Tin tức Miền Tây ngày 3/1/2022: Đường cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ năm 2022 ra sao?

2022-01-03 22:00:00 0 Bình luận
Đến nay, tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài gần 23 km, vốn đầu tư 4.820 tỉ đồng, đã triển khai thi công được 11 tháng.

Giải phóng mặt bằng đạt hơn 97%

Ông Phạm Đức Trình, Trưởng phòng Điều hành dự án 4 (Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận), cho biết dự án Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được khởi công từ tháng 1.2021, tổng chiều dài tuyến khoảng 22,97 km (trong đó qua địa phận tỉnh Vĩnh Long 12,53 km và tỉnh Đồng Tháp 10,44 km).

Đến nay, mặt bằng đã bàn giao cho nhà thầu được 22,38/22,97 km (đạt 97%), trên thực tế còn vướng 1,535 km (116 hộ dân).

Toàn cảnh nơi đặt cầu Mỹ Thuận 2 (song song cầu Mỹ Thuận hiện hữu) kết nối tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Trong đó, địa phận tỉnh Vĩnh Long đã bàn giao được 12,09/12,53 km (đạt 96%), còn vướng 99 hộ với khoảng 1,27 km; địa phận tỉnh Đồng Tháp đã bàn giao được 10,28/10,44 km (đạt 98%), còn vướng 17 hộ với khoảng 0,25 km.

Bên cạnh đó, các công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng gồm tuyến đường điện trung - hạ thế; ống cấp nước… đơn vị phối hợp với ngành chức năng và chính quyền địa phương đã di dời được một phần; các vị trí còn lại, địa phương đang phê duyệt thiết kế, hoàn thiện thủ tục để di dời.

  Đơn vị thi công đóng cọc bê tông cốt thép dự ứng lực trên tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

“Dự án đã triển khai thi công hơn 11 tháng, mặt bằng hiện tại vẫn còn vướng khoảng 1,535 km, tình trạng mặt bằng xôi đỗ và vướng hạ tầng kỹ thuật nên nhà thầu chưa thể triển khai thi công đồng loạt trên tuyến. Đặc biệt, các đoạn vướng mặt bằng có thời gian gia tải chờ lún từ 12 - 14 tháng, nếu không được bàn giao đúng tiến độ sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành chung của dự án”, ông Trình nói thêm.

      Đắp cát đến cao độ cắm bấc thấm đoạn không vướng mặt bằng

Vượt qua Covid-19, đáp ứng tiến độ đề ra

Ông Trình cũng cho biết, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án, tuy nhiên được sự hỗ trợ của Bộ GTVT, chính quyền địa phương có dự án đi qua đã tạo điều kiện cho thuận lợi phục vụ dự án và sự cố gắng của các nhà thầu nên dự án đáp ứng tiến độ đề ra. Toàn dự án đã huy động đã 355 cán bộ kỹ thuật, lái máy; 136 xe, máy thiết bị, đang triển khai tổng cộng 34 mũi thi công.

     Đơn vị thi công đóng cọc dự ứng lực trên tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Hiện tại, tổng khối lượng đắp cát đến cao độ cắm bấc thấm đoạn không vướng mặt bằng là 1.002.631 m3, tương đương 18,5/20,1 km (đạt 92%); đắp cát đường gom được 98.322 /217.778 m3 (đạt 45,15%).

Thi công cắm bấc thấm: Khối lượng đạt 5.265.202/7.812.984 m (đạt 67,39%)… Bên cạnh đó, đơn vị đã triển khai được 18/19 cầu (còn 1 cầu trên tuyến QL80 chưa có mặt bằng). Giá trị sản lượng đến nay đã thực hiện đạt khoảng 700/2.667 tỉ đồng (đạt 26,25%), tương đương với kế hoạch đề ra.

