Tin tức Miền Tây ngày 2/1/2022: Du lịch Vĩnh Long hậu Covid-19

2022-01-02 23:00:00 0 Bình luận
Tỉnh Cà Mau chủ trương tạm dừng nhiều hoạt động họp mặt, mừng Tết nhưng các phần quà Tết sẽ được ưu tiên chuyển đến tận tay, bảo đảm người dân thuộc nhóm yếu thế và các đối tượng trong diện chính sách ai cũng có Tết.

Theo báo Nhân Dân, chiều 2/1, Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau Nguyễn Xuân Tình cho biết, UBND tỉnh vừa phê duyệt kế hoạch tổ chức Tết Nguyên đán 2022.

Do dịch bệnh, nhiều hoạt động thăm, tặng quà trực tiếp như Tết năm 2021 sẽ không diễn ra đại trà vào Tết 2022 ở Cà Mau.

Do tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến khá phức tạp nên Tết Nguyên đán năm nay, Cà Mau chủ trương tạm dừng nhiều hoạt động thăm viếng, họp mặt quan trọng, như: Họp mặt đồng hương tại thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Cần Thơ; họp mặt báo chí mừng Đảng, mừng Xuân; họp mặt doanh nghiệp; thăm và chúc Tết tại Vườn quốc gia U Minh hạ, các đơn vị quản lý và bảo vệ rừng, cảnh sát biển, hải quân, Trung đoàn bộ binh 896; thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và các lực lượng đứng chân trên đảo Hòn Khoai và Hòn Chuối, Trung tâm Bảo trợ xã hội, Làng trẻ em SOS, Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi Nhân ái, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh…

Một số hoạt động được tổ chức nhưng Cà Mau chủ trương hạn chế thành phần, số lượng người tham gia, gồm: Chúc Tết cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các đảo thuộc vùng biển Tây Nam; thăm các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; thăm căn cứ Tỉnh ủy tại Lung Lá-Nhà Thể (Cái Nước) và Xẻo Đước (Phú Tân).

Tuy tạm ngừng và hạn chế một số hoạt động họp mặt nhưng lãnh đạo tỉnh Cà Mau vẫn ưu tiên đến thăm, tặng quà động viên tại các cơ sở y tế, nhất là tại những nơi đang điều trị bệnh nhân Covid-19, kể cả những cơ sở điều trị tuyến huyện, cũng như các gia đình có người thân tử vong do nhiễm Covid-19 nhưng có hoàn cảnh khó khăn. 

Thường trực Tỉnh ủy Cà Mau giao các cơ quan phụ trách, các địa phương tiến hành gửi quà, thư chúc mừng năm mới đến các đơn vị, tổ chức nêu trên nhằm khích lệ tinh thần, đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, hạnh phúc, vui Xuân nhưng không quên nhiệm vụ.

Đón Tết Nguyên đán 2022, Cà Mau dành một phần ngân sách gần 40 tỷ đồng cho các hoạt động thăm, tặng quà, hỗ trợ thêm khẩu phần ăn cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 đang điều trị. Trong đó, đối tượng người có công sẽ được hỗ trợ từ tỉnh và Trung ương từ 500.000-900.000 đồng/người; hộ nghèo được hỗ trợ 400.000 đồng/hộ, 350.000 đồng/hộ cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội được hỗ trợ tiền ăn 3 ngày và 3 bộ đồ mới, quy ra tiền là 600.000 đồng/người; đối tượng cai nghiện và đối tượng xã hội tại các trung tâm được hỗ trợ mức 300.000 đồng/người; mỗi trạm y tế, nơi điều trị Covid-19 ở cơ sở được hỗ trợ tiền và quà tương đương 6 triệu đồng…

Long An: Triển khai Chương trình Phát triển sản phẩm Quốc gia giai đoạn 2021 - 2030

Dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2030, Long An sẽ có 5 sản phẩm chủ lực của địa phương đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn quốc gia để bổ sung xem xét vào danh mục sản phẩm quốc gia.

