Tin tức Miền Tây ngày 10/1/2022: Nhiều ca Covid-19 tử vong khi điều trị tại nhà ở Tiền Giang
Theo công văn, bậc THCS và THPT (kể cả hệ giáo dục thường xuyên) tập trung học sinh từ ngày 13 - 26/1/2022; bậc tiểu học tập trung học sinh từ ngày 17 - 26/01/2022. Việc đến trường ôn tập trực tiếp phải đảm bảo hiệu quả, an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Đo thân nhiệt, sát khuẩn tay trước khi vào học.
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh yêu cầu các cấp, ngành thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 (vệ sinh, khử khuẩn; test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2; có phương án cách ly, xử lý kịp thời đối với trường hợp nghi nhiễm...) trước, trong thời gian tổ chức tập trung học sinh đến trường theo đúng hướng dẫn của ngành y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các văn bản chỉ đạo của tỉnh.
Vĩnh Long: "Hạt ngọc trời" được tôn vinh
Hội thi “Gạo ngon Thương hiệu Việt” có nhiều sản phẩm từ gạo mang nét đặc trưng riêng của từng vùng miền ĐBSCL đến từ 7 đội tham gia.
Theo PGS. TS. Lê Nguyễn Đoan Khôi - Trường ĐH Cần Thơ - Trưởng Ban Giám khảo, hội thi “Gạo ngon Thương hiệu Việt” không chỉ đặt ra các tiêu chí là gạo ngon mà gạo phải có xây dựng được thương hiệu, có chiến lược phát triển lâu dài.
theo Báo Vĩnh Long
Long An: Khởi công dự án cải tạo, nâng cấp Đường tỉnh 818
Ngày 10/01, UBND tỉnh Long An tổ chức Lễ khởi công dự án cải tạo, nâng cấp Đường tỉnh 818, gói thầu cầu vượt số 3 và cầu Thủ Thừa tại huyện Thủ Thừa.
Lễ khởi công dự án cải tạo, nâng cấp Đường tỉnh 818, gói thầu cầu vượt số 3 và cầu Thủ Thừa
Cầu vượt số 3 qua đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương có phần xe chạy 7m, gờ lan can 1m; Cầu Thủ Thừa có phần xe chạy, dải an toàn, lề người đi bộ 9,75m, gờ lan can 0,75m. Ngoài ra, còn xây dựng thêm các hạng mục cống thoát nước, nút giao thông, đèn chiếu sáng và hệ thống báo hiệu với tổng kinh phí trên 124 tỉ 600 triệu đồng. Thời gian thi công 420 ngày.
Việc đầu tư cải tạo, nâng cấp Đường tỉnh 818 (đoạn từ Quốc lộ 1 đến Quốc lộ N2) từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, hình thành tuyến kết nối từ Quốc lộ 1 với Quốc lộ N2, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Sóc Trăng: Đồng bào Khmer phấn khởi từ chương trình hỗ trợ nhà ở
Do tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã làm ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người dân, nhất là những hộ có thu nhập bấp bênh nên việc xây dựng nhà ở là vấn đề khó khăn của nhiều hộ nghèo.
Ước mơ về một căn nhà kiên cố, khang trang đã trở thành hiện thực đối với ông Lâm Mạnh, ở Phường 2, TX. Vĩnh Châu (Sóc Trăng) sau nhiều năm sống trong căn nhà cũ xập xệ. Cuối năm 2021, căn nhà tường khoảng 40m2 được đưa vào sử dụng đã đem lại niềm phấn khởi lớn đối với vợ chồng ông. Ông Mạnh chia sẻ: “Thu nhập từ nghề mua bán ve chai chỉ đủ sống qua ngày còn chuyện cất nhà thì không thể. Khi còn ở trong căn nhà cũ, vào những đêm mưa gió lớn nhà bị dột, tôi hay qua nhà người khác ngủ nhờ, có đêm thì thức luôn vì sợ nhà sập. Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã giúp vợ chồng tôi ổn định cuộc sống, thoát khỏi nỗi lo sau rất nhiều năm trăn trở”.