        Một đoạn trên tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được san lấp cát

Tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, là một đoạn của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, kết nối từ TP.HCM - Cần Thơ dài 120 km. Đây cũng là một bộ phận của trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông, kết nối các tỉnh miền Tây với TP.HCM và các tỉnh miền Đông. Sau khi tuyến cao tốc này hoàn thành, kết hợp với tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận được kết nối bởi cầu Mỹ Thuận 2 sẽ tạo thành tuyến cao tốc hoàn chỉnh từ TP.HCM - Cần Thơ.

Khi toàn tuyến cao tốc này, sau khi hoàn chỉnh sẽ rút ngắn thời gian đi từ TP.HCM đến Cần Thơ chỉ còn gần 2 tiếng so với 3 - 4 tiếng như hiện nay trong điều kiện thông thoáng. Giảm áp lực giao thông, tai nạn giao thông trên QL 1.

Quy mô dự án

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có điểm đầu tại Km107+363,08, thuộc địa phận P.Tân Hòa, TP.Vĩnh Long, Vĩnh Long; Điểm cuối tại nút giao Chà Và (giao với QL1, trùng với điểm đầu dự án cầu Cần Thơ), thuộc địa phận xã Thuận An, TX.Bình Minh, Vĩnh Long.

             Công nhân đang lu nền đường

Tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đi qua địa phận 3 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố, bao gồm H.Châu Thành (Đồng Tháp); H.Long Hồ, H.Bình Tân, TX.Bình Minh và TP.Vĩnh Long (Vĩnh Long). Cao tốc được thiết kế với tốc độ 100 km/h cho giai đoạn xây dựng hoàn chỉnh với 6 làn xe, bề rộng nền đường 32 m. Giai đoạn một của dự án quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m, bề rộng cầu 17,5 m, vận tốc 80 km/h. Tổng mức đầu tư hơn 4.820 tỉ đồng. Thời gian thi công dự kiến 24 tháng, cơ bản hoàn thành năm 2022 và đưa vào sử dụng năm 2023.

           Các trụ móng cầu Mỹ Thuận 2 đang dần thành hình

Riêng cầu Mỹ Thuận 2, là 1 phần thuộc dự án tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, có tổng chiều dài 6,61 km đi qua địa phận 2 tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long, thực hiện theo hình thức đầu tư công, tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỉ đồng. Cầu Mỹ Thuận 2 nằm song song với QL1 và vượt qua sông Tiền, cách 350 m về phía thượng lưu so với cầu Mỹ Thuận hiện hữu, do Ban quản lý Dự án 7 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư. Phần đường dẫn 2 đầu cầu dài khoảng 4,7 km, tốc độ thiết kế 100 km/h, giai đoạn trước mắt phân kỳ quy mô 4 làn xe, giai đoạn hoàn chỉnh đầu tư xây dựng 6 làn xe. Phần cầu chính dài gần 2 km, đầu tư hoàn chỉnh với 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, bề rộng mặt cầu 25 m... Dự kiến hoàn thành năm 2023.

          Xe đang lu cát phần đường dẫn cầu Mỹ Thuận 2

Người dân mong công trình sớm hoàn thành

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ hoàn thành sẽ giúp người dân cũng như việc giao thương hàng hóa ở các tỉnh miền Tây với TP.HCM và các tỉnh miền Đông thuận tiện, giúp giảm chi phí và tăng thu nhập.

          Công nhân đang đóng trụ móng cầu Mỹ Thuận 2

Anh Trần Vũ Anh (31 tuổi, tài xế ngụ xã Mỹ Hòa, TX.Bình Minh, Vĩnh Long) chia sẻ, anh có xe tải và thường vận chuyển hàng hóa thuê cho các vựa trái cây ở địa phương đi các chợ đầu mối ở TP.HCM. Thông thường, một chuyến đi từ TX.Bình Minh đến TP.HCM mất từ 3 - 4 tiếng nếu đường thông thoáng, còn nếu kẹt xe là có khi mất 5 - 6 tiếng.