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất khổ qua​​​​​​​

Theo UBND tỉnh Long An, việc lựa chọn sản phẩm quốc gia dựa trên cơ sở các sản phẩm chủ lực, trọng điểm của địa phương (sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, hàng Việt Nam chất lượng cao, sản phẩm mang thương hiệu quốc gia,…), sản phẩm các ngành, lĩnh vực khác có khả năng đáp ứng tiêu chí, đề xuất xem xét, bổ sung danh mục quốc gia.

Việc lựa chọn, hỗ trợ phát triển các sản phẩm trọng điểm, ưu tiên, chủ lực đáp ứng các yêu cầu: Sản xuất ứng dụng công nghệ tiên tiến, có khả năng đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; có quy mô lớn, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao, có khả năng thay thế hàng hóa nhập khẩu hoặc mang lại giá trị xuất khẩu, có tác động tích cực đối với phát triển KT - XH hoặc quốc phòng - an ninh; phát huy được các lợi thế về nhân lực, tài nguyên và điều kiện tự nhiên của Việt Nam, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững của các ngành, lĩnh vực.

Tỉnh tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về tiêu chuẩn hóa năng suất, chất lượng, mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, sở hữu trí tuệ và ứng dụng, chuyển giao đổi mới công nghệ cho cán bộ quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác. Ngành chức năng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về kỹ năng phát triển chất lượng sản phẩm cho cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp và người lao động; kỹ năng cho các chuyên gia, giảng viên về nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Mỹ Thạnh (xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa) - Nguyễn Quốc Cường cho rằng: Việc tập huấn kỹ năng chuyên môn cho thành viên HTX là yếu tố rất quan trọng, nhất là liên kết sản xuất với đối tác.

Sản phẩm trái cây sấy khô của Công ty H&G, xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa

Được biết, Long An hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao trình độ của đội ngũ nhân lực nghiên cứu, nhân lực kỹ thuật, quản trị doanh nghiệp đủ năng lực ứng dụng, làm chủ các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, kỹ năng quản lý thông qua các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng trong quá trình triển khai các nhiệm vụ thuộc chương trình. Trong những năm 2019, 2020, 2021, Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh gần 500 triệu đồng để thành viên HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau màu.

Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ cho biết: Các sản phẩm tiêu biểu của Long An gồm: Gạo Nàng Thơm Chợ Đào, gạo Huyết Rồng, nếp Long An, thanh long, chuối Fohla, dưa hấu, chanh không hạt, đậu phộng Đức Hòa, khóm (dứa) Bến Lức, mắm chua lia thia Đức Huệ, ổi Đức Hòa, bánh tét Thủ Thừa, cốm ngò Cần Giuộc và trống Bình An. Sở Công Thương phối hợp Cty TNHH San Hà tổ chức quảng bá sản phẩm tiêu biểu của tỉnh. Có 15 doanh nghiệp và HTX cùng San Hà ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm.

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương đang xúc tiến thẩm tra các sản phẩm chủ lực tiêu biểu của Long An nhằm phát triển các sản phẩm tỉnh nhà đạt danh mục sản phẩm quốc gia.

Mục tiêu cụ thể:

100% doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tỉnh sản xuất, phát triển sản phẩm quốc gia được tiếp cận thông tin, chính sách hỗ trợ, ưu đãi, trong đó đến năm 2025 đạt 30% doanh nghiệp, tổ chức được tiếp cận, hưởng các chính sách để phát triển sản xuất, kinh doanh và đến năm 2030 sẽ đạt trên 50%. Hình thành, phát triển tối thiểu 5 sản phẩm chủ lực địa phương đáp ứng tiêu chí sản phẩm quốc gia để được xem xét, bổ sung vào danh mục sản phẩm quốc gia.

Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng tiếp nhận 2 ngư dân gặp nạn trên biển

Thông tin từ Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng, vào lúc 18 giờ ngày 1/1, tàu ST 92567 TS của ông Phạm Văn Mẫm, ở ấp Cảng, thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) đã đưa 2 ngư dân gặp nạn trên biển vào bờ và bàn giao cho Đồn Biên phòng Trung Bình, Bộ đội Biên phòng tỉnh.

Tàu chở 2 ngư dân được cứu nạn cập cảng Trần Đề. (Ảnh do Bộ đội biên phòng Sóc Trăng cung cấp)​​​​​​​

Trước đó, lúc 2 giờ ngày 30/12/2021, tàu cá CT 90299TS đang từ cảng cá Trần Đề ra Côn Đảo, đến vị trí cách cảng cá Trần Đề khoảng 29 hải lý thì gặp sóng to, gió lớn dẫn đến bị chìm.

