường Hoàng Quốc Việt.

Lãnh đạo TP Cần Thơ kiểm tra công trình cải tạo hệ thống thoát nước trung tâm quận Ninh Kiều.

Theo Ban Quản lý dự án ODA TP Cần Thơ, công trình cải tạo hệ thống thoát nước trung tâm quận Ninh Kiều (gói thầu CT3-PW-1.11) đến nay giá trị thực hiện được hơn 75 tỉ đồng (tiến độ đạt 26,6%); đã triển khai thi công 22/32 tuyến đường nội ô thành phố và 2 trạm bơm (9 tuyến đường đã hoàn thành thảm bê tông nhựa nóng hoàn thiện mặt đường, 13 tuyến đường đã hoàn thành lắp đặt cống thoát nước và thảm bê tông nhựa nóng hoàn trả khuôn đào)… Ðường Hoàng Quốc Việt có 2 gói thầu: gói thầu CT3-PW-1.13 (đoạn km1+952,5-km3+461) giá trị thực hiện được khoảng 30 tỉ đồng (tiến độ đạt 49%); gói thầu CT3-PW-1.10 (đoạn km0-km1+952,5) giá trị thực hiện được hơn 23 tỉ đồng (tiến độ đạt 13,67%)…

Kiểm tra tại công trường đường Hoàng Quốc Việt, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND thành phố đã trực tiếp chỉ đạo các sở, ban ngành thành phố và quận Ninh Kiều tháo gỡ khó khăn còn tồn đọng trong công tác giải phóng mặt bằng, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật. Ðồng thời yêu cầu các nhà thầu tập trung thi công, đảm bảo tiến độ hoàn thành công trình theo kế hoạch đã đề ra. Nhà thầu cần tập trung đẩy nhanh tiến độ công trình cải tạo hệ thống thoát nước trung tâm quận Ninh Kiều, trong tuần tới tiến hành thảm nhựa hoàn thiện mặt đường ở 13 tuyến đường đã hoàn thành lắp đặt cống thoát nước.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII: Lan tỏa giá trị văn hóa và tri thức

Giải thưởng Sách Quốc gia – sự kiện văn hóa thường niên, đã trở thành biểu tượng của nền xuất bản Việt Nam, không ngừng lan tỏa giá trị tri thức, văn hóa và góp phần xây dựng xã hội học tập.
2024-11-22 22:15:00

Tổ chức Phòng chống mù lòa Châu Á phẫu thuật nhân đạo cho người nghèo tại Hải Phòng

Sáng 22/11, Đoàn công tác của Tổ chức Phòng chống mù lòa Châu Á (APBA) do Giáo sư Bác sĩ Hattori Tadashi - Giám đốc dẫn đầu, đến khám và phẫu thuật nhân đạo cho bệnh nhân nghèo, mắc bệnh nặng về dịch kính võng mạc tại Hải Phòng.
2024-11-22 19:05:20

Fansipan rực rỡ sắc màu lễ hội hoa sen đá, giá vé cáp treo chỉ còn 550.000 đồng

Lầu đầu tiên được tổ chức tại Fansipan, Lễ hội hoa sen đá đem đến vô vàn trải nhiệm độc đáo cho du khách, đặc biệt khi Sa Pa đang vào mùa mây đẹp nhất năm.
2024-11-22 18:47:26

HEAD Honda Thắng Lợi lưu chuyển tiền thuần âm và chiến lược vượt khó

Mặc dù trên bảng báo cáo lưu chuyển tiền tệ, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của Công ty TNHH Thắng Lợi âm 225 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái âm hơn 1,7 tỷ đồng nhưng kết thúc năm 2023, công ty TNHH Thắng Lợi đạt hơn 711 tỷ đồng doanh thu, báo lãi sau thuế hơn 260 triệu đồng.
2024-11-22 17:40:02

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chính sách tại Trường Đại học Quốc gia Malaya

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh chặng đường tiếp theo của Việt Nam và Malaysia cũng như việc bảo đảm một hệ thống quốc tế công bằng, rộng mở phụ thuộc lớn vào sự phát triển vững mạnh của ASEAN.
2024-11-22 14:08:22

Các khuyến nghị công tác quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp gắn với sinh kế người dân

Ngày 21/11, tại TP Hà Nội, Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam, phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới, đồng tổ chức Diễn Đàn: Thực thi Luật Đất đai 2024 và các khuyến nghị công tác quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp gắn với sinh kế người dân.
2024-11-22 12:05:00
Đang tải...