“Đường thoáng mình chạy một mạch sẽ tiết kiệm thời gian và đỡ tốn nhiên liệu hơn, chứ gặp kẹt xe phải lên số, xuống số liên tục, tốn thời gian và nhiên liệu lắm. Nghe nói xây dựng tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cánh tài xế như tôi mừng lắm vì sẽ giúp đi nhanh hơn. Tôi mong tuyến đường sớm được đưa vào sử dụng”, anh Vũ Anh nói.

          Một phần đường dẫn cầu Mỹ Thuận 2 đã cơ bản hoàn thành

Tương tự, anh Nguyễn Thái Cường (36 tuổi, tài xế xe công nghệ ở TP.Cần Thơ) cho biết, tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ hoàn thành kết nối với tuyến Mỹ Thuận - Trung Lương sẽ giúp anh có thể chạy thêm mỗi ngày thêm một chuyến xe nữa. “Bình thường, mỗi ngày chạy được từ 1 - 2 chuyến, nếu đường cao tốc kết nối được TP.Cần Thơ và TP.HCM thì tôi có thể chạy một ngày từ 2 - 3 chuyến. Không riêng tôi mà chắc cánh tài xế ai cũng mong nhà nước làm nhanh tuyến cao tốc này để di chuyển nhanh hơn và thuận tiện hơn”, anh Cường hy vọng.

Theo báo Thanh Niên

Đầu tư dự án cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh bằng vốn vay Hàn Quốc

Theo thesaigontimesChính phủ vừa có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh giai đoạn 1 bằng nguồn vốn vay của Chính phủ Hàn Quốc.

 Sơ đồ hướng tuyến cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh. Ảnh: baodautu.vn

Theo đó, dự án có mục tiêu từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ, kết nối giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội bền vững, bảo đảm an ninh quốc phòng khu vực ĐBSCL nói chung và các tỉnh Long An, Đồng Tháp nói riêng.

Dự án cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh có chiều dài khoảng trên 26 km, có điểm đầu kết nối tuyến N2 tại km 96+875, điểm cuối tiếp giáp cầu Cao Lãnh. Dự án có vận tốc thiết kế 100 km/giờ, trong đó, mặt cắt ngang giai đoạn 1 được đầu tư với quy mô 4 làn xe hạn chế (bề rộng nền đường 17 mét), vận tốc thiết kế 80 km/giờ.

Thời gian thực hiện dự án là 5 năm, kể từ ngày Hiệp định vay có hiệu lực.

Dự kiến tổng vốn đầu tư của dự án cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh là khoảng 4.770,75 tỉ đồng. Trong đó, vốn vay ODA của EDCF (Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc) khoảng 3.677,22 tỉ đồng (tương đương 158,8 triệu đô la Mỹ). Nguồn vốn này được sử dụng để thanh toán chi phí xây dựng, thiết bị, chi phí tư vấn thiết kế kỹ thuật, giám sát thi công và dự phòng phần vốn ODA.

Trong khi đó, phần vốn đối ứng khoảng 1.093,53 tỉ đồng, sử dụng để thanh toán thuế VAT (phần chi phí xây dựng, thiết bị, chi phí tư vấn kỹ thuật và giám sát thi công), chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn trong nước như: khảo sát lập dự án đầu tư, thẩm tra thiết kế kỹ thuật, quyết toán dự án hoàn thành, chi phí giải phóng mặt bằng, dự phòng phần vốn đối ứng…

Bạc Liêu: Ngăn chặn kịp thời hơn 1 tấn tôm chứa tạp chất ra thị trường

Lực lượng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết, đơn vị vừa phối hợp cùng lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ phát hiện xe tải vận chuyển hơn 1 tấn tôm có chứa tạp chất.