Tàu do ông Đặng Ngọc Thành, sinh năm 1966, làm thuyền trưởng và có một thuyền viên là ông Đặng Ngọc Tiền Em, sinh năm 1972, cả 2 đều có hộ khẩu thường trú tại ấp Cảng, thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề).

Hai ngư dân trên đều mặc áo phao và lênh đênh trên biển chờ cứu nạn nhiều giờ liền.

Sau khi nhận được tin báo, Đồn biên phòng Trung Bình, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng đã thông báo cho các phương tiện đang hoạt động trên biển tổ chức tìm kiếm, cứu nạn.

Đến 13 giờ 30 phút ngày 31/12, tàu cá BL 91368TS do anh Trần Văn Thủy, sinh năm 1979, hộ khẩu thường trú tại phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu làm thuyền trưởng đã tiếp cận, hỗ trợ đưa 2 ngư dân lên tàu.

Đến 17 giờ cùng ngày, tàu cá BL 91368TS đã bàn giao 2 ngư dân trên cho tàu ST92567TS chở về cập cảng cá Trần Đề và bàn giao cho Đồn biên phòng Trung Bình vào lúc 18 giờ ngày 1-1-2022.

Sau khi tiếp nhận, đơn vị biên phòng đã cử lực lượng quân y thăm khám sức khỏe ban đầu cho 2 người gặp nạn.

Hiện sức khỏe của 2 người này đã ổn định, do vậy đơn vị đang tiến hành các thủ tục bàn giao 2 người cho gia đình.

Trà Vinh: Thắt chặt liên kết, tăng hiệu quả hợp tác xã nông nghiệp

Theo báo Trà Vinh, sau gần 10 năm thực hiện mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới, khu vực kinh tế tập thể của tỉnh đã có nhiều chuyển biến. Các HTX nông nghiệp từng bước thích nghi với cơ chế thị trường, biết "thắt chặt" liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ, giúp nâng cao giá trị nông sản, đầu ra ngày càng ổn định hơn.

Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Long Hiệp Trầm Minh Thuần (thứ 2 từ phải qua) cùng các xã viên, cán bộ xã Long Hiệp thăm ruộng lúa sắp thu hoạch. 

Điển hình như HTX nông nghiệp Long Hiệp (huyện Trà Cú) trồng lúa hữu cơ trên diện tích 130 ha. Tuy chỉ mới thành lập năm 2018, nhưng nhờ hoạt động đúng bản chất Luật HTX 2012, làm tốt liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nên từ 52 thành viên ban đầu với vốn điều lệ 700 triệu đồng, đến nay HTX đã có 72 thành viên với tổng vốn điều lệ hơn 2,8 tỷ đồng. Lợi nhuận bình quân của thành viên tăng thêm 1,8 triệu đồng/vụ/ha so với trước khi tham gia HTX.

Khát vọng đưa hạt gạo quê nhà vươn xa sánh tầm khu vực và thế giới, thanh niên trẻ Trầm Minh Thuần, sinh năm 1993, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Long Hiệp chia sẻ, để nâng cao giá trị lúa hàng hóa địa phương, HTX đã mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất truyền thống của thành viên. Bắt đầu từ khâu chọn giống đến quy trình canh tác và thu hoạch đều được thực hiện theo tiêu chuẩn an toàn nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nông sản sạch của thị trường. Sau khi sản phẩm đạt chuẩn, HTX bắt đầu tập trung xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng kênh phân phối.

Đến nay, sản phẩm gạo hữu cơ Hạt Ngọc Rồng của HTX đã có mặt hầu hết trên các sàn thương mại điện tử, các kênh giao dịch online, chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn, chuỗi cửa hàng OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) khắp cả nước. Đây là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh,  được Cục Công thương địa phương (Bộ Công thương) công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực năm 2020. Sản phẩm cũng đạt giải khuyến khích tại cuộc thi "Gạo ngon thương hiệu Việt" của  Festival Lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long lần IV năm 2019.

