Tin tức Miền Tây ngày 14/1/2022: Dự án giao thông 'khủng' nào sắp đầu tư ở miền Tây?
Nhiều người dân ở ĐBSCL đang tập trung phục hồi vườn mít Thái sau khi thu hoạch trái. Bởi sau khi thu hoạch trái, cây mít Thái suy yếu và thường bị xì mủ, nếu không phục hồi cây mít Thái sẽ không có khả năng cho trái vào thời gian tới, thậm chí là bị chết cây.
Ông Lê Minh Đạt ở xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ cho hay: "Mặc dù giá mít Thái giảm mạnh nhưng không vì vậy mà bỏ vườn mít không lo. Nếu không chăm sóc ngay sau khi thu hoạch, cây mít sẽ suy yếu rất nhanh và rất khó để phục hồi sau đó". Sau khi thu hoạch trái xong, ông thường phun thuốc dưỡng rễ, sau một thời gian ngắn sẽ bón phân hóa phân thúc cho bộ rễ phát triển mạnh hơn, làm cho cây sung sức, phát triển cành, nhánh.
Giá mít hôm nay ngày 13/1 bất ngờ tăng 1.000 đồng/kg so với hôm qua đối với mít Nhất. Hiện các vựa vẫn mua mít Thái theo kiểu cầm chừng, với số lượng ít.
Tại Tiền Giang, các thương lái vào vườn báo giá mít Thái hôm nay 13/1 như sau: mít Nhất 9.000 đồng/kg (tăng 1.000 đồng/kg so với hôm qua), mít Nhì từ 5.000 đồng/kg, mít Kem lớn 5.000 đồng/kg.
Tại TP Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, các thương lái vào vườn báo giá mít Thái hôm nay như sau: mít Nhất 8.000 đồng/kg (tăng 1.000 đồng/kg so với hôm qua), mít Nhì 4.000 đồng/kg, mít Kem lớn 4.000 đồng/kg.
Hiện mít chợ và mít kem nhỏ được các thương lái mua với giá từ 1.000 - 2.000 đồng/kg, một số nơi, thương lái mua mít xô với giá từ 3.000 - 4.000 đồng/kg. Giá mua tại các vựa cao hơn mức giá trên 2.000 đồng/kg.
Những dự án giao thông "khủng" sắp triển khai ở miền Tây
Ngày 13/1, Sở GTVT tỉnh Hậu Giang, cho biết, lãnh đạo tỉnh và các đơn vị có liên quan vừa có buổi làm việc với chủ đầu tư, đơn vị tư vấn về phương án thiết kế dự án ĐT926B.
Sơ đồ tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (Trần Đề)
Đây là dự án giao thông trọng điểm, kết nối với tuyến Quản lộ Phụng Hiệp, tỉnh Sóc Trăng. Dự án có tổng kinh phí khoảng 1.200 tỷ đồng, đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương. Tổng chiều dài tuyến gần 30 km.
Việc đầu tư xây dựng ĐT 926B mang tính liên kết vùng, liên kết được nhiều địa phương, nhiều tuyến đường quan trọng trong khu vực. Tuyến đường này có chiều dài gần 30 km, quy mô đầu tư đường cấp V đồng bằng, tốc độ thiết kế 40km/h. Tuyến được bố trí đầy đủ hệ thống an toàn giao thông. Trên tuyến có tổng cộng 22 cây cầu.
Đây là dự án mang tính chiến lược trong việc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong khu vực.
Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT cho biết đã ưu tiên gần 8.000 tỷ đồng để đầu tư 6 dự án trọng điểm qua địa bàn Hậu Giang. Bao gồm: dự án cải tạo, nâng cấp mặt đường tuyến Quản lộ - Phụng Hiệp; dự án cải tạo, nâng cấp QL61B đoạn ngã ba Vĩnh Tường - thị xã Long Mỹ; Dự án Cải tạo, nâng cấp QL1A đoạn từ TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng; Dự án Nâng cấp, mở rộng đoạn từ ngã Năm cầu Cần Thơ đến cảng Cái Cui và nâng cấp mặt đường tuyến Nam Sông Hậu.
Ngoài ra, còn có 2 dự án đường bộ cao tốc qua địa bàn tỉnh Hậu Giang là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (Trần Đề).