Xe tải vận chuyển hơn 1 tấn tôm có chứa tạp chất. Ảnh: TTXVN phát

Theo đó, vào khoảng 6 giờ ngày 2/1, lực lượng Cảnh sát kinh tế phối hợp cùng lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ Công an tỉnh phát hiện xe tải biển kiểm soát 94C-058.76, do tài xế Trần Văn Minh (sinh năm 1971, trú tại ấp Nhàn Dân A, xã Tân Phong, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) điều khiển di chuyển trên tuyến Quốc lộ 1A, đoạn qua địa phận xã Tân Thạnh, thị xã Giá Rai có biểu hiện nghi vấn nên tiến hành dừng và kiểm tra.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe đang vận chuyển 28 thùng xốp chứa hơn 1,1 tấn tôm nguyên liệu có chứa tạp chất là Agar và CMC.

Bước đầu, tài xế khai nhận đang trên đường vận chuyển số tôm có chứa tạp chất đi tiêu thụ thì bị lực lượng chức năng bắt giữ.

Cùng ngày 2/1, lực lượng Cảnh sát hình sự Công an huyện Vĩnh Lợi (tỉnh Bạc Liêu) cho biết, thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, đơn vị bắt quả tang nhóm đối tượng đá gà ăn tiền trên địa bàn.

Vào khoảng 11 giờ ngày 2/1, lực lượng Cảnh sát hình sự Công an huyện Vĩnh Lợi phối hợp với Công an xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi bắt quả tang nhóm đối tượng đá gà ăn tiền tại khu đất trống trên địa bàn ấp Cái Giá, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi.

Các đối tượng bị bắt quả tang gồm Nguyễn Duy Luân (sinh năm 1980, Đặng Văn Thành (sinh năm 1980), cùng trú tại phường 1, thành phố Bạc Liêu; Trương Thanh Tùng (sinh năm 1974, trú tại phường 5, thành phố Bạc Liêu); Thái Hoàng Sum (sinh năm 1977, trú tại xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) và Nguyễn Lê Khôi (sinh năm 2001, trú tại xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi).

Tại hiện trường, lực lượng Công an thu giữ: 5 con gà đá, 5 điện thoại di động, số tiền hơn 33 triệu đồng và một số tang vật khác có liên quan.

Hiện, các vụ việc đang được cơ quan Công an tỉnh Bạc Liêu tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo TTXVN/Vietnam+

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng kiểm tra tình hình dạy và học tại các trường thuộc "vùng cam"

Theo báo Sóc Trăng ngày 3/1, đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng đã đến kiểm tra tình hình dạy và học tại các trường trung học phổ thông thuộc “vùng cam” - vùng thuộc nguy cơ cao trên địa bàn huyện Mỹ Tú và Châu Thành (Sóc Trăng). Cùng đi còn có đồng chí Huỳnh Thị Diễm Ngọc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng (thứ 4 từ phải qua) kiểm tra tình hình dạy và học tại Trường THPT Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng). Ảnh: KIM SANG

Đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào đã đến kiểm tra tình hình dạy và học tại Trường THPT Mỹ Hương, Trường THPT Huỳnh Hữu Nghĩa trên địa bàn huyện Mỹ Tú và Trường THPT Thuận Hòa trên địa bàn huyện Châu Thành. Cả 3 trường này đều thuộc “vùng cam”. Trước đó, các trường cũng đã có kế hoạch tổ chức dạy và học đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 với từng phương án riêng áp dụng trong trạng thái từng vùng. Đối với “vùng cam” - nguy cơ cao, hoạt động dạy và học được thực hiện hoàn toàn trên môi trường internet, giáo viên giao bài tập cho học sinh qua hệ thống học trực tuyến. Tại mỗi nơi đến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã kiểm tra tình hình dạy và học, tặng quà cho các điểm trường.

Cũng ngày, đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào đã đến kiểm tra tiến độ thực hiện dự án nhà hỏa táng điện tại chùa Som Rong - Phường 5, TP. Sóc Trăng (Sóc Trăng).

