Tin tức miền Tây 6/6: Ấn định thời gian tổ chức Festival lúa gạo lần 6

2023-06-06 18:13:14 0 Bình luận
Lãnh đạo UBND tỉnh Hậu Giang đã làm việc với Sở NN&PTNT cùng các sở, ngành liên quan về công tác chuẩn bị cho Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ 6...

Hậu Giang: Ấn định thời gian tổ chức Festival lúa gạo lần 6

Theo Kinhtedothi, ngày 6/6, lãnh đạo UBND tỉnh Hậu Giang đã làm việc với Sở NN&PTNT cùng các sở, ngành liên quan về công tác chuẩn bị cho Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ 6. Đây là một trong những sự kiện chào mừng kỷ niệm 20 năm ngày thành lập tỉnh.

Hậu Giang ấn định thời gian tổ chức Festival lúa gạo lần 6 cuối năm. Ảnh: Phước Oanh

Theo đó, Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ 6 dự kiến sẽ được tỉnh Hậu Giang tổ chức vào cuối năm 2023. Festival Lúa gạo lần này sẽ có các hoạt động như: Hội thảo, hội nghị kết nối cung cầu vào lúa gạo; tọa đàm giải pháp phát triển ngành hàng lúa gạo; hội thi, xác lập kỷ lục kỷ lục các sản phẩm từ gạo; con đường lúa gạo... Ngoài ra, tỉnh sẽ bố trí các gian hàng giới thiệu, trưng bày sản phẩm OCOP và ẩm thực các món ngon từ gạo...

Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức tại TP Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) năm 2009, sau đó, đến Sóc Trăng, Long An, Vĩnh Long. Qua các lần tổ chức, Festival đã khẳng định và phát huy vào trò kết nối, tạo động lực phát triển ngành hàng lúa gạo của cả nước nói chung và của ĐBSCL nói riêng.

Festival Lúa gạo lần này, là dịp để thúc đẩy sản xuất lúa gạo chất lượng cao, nâng cao chuỗi giá trị trong canh tác lúa gạo, từng bước hướng đến sản xuất lúa hữu cơ. Đồng thời, lấy tăng trưởng xanh làm nền tảng, đảm bảo an toàn thực phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng ĐBSCL và gắn với đề án một triệu ha lúa chất lượng cao với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL của Bộ NN&PTNT.

Bên cạnh đó, Festival cũng sẽ là cơ hội để thúc đẩy xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và phát triển nông thôn. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân hoạt động hiệu quả và giúp ngành hàng lúa gạo Việt Nam, cũng như các thương hiệu nông sản có chỉ dẫn địa lý, tăng sức cạnh tranh trên thương trường quốc tế.

Đồng Tháp hỗ trợ các sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị và xuất khẩu

Theo VOV, Đồng Tháp hiện có 357 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 và 4 sao. Với sự đa dạng về sản phẩm, chất lượng, các sản phẩm OCOP của Đồng Tháp đang có tiềm năng lớn trong liên kết phát triển sản phẩm OCOP với các tỉnh trong và ngoài khu vực.

Các sản phẩm OCOP của Đồng Tháp được giới thiệu và bán trên các sàn thương mại điện tử. Ảnh: VOV

Hiện nay, các sản phẩm OCOP của Đồng Tháp được giới thiệu và bán trên các sàn thương mại điện tử để người tiêu dùng tiếp cận nhanh chóng, giảm chi phí cũng thúc đẩy chuyển đổi số của địa phương.

Để thực hiện hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021 – 2025 tỉnh Đồng Tháp sẽ rà soát, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình đủ điều kiện phát triển lên doanh nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất và thị trường, mở rộng diện tích vùng nguyên liệu. Đồng thời, hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị, quản lý cho các chủ thể OCOP phát triển sản phẩm cũng như triển khai, hướng dẫn chính sách hỗ trợ để các sản phẩm OCOP có điều kiện thâm nhập vào các hệ thống siêu thị và hướng đến thị trường xuất khẩu.

Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua, những sản phẩm OCOP của Đồng Tháp đã từng bước thâm nhập vào các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại để tiếp cận với người tiêu dùng. Ngoài ra, phong trào khởi nghiệp đã tạo ra sự lan tỏa cho sản phẩm OCOP, biến những sản phẩm từ làng quê của vùng đất Sen hồng – Đồng Tháp đến với người tiêu dùng.

Những sản phẩm OCOP của Đồng Tháp đã được chắp cánh đến các tỉnh, thành phố trong nước và đang hướng đến mục tiêu xuất khẩu sang các thị trường quốc tế. Để sản phẩm OCOP vươn xa cần có sự liên kết, hợp tác, quảng bá thương hiệu và chiến lược phát triển sản phẩm theo nhu cầu của thị trường.

