Trận Ia Đrăng Lục quân Mỹ kinh hồn, bạt vía trước sức mạnh và cơ trí của quân chủ lực
Vào cuối năm 1965, trên chiến trường miền Nam, quân và dân ta mở nhiều chiến dịch, trận đánh trực tiếp với quân Mỹ và giành thắng lợi vang dội. Trong đó, trận Ia Đrăng là một trong những thắng lợi điển hình với nhiều nét nghệ thuật đặc sắc, góp phần khẳng định, bộ đội ta có đủ khả năng tiêu diệt từng đơn vị quân Mỹ, làm chuyển biến cuộc chiến tranh. Trận đánh này thể hiện sự mưu trí, sáng tạo, kế lừa địch và dụ địch vào hiểm địa để đánh những đòn khai tử giặc Mỹ xâm lược. Với cách đánh “vây điểm, diệt viện”, cuối tháng 10-1965, trong khuôn khổ Chiến dịch Plây-me, quân ta đã vây ép đồn Plây-me, tiêu diệt đồn Chư Ho, buộc địch phải điều một chiến đoàn bộ binh cùng Chiến đoàn thiết giáp số 3 ngụy ứng cứu nhưng cũng bị lực lượng của ta đánh bại. Đòn đau này đã kích thích tính kiêu ngạo của quân Mỹ khi lần đầu tiên chúng xuất hiện ở Tây Nguyên.
Như con thú dữ bị thương, người Mỹ quyết tâm “ăn tươi nuốt sống” quân đội ta, ngày 14-11-1965, Lữ đoàn 3 kỵ binh Mỹ dùng máy bay lên thẳng đổ quân xuống thung lