Tin tức Miền Tây ngày 14/3/2022: Cà Mau công bố chuỗi sự kiện hấp dẫn về văn hóa, du lịch năm 2022

2022-03-14 22:21:26 0 Bình luận

Theo Báo Nhân Dân, các sự kiện nổi bật trong “Cà Mau-Điểm đến 2022” gồm: Lễ Nghinh Ông Sông Đốc; Lễ hội Tri ân Quốc tổ; Ngày hội Bánh dân gian Nam bộ lần II; Sự kiện Hương rừng U Minh; Ngày hội Cua Cà Mau; Lễ Thượng cờ thống nhất non sông; Ngày Hội ẩm thực Đất Mũi; Giải Đất Mũi Marathon-Cà Mau 2022 và Chuỗi sự kiện họp mặt doanh nghiệp và hoạt động phát triển sản phẩm OCOP năm 2022.

Mũi Cà Mau-một trong những địa điểm thiêng liêng của Tổ quốc sẽ diễn ra nhiều sự kiện hấp dẫn trong năm 2022.

Các sự kiện tiêu biểu trong “Cà Mau-Điểm đến 2022” rải đều ở nhiều mốc thời gian trong năm 2022, tại hầu khắp các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là những điểm du lịch nổi tiếng của địa phương mang đậm dấu ấn đặc thù về văn hóa, con người vùng sông nước Cà Mau, như: Mũi Cà Mau, U Minh hạ, Thới Bình thôn… Đặc biệt, trong tháng 4/2022, Cà Mau có 3 sự kiện tiêu biểu, gồm: Lễ hội Tri ân Quốc tổ, Ngày hội Bánh dân gian Nam bộ lần II, Sự kiện Hương rừng U Minh. 

Có lợi thế về vị trí địa lý, văn hóa, tâm linh, truyền thống lịch sử, thiên nhiên, ẩm thực, và con người..., nhưng trong một thời gian dài, khách đến Cà Mau chưa nhiều và chưa chuyên sâu. Khắc phục những hạn chế nêu trên, “Cà Mau-Điểm đến 2022” tiếp nối hàng loạt chuỗi sự kiện nổi bật, giúp khách thập phương đến Cà Mau vào đúng thời điểm với vô số hoạt động để trải nghiệm, khám phá. Qua các sự kiện trên, Cà Mau mong muốn giới thiệu hình ảnh con người và vùng đất mến thương cuối cùng cực nam Tổ quốc với du khách thập phương cả trong và ngoài nước; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp gỡ, kết nối, mở rộng liên kết hợp tác phát triển thương mại, du lịch, thu hút đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh…, góp phần thúc đẩy du lịch Cà Mau phát triển vững chắc trên chặng đường mới. 

Trước đó, vào đầu năm 2021, Cà Mau công bố hàng loạt chuỗi sự kiện trong “Cà Mau-Điểm đến 2021”. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên một số sự kiện phải tạm hoãn hoặc giới hạn số người tham gia. Dẫu vậy, các sự kiện mà Cà Mau đã tổ chức, tuy là lần đầu tiên nhưng được đánh giá là khá thành công, đặc biệt là “Ngày hội Bánh dân gian Nam bộ lần 1; Đua vỏ Composite Cà Mau; Sự kiện Hương rừng U Minh.

Tàu 627 tìm kiếm ngư dân gặp nạn trên biển

Vào lúc 21 giờ ngày 13/3, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang đề nghị Vùng 5 Hải quân hỗ trợ tìm kiếm 1 ngư dân bị rơi xuống biển cách đảo Phú Quốc khoảng 16 hải lý.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Vùng 5 Hải quân đã điều Tàu 627, Hải đội 511, Lữ đoàn 127 đang thực hiện nhiệm vụ tại vùng biển này nhanh chóng cơ động đến vị trí ngư dân gặp nạn.

Tàu 627 cơ động tìm kiếm ngư dân bị nạn sáng 14/3.

23 giờ 5 phút, Tàu 627 đến vị trí được thông báo, khẩn trương phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang và các tàu cá của ngư dân tìm kiếm người bị nạn. Do điều kiện đêm tối, biển động nên công tác tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn. Các lực lượng đã tổ chức tìm kiếm xuyên đêm nhưng chưa thấy.

Hiện tại, công tác tìm kiếm ngư dân bị nạn vẫn đang được cán bộ, chiến sĩ Tàu 627 và các lực lượng tích cực thực hiện.