Nhóm người mở hàng trăm tài khoản ngân hàng để 'phục vụ' rửa tiền

Vietnamnet đưa tin, ngày 6/6, TAND tỉnh An Giang xét xử các bị cáo Bùi Thị Thu Lan (33 tuổi, ngụ TP.HCM), Huỳnh Vũ Bằng (45 tuổi, ngụ Sóc Trăng) và Nguyễn Trọng Trung (28 tuổi, ngụ Bến Tre) về tội "Rửa tiền”.

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: Tiến Tầm

Theo cáo trạng, tháng 3/2020, chị Lê Thị Tâm Uyên (ngụ TP Long Xuyên, An Giang) nhận được nhiều cuộc gọi điện thoại của nhóm đối tượng giả danh Công an TP Đà Nẵng, đe dọa có lệnh bắt vì liên quan đến hoạt động mua bán trái phép chất ma túy. Sợ bị bắt, chị Uyên đã làm theo yêu cầu của các đối tượng rồi chuyển khoản 4 lần với tổng số tiền gần 1,2 tỷ đồng. Sau đó, chị Uyên phát hiện bị lừa nên đến công an trình báo vụ việc. 

Còn về bị cáo Bùi Thị Thu Lan, năm 2017, người phụ nữ này sang Malaysia làm việc và quen biết với người tên A Lùn. Năm 2019, A Lùn kêu bị cáo Lan về Việt Nam tìm người mở tài khoản ngân hàng, đăng ký dịch vụ Internet banking. Sau khi có tài khoản ngân hàng thì bị cáo Lan giao cho A Lùn.

Mỗi tài khoản ngân hàng, Lan sẽ được trả công 1,7 triệu đồng/tháng. Lan tự mở 6 tài khoản ngân hàng; đồng thời kêu Huỳnh Hữu Bằng, Nguyễn Trọng Trung mở và tìm người mở tài khoản. Mỗi tài khoản Lan trả cho Bằng, Trung 1,5 triệu đồng/tháng, hưởng chênh lệch 200.000 đồng/tài khoản.

Nhóm Lan giao 100 tài khoản ngân hàng cho A Lùn, hưởng lợi hơn 210 triệu đồng. Bị cáo Bằng hưởng lợi 130 triệu đồng; Trung hưởng lợi trên 20 triệu đồng. Cáo trạng cáo buộc các bị cáo này biết rõ A Lùn dùng tài khoản ngân hàng nói trên để hoạt động phi pháp. 

Từ tháng 3-4/2020, Lan đã đến ngân hàng rút khoảng 5,9 tỷ đồng về giao cho A Lùn. Số tiền 1,2 tỷ đồng của chị Uyên cũng bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt. 

Số tiền từ các nạn nhân chuyển vào tài khoản, các đối tượng lừa đảo chia nhỏ, chuyển vào nhiều tài khoản trung gian khác, sau đó chúng giao dịch mua bán quần áo ở Malaysia, mua bán tiền điện tử… 

Tháng 11 và 12/2020, các bị cáo Lan, Bằng và Trung bị khởi tố điều tra.

Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên phạt bị cáo Lan 13 năm tù; Bằng 11 năm tù và Trung 10 năm tù và buộc các bị cáo nộp lại số tiền thu lợi bất chính. Trước đó, Lan đã bị TAND TP Thủ Dầu (Bình Dương) tuyên phạt 12 năm 6 tháng tù cùng về tội “Rửa tiền”.

Lãnh đạo Cần Thơ thành phố tiếp các nhà đầu tư Hà Lan

Báo Cần Thơ, cho biết, sáng 5/6, ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ tiếp các nhà đầu tư Hà Lan về phát triển cầu nối thương mại và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp sang thị trường Hà Lan và châu Âu.

Quang cảnh buổi tiếp. Ảnh: Báo Cần Thơ

Tại buổi tiếp, ông Trần Việt Trường giới thiệu những tiềm năng, lợi thế của TP Cần Thơ cùng những định hướng về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hiện nay thành phố có khoảng 40 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo; 45 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản và khoảng 478 cơ sở sơ chế, chế biến nông sản, thủy sản tiêu thụ nội địa. Ngành nông nghiệp cũng đã xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn với khoảng 100 chuỗi cho gần 400 sản phẩm; hỗ trợ chứng nhận gần 100 sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt tiêu chuẩn 3, 4 sao, trong đó có một số sản phẩm có tiềm năng 5 sao. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu hiện nay là gạo, thủy sản, trái cây, nông sản chế biến.

Chủ tịch UBND thành phố hy vọng, buổi làm việc sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác thương mại, xuất khẩu các sản phẩm có thế mạnh của TP Cần Thơ nói riêng, ĐBSCL nói chung đến thị trường Hà Lan và châu Âu; đồng thời nhiều dự án của TP Cần Thơ thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư Hà Lan. Thành phố cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững; kiến tạo môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển thành phố.

