TP.HCM kỷ niệm 323 năm ngày mất Đức Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh
Tại lễ giỗ, ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cùng các lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Thành phố; ông Nguyễn Hữu Thắng, hậu duệ đời thứ 11 của Đức ông đã dâng hương Đức Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Các nhân sĩ tri thức, người dân địa phương cũng có mặt tại lễ giỗ để dâng hương Đức ông, thưởng thức các tiết mục văn nghệ... Đây là một trong những hoạt động thường niên bày tỏ lòng biết ơn, ghi nhận công ơn to lớn của Đức ông trong việc đặt nền móng hình thành vùng đất Sài Gòn – Gia Định nay là TP Hồ Chí Minh.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cùng đại biểu dâng hương tại Đức Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh.
Ông Hoàng Trung Nghĩa – Trưởng Ban quản lý Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc Thành phố thông tin, Công trình đền thờ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh được bắt đầu khởi công ngày 20/4/2015 tại khu II thuộc Khu Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc.
Năm 2016, nhân dịp lễ giỗ lần thứ 316 năm của Đức ông, Công trình được khánh thành đưa vào hoạt động phục vụ nhân dân Ngày 18/10/2018 thành phố tổ chức Lễ Đúc tượng, đến ngày 18/1/2019, TP Hồ Chí Minh tổ chức Lễ An vị và Khánh thành tượng Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh.
Khánh thành bia ghi nhớ công ơn Đức thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh.
Dịp này, Ban Quản lý Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc cùng chính quyền thành phố khánh thành bia đá ghi nhớ công ơn Đức ông. Văn bia được đặt trong khuôn viên đền thờ Đức Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh ở khu II của Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc.
“Từ năm 2020 - 2022, Ban quản lý Đền thờ Đức Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh tiếp tục tổ chức lấy ý kiến góp ý của các sở ngành và hướng dẫn cho nhân dân đến chiêm bái Đức Ông, góp ý nội dung văn bia trực tiếp vào sổ tại Đền thờ. Đồng thời giới thiệu đường dẫn góp ý vào trang thông tin điện tử của Ban. Đa số đồng bào đều đồng tình với nội dung và không có góp ý gì thêm. Sau đó nội dung văn bia tiếp tục được chỉnh sửa, hoàn thiện và thống nhất hình thức và nội dung được khắc lên bia đá...” - Ông Hoàng Trung Nghĩa cho biết.
Tiểu sử tóm tắt Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1650 – 1700)
Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (tức Nguyễn Hữu Lễ hay Nguyễn Hữu Kinh), sinh ngày 9/5/1650), tại thôn Phước Long, xã Chương Tín, huyện Phong Lộc (nay là xã Vạn Ninh), huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ông là con thứ của danh tướng Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật(1603 – 1681). Vốn dòng dõi võ tướng, Nguyễn Hữu Cảnh sớm theo cha chinh chiến, lập được nhiều chiến công, được Chúa Nguyễn Phúc Tần (1620-1687) phong chức Cai cơ.
Mùa xuân tháng 2 năm Mậu Dần (1698), Chúa Nguyễn Phúc Chu phong Nguyễn Hữu Cảnh làm thống suất, đem quân đi kinh lược xứ Đồng Nai, lấy đất Nông Nại Đồng Phố đặt làm phủ Gia Định, lấy Đồng Nai làm huyện Phước Long, đặt doanh Trấn Biên, lấy Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng doanh Phiên Trấn. Ông tập lập và chiêu mộ lưu dân, đồng thời đặt các chức quan, binh để quản lý, tổ chức khai khẩn ruộng đất, định ngạch tô thuế, làm số định điểm, xác lập chủ quyền của Đàng Trong.
Tượng thờ Đức ông được đặt ở chánh điện của đền.
Nam Nhâm Thân (1692) và tháng bảy năm Kỷ Mão (1699), Chúa Nguyễn Phúc Chu hai lần sai ông làm thống binh, đem quân tiến đánh, phá được quân Chiêm, đổi Chiêm Thành thành trấn Thuận Thành (vùng Ninh Thuận, Bình Thuận) ngày nay và dẹp tan sự xâm lăng của vua nước Chân Lạp, sau khi đánh tan quân của Nặc Thu, Ông vỗ yên dân chúng rồi rút binh về.
Ông mất ngày 16/5/1700 tại Sầm Khê (Rạch Gầm, nay thuộc tỉnh Tiền Giang), thọ 51 tuổi. Với những chiến công trong việc xác lập chủ quyền ở Đàng trong và chống giặc ngoại xâm, Chúa Nguyễn Phúc Chu tặng phong Hiệp tán công thần, đặc tiến Chưởng doanh, thụy Trung Cần. Năm Gia Long thứ 4 (1805), ông được truy tặng Tuyên lực căng thần, đặc tiến Phụ quốc thượng tướng quân, Cẩm y vệ để chỉ huy sứ ty. Đô chỉ huy sứ phủ Đô đốc phủ Chưởng phủ sự Phó tưởng chương cơ, liệt vào thượng đẳng công thân, thờ phụ vào Thái Miếu. Năm Gia Long thứ 9 (1810), ông được thờ ở miếu Khai quốc công thần.
Tính đến nay đền thờ Đức Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã hoạt động được 7 năm, là nơi tổ chức lễ giỗ hằng năm. Công trình này xây dựng trong khuôn viên có diện tích gần 7.500m2.
Để tưởng nhớ công đức của Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, nơi quê hương cũng như nơi ông đến an dân, nhân dân đều lập đền thờ hoặc lập bài vị thờ tự như ở Nhà thờ Lê Thành Hậu Nguyễn Hữu Cảnh tại Tỉnh Quảng Bình; Đình Vĩnh Ngươn (An Giang) Đinh Kinh Miếu (Đồng Nai), Chùa Minh Hương (Chợ Lớn)...
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.