Theo Quân Đội Nhân Dân

Đồng Tháp: Anh Hồ Việt Cường sở hữu nhiều cây hoa trang độc, lạ

Theo Báo Đồng Tháp, với niềm đam mê hoa trang, anh Hồ Việt Cường (44 tuổi) ngụ khóm Tân Huề, phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc không ngừng sưu tầm, nhân giống, lai tạo các loại hoa trang. Hiện tại, anh sở hữu khu vườn hoa trang với hơn 10 ngàn cây, có cây hàng chục năm tuổi, dáng thế độc đáo và giá trị hơn 100 triệu đồng.

Cây hoa trang rễ xoắn nổi trên mặt chậu là một trong những sản phẩm độc đáo trong vườn của anh Cường. Ảnh: Ngọc Duy

Anh Cường cho biết, anh gắn bó với nghề trồng hoa trang gần 30 năm, ban đầu chỉ trồng vài loại thông thường trong chậu nhỏ, sau anh chuyển sang trồng nhiều giống và tạo dáng với nhiều kích thước khác nhau để tạo sự đa dạng cung ứng cho khách hàng.

Hiện nay, tùy vào chủng loại, kích thước mà hoa trang trong vườn anh Cường được bán với giá từ vài chục ngàn đồng đến hơn 100 triệu đồng mỗi cây. Để có được những cây hoa trang đẹp, như ý muốn, ngoài việc tự trồng và tạo dáng, anh Cường còn đi nhiều nơi săn tìm những cây có dáng thế độc lạ để làm tăng thêm sức hấp dẫn cho khu vườn của mình. Đơn cử như cây trang mỹ hồng ở trong vườn anh, ngoài việc có tàn lớn, tuổi thọ cao hơn 40 năm thì cây còn sở hữu 1 bộ rễ xoay tròn hiếm gặp mà anh phải  đến tận Cà Mau mua về, hiện cây này có giá bán hơn 130 triệu đồng. Hay cây trang ghép đột biến có chiều cao hơn 5m cũng thuộc dạng hiếm có, được anh mua từ TP Cần Thơ, giá bán hiện nay là trên 160 triệu đồng. Ngoài ra, trong vườn của anh còn có hàng chục cây hoa trang khác, giá dao động vài chục triệu đồng mỗi cây. Theo anh Cường, cây hoa trang không khó trồng nhưng đòi hỏi kỹ thuật, tùy theo chủng loại và yêu cầu của khách hàng mà có cách xử lý và tạo dáng khác nhau. Bên cạnh dáng đẹp thì việc xử lý để cây ra hoa cũng là một trong những yếu tố làm tăng lên giá trị cho cây. Anh Cường chia sẻ, muốn cây ra hoa đồng loạt thì cần cắt cơi để xử lý, sau 20 ngày cắt đọt, cây sẽ ra hoa, thời gian mỗi đợt ra hoa kéo dài khoảng 1 tháng. Ngoài các giống trang thông thường thì trang đột biến cũng là một trong những giống đang được thị trường ưa chuộng bởi màu hoa lạ, bắt mắt. Tuy nhiên, việc nhân giống các giống trang đột biến đòi hỏi sự kỳ công hơn. Anh Cường bộc bạch: “Hoa trang đột biến thì khó làm hơn trang thông thường vì loại này hiếm và nhân giống cũng lâu hơn, những giống trang thông thường chỉ cần 1 năm là có thể bán, nhưng với trang đột biến thì thời gian phải lâu hơn, từ 1 năm rưỡi trở lên. Tuy vậy, giá trị của cây đột biến thường cao hơn nhiều so với những cây thông thường”.

Được biết, các tác phẩm hoa trang trong vườn anh Cường từng tham dự các hội thi về sinh vật cảnh và đạt nhiều giải cao. Có thể thấy, với niềm đam mê và không ngừng sáng tạo, anh Cường đã tạo cho mình bộ sưu tập những cây hoa trang có giá trị. Qua đó, góp phần tăng thu nhập kinh tế cho gia đình và giúp cho bức tranh Làng hoa Sa Đéc thêm phần đa dạng, tạo sức hút với người yêu hoa kiểng khi đến thành phố hoa.