Bà Triệu Thị Phơi, ở xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng (thứ 2 từ phải qua) đón khách trong căn nhà mới
Cũng có hoàn cảnh tương tự, gia đình bà Triệu Thị Phơi thuộc diện hộ nghèo ở xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), vợ chồng bà chủ yếu làm thuê theo thời vụ nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên thu nhập càng bấp bênh.
Biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình, từ nguồn phân bổ của chính quyền địa phương đã nhanh chóng hỗ trợ 50 triệu đồng để xây nhà mới. Đồng chí Phú Việt Bền - Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú cho biết, thực hiện theo như kế hoạch phân bổ của UBND huyện Mỹ Xuyên về nhà ở cho hộ nghèo, xã Thạnh Phú đã tiến hành mời bí thư, trưởng ban nhân dân các ấp tiến hành rà soát hộ khó khăn, bức xúc về nhà ở và lấy ý kiến nhân dân. Qua đó, có 100% bà con đồng tình cao với chủ trương hỗ trợ nhà ở đợt 1 cho 39 hộ nghèo trên địa bàn xã, Hơn 1.000 hộ gia đình nghèo, mà có nhiều hộ là đồng bào Khmer khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh cũng có niềm vui chung tương tự.
Việc triển khai quyết liệt, hiệu quả, kịp thời công tác hỗ trợ cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở đã giúp nhiều hộ nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh. Đây không chỉ là sự hỗ trợ về vật chất mà còn là nguồn động viên tinh thần to lớn, tạo thêm động lực để hộ nghèo yên tâm, nỗ lực trong lao động sản xuất, vươn lên cải thiện đời sống, góp phần giảm nghèo và chung tay xây dựng nông thôn mới.
Theo báo Sóc Trăng
Tiền Giang: Nhiều trường hợp F0 COVID-19 điều trị tại nhà bị tử vong
Nhiều ca F0 chủ quan tự điều trị tại nhà, đến khi bệnh chuyển nặng thì không được đưa đi cấp cứu kịp thời; y tế tuyến cơ sở chưa thực hiện tốt công tác quản lý, tư vấn, điều trị các ca F0 tại nhà.
Nhóm nguy cơ cao là người lớn tuổi được ưu tiên tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19 tại Tiền Giang
Những ngày qua Tiền Giang đã nỗ lực kiểm soát dịch bệnh theo tinh thần "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19,” nhưng vẫn còn nhiều trường hợp người mắc COVID-19 điều trị tại nhà tử vong.
Theo đánh giá của Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, nguyên nhân chủ yếu là do tâm lý chủ quan, giấu bệnh, người dân tự test nhanh có kết quả dương tính nhưng không khai báo với cơ sở y tế và chính quyền địa phương, tự điều trị, đến khi bệnh chuyển nặng thì không được đưa đi cấp cứu kịp thời.
Một số nơi chính quyền địa phương và cơ quan y tế (nhất là y tế tuyến cơ sở) chưa thực hiện tốt công tác quản lý, theo dõi, tư vấn, chăm sóc, điều trị F0 tại nhà theo quy định, nhất là đối với những người không đủ điều kiện điều trị tại nhà (người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, trẻ em…). Một số bệnh nhân chưa được chuyển viện, kịp thời chuyển cấp cứu theo tình trạng bệnh.
Toàn tỉnh hiện có 6.564 bệnh nhân đang được điều trị, trong số này có trên 80% F0 điều trị tại nhà. Về tình trạng sức khỏe bệnh nhân, có trên 95% bệnh nhân vừa và nhẹ, hơn 4% bệnh nhân nặng và 0,09% bệnh nhân nguy kịch. Trong ngày 9/1, ghi nhận 10 bệnh nhân tử vong, tổng số bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại Tiền Giang đến nay là 1.032 người.
* Thông tin được tổng hợp từ TTXVN và báo địa phương
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.