TP.HCM: Thành lập bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định

2023-08-27 12:10:00 0 Bình luận
Ngày 27/8, tại căn nhà số 145, đường Trần Quang Khải (Quận 1), Sở Văn hóa – Thể thao TP. Hồ Chí Minh tổ chức công bố quyết định thành lập Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định. Nơi đây từng là cơ sở hoạt động bí mật của Lực lượng Biệt động Sài Gòn do AHLLVTND Trần Văn Lai (tức Năm Lai) quản lý.

Tham dự có Trung tướng Võ Viết Thanh – Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, nguyên Chủ tịch UBND Thành phố; Trung tướng Phạm Văn Dỹ – nguyên Chính ủy Quân khu 7; Đại tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) – Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, nguyên Cụm trưởng Cụm tình báo quân sự H63; các cựu chiến binh CLB truyền thống kháng chiến Khối vũ trang, biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định. Cùng tham dự có đại diện Thành ủy Thành phố, UBND Thành phố, Bộ tư lệnh Thành phố, Sở Văn hóa – Thể thao TP Hồ Chí Minh… 

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định được thành lập theo quyết định số 300/SVHTT ngày 21/6/2023 do ông Nguyễn Thế Thuận, Giám đốc sở Văn hóa – Thể thao TP Hồ Chí Minh ký (thừa ủy quyền Chủ tịch UBND Thành phố).

Bảo tàng đặt trụ sở tại căn nhà số 145, đường Trần Quang Khải, Quận 1, TP Hồ Chí Minh. Nơi đây từng là cơ sở hoạt động bí mật của Lực lượng Biệt động Sài Gòn, do AHLLVTND ông Trần Văn Lai (tức Năm Lai) quản lý. Đã hơn 50 năm tuổi, nhưng căn nhà vẫn giữ nguyên kiểu kiến trúc nhà cổ, được xây dựng trước những năm giải phóng.  Bảo tàng trưng bày hơn 300 hiện vật, tư liệu của các chiến sĩ lực lượng Biệt động Sài Gòn, dùng thực hiện nhiệm vụ trong các cuộc kháng chiến. Qua các hiện vật được lưu giữ, cho thấy sự phong phú, đa dạng với nhiều bộ sưu tập (hầm chứa vũ khí, hầm chứa cán bộ, xe phương tiện chiến đấu...). Mỗi hiện vật ở đây gắn liền với những câu chuyện ghi dấu chiến công của các chiến sĩ biệt động.

Ông Dương Anh Đức – Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh trao quyết định thành lập cho ông Trần Trọng Nghĩa - Giám đốc bảo tàng (cháu AHLLVTND Trần Văn Lai). Đây là bảo tàng ngoài công lập thứ 6 được thành lập trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy – Phó Giám Sở Văn hóa – Thể thao TP Hồ Chí Minh chia sẻ tại lễ công bố: “Việc thành lập bảo tàng không chỉ là niềm vui của gia đình AHLLVTND Trần Văn Lai, mà còn là niềm vui chung của ngành văn hóa thành phố. Bảo tàng trong thời kỳ chiến tranh từng là địa điểm giao liên, tình báo, phục vụ công tác trao đổi thông tin của biệt động Sài Gòn. Thành lập Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định thể hiện tâm huyết của gia đình, thể hiện sự quan tâm của chính quyền các cấp với mong muốn giữ gìn di tích lịch sử đầy ý nghĩa”.  

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy kỳ vọng bảo tàng ngày càng phát triển, xứng đáng là một thiết chế văn hóa ngoài công lập của cả nước và là điểm hấp dẫn cho du khách.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, việc sưu tầm lưu giữ các hiện vật cho thấy ý thức, trách nhiệm của gia đình và CLB Truyền thống kháng chiến khối vũ trang, biệt động Quân khu Sài Gòn trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định đáp ứng đầy đủ các yếu tố hoạt động của một bảo tàng gồm: khu trưng bày, kho, tư liệu bảo quản, các bộ sưu tập quý, bộ máy nhân sự am hiểu chuyên môn, phù hợp với hoạt động của bảo tàng.

Các thế hệ gia đình AHLLVTND Trần Văn Lai hy vọng việc thành lập bảo tàng sẽ góp phần giáo dục và lan tỏa cho thế hệ trẻ về các giá trị truyền thống và tinh thần chiến đấu anh dũng của lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Qua đó thêm yêu và tự hào về những anh hùng thầm lặng đã góp phần vào những chiến công lẫy lừng một thời trong cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968 nói riêng, và chiến thắng vẻ vang giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước của quân và dân ta.

Quý khách mời, đại biểu thực hiện nghi thức công nhận việc thành lập bảo tàng. 

Ông Trần Trọng Nghĩa - Giám đốc Bảo tàng Biệt động Sài Gòn chia sẻ: “Từ năm 2018, gia đình phối hợp với các cô chú CLB truyền thống kháng chiến, chính quyền địa phương tiến hành phục dựng nhiều địa điểm cách mạng của lực lượng Biệt động Sài Gòn. Gia đình chúng tôi tính đến nay đã phục dựng thành công 6 địa điểm. Chính tại địa điểm này, được Thành phố quyết định thành lập bảo tàng tư nhân. Quá trình phục dựng gặp rất nhiều khó khăn nhất là thời gian, các nhân chứng lịch sử nhiều người đang dần mất đi. Việc sưu tầm, lưu giữ những thông tin, tài liệu, hiện vật từ các nhân chứng ấy cũng gặp rất nhiều khó khăn... Bản thân tôi là thế hệ thứ 3 của gia đình AHLLVTND Trần Văn Lai thực hiện công việc bởi niềm đam mê của bản thân, sứ mệnh của gia đình. Kỳ vọng bảo tàng sẽ là một trong những nơi lan tỏa những câu chuyện về Lực lượng Biệt động Sài Gòn đến với người dân và du khách”.