Bến Tre tổ chức tọa đàm xúc tiến đầu tư, thương mại với đại sứ ở nước ngoài

Theo TTXVN, sáng ngày 3/1, UBND tỉnh Bến Tre phối hợp Bộ Ngoại giao tổ chức tọa đàm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch giữa tỉnh Bến Tre với đại sứ Việt Nam tại các nước.

Đây là cơ hội để Bến Tre và các đại sứ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về đường lối đối ngoại và hợp tác quốc tế thời gian qua, đồng thời đề ra các giải pháp xúc tiến đầu tư thương mại du lịch thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Quang Minh phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu-TTXVN

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Quang Minh đánh giá cao sự năng động của lãnh đạo tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Bến Tre trong phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế. Bến Tre có tiềm năng hiện hữu về các nhóm sản phẩm chủ lực như dừa, cây ăn trái, cây giống, hoa cảnh và chăn nuôi; trong đó, nổi bật là dừa với khoảng 200 sản phẩm và mỹ nghệ dừa.

Với chủ trương triển khai ngoại giao phục vụ phát triển; trong đó, lấy địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cam kết, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài luôn đồng hành, hỗ trợ cho quá trình hội nhập quốc tế của Bến Tre.

Theo đó, Bộ Ngoại giao sẵn sàng phối hợp cùng tỉnh Bến Tre tổ chức các cuộc kết nối, xúc tiến đầu tư, quảng bá các sản phẩm địa phương với các đối tác nước ngoài mà tỉnh ưu tiên thúc đẩy. Qua đó, hỗ trợ thâm nhập vào thị trường sở tại bằng thương hiệu Bến Tre.

Bên cạnh đó, hỗ trợ tỉnh Bến Tre tiếp tục kết nối với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để thu hút nguồn lực và viện trợ, công nghệ, giới thiệu nhà đầu tư, nhà nhập khẩu uy tín ở sở tại cũng như chương trình, dự án góp phần phát triển kinh tế biển, du lịch và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao thông tin, Bộ Ngoại giao cũng sẽ tạo điều kiện để các đoàn lãnh đạo, doanh nghiệp tỉnh Bến Tre đi xúc tiến đầu tư - thương mại, kết hợp tham gia các hội chợ nông sản tại các thị trường trong đó có châu Âu và Trung Đông. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ phối hợp, hỗ trợ tỉnh Bến Tre triển khai công tác ngoại giao văn hóa gồm hoạt động tôn vinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, công tác lãnh sự và bảo hộ công dân, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu hội nhập của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho rằng, Bến Tre có thế mạnh về các sản phẩm nông sản, thủy sản, các sản phẩm từ dừa, trái cây… và lực lượng lao động để phát triển các ngành gia công hàng may mặc, giày dép. Nhiều sản phẩm thủy sản như cá tra và nghêu, trái cây và rau quả như dừa xiêm, dừa khô, chôm chôm... được khách hàng ở các nước ưa chuộng.

Tỉnh được mệnh danh là "xứ sở dừa Việt Nam" với diện tích khoảng 75.000 ha, tổng sản lượng gần 700.000 tấn/năm. Bến Tre hiện có vùng nguyên liệu dừa tập trung sản xuất hữu cơ cao nhất nước hơn 12.000 ha; trong đó, diện tích chứng nhận hàng năm khoảng 4.000 ha.

Mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi trồng thủy sản biển đạt 41.500 ha; trong đó, nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao đạt 4.000 ha, sản  lượng 114.000 tấn/năm; phát triển 5 nhóm sản phẩm chủ lực gồm dừa, cây ăn trái, cây giống và hoa cảnh, chăn nuôi.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre mong rằng, thời gian tới, các đại sứ sẽ hỗ trợ kết nối, giới thiệu các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Bến Tre, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực theo định hướng thu hút đầu tư của tỉnh, cũng như hỗ trợ cho tỉnh tham gia, tổ chức các sự kiện xúc tiến đầu tư tại các nước. Đồng thời, hỗ trợ, giới thiệu cho các địa phương, doanh nghiệp lựa chọn đối tác đầu tư; cảnh báo sớm về khả năng xảy ra tranh chấp thương mại, về những nhà đầu tư không có năng lực, công nghệ lạc hậu, không bảo đảm tiêu chí môi trường.