Về Rạch Núi - Dưới tán Cây di sản nghe kể chuyện lịch sử một vùng

Theo Báo Long An, hầu hết các di tích khảo cổ thường là những khu đất trống, bởi mọi giá trị của di tích được bảo vệ vẹn nguyên bên trong lòng đất hoặc được khai quật, đưa về trưng bày, nghiên cứu tại các bảo tàng. Tuy nhiên, với di tích khảo cổ Rạch Núi lại khác - một di tích khảo cổ có thể khai thác nhằm phát triển du lịch và nghiên cứu lịch sử.

Giữ gìn cây di sản

Trước những đổi thay của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn, nhiều vùng quê vẫn giữ được những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, được vinh danh là Cây di sản Việt Nam. Qua năm tháng, những cây di sản nơi làng quê ấy không chỉ góp phần tạo cảnh quan, giá trị sinh thái mà còn là chứng nhân lịch sử, nét đẹp văn hóa, niềm tự hào của bao thế hệ.

Từ bao đời nay, hình ảnh những cây me đứng sừng sững xung quanh khuôn viên Tổ đình Linh Sơn, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An trở nên rất đỗi gần gũi, thân quen và là một phần không thể thiếu trong tâm trí của mỗi người dân nơi đây. Tổ đình Linh Sơn - chùa Núi nằm trên khu gò nhỏ cao hơn mặt đất tự nhiên 6m. Gò được bao bọc bởi con rạch nhỏ gọi là Rạch Núi nên người dân địa phương gọi khu gò là Gò Núi Đất. 

1 trong 10 cụm cây me di sản tại Tổ đình Linh Sơn bị gãy nên được được chùa tìm cách bảo vệ

Nhìn thân cây xù xì in đậm dấu ấn thời gian, Chủ tịch UBND xã Đông Thạnh - Huỳnh Trung Hậu cho biết, tháng 02/2018, cụm 10 cây me cổ thụ tại Tổ đình Linh Sơn được công nhận Cây di sản Việt Nam. Đây là niềm tự hào rất lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã. 10 cây me tuổi đời khoảng 300 năm đều có vóc dáng gần giống nhau, một thân thẳng đứng, tỏa bộ rễ nổi trên mặt đất. Những cây me này gắn liền với ngôi chùa cổ và tín ngưỡng tâm linh từ nhiều đời nay.

Trải qua nhiều thế kỷ mà con cháu đời sau vẫn được hưởng bóng mát từ cây. Đó là những giá trị to lớn mà những thế hệ đi trước đã gìn giữ, phát huy để lại cho muôn đời sau. Cụm cây me cổ thụ chùa Núi đều mang sắc thái văn hóa tâm linh, được cư dân quý trọng, bảo vệ.

Tại Long An, hầu hết Cây di sản Việt Nam đều mọc gần đình, chùa, miễu - những nơi thờ tự tín ngưỡng, tâm linh của dân tộc. Theo Hòa thượng Thích Huệ Bạch - Viện chủ chùa Núi, việc vinh danh cho 10 cây me dựa vào luận cứ khoa học độ tuổi, chiều cao, độ to của cây. Đây là những cây được chùa Núi, người dân chăm sóc, gìn giữ, có tuổi thọ hàng trăm năm. Những cây me cổ thụ này được chùa rất trân trọng, bảo vệ, xem như bảo vật vì nó tôn nên sự cổ kính cho chốn tôn nghiêm này. “Tuy nhiên, việc chăm sóc, giữ gìn những cây me này còn gặp khó. Thời gian trước, cây me to nhất, đẹp nhất trong cụm 10 cây me này bị sét đánh gãy. Sau đó, chúng tôi xin ý kiến của lãnh đạo huyện Cần Giuộc được chặt một phần ngọn để bảo vệ nó” - Viện chủ nói.

Trong khuôn viên chùa có khoảng 10 cây me trên dưới 100 năm tuổi được công nhận là cây di sản

Việc vinh danh Cây di sản Việt Nam nhằm thể hiện lòng biết ơn đối với các di sản của tiền nhân. Qua đó, khơi dậy sức mạnh của cộng đồng về ý thức bảo vệ môi trường, niềm tự hào tài nguyên thiên nhiên; đồng thời, quảng bá hoạt động du lịch, nét đẹp về văn hóa, lịch sử gắn với đời sống của cộng đồng dân cư. Vì vậy, mong rằng mọi người cùng tiếp tục gìn giữ những cây cổ thụ được công nhận di sản.