Theo anh Trầm Minh Thuần, từ khi thành lập đến nay, HTX được tiếp cận rất nhiều chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương để đầu tư máy móc thiết bị, nhà xưởng, bảo hộ thương hiệu, xúc tiến thương mại. Cụ thể, HTX được hỗ trợ 600 triệu đồng để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, 320 triệu đồng mua máy đóng gói tự động. Bên cạnh đó, HTX còn được hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi 120 triệu đồng và được hỗ trợ 300 triệu đồng xây dựng bộ thương hiệu... Các chính sách này là "cú hích" giúp HTX hoạt động hiệu quả như hiện nay.

HTX nông nghiệp Rạch Lọp được thành lập vào cuối năm 2016, hiện có 519 thành viên, với tổng vốn điều lệ hơn 01 tỷ đồng, có tổng diện tích sản xuất 430 ha; trong đó diện tích đất trồng lúa 308 ha, phần diện tích còn lại trồng dừa, màu và nuôi thủy sản.

Ông Huỳnh Đăng Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp Rạch Lọp cho biết, ngay từ khi mới thành lập, Ban Quản trị HTX đã nghiên cứu kỹ Luật HTX 2012 để áp dụng vào hoạt động đơn vị; trong đó, luôn đặt lợi ích thành viên lên cao nhất. Mỗi năm HTX cung cấp cho thị trường từ 2.000 - 2.500 tấn lúa.

Nhờ làm tốt liên kết từ cung ứng vật tư đầu vào giá thấp cho thành viên đến bao tiêu sản phẩm với giá luôn cao hơn thị trường tại địa phương từ 20-50 đồng/kg lúa thương phẩm, nên thu nhập của thành viên tăng thêm đáng kể. Hàng năm, HTX đã đem lại thu nhập tăng thêm cho thành viên từ 500 - 750 triệu đồng.

Thành lập năm 2014, HTX Phú Mỹ Châu (huyện Châu thành) cũng là một trong số HTX tạo được chuỗi giá trị gia tăng cao trong sản xuất. Hơn 06 năm hoạt động, thành viên HTX đã tăng gấp 4 lần, vốn điều lệ tăng hơn 17 lần, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 60 lao động địa phương.

Ông Trần Văn Công, Giám đốc HTX nông nghiệp Phú Mỹ Châu cho biết, mô hình HTX kiểu mới mang lại nhiều kết quả tích cực trong sản xuất, giúp  liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân và doanh nghiệp được thắt chặt. HTX hiện có 47ha sản xuất lúa giống và 223ha sản xuất lúa chất lượng cao. Tham gia HTX, thành viên được hướng dẫn quy trình sản xuất lúa giống hoặc lúa thương phẩm. Cuối vụ, toàn bộ sản phẩm của thành viên HTX đều được doanh nghiệp bao tiêu.

Toàn tỉnh hiện có 175 HTX và 01 Liên hiệp HTX, với tổng vốn điều lệ hơn 172 tỷ đồng, có gần 30.000 thành viên; trong đó, có 131 HTX nông nghiệp.

Ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước. HTX có vai trò đặc biệt quan trọng, là cầu nối để thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, hướng đến nền nông nghiệp bền vững.

Thực tế cho thấy, số HTX nông nghiệp tham gia liên kết sản xuất gắn với chuỗi giá trị trên địa bàn còn khá "khiêm tốn".  Để phát triển HTX nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị, ngành nông nghiệp, Trà Vinh đang đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng các mô hình HTX liên kết với doanh nghiệp để sản xuất nông sản theo chuỗi; đồng thời vận động nông dân tích tụ ruộng đất để liên kết với doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung.

Tỉnh cũng khuyến khích HTX tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm, ưu tiên các sản phẩm mới, sản phẩm chế biến, chế biến sâu, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế, tiềm năng của địa phương.

Thời gian tới, tỉnh sẽ lựa chọn ít nhất 05 HTX hoặc Liên hiệp HTX hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp tham gia Đề án Phát triển HTX nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh. Sau đó, tổng kết đánh giá mô hình để nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh.