Theo Bộ GTVT, tuyến đường Nam Sông Hậu đoạn qua tỉnh Hậu Giang dài 9 km, quy mô quy cấp III, 2-4 làn xe. Hiện trạng cơ bản đạt cấp III với 2 làn xe.
Bộ đã tổng hợp dự án nâng cấp, mở rộng đoạn từ ngã Năm cầu Cần Thơ đến cảng Cái Cui và nâng cấp mặt đường tuyến Nam Sông Hậu với tổng mức đầu tư khoảng 1.853 tỷ đồng, trong danh mục các dự án dự kiến sử dụng "Khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu" gửi Bộ KH&ĐT để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó bố trí 509 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng cho dự án từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ.
Đáng chú ý, có 2 dự án đường bộ cao tốc sẽ ưu tiên triển khai sớm nhất. Thứ nhất dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (Trần Đề) dài khoảng 188 km với tổng mức đầu tư “khủng” 52.363 tỷ đồng đi qua 4 tỉnh, thành phố gồm: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng.
Thứ hai là dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau có chiều dài khoảng 109 km có tổng mức đầu tư khoảng 27.253 tỷ đồng. Đây là một trong các dự án thành phần dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông được đề xuất đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2021 - 2025.
Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT trong quá trình triển khai, đặc biệt sớm hoàn tất các thủ tục liên quan để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, đáp ứng tiến độ theo yêu cầu. Theo Báo giao thông
Kỷ luật hàng loạt lãnh đạo TP.Cần Thơ liên quan sai phạm mua sắm thiết bị y tế
Theo thông cáo của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) T.Ư, trong hai ngày 12 và 13.1 tại Hà Nội, UBKT T.Ư đã họp kỳ thứ 11 dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Trần Cẩm Tú đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Cán sự Đảng UBND TP.Cần Thơ nhiệm kỳ 2016 - 2021. UBKT T.Ư nhận thấy, Ban Cán sự Đảng UBND TP.Cần Thơ đã vi phạm nguyên tắc, quy định của Đảng và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để UBND TP và một số tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh, thực hiện dự án đầu tư, cải tạo, nâng cấp bệnh viện; nhiều cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, một số bị xử lý hình sự. Theo UBKT T.Ư, những vi phạm này đã gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thoát lớn ngân sách nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền TP.
Kỳ họp 11 của Ủy ban Kiểm tra T.Ư
UBKT T.Ư quyết định kỷ luật cảnh cáo các ông Võ Thành Thống, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, nguyên Phó bí thư Thành ủy, nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng, nguyên Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ; Lê Văn Tâm, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Phó bí thư Ban Cán sự Đảng, nguyên Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Cần Thơ và cảnh cáo Đảng ủy Sở Y tế TP.Cần Thơ nhiệm kỳ 2015 - 2020.
UBKT T.Ư cũng kỷ luật khiển trách Ban Cán sự Đảng UBND TP.Cần Thơ nhiệm kỳ 2016 - 2021 và các ông, bà: Nguyễn Văn Hồng, Thành ủy viên, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó chủ tịch UBND TP, nguyên Giám đốc Sở KH-ĐT; Hồ Văn Gia, Giám đốc Sở Tư pháp, nguyên Ủy viên Ban Cán sự Đảng, nguyên Chánh văn phòng UBND TP; Lê Dương Cẩm Thúy, nguyên Đảng ủy viên, nguyên Phó giám đốc Sở KH-ĐT TP.Cần Thơ.
UBKT T.Ư cũng quyết định khai trừ ra khỏi Đảng các ông, bà: Lương Tấn Thành và Hồ Phương Quỳnh, cán bộ Ban Quản lý dự án các công trình y tế, Sở Y tế TP.Cần Thơ.
UBKT T.Ư đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật các ông, bà: Bùi Thị Lệ Phi, nguyên Thành ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế; Cao Minh Chu, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Y tế TP.Cần Thơ. UBKT T.Ư cũng yêu cầu Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm và chỉ đạo, xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các vi phạm nêu trên.
Công nhận 10 sự kiện của tỉnh Vĩnh Long năm 2021
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long- Nguyễn Thị Quyên Thanh vừa ký quyết định công nhận 10 sự kiện của tỉnh Vĩnh Long năm 2021. Đồng thời, giao Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan công bố 10 sự kiện.