Quân báo viên Lâm Quốc Dũng (bí danh Dũng Râu), người đã tạo ra “vỏ bọc hoàn hảo” cho hàng trăm chiến sĩ hoạt động an toàn và công khai trong vùng nội, ngoại thành Sài Gòn. 

Ông Lâm Quốc Dũng chia sẻ: "Năm 1964 tôi chính thức vào hoạt động ở phòng Chính trị, quân khu Sài Gòn – Gia Định, trong quá trình hoạt động tôi được đều động thực hiện nhiệm vụ làm các loại giấy tờ giả cho anh em chiến sĩ biệt động Sài Gòn. Khi đó, tất cả những ai ra vào Sài Gòn thời kỳ Việt Nam Cộng Hòa đều phải có giấy tờ hợp pháp (giấy thông hành). Nếu không có các loại giấy tờ đó, khi di chuyển qua các cửa khẩu, địa điểm quan trọng bị kiểm tra sẽ bị bắt. Các chiến sĩ biệt động muốn vào được Sài Gòn, tham gia đánh trận điều phải có giấy tờ và tôi là người thực hiện việc làm giấy tờ giả cho anh em".

Chỉ với những dụng cụ đơn giản, thô sơ, Quân báo viên Lâm Quốc Dũng đã làm nên hàng trăm giấy tờ cho các chiến sĩ ta hoạt động kháng chiến. Chiếc hộp ấy đã theo ông từ năm 1965 đến nay, ông chia sẻ: "Ra mặt trận thì người lính cần có một cây súng để tham gia chiến đấu còn đối với tôi thì hộp dụng cụ làm giấy tờ giả như vũ khí chiến đấu, vật bất ly thân”.

Ông bày tỏ, từ những hiện vật đến những nhân chứng lịch sử có mặt tại đây, góp công xây dựng bảo tàng này như muốn nói lên ý nghĩa, mong muốn giữ gìn những giá trị lịch sử của các thế hệ đi trước. Hiện tại và sau này, du khách hay bạn bè quốc tế sẽ biết tại TP Hồ Chí Minh ngày xưa có một biệt đội kháng chiến “xuất quỷ nhập thần”. Hy vọng rằng, những chiến sĩ biệt động còn sống, còn lưu giữ những hiện vật kháng chiến sẽ trao tặng lại cho bảo tàng, để các hiện vật ngày càng phong phú hơn.

Những người lính biệt động năm xưa vẫn còn sức khỏe đã cố gắng có mặt tại bảo tàng. Nhìn lại những hiện vật, hình ảnh, những thước phim về cuộc tổng tiến công vào Dinh Độc Lập ngày ấy, nhiều người đã không kiềm được nước mắt. Vì đó là hình ảnh của chính họ, của những chiến sĩ, đồng đội đã nằm lại, hy sinh xương máu cho độc lập, tự do dân tộc. 

Một số hình ảnh, hiện vật được trưng bày tại bảo tàng: 

Không gian lưu giữ hình ảnh, tưởng niệm các chiến sĩ lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định đã hy sinh. 

Bản đồ các mũi tiến công của Lực lượng Biệt động - Sài Gòn trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. 

Xe Velo Solex được ông Trần Văn Lai bàn giao cho giao liên Nguyễn Ngọc Huệ làm công tác vận chuyển thư, tài liệu, tiền vàng từ năm 1964 - 1976. 

Một số loại vũ khí được Lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định sử dụng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. 

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Hải Phòng phát động thi sáng tác tranh Kỷ niệm 70 năm giải phóng thành phố

Sáng 5/5, TP.Hải Phòng tổ chức lễ phát động Cuộc thi Sáng tác tranh cổ động hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng thành phố (13/5/1955 - 13/5/2025).
2024-05-05 17:56:20

Phát hành bộ tem bưu chính Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ Thông tin & Truyền Thông đã phát hành bộ tem bưu chính ‘Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 – 2024)’. Đây là bộ tem thứ tám của Bưu chính Việt Nam về Chiến thắng Điện Biên Phủ.
2024-05-05 16:45:10

Ra mắt Trung tâm báo chí Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Hôm nay, 5/5, tại Trung tâm Hội nghị - Văn hoá tỉnh Điện Biên ra mắt Trung tâm báo chí Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
2024-05-05 16:30:00

Tổng duyệt Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 5/5, tại sân vận động tỉnh Điện Biên, TP Điện Biên Phủ, Ban chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước tổ chức tổng duyệt Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
2024-05-05 12:05:00

Nghệ An: Công diễn vở kịch hát 'Lời Người - Lời của nước non'

Hướng đến Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), tối 4/5, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An giới thiệu vở kịch hát “Lời Người - Lời của nước non” của tác giả Vũ Hải, đạo diễn NSND Hồng Lựu.
2024-05-04 22:35:00

HĐND tỉnh Hà Tĩnh thông qua 13 nghị quyết quan trọng

Sáng 4/5, HĐND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Kỳ họp thứ 19 (kỳ họp chuyên đề) đã họp bàn, xem xét và thông qua 13 nghị quyết quan trọng nhằm kịp thời xử lý các yêu cầu thực tiễn đặt ra.
2024-05-04 17:05:00
Đang tải...