Khu đất mang giá trị đặc biệt về khảo cổ học

Còn chùa Núi - ngôi chùa cổ tại Cần Giuộc, được thành lập từ năm 1867, có kiến trúc hình chữ tam, sơn màu vàng hoài cổ. Cũng như những ngôi chùa khác, chùa Núi mang những nét nổi bật của chùa chiền Nam bộ. Chùa nằm trên đỉnh gò nên khách viếng thăm không khỏi ngạc nhiên, thú vị khi bước từng bậc thang trên sườn dốc thoai thoải, cảm giác như đang ở vùng đồi núi. Đây còn là một địa chỉ đỏ ở địa phương.

Trong suốt những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chùa Núi là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng, nơi tập trung lực lượng, xuất phát đánh địch. Chùa còn là nơi liên lạc của du kích liên xã Đông Thạnh - Tân Lập. 

Hình vẽ các di vật được tìm thấy tại khu di chỉ Rạch Núi

Ngoài ra, ngôi chùa còn mang một giá trị đặc biệt khác khi tọa lạc trên khu đất có ý nghĩa về mặt khảo cổ học. Gò Rạch Núi là một di chỉ khảo cổ quan trọng, có ý kiến cho rằng có thể xếp di chỉ Rạch Núi thành một tầng văn hóa riêng là “văn hóa Rạch Núi” bởi những điểm khác biệt nổi bật tại khu vực này so với các tầng văn hóa khác: Văn hóa Đồng Nai, văn hóa tiền sử Đông Nam bộ,... Rạch Núi được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1937. Năm 1978, Sở Văn hóa - Thông tin Long An (nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) tiến hành khai quật di tích với khoảng diện tích 60m2 thuộc phần sân trước của chùa Núi, thu được 300 hiện vật, gồm đá, xương, gốm.

Rạch Núi được đánh giá là di chỉ có tầng văn hóa dày nhất với gần 5m. Trong khi đó, di chỉ khảo cổ học dọc sông Đồng Nai chỉ có tầng văn hóa dày 0,6 - 0,7m, di chỉ An Sơn có tầng văn hóa gần 4,5m. Điều đó minh chứng sự có mặt sớm của cư dân bản địa tại Đồng bằng sông Cửu Long. Một số giả thiết còn cho rằng, có thể thời điểm đó, cư dân Rạch Núi ngoài săn bắt đã bắt đầu chăn nuôi. Có nhiều tranh luận và giả thuyết xung quanh di chỉ khảo cổ Rạch Núi khiến di tích này có giá trị đặc sắc. 

Những hiện vật khai quật được tại di chỉ Rạch Núi đang được bảo quản đầy đủ và nguyên vẹn tại các bảo tàng. Sau khi khai quật, các tầng văn hóa được bảo tồn, không bị xâm phạm, di vật vẫn còn được lưu giữ trong tầng văn hóa. Đến thăm chùa Núi trong không gian thanh tịnh dưới bóng cây di sản và nghe câu chuyện kể về việc “hé bức màn” đời sống của những cư dân đầu tiên trên chính nơi mình đứng chắc hẳn sẽ mang đến những trải nghiệm thú vị cho khách viếng thăm.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

Tại Hội nghị Geneve, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kiên định với lập trường: "Đi tới một giải pháp hoàn chỉnh là đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương".
2024-04-27 19:43:25

Triển lãm ảnh những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử

Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp cùng Bảo tàng chiến thắng B52 và Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam vừa tổ chức triển lãm ảnh với chủ đề “Việt Nam - những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử Thế giới”.
2024-04-27 01:13:48

Khai mạc Lễ hội Du lịch Hà Nội 2024

Tối 26/4, tại Công viên Thống Nhất, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch Hà Nội đã tổ chức Khai mạc Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024.
2024-04-26 23:56:34

SHB tăng tốc chuyển đổi, lợi nhuận quý I năm 2024 cao nhất lịch sử

Năm 2024, SHB đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 11.286 tỷ đồng, cao hơn 22% so với năm trước. Với chiến lược chuyển đổi 2024 - 2028, SHB xác lập mục tiêu TOP 1 về hiệu quả, khẳng định vị thế định chế tài chính hàng đầu, vươn tầm khu vực.
2024-04-26 18:33:29

Hoa Kỳ và tỉnh Cà Mau khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật

Ngày 25/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lễ khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật do USAID tài trợ được triển khai trên địa bàn tỉnh.
2024-04-26 12:27:06
Đang tải...