10 sự kiện của tỉnh Vĩnh Long năm 2021 gồm:
1. Tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 phức tạp nhưng Vĩnh Long đã bầu đủ 6 đại biểu Quốc hội, 50 đại biểu HĐND cấp tỉnh, 259 đại biểu HĐND cấp huyện và 2.713 đại biểu HĐND cấp xã. Số đại biểu HĐND đảm bảo đủ số lượng, đúng cơ cấu thành phần với tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 99,96%. Tình hình an ninh trật tự trước, trong và sau ngày bầu cử được đảm bảo
2. Tổ chức Lễ kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long và khánh thành Nhà bia kỷ niệm thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên tỉnh Vĩnh Long.
Ngày 4/1/2021, tại Vĩnh Long, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ
3. Khởi công dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ.
Tổng mức đầu tư dự án 4.826 tỷ đồng với thời gian thi công 2 năm.
Chiều dài dự án gần 23 km, đi qua tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp. Dự án có điểm đầu tại km107+363,08 (tương đương km107+740, lý trình dự án cầu Mỹ Thuận 2) thuộc địa phận phường Tân Hòa (TP Vĩnh Long). Điểm cuối tại km130+337 (nút giao Chà Và, kết nối QL1 hiện hữu), thuộc địa phận xã Thuận An (TX Bình Minh).
Vĩnh Long tạo môi trường đầu tư ổn định, thuận lợi cho nhà đầu tư.
4. Vĩnh Long đứng đầu “nhóm Tốt” về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Vĩnh Long tạo môi trường đầu tư ổn định, thuận lợi cho nhà đầu tư.
Chỉ số PCI tỉnh Vĩnh Long năm 2020 đạt 69,34, nằm trong nhóm “Tốt”, đứng thứ 6 trong cả nước và đứng thứ 3 khu vực ĐBSCL; kết quả đánh giá chỉ số cải cách hành chính (PAPI) năm 2020, Vĩnh Long đứng thứ 23/63 tỉnh- thành phố, tăng 25 bậc so với năm 2019.
5. Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Kết quả trong 5 năm, tỉnh Vĩnh Long đã có 35.758 tập thể và cá nhân được biểu dương, khen thưởng về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
6. Thể thao thành tích cao Vĩnh Long tiếp tục đạt và vượt chỉ tiêu, khẳng định vị thế trong nước và vươn tầm ra khu vực, thế giới.
Trong năm 2021, tổ chức thành công 2 giải thể thao cấp toàn quốc gồm: Giải vô địch các CLB cầu mây quốc gia; vòng loại bảng B của nam, giải bóng chuyền hạng A quốc gia. Các đội tuyển thể thao của tỉnh tham dự giải thể thao khu vực, toàn quốc và quốc tế đạt 86 huy chương các loại (30 HCV, 28 HCB, 28 HCB).
7. Năm 2021, lần đầu tiên sau nhiều năm, Vĩnh Long có mức tăng trưởng kinh tế âm.
Năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 30.305,3 tỷ đồng, giảm 1,05% so với năm 2020, đây là năm mà tỉnh Vĩnh Long có mức tăng trưởng kinh tế âm, tính từ trước đến nay.
Trong mức giảm chung của nền kinh tế khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 1,36%; khu vực dịch vụ giảm 3,51%.
8. Cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành, người dân, các thành phần kinh tế quyết liệt, đồng lòng, đoàn kết, chung tay cùng Nhà nước phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.
9. Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh góp phần phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng năm 2021. Trong đó, Công an Vĩnh Long triển khai thực hiện có hiệu quả hai dự án lớn “Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” và “cấp căn cước công dân” cho người dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
10. Năm 2021 tỉnh Vĩnh Long thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.
Thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, tỉnh đã hỗ trợ 34.182 người, tổng kinh phí hơn 94,7 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn huy động, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 173 căn, sửa chữa 377 căn nhà tình nghĩa cho người có công, thân nhân người có công gặp khó khăn với tổng trị giá 17.835.000.000 đồng; cất mới và sửa chữa nhà đại đoàn kết với tổng số tiền trên 31 tỷ đồng.
* Thông tin được tổng hợp từ TTXVN và báo địa phương
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.