Tin tức miền Tây ngày 11/3: Cần Thơ đề nghị làm kè bảo vệ di sản cồn nổi
Cần Thơ đề nghị hỗ trợ 400 tỷ đồng làm kè khẩn cấp bảo vệ di sản cồn nổi
UBND TP. Cần Thơ vừa có buổi làm việc với Ủy ban Ngân sách của Quốc hội Đức và Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) tại Việt Nam. TP. Cần Thơ đề nghị Chính phủ Đức hỗ trợ 400 tỷ đồng để thực hiện dự án kè chống sạt lở khẩn cấp ở cù lao Tân Lộc.
Một góc ở cù lao Tân Lộc.
UBND TP. Cần Thơ đề nghị Chính phủ Đức quan tâm hỗ trợ thành phố 400 tỷ đồng để thực hiện đầu tư xây dựng dự án kè chống sạt lở bờ sông trọng điểm, khẩn cấp trên địa bàn. Đó là dự án kè chống sạt lở khẩn cấp đầu cù lao Tân Lộc (quận Thốt Nốt), chiều dài 4.000m, kết cấu kè kiên cố, bê tông cốt thép, kết hợp gia cố mái chống xói bằng thảm đá…; thời gian thực hiện 2023-2025.
Theo thống kê của địa phương, sạt lở tại khu vực đầu cù lao Tân Lộc diễn biến rất phức tạp, gây mất đất, mất sinh kế và đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng của người dân. Trong 30 năm qua, sạt lở làm mất hàng chục héc-ta đất, ảnh hưởng đến hàng chục hộ dân canh tác hoa màu, cây ăn trái, nuôi thủy sản.
Đề xuất hơn 2.200 tỷ đồng nâng cấp kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền nối sông Tiền và sông Hậu
Ban quản lý các dự án đường thủy vừa có đề nghị gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận thực hiện đầu tư dự án nâng cấp tuyến kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền kết nối giữa sông Tiền và sông Hậu.
Tuyến kênh Chợ Gạo ở Tiền Giang
Tổng mức đầu tư dự kiến là 2.276 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng 1.268 tỷ đồng và chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư 499 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương. Nếu được cấp có thẩm quyền thông qua, dự án sẽ tổ chức đấu thầu xây lắp vào cuối năm 2023, hoàn thành năm 2024, theo thông tin đăng tải trên báo Đầu tư.
Dự án sẽ nâng cấp hệ thống cầu trên tuyến; xây dựng hoàn trả đường dân sinh; lắp đặt hệ thống báo hiệu đường thủy.
Tuyến kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền là tuyến kết nối ngắn nhất giữa sông Tiền với sông Hậu dài khoảng 20,8km. Nếu được đầu tư nâng cấp sẽ rút ngắn được khoảng cách lưu thông giữa sông Tiền và sông Hậu là 37km và 45km từ TP HCM đi các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang - Cà Mau) và ngược lại.
Kịp thời khống chế, dập tắt đám cháy 5ha rừng ở Tri Tôn
Ngày 11/3, Đồn Biên phòng Vĩnh Gia (Bộ đội Biên phòng An Giang) đang tiếp tục huy động lực lượng tham gia khắc phục hậu quả vụ cháy tại khu vực rừng tràm, có diện tích khoảng 5ha, ở huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang).
Lực lượng chức năng khống chế đám cháy. Ảnh: Báo An Giang
Trước đó, khoảng 16 giờ 30 phút, ngày 10/3, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng: Biên phòng, dân quân, công an, cùng tham gia chữa cháy tại khu vực rừng tràm. Sau 2 giờ, đám cháy đã được dập tắc, khống chế hoàn toàn, không gây thiệt hại về người và tài sản. Nguyên nhân cháy ban đầu được xác định do một số người dân làm ruộng gần rừng tràm, đốt gốc rạ làm cháy lan ra.
Hiện, các lực lượng tiếp tục khắc phục hậu quả vụ cháy rừng.