Tỉnh Bến Tre hy vọng với việc thiết lập mối liên hệ với cơ quan đầu mối tại địa phương và các doanh nghiệp sẽ kịp thời cung cấp các thông tin về nhu cầu, thị trường các sản phẩm của Bến Tre tại nước sở tại để các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch kết nối giao thương, thúc đẩy hợp tác đầu tư phát triển.

Tại buổi tọa đàm, đại diện nhiều doanh nghiệp tỉnh Bến Tre cùng đại sứ các nước cùng chia sẻ, trao đổi, nắm bắt thông tin về tiềm năng phát triển, cơ hội đầu tư, thị trường nước ngoài đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh về chế biến dừa, thủy sản, trái cây, du lịch…

Những năm qua, tỉnh Bến Tre luôn nỗ lực kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, tạo điểm đến tin cậy để các nhà đầu tư tìm hiểu và quyết định triển khai các dự án đầu tư. Giai đoạn 2016-2020, chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bến Tre luôn đứng trong top 10 cả nước, thuộc nhóm điều hành tốt và rất tốt. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 61 dự án FDI đang hoạt động với tổng vốn đăng ký 1,62 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, chế biến nông thủy sản, điện tử, công nghiệp phụ trợ, may mặc…

Tỉnh  có khoảng 30 chương trình, dự án viện trợ của Chính phủ nước ngoài đang triển khai với tổng giá trị viện trợ gần 4 triệu USD. Ngoài ra, tỉnh đang triển khai 4 chương trình, dự án ODA với tổng vốn đầu tư khoảng 150 triệu USD. Đáng chú ý, ngoài thu hút đầu tư vào tỉnh, Bến Tre cũng có 2 doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đầu tư gần 3 triệu USD.

Trước đó, đại sứ các nước đã có chuyến tham quan khảo sát tại các nhà máy sản xuất, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

HDBank mở chi nhánh thứ 2 tại Quảng Ninh

Chi nhánh HDBank tại Móng Cái được đầu tư quy mô về nguồn vốn, tài sản và đội ngũ CBNV nhằm tăng cường cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng và phù hợp, bám sát đặc thù và chiến lược phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm phía Bắc.
2024-04-25 11:31:59

Thái Nguyên khai mạc mùa du lịch 2024

Sáng 25/4 tại Khu du lịch hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Chương trình Khai mạc Mùa du lịch tỉnh Thái Nguyên năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.
2024-04-25 11:06:52

NASU đồng hành cùng người nông dân phát triển kinh tế tuần hoàn, làm giàu bền vững từ cây mía

Đối với người nông dân ở Phủ Quỳ hôm nay, “suy đi tính lại chẳng cây trồng nào so sánh được với cây mía và chưa hợp tác nào bền vững như với NASU”.
2024-04-24 20:12:49

Hoa Kỳ phối hợp cùng Việt Nam tổ chức Hội thảo khu vực về chống IUU

Ngày 23/04/2024, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cục Phòng chống ma túy và Thực thi Pháp luật quốc tế (INL) và Lực lượng Phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ (USCG), đã phối hợp cùng Cục Kiểm Ngư tổ chức Hội thảo Khu vực về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU) tại thành phố Đà Nẵng.
2024-04-24 09:44:47

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Sáng 24/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số.
2024-04-24 09:27:18

Hà Nội chuẩn bị Lễ hội Đền trong Thăng Long Tứ Trấn năm 2024

Ngày 23/4, Đoàn công tác của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đã có cuộc kiểm tra công tác Lễ hội truyền thống tại Di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long Tứ Trấn Đền Kim Liên.
2024-04-23 23:56:38
Đang tải...