Đại diện đối tác Hà Lan, ông Phạm Văn Hiển, Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu LTP, cho biết mục tiêu cuộc gặp nhằm tạo cầu nối thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản đặc sản của TP Cần Thơ đến người tiêu dùng Hà Lan và châu Âu. Xây dựng sàn thương mại xuất khẩu kết nối hai đầu cầu TP Cần Thơ - Hà Lan - châu Âu, có sự tham gia của các doanh nghiệp, công ty về sản xuất - nhập khẩu, hậu cần (mạng lưới logistics); tăng sản lượng xuất khẩu theo đường chính ngạch từ TP Cần Thơ đến Hà Lan - châu Âu; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đáp ứng các tiêu chuẩn châu Âu về chất lượng, sản lượng và đầu ra; duy trì cầu nối thương mại vững chắc giữa TP Cần Thơ và Hà Lan - châu Âu. Đánh giá cao những tiềm năng phát triển của TP Cần Thơ, các nhà đầu tư hy vọng, sau chuyến công tác tại TP Cần Thơ đoàn sẽ có những ý tưởng hợp tác cho tương lai.

Hậu Giang đã phê duyệt toàn bộ phương án bồi thường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, đoạn qua địa bàn tỉnh

Theo Báo Hậu Giang, dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (đoạn qua địa bàn tỉnh Hậu Giang) do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư. Đoạn đi qua địa bàn tỉnh có chiều dài hơn 63/110,93km, bằng 57% chiều dài toàn tuyến; có 2.067 hộ dân và 10 tổ chức bị ảnh hưởng, với tổng diện tích đất thu hồi là 361,53ha.

Tỉnh Hậu Giang đã giao mặt bằng cho Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đạt khoảng 98,5%. Ảnh: Báo Hậu Giang

Tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng tới thời điểm này, Hậu Giang đã phê duyệt toàn bộ phương án bồi thường đạt 100% với 2.067 hộ. Giao mặt bằng cho Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đạt khoảng 98,5%; còn khoảng 1,5%, tương đương với khoảng 87 hộ. Tỉnh tiếp tục chỉ đạo làm sao đến ngày 30-6 theo chỉ đạo của Thủ tướng là phải bàn giao mặt bằng 100%.

Ngoài ra, hiện nay còn 3 tuyến điện trung thế 110kV, 220kV và 500kV, tỉnh đã hoàn chỉnh phương án thiết kế được Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia đã thẩm tra, góp ý để trình phê duyệt, sớm di dời lưới điện để giao cho chủ đầu tư, còn tuyến trung, hạ thế và các hạ tầng kỹ thuật khác thì địa phương tiếp tục phối hợp với đơn vị thi công, làm tới đâu sẽ dời và giao mặt bằng cho đơn vị thi công để đảm bảo triển khai.

Ngoài ra, tỉnh đã xây dựng 4 khu tái định cư để phục vụ cho tuyến cao tốc này. Dự kiến, đến cuối tháng 6, tỉnh hoàn thành 2 khu tái định cư để bố trí các hộ bị ảnh hưởng và cuối tháng 7 sẽ tiếp tục bàn giao 2 khu còn lại.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Quảng Ninh: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng tại Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh

Sau một ngày (19/4) làm việc khoa học, nghiêm túc, trách nhiệm, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Quảng Ninh khóa XIV nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 18 theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các quy định pháp luật hiện hành.
2024-04-20 13:28:10

Hải Phòng tổ chức thi kể chuyện theo sách

Đây là hoạt động thường niên và là năm thứ 10 TP.Hải Phòng tổ chức, hưởng ứng các hoạt động về Ngày Sách nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, khẳng định sách và văn hóa đọc mãi trường tồn.
2024-04-20 09:09:26

Hải Phòng tổ chức gặp mặt chiến sĩ Điện Biên và thân nhân

Sáng 19/4, TP.Hải Phòng tổ chức buổi gặp mặt thân nhân liệt sĩ, thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến, những người đã trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.
2024-04-20 08:25:46

Chia sẻ về chữ “thật” của TH true MILK tại Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2024

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng chất lượng sản phẩm và mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.
2024-04-19 17:55:22

Cựu chiến binh xã Quảng Hải tổ chức nhiều mô hình phát triển kinh tế

Chiều 19/4, Hội cựu chiến binh xã Quảng Hải, thị xã Ba Đồn tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” giai đoạn 2019 – 2024.
2024-04-19 16:20:00

Việt Nam nằm trong tốp đầu châu Á về đầu tư cơ sở hạ tầng

Ngày 18/4, trong khuôn khổ “Tuần lễ bền vững”, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã tổ chức Phiên thảo luận cấp cao về Thúc đẩy phát triển bền vững thông qua kết nối cơ sở hạ tầng.
2024-04-19 11:24:44
Đang tải...