Tỉnh táo trước những cơn Sốt đất… trên mạng xã hội
Từ đầu năm 2022 đến nay, tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã liên tục xảy ra những cơn Sốt đất… trên mạng xã hội!
Ảnh minh hoạ
Chẳng hạn như thời điểm tháng 3/2022, mạng xã hội Facebook liên tục chia sẻ một clip mua bán đất tại thôn Hà Xá, xã Triệu Ái (huyện Triệu Phong, Quảng Trị) khiến nhiều người xôn xao.
Từ nội dung clip có thể thấy, hàng chục người cùng xe ô tô, xe máy đậu kín con đường bê tông nhỏ bên cạnh khu đất được san phẳng nằm sâu trong 1 khu vực đồi núi. Xung quanh khu đất này là rừng cây và lăng mộ. Khu đất cũng được cắm mốc bằng bê tông, đánh số thứ tự từ 1 đến 12.
Trong clip, giọng người môi giới liên tục hô số lô rồi dừng lại để chờ người chốt. Tiếp đó, cứ vài phút người đọc lại ra giá, cao nhất là 790 triệu đồng/lô và thấp nhất là 650 triệu đồng/lô. Do đó, chỉ trong một thời gian ngắn, toàn bộ 12 lô đất đã nhanh chóng có khách chốt.
Trước những xôn xao từ dư luận xung quanh clip nêu trên, UBND huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) đã khẩn trương vào cuộc xử lý.
Tương tự, tại thành phố Đà Nẵng cũng đã xảy ra tình trạng Sốt đất ảo từ những thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, buộc chính quyền thành phố phải khẩn trương vào cuộc chỉ đạo xử lý.
Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng cho biết, một số nhóm người có chủ ý tạo ra những đợt Sốt đất ảo, nhất là địa bàn nông thôn ở các tỉnh, thành cả nước, trong đó có huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng nhằm mục đích trục lợi.
Thủ đoạn mà nhóm người này sử dụng là tạo điểm nóng để đăng tin không chính xác về nhu cầu người dân chen chúc nộp hồ sơ, gây quá tải tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giao dịch đất đai tại huyện Hòa Vang.
Bên cạnh đó còn có thủ đoạn đưa lên mạng xã hội hình ảnh phô trương nhu cầu, quy mô lượng người giao dịch mua, bán đất đai để tạo nên làn sóng gây sốt ảo về nhu cầu nhằm làm giá mua đi bán lại giữa các nhóm người này với nhau.
Thực tiễn nêu trên đã để lại nhiều bài học quý báu cho các nhà đầu tư ‘nhẹ dạ, cả tin’, đồng thời cũng đã gây khó khăn trong công tác quản lý thị trường bất động sản của các địa phương.
Tại Báo cáo số 40/BC-SXD, Sở Xây dựng tỉnh Kon Tum cho rằng hoạt động kinh doanh bất động sản của các tổ chức, cá nhân trên nền tảng mạng xã hội (Zalo, Facebook,…) gây khó khăn trong công tác quản lý thị trường bất động sản của địa phương.
Do đó, Sở Xây dựng tỉnh Kon Tum kiến nghị Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng có hướng dẫn địa phương trong việc quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản của các tổ chức, cá nhân trên nền tảng mạng xã hội.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.