Ngành Du lịch Vĩnh Long vượt khó trong tình hình mới

Theo TTXVN, năm 2021 ngành Du lịch tỉnh Vĩnh Long tiếp tục đối mặt khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19. Sau thời gian dài phải ngưng đón khách để thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn bị mất nguồn thu. Dù còn nhiều khó khăn nhưng trong bối cảnh tình hình mới, một số cơ sở đã có bước khởi động trở lại, chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón du khách đến tham quan trên tinh thần đảm bảo an toàn với dịch COVID-19. 

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn xác định, trong giai đoạn phục hồi này, khách hàng nội địa là đối tượng chính, đồng thời hướng đến việc xây dựng những sản phẩm du lịch mới, cải thiện sản phẩm hiện có phù hợp với nhu cầu của du khách, thích ứng trong điều kiện bình thường mới.

Khu sinh thái và khu trò chơi trải nghiệm tại Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng homestay Hoàng Hảo, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: baovinhlong.com.vn

Du lịch lao đao vì đại dịch

Với sự bùng phát mạnh mẽ của dịch COVID-19 trong năm 2021, ngành Du lịch tỉnh Vĩnh Long tiếp tục phải đối mặt nhiều khó khăn. Ước tổng lượt khách năm 2021 đạt 397.000 lượt, giảm 40% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó lượng khách đến du lịch chủ yếu tập trung trong 6 tháng đầu năm với hơn 360.000 lượt. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch, một số cơ sở, kinh doanh dịch vụ du lịch phải ngưng hoạt động hoàn toàn, số còn lại nỗ lực cầm cự, chuyển hướng kinh doanh để giữ chân người lao động, duy trì chờ thời cơ phục hồi trở lại.

Anh Lê Hồng Phú, chủ cơ sở du lịch Phương Thảo Homestay (xã An Bình, huyện Long Hồ) cho biết, gần 2 năm qua, trong đó cao điểm là hơn 6 tháng cuối năm 2021, cơ sở hoàn toàn bị "tê liệt" không thể đón khách, để thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch. Khách du lịch không có, trong khi cơ sở vật chất phải bảo trì thường xuyên, lực lượng lao động cũng rơi vào cảnh mất việc. Với hy vọng dịch bệnh sớm được kiểm soát, ngành Du lịch từng bước phục hồi, anh thường xuyên chăm sóc cảnh quan, duy tu sửa chữa những nơi hư hỏng, theo dõi tình hình để sẵn sàng đón khách khi đủ điều kiện an toàn.

Cơ sở Mekong Riverside Homestay (xã An Bình, huyện Long Hồ) phải tạm ngưng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh, hầu hết nhân công tại cơ sở đều tạm nghỉ việc. Anh Nguyễn Ngọc Sang, chủ cơ sở và cùng vợ phải thường xuyên chăm sóc vườn cây, duy tu bảo quản khuôn viên homestay để giữ cảnh quan, hạn chế hư hại phải tái đầu tư.

Trước những ảnh hưởng của dịch COVID-19, anh Nguyễn Ngọc Sang chọn chuyển hướng từ việc kinh doanh du lịch sang kinh doanh sản phẩm đặc sản du lịch đã từng khai thác, gắn kết với các hoạt động du lịch sinh thái như trái cây, rau vườn, tôm cá đánh bắt từ ghe cào… Nhờ tận dụng hiệu quả các đầu mối khách du lịch quen thuộc đã từng trải nghiệm sản phẩm, cùng với quảng bá trên các trang mạng, cơ sở đã thu hút một lượng khách ổn định tiêu thụ các sản phẩm đặc sản, đem lại nguồn thu nhập tạm thời trong thời gian chờ ngành phục hồi.

Chủ cơ sở Mekong Riverside Homestay Nguyễn Ngọc Sang cho biết: "Cơ sở có một địa thế đắc địa là nằm ngay đoạn sông có nhiều loại cá, hướng ra làng bè, trước đây đã triển khai các dịch vụ giăng lưới, câu cá trên sông rồi tự chế biến thức ăn, nhiều khách rất thích thú. Tận dụng lợi thế này, trong thời gian tạm ngưng việc kinh doanh du lịch, tôi liên kết giới thiệu các sản phẩm cá sông, tôm sông mà khách từng thưởng thức, kết hợp thêm các loại trái cây vườn… để tiêu thụ. Nhờ đó mà có thêm thu nhập, đồng thời quảng bá được những đặc sản gắn với các chương trình, sản phẩm du lịch đặc trưng của cơ sở mình".

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Phan Văn Giàu, đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng lớn đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn. Tỉnh đã nỗ lực giải quyết các chế độ, chính sách để hỗ trợ người lao động trong ngành gặp khó khăn do dịch bệnh. Trong bối cảnh ngành Du lịch đang chuẩn bị các điều kiện để đón khách trở lại, ngành cũng đối thoại với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch để tìm hiểu những khó khăn, tâm tư, nguyện vọng, qua đó lắng nghe cơ sở hiến kế để phục hồi trong trạng thái bình thường mới. Qua trao đổi, đa số các doanh nghiệp sẵn sàng khởi động lại các hoạt động du lịch, tuy nhiên gánh nặng hiện nay là thiếu kinh phí đầu tư phục hồi, thiếu nguồn nhân lực phục vụ du khách. Vì thế, Sở đang tích cực tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét những chính sách phù hợp để hỗ trợ phục hồi du lịch, phối hợp các sở, ngành đẩy nhanh thực hiện chế độ chính sách, đồng thời tích cực hướng dẫn doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để hoạt động hiệu quả, đảm bảo thu hút khách nhưng vẫn an toàn trong tình hình dịch COVID-19.

Linh hoạt phục hồi trong tình hình mới

Để việc phục hồi du lịch gắn với đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã ban hành kế hoạch phục hồi hoạt động ngành Du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch COVID-19 giai đoạn cuối năm 2021 và năm 2022. Kế hoạch xác định lộ trình, giải pháp từng bước phục hồi hoạt động du lịch tỉnh Vĩnh Long thông qua ba giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1, từ tháng 11/2021 đến ngày 31/12/2021, tỉnh tập trung khôi phục hoạt động du lịch nội vùng đối với địa bàn vùng xanh (cấp độ 1), vùng vàng (cấp độ 2). Giai đoạn 2, từ ngày 31/12/2021 đến ngày 30/4/2022, tỉnh sẽ mở hoạt động du lịch nội vùng và liên tỉnh theo tiến trình kiểm soát dịch bệnh của các địa phương. Giai đoạn 3, từ ngày 1/5/2022 đến ngày 31/12/2022, dự kiến tỉnh mở hoạt động du lịch nội vùng, liên tỉnh và quốc tế theo tiến trình kiểm soát dịch bệnh của các địa phương, quốc gia.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long tập trung kiểm tra, thẩm định điều kiện hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Thông qua thẩm định, lực lượng chức năng đã hướng dẫn các cơ sở xây dựng, điều chỉnh kế hoạch phòng, chống dịch và phương án xử trí khi có các trường hợp mắc COVID-19 theo đúng quy định, sẵn sàng cho việc mở cửa đón khách trở lại sau thời gian dài "ngủ đông".

Chị Đỗ Nguyễn Hương Giang, Trưởng Phòng Du lịch, Công ty Cổ phần du lịch Cửu Long cho biết, ngay khi tiếp nhận thông tin về kế hoạch phục hồi du lịch của địa phương, doanh nghiệp đã xây dựng phương án duy tu, sửa chữa cơ sở vật chất và phương án phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan chức năng. Để thích ứng với điều kiện bình thường mới, doanh nghiệp xác định việc tổ chức các tour khép kín là giải pháp phù hợp với tình hình, đảm bảo an toàn trong dịch bệnh.

Cùng với đó, tại doanh nghiệp, tất cả nhân sự trở lại làm việc đều đã được tiêm vaccine phòng COVID-19, quá trình đón tiếp khách luôn đảm bảo các quy trình quét mã QR, khai báo y tế, tuân thủ nguyên tắc 5K. Ngoài ra, đơn vị cũng chủ động bố trí các phòng nghị riêng biệt, thoáng mát, chuẩn bị sẵn phòng riêng theo hướng dẫn của ngành Y tế để có thể cách ly, xử lý tình huống khi có ca mắc COVID-19 trong quá trình hoạt động.

Trước những khó khăn trong quá trình phục hồi hoạt động ngành Du lịch giữa dịch bệnh, hầu hết các cơ sở, kinh doanh dịch vụ du lịch đã có sự thay đổi trong việc xác định đối tượng du khách tiềm năng đó là tập trung vào du khách nội địa. Đồng thời, các doanh nghiệp, cơ sở du lịch cũng quan tâm xây dựng các sản phẩm mới phù hợp với đặc điểm tình hình dịch tại địa phương và nhu cầu của khách du lịch tiềm năng.

Trưởng Phòng Quản lý Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long) Nguyễn Trọng Tín cho biết, đến nay, toàn tỉnh có 45 cơ sở đã được phê duyệt kế hoạch điều kiện hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch. Một số cơ sở đã sẵn sàng đón khách, hoạt động dịch vụ lưu trú cũng đã khởi động lại với gần 1.500 lượt khách lưu trú tại các cơ sở. "Các cơ sở đã có sự chuẩn bị chu đáo và nghiêm túc cho kế hoạch phục hồi du lịch lần này. Hy vọng sau khi tình hình dịch ổn định, các cơ sở sẽ dần phục hồi và có sự chỉnh trang, tập trung xây dựng những sản phẩm mới, cải thiện sản phẩm hiện có để tạo tính mới, thu hút du khách. Ngành khuyến khích các cơ sở đi sâu vào những sản phẩm mang tính chất đặc trưng của tỉnh để có những kênh quảng bá phù hợp, giúp du khách cảm nhận được du lịch Vĩnh Long là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn".

Theo chủ cơ sở Út Trinh Homestay Phạm Thị Ngọc Trinh (xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ), từ đầu tháng 12 đến nay, sau khi được cơ quan chuyên môn phê duyệt đủ điều kiện đón khách, cơ sở đã đón được một số đoàn khách đến trải nghiệm, trong đó chủ yếu là các nhóm nhỏ từ 5-10 người. Dự kiến, từ nay đến hết Tết Dương lịch 2022, tại cơ sở sẽ liên tục đón khách. Việc đón khách sẽ thực hiện nghiêm các quy định về phòng dịch như khách đến phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SASR-CoV-2, thực hiện nghiêm thông điệp 5K, đến cơ sở phải khai báo y tế, đồng thời cơ sở bố trí đảm bảo phục vụ không quá 50% công suất hoạt động...

Chị Phạm Thị Ngọc Trinh chia sẻ: "Hiện nay, nhu cầu của khách thay đổi nhiều, đa số khách hàng đi theo nhóm nhỏ và việc tham quan, trải nghiệm cũng không thể di chuyển tự do như thời điểm trước. Trước những thay đổi này, cơ sở chọn giải pháp linh động hơn là không bán chương trình cố định mà xây dựng, giới thiệu nhiều chương trình đến với khách, qua đó khách có sự lựa chọn chương trình ưng ý nhất để trải nghiệm. Có thể du khách tham quan vườn, tát ao bắt cá, nghe đờn ca tài tử, tham gia teambuilding… Tùy vào nhu cầu của khách, cơ sở sẽ có những chương trình, sản phẩm du lịch phù hợp để đáp ứng, tạo ấn tượng với du khách".

Trong giai đoạn dịch bệnh còn phức tạp như hiện nay, việc mở cửa du lịch là cần thiết góp phần phục hồi nền kinh tế, tuy nhiên cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, cần phải thận trọng. Tỉnh Vĩnh Long xác định, thị trường du lịch nội địa giữ vai trò chủ lực trong giai đoạn này. Theo đó, tỉnh tập trung xây dựng nguồn nhân lực, điểm đến và dịch vụ du lịch an toàn, về lâu dài sẽ chủ động kết nối các tỉnh, thành phố để phát triển tuyến, điểm du lịch an toàn liên vùng. Tỉnh phấn đấu trong năm 2022, lượng khách và doanh thu dần phục hồi, trong đó tổng lượng khách tăng 10% so với năm 2021.

Giám đốc Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Phan Văn Giàu nhấn mạnh, điều tiên quyết trong phục hồi du lịch hiện nay là "mở cửa phải gắn với an toàn, an toàn mới mở cửa". Các cơ sở kinh doanh du lịch khi hoạt động lại phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, thường xuyên đánh giá mức độ nguy cơ dịch bệnh tại cơ sở để có phương án xử trí kịp thời, phục vụ du khách chu đáo, an toàn.

Song song đó, ngành Du lịch tỉnh Vĩnh Long xác định việc phục hồi du lịch trong tình hình mới phải linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch tại địa phương và nhu cầu du khách. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thể mãi duy trì những sản phẩm du lịch đã cũ, mà mỗi cơ sở cần linh hoạt, sáng tạo những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn và phù hợp hơn. Cụ thể, trong tình hình dịch bệnh hiện nay, hình thức du lịch của khách chủ yếu đi theo đoàn nhỏ và đi thành tour khép kín, do đó sau khi tỉnh đã thẩm định được các điểm đến an toàn rồi sẽ tăng cường quảng bá, giới thiệu cho du khách lựa chọn, đảm bảo khép kín và đảm bảo an toàn cho khách. Cơ sở du lịch phải nắm bắt được những thay đổi này để xây dựng những chương trình, sản phẩm du lịch phù hợp, vừa hấp dẫn du khách vừa đảm bảo an toàn. 

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi mạnh mẽ hình thức xúc tiến du lịch của cơ sở kinh doanh để thích ứng với tình hình mới. Để chuẩn bị chu đáo cho việc đón khách trở lại, ngành Du lịch chuyển từ quảng bá trực tiếp tại các sự kiện chuyên ngành sang quảng bá, xúc tiến trên các kênh truyền thông, các trang mạng xã hội (youtube, fanpage, zalo. . .), đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến du lịch, tuyên truyền về điểm đến an toàn cho du khách. Ngành phát động cuộc thi sáng tác video clip quảng bá du lịch tỉnh thông qua những hình ảnh, tư liệu do chính cơ sở du lịch thực hiện nhằm giới thiệu những nét đặc trưng nhất của cơ sở, tạo ấn tượng gần gũi và hấp dẫn đối với du khách.

* Thông tin tổng hợp từ các báo trung ương và địa phương.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Nghệ An: Công diễn vở kịch hát 'Lời Người - Lời của nước non'

Hướng đến Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), tối 4/5, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An giới thiệu vở kịch hát “Lời Người - Lời của nước non” của tác giả Vũ Hải, đạo diễn NSND Hồng Lựu.
2024-05-04 22:35:00

HĐND tỉnh Hà Tĩnh thông qua 13 nghị quyết quan trọng

Sáng 4/5, HĐND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Kỳ họp thứ 19 (kỳ họp chuyên đề) đã họp bàn, xem xét và thông qua 13 nghị quyết quan trọng nhằm kịp thời xử lý các yêu cầu thực tiễn đặt ra.
2024-05-04 17:05:00

Vườn mẫu ở Quảng Hải, Ba Đồn mang hiệu quả kinh tế cao

Thực hiện chủ trương về xây dựng khu dân cư, nông thôn mới kiểu mẫu, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền địa phương đã tích cực vận động, hỗ trợ người dân cải tạo vườn tạp, hình thành những mô hình vườn mẫu cho hiệu quả kinh tế cao, nhằm nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.
2024-05-04 14:25:00

Ra mắt Tour kết nối Phố cổ với không gian nghệ thuật công cộng Phúc Tân

Quận Hoàn Kiếm vừa ra mắt Tour du lịch hấp dẫn kết nối Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm với không gian cầu đi bộ Trần Nhật Duật và Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân.
2024-05-04 11:35:45

Hải Phòng xây dựng nhà cho gia đình người bại liệt nghèo khó

Sáng 3/5, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Lê Chân phối hợp với phường Vĩnh Niệm tổ chức khởi công xây dựng nhà “Đại đoàn kết” cho gia đình ông Nguyễn Văn Nam, bị bại liệt nửa người, phải ngồi xe lăn.
2024-05-04 08:41:24

Hải Phòng: Bắn pháo hoa nổ tầm thấp các ngày cuối tuần tại đảo Vũ Yên

TP.Hải Phòng vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đồng ý việc tổ chức một điểm bắn pháo hoa nổ tầm thấp vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hàng tuần tại Khu vui chơi giải trí, nhà ở và công viên sinh thái đảo Vũ Yên (Thủy Nguyên)
2024-05-04 08:03:06
Đang tải...