Bạc Liêu: Khởi tố vụ án chủ công trình không phép giam giữ cán bộ
Ngày 11/3, theo thông tin từ Công an thành phố Bạc Liêu: Thượng tá Phan Thành Được, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Bạc Liêu vừa ký Quyết định số 44/2023 nhằm khởi tố vụ án hình sự “Giữ người trái pháp luật” xảy ra ngày 23/2/2023 tại khóm 4, phường 7, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, liên quan đến hành vi xây dựng nhà không phép, giam cán bộ thực thi nhiệm vụ.
Căn nhà xây dựng trái phép, nơi diễn ra hành vi giữ người trái pháp luật, đã bị niêm phong.(Nguồn: Báo Bạc Liêu)
Quyết định Khởi tố vụ án hình sự căn cứ tài liệu thu thập có trong hồ sơ vụ “Chống người thi hành công vụ và Giữ người trái pháp luật” xảy ra ngày 23/2/2023 tại khóm 4, phường 7, thành phố Bạc Liêu; cơ quan Cảnh sát điều tra đã xác định có dấu hiệu tội phạm “Giữ người trái pháp luật” quy định tại khoản 2, Điều 157 Bộ luật Hình sự.
Trước đó, khoảng 15 giờ ngày 23/2, Ủy ban Nhân dân phường 7 phối hợp với Phòng Quản lý đô thị thành phố Bạc Liêu tiến hành kiểm tra công trình của ông Đào Chí Tâm đang xây dựng tại thửa đất trên đường Hòa Bình (Phường 7, thành phố Bạc Liêu).
Thực hiện nhiệm vụ được phân công, các thành viên Tổ chốt chặn số 19 đã vào kiểm tra công trình thì bị ông Đào Chí Tâm ngăn cản, không cho vào.
Được sự trợ giúp của lực lượng Công an phường, thành viên của Tổ đã tiến vào bên trong công trình để kiểm tra.
Lúc này, ông Đào Chí Tâm bất ngờ khóa trái cửa, giam ông Nguyễn Trí Nhân (đội viên Đội Quản lý đô thị thành phố Bạc Liêu); ông Nguyễn Hoàng Vương (công chức Địa chính-Xây dựng-Đô thị và Môi trường Phường 7) vào bên trong công trình trước sự chứng kiến của lực lượng chức năng và người dân.
Sau đó, khi lực lượng Công an phường 7 đến hiện trường, can thiệp quyết liệt, ông Đào Chí Tâm mới chịu mở cửa cho hai thành viên Tổ chốt chặn số 19 ra ngoài.
Đây là công trình không có giấy phép xây dựng, để né tránh lực lượng kiểm tra, ông Đào Chí Tâm đã cho dựng cửa tôn phía ngoài, tập kết vật tư phía trong rồi đưa thợ vào để xây dựng; khóa trái cửa bên ngoài, ngăn không cho lực lượng chức năng vào kiểm tra, gây khó khăn trong việc xử lý vi phạm.
Hợp tác phát triển giữa TPHCM với các tỉnh ĐBSCL
Ngày 11/3, tại Bến Tre diễn ra Hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Thu hoạch khóm ở ĐBSCL
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Đỗ Thị Minh Trâm, Phó Cục trưởng Cục Công thương địa phương (Bộ Công thương); cùng lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam, Bến Tre cách TPHCM 86km; ở vị trí trung tâm của tuyến giao lưu kinh tế với TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thông qua hệ thống đường cao tốc TPHCM - Trung Lương - cầu Rạch Miễu - kết nối cầu Cổ Chiên nối với tỉnh Trà Vinh và các tỉnh phía Nam ĐBSCL như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau…, có thể phát huy lợi thế về vị trí địa lý là đầu mối giao thương hàng hóa và trở thành vệ tinh của vùng đô thị TPHCM.
Sau hội nghị, TPHCM sẽ ký biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM và các tỉnh vùng ĐBSCL đến năm 2025 trên các lĩnh vực trọng tâm: Phát triển hạ tầng giao thông; du lịch; kết nối cung – cầu, xúc tiến đầu tư – thương mại; hợp tác thích ứng biến đổi khí hậu; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số..
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.