Tin tức Miền Tây ngày 23/2/2022: Dự kiến khởi công tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau hơn 27.000 tỉ đồng trong năm 2022

2022-02-23 15:00:00 0 Bình luận
Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có tổng chiều dài 109 km, tổng mức đầu tư hơn 27.250 tỷ, quy mô 4 làn xe hạn chế. Dự án đi qua TP Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau.

Theo Nhịp Sống Kinh Tế, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, tại Nghị quyết số 44/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đoạn Cần Thơ - Cà Mau giai đoạn 1 có quy mô 4 làn xe hạn chế, mặt cắt ngang 17m.

(hình minh họa)

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, có tổng mức đầu tư khoảng 27.254 tỷ đồng, dự kiến sẽ được khởi công vào cuối năm 2022 và hoàn thành, đưa vào khai thác năm 2025.

Dự án đường cao tốc này được đầu tư nhằm góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông trong khu vực, giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông, đặc biệt là kết nối các trung tâm kinh tế, khu đô thị mới của địa phương, tạo động lực cho các địa phương nói riêng, vùng phát triển.

Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, dự án có điểm đầu kết nối vào tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, vào vị trí cầu Cần Thơ 2, đi song song cùng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ (theo quy hoạch) đến vị trí ga Cái Răng và giao với tuyến quốc lộ 91 (tuyến Nam Sông Hậu).

Sau đó, tuyến tiếp tục đi theo hướng đông nam, giao với cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, sau đó đi thẳng song song về bên phải Quản lộ Phụng Hiệp (cách TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang 10km), tiếp tục đi qua địa phận tỉnh Bạc Liêu, kết thúc tại điểm giao với đường Vành đai 3, Tp.Cà Mau.

Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có tổng chiều dài 109 km, tổng mức đầu tư hơn 27.250 tỷ, quy mô 4 làn xe hạn chế. Dự án đi qua TP Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau. Trong đó, đoạn Cần Thơ – Hậu Giang có chiều dài hơn 36 km, tổng mức đầu tư khoảng 9.768 tỷ đồng, đoạn Hậu Giang - Cà Mau có chiều dài 72 km, tổng mức đầu tư khoảng 17.485 tỷ đồng.

Mới đây, đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải có buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP. Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau về việc phối hợp triển khai thực hiện dự án thành phần đầu tư xây dựng đường cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau.

Tại buổi làm việc, đại diện Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau.  Đến nay, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã chỉ đạo tư vấn khảo sát, lập dự án; đồng thời, tổ chức báo cáo và xin ý kiến UBND TP. Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau về hướng tuyến, quy mô mặt cắt ngang tuyến, giải pháp thiết kế sơ bộ… của dự án.

Để khởi công dự án vào cuối năm 2022, Ban quản lý dự án dự kiến sẽ bàn giao cọc giải phóng mặt bằng ngày 15/3. Do đó,đơn vị này kiến nghị các địa phương sớm triển khai các thủ tục thu hồi đất như bổ sung, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao nhiệm vụ cho các đơn vị tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; rà soát quỹ đất ở, các khu tái định cư hiện có.

Bến Tre: Tổng mức đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 trên 5.100 tỷ đồng

Theo Báo Đồng Khởi, dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 (RM2), nối tỉnh Tiền Giang và Bến Tre được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 1730 ngày 29-9-2021. Dự án có tổng mức đầu tư trên 5.175 tỷ đồng. Trong đó, giải phóng mặt bằng (GPMB) trên 1.279 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị 3.030 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng và chi phí khác trên 303 tỷ đồng; chi phí dự phòng 561,83 tỷ đồng.

Đoạn đường ấp Phú Thạnh, xã Phú Túc, huyện Châu Thành sẽ là nơi cầu Rạch Miễu 2 đi qua. Ảnh: Hữu Hiệp

Triển khai giải phóng mặt bằng

Theo dự án, khối lượng GPMB khoảng 62,38ha, trong đó địa phận tỉnh Tiền Giang khoảng 26,56ha và Bến Tre khoảng 35,82ha. Để tổ chức thực hiện thuận lợi, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tách thành tiểu dự án riêng và giao cho UBND tỉnh Tiền Giang và UBND tỉnh Bến Tre triển khai thực hiện theo quy định hiện hành. Trong đó, kinh phí GPMB trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trên 822 tỷ đồng và Bến Tre trên 457 tỷ đồng.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh, về tình hình triển khai công tác GPMB cầu RM2, UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu Tiểu dự án GPMB cầu RM2. Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã bàn giao mốc GPMB ngoài hiện trường. UBND huyện, thành phố đã trao thông báo thu hồi đất cho các hộ dân. Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh đã hoàn thành công tác đo đạc ngoài hiện trường, đang tiếp tục thực hiện công tác nội nghiệp. Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện, thành phố đã triển khai thực hiện công tác kiểm đếm khối lượng bồi thường của 2 dự án.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý xây dựng các công trình giao thông tỉnh đang thực hiện công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng bởi 2 dự án; bàn giao phạm vi mốc GPMB cho các đơn vị có công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng để tiến hành khảo sát, lập phương án di dời.

UBND tỉnh phê duyệt Dự án Đường gom đường vào cầu RM2, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án. Công tác GPMB thực hiện song song với Dự án cầu RM2. Xây dựng 2 khu tái định cư trên địa bàn mỗi huyện, thành phố. Hiện nay, UBND huyện, thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư, đang triển khai các thủ tục lập và thẩm định dự án đầu tư, dự kiến hoàn thành phê duyệt đầu tư trong quý II-2022. Ban cũng đã trình và được Bộ GTVT chấp thuận phân chia dự án thành 6 gói thầu xây lắp. Bộ GTVT đã bố trí vốn đợt 1 cho dự án, với tổng kinh phí 750 tỷ đồng.

Tập trung tuyên truyền tạo sự đồng thuận

Hiện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đang phối hợp chặt chẽ với các bộ phận tham mưu của Bộ GTVT hoàn thiện các thủ tục liên quan hồ sơ mời thầu, chấm thầu, hợp đồng…

Chỉ đạo công tác chuẩn bị khởi công, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam nhấn mạnh: “Công tác tuyên truyền, vận động người dân phải đi trước 1 bước, đồng loạt, quyết liệt và xuyên suốt. Trong đó, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu, đồng thuận trong công tác GPMB”.

Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận Diệp Bảo Tuấn đã kiến nghị tỉnh cập nhật tiến độ chi tiết công tác GPMB tại địa phương, đẩy nhanh các thủ tục liên quan về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đề nghị gửi tiến độ cập nhật về Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận trước ngày 24-2-2022 để tổng hợp báo cáo Bộ GTVT và phối hợp với địa phương thực hiện. Cập nhật nhu cầu và tiến độ giải ngân vốn năm 2022 để Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận có cơ sở báo cáo Bộ GTVT bố trí vốn kịp thời theo yêu cầu.

Liên quan đến việc tái định cư, qua phối hợp thực hiện của huyện, thành phố, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận nhận thấy khu tái định cư sẽ hoàn thành sau thời điểm khởi công và triển khai đồng loạt các gói thầu xây lắp khác. Vì thế, đề nghị địa phương có phương án bố trí tạm cư cho các hộ có nhu cầu.

Xác định cụ thể về số lượng, vị trí đối với các công trình công cộng và thời gian hoàn thiện công tác di dời để có thể xác định phương pháp, tiến độ thi công tuyến chính. Lưu ý, GPMB cho phạm vi trồng trụ điện khi di dời mới.

Do phạm vi cắm mốc lộ giới của Dự án cầu RM2 nằm trong phạm vi GPMB của dự án đường gom nên đề nghị các bên thống nhất không triển khai cắm mốc lộ giới của Dự án cầu RM2.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam đã chỉ đạo nhiệm vụ cụ thể để chuẩn bị cho lễ khởi công. Trong đó, công tác kiểm đếm, bồi thường phải công khai, minh bạch, chính xác, không để sót, nhằm tạo sự đồng thuận trong người dân. Tiểu ban đền bù tái định cư phải khởi động quyết liệt sao cho kịp tiến độ. Xác định các gói thầu đã mở thầu, vị trí để khởi công đồng loạt. Công tác chi bồi thường kịp thời, sớm nhất. Công tác triển khai tái định cư, nhà tạm cư cần đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân.

Về việc đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quan tâm triển khai sớm. Sở GTVT và Ban Quản lý xây dựng các công trình giao thông tỉnh phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với các đơn vị có liên quan để chuẩn bị tốt lễ khởi công.

“Cầu RM2 là công trình, dự án đầu tiên trong 11 công trình, dự án lớn của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Để thực hiện thành công, suôn sẻ thì cần sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa 2 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và các đơn vị liên quan. Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các địa phương. Các phường, ấp vào cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng, đồng thuận trong triển khai thực hiện”- Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam

Cần Thơ xin bổ sung 300 tỷ đồng từ Trung ương để thực hiện 3 dự án

Theo Báo Tiền Phong, UBND TP Cần Thơ vừa đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) xem xét, bổ sung kế hoạch ngân sách trung ương (NSTW) năm 2022.

Qua rà soát tiến độ và khả năng giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 nguồn vốn NSTW, tổng kế hoạch NSTW năm 2022 TP Cần Thơ được giao hơn 2.723 tỷ đồng tại Quyết định số 2048/QĐ-TTg ngày 6/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó vốn trong nước là hơn 1.157 tỷ đồng.

TP Cần Thơ đã giao chi tiết hơn 1.157 tỷ đồng tại Quyết định số 3851/QĐ-UND ngày 12/12/2021 của UBND TP.

Sau khi rà soát số vốn đã được bố trí, đánh giá khả năng thực hiện trong năm 2022, UBND TP Cần Thơ đề xuất bổ sung 300 tỷ đồng để triển khai thực hiện công tác bồi thường, phấn đấu khởi công 3 dự án mói trong năm 2022, bao gồm:

Dự án xây dựng và nâng cấp mở rộng Đường tỉnh 917 (đã bố trí 100 tỷ đồng, đề nghị bổ sung 100 tỷ đồng).

Dự án Đường tỉnh 918 giai đoạn 2 (đã bố trí 100 tỷ đồng, đề nghị bổ sung 100 tỷ đồng).

Dự án Đường tỉnh 921 (đã bố trí gần 111 tỷ đồng, đề nghị bổ sung 100 tỷ đồng).

Hiện các dự án trên đang thực hiện công tác kiểm kê, đo đạc và thiết kế kỹ thuật – dự toán, dự kiến sẽ hoàn thành các công tác này trong quý II/2022.

Việc đề xuất bổ sung nguồn vốn để thực hiện chi trả kinh phí bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án, đảm bảo có mặt bằng để đấu thầu, khởi công dự án trong năm 2022. UBND TP Cần Thơ cũng cam kết sẽ giải ngân 100% số vốn này trong năm 2022.

Dự án Đường tỉnh 922 tại Cần Thơ

Một trong những nhiệm vụ chủ yếu là đề cao kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu, tổ chức, cá nhân có liên quan cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ thực hiện, giải ngân vốn. Kiểm điểm, xử lý kịp thời các cán bộ yếu kém, tiêu cực, không hoàn thành nhiệm vụ…Liên quan đến công tác giải ngân vốn đầu tư công, hôm 10/2, UBND TP Cần Thơ ban hành Kế hoạch theo dõi, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 trên địa bàn TP, nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt tỷ lệ 95% kế hoạch vốn đã bố trí.

Năm 2021 được xem là năm bản lề  kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, tính đến ngày 19/1/2022, kết quả giải ngân năm 2021 của TP Cần Thơ mới đạt 65,2%, chưa đạt tỷ lệ như kỳ vọng cam kết và chỉ đạo của TP (đạt trên 95%).

Chỉ đạo hồi cuối tháng 1/2022, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ yêu cầu, trường hợp đến hết tháng 6/2022, các đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp (không đạt tỷ lệ giải ngân theo mặt bằng chung toàn quốc), sẽ xem xét kiểm điểm trách nhiệm chủ đầu tư…

Cà Mau: Triển khai chăm sóc, giảm nhẹ hậu COVID-19

Theo Báo Cà Mau, nhằm ngăn ngừa và giảm nhẹ ảnh hưởng từ các di chứng hậu COVID-19 đến thể chất, tinh thần người nhiễm bệnh COVID-19, Sở Y tế tỉnh Cà Mau đã ban hành Kế hoạch chăm sóc giảm nhẹ hậu COVID-19 và triển khai đến các đơn vị bệnh viện, trung tâm y tế có giường bệnh điều trị bệnh nhân COVID-19 để sớm triển khai hoạt động này.

Theo tinh thần kế hoạch trên của Sở Y tế, trước mắt trong tháng 3 tới, các đơn vị sẽ triển khai tập huấn, hướng dẫn thực hiện chăm sóc giảm nhẹ hậu COVID-19. Cụ thể, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chủ trì, phối hợp với các bệnh viện chuyên khoa (Sản - Nhi; Y học cổ truyền; Lao - Bệnh phổi; Mắt - Da liễu) ban hành tài liệu hướng dẫn chăm sóc giảm nhẹ hậu COVID-19 theo từng lĩnh vực chuyên khoa.

Các đơn vị có thể mời các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực chuyên khoa hỗ trợ, hướng dẫn tập huấn. Các trung tâm y tế huyện, thành phố phối hợp bệnh viện trên địa bàn hướng dẫn, tổ chức tập huấn chăm sóc giảm nhẹ hậu COVID-19 cộng đồng. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu rõ, cùng tham gia quan tâm, chăm sóc người nhiễm COVID-19 đang điều trị và đã điều trị khỏi nhưng còn di chứng.

Triển khai đơn vị điều trị hậu COVID-19 tại các cơ sở khám chữa bệnh; điều trị các bệnh nền hiệu quả, các cơ sở khám, chữa bệnh theo chức năng, nhiệm vụ triển khai đơn vị điều trị hoặc thực hiện thêm chức năng tư vấn, khám chữa bệnh, chăm sóc giảm nhẹ hậu COVID-19.

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và tư vấn hậu COVID-19 tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn và phòng khám đa khoa khu vực để tạo điều kiện cho người cần tư vấn, người bệnh có đủ điều kiện khám chữa bệnh, tư vấn tại y tế cơ sở.

Đối với các bệnh viện, trung tâm y tế có giường bệnh: phối hợp với Bảo hiểm xã hội điều trị và thanh toán người bệnh hậu COVID-19, người có bệnh nền có bảo hiểm y tế theo đúng quy định.

Bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi và xuất viện, tại Bệnh viện Y học cổ truyền, cuối tháng 12/2021.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh là đơn vị đầu mối, phối hợp các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh triển khai điều trị hậu COVID-19 theo từng chuyên khoa và tổ chức tập huấn, hướng dẫn chăm sóc giảm nhẹ hậu COVID-19 cho tuyến dưới.

Cụ thể, Bệnh viện Y học cổ truyền triển khai thêm chức năng tiếp nhận, điều trị và hướng dẫn cho tuyến dưới thực hiện chăm sóc giảm nhẹ hậu COVID-19 lĩnh vực y học cổ truyền.

Bệnh viện Sản- Nhi tiếp nhận điều trị và hướng dẫn chăm sóc giảm nhẹ cho bà mẹ, trẻ em hậu COVID-19; phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tổ chức tập huấn ngay cho các cơ sở y tế về thu dung, điều trị trẻ em mắc COVID-19 và hậu COVID-19; cần đặc biệt quan tâm các trẻ em béo phì, có bệnh nền.

Bệnh viện Lao - Bệnh phổi tiếp nhận điều trị và hướng dẫn chăm sóc giảm nhẹ hậu COVID-19 chuyên ngành Lao - Bệnh phổi. Bệnh viện Mắt - Da liễu tiếp nhận điều trị và hướng dẫn chăm sóc giảm nhẹ hậu COVID-19 chuyên ngành Mắt - Da liễu.

Các bệnh viện, trung tâm y tế có giường bệnh rà soát trang thiết bị, dụng cụ cần thiết chăm sóc hậu COVID-19, dự trù mua sắm từ nguồn phát triển sự nghiệp của đơn vị…

Tại cuộc họp triển khai Kế hoạch chăm sóc giảm nhẹ hậu COVID-19, do Sở Y tế chủ trì vào chiều ngày 22/2, bác sĩ chuyên khoa II Trần Quang Khoá, Phó Giám đốc Sở Y tế , cho biết: “Trước nhu cầu thực tế về công tác chăm sóc, giảm nhẹ hậu COVID-19 trên địa bàn tỉnh hiện nay, các đơn vị cần nhanh chóng triển khai phòng khám, cơ sở điều trị, tư vấn, chăm sóc hậu COVID-19. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn chăm sóc, điều trị hậu COVID-19 cho các cơ sở y tế tuyến dưới, để khi tuyến cơ sở gặp trường hợp tương tự thì có hướng điều trị, chăm sóc hậu COVID-19 trong cộng đồng đạt hiệu quả cao nhất”.

Được biết, hiện nay Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi, Bệnh viện Lao - Bệnh phổi đã chủ động thành lập các tổ chuyên môn có sự liên kết giữa các chuyên khoa, soạn thảo các nội dung liên quan đến lĩnh vực chuyên môn trong tư vấn, chăm sóc và phác đồ điều trị hậu COVID-19 phù hợp, hiệu quả cho bệnh nhân; đề xuất thành lập phòng khám chăm sóc và điều trị hậu COVID-19 trực thuộc bệnh viện hoặc triển khai thêm chức năng, nhiệm vụ điều trị, tư vấn hậu COVID-19 tại các bệnh viện, trung tâm y tế có giường bệnh, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc, giảm nhẹ hậu COVID-19.

Tính từ đầu năm 2021 đến ngày 22/2/2022, tỉnh Cà Mau có 58.958 ca mắc COVID-19, trong đó có 57.228 ca điều trị khỏi.

Theo các tạp chí y khoa, kết quả nghiên cứu cho thấy, trên toàn cầu đến cuối năm 2021 có đến 10-20% trường hợp nhiễm COVID-19 gặp các triệu chứng dai dẳng trong nhiều tuần đến nhiều tháng sau khi nhiễm bệnh. Người nhiễm COVID-19 sau khi khỏi bệnh có thể đối mặt với các di chứng kéo dài như: sốt nhẹ, khó thở, ho kéo dài, mệt mỏi, đau cơ, đau khớp, rụng tóc, tim đập nhanh, xơ phổi, đánh trống ngực; có trường hợp rối loạn tiêu hoá (ăn không ngon, chán ăn, đau dạ dày, tiêu chảy..), rối loạn vị giác hoặc khứu giác, phát ban… Tình trạng hậu COVID-19 xảy ra ở người có tiền sử nhiễm bệnh với các di chứng và kéo dài ít nhất 2 tháng. Tình trạng này có thể làm cho sức khoẻ người bệnh suy giảm kéo dài, điều đó làm ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân cả về thể chất lẫn tinh thần, gây ra những hậu quả đáng kể về kinh tế cho bản thân, gia đình và xã hội.

Do đó, việc sớm triển khai các phòng khám, cơ sở tư vấn, khám và điều trị cho bệnh nhân hậu COVID-19 là điều hết sức cần thiết, kịp thời đáp ứng yêu cầu, trấn an tâm lý của người dân.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

Tại Hội nghị Geneve, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kiên định với lập trường: "Đi tới một giải pháp hoàn chỉnh là đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương".
2024-04-27 19:43:25

Triển lãm ảnh những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử

Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp cùng Bảo tàng chiến thắng B52 và Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam vừa tổ chức triển lãm ảnh với chủ đề “Việt Nam - những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử Thế giới”.
2024-04-27 01:13:48

Khai mạc Lễ hội Du lịch Hà Nội 2024

Tối 26/4, tại Công viên Thống Nhất, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch Hà Nội đã tổ chức Khai mạc Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024.
2024-04-26 23:56:34

SHB tăng tốc chuyển đổi, lợi nhuận quý I năm 2024 cao nhất lịch sử

Năm 2024, SHB đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 11.286 tỷ đồng, cao hơn 22% so với năm trước. Với chiến lược chuyển đổi 2024 - 2028, SHB xác lập mục tiêu TOP 1 về hiệu quả, khẳng định vị thế định chế tài chính hàng đầu, vươn tầm khu vực.
2024-04-26 18:33:29

Hoa Kỳ và tỉnh Cà Mau khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật

Ngày 25/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lễ khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật do USAID tài trợ được triển khai trên địa bàn tỉnh.
2024-04-26 12:27:06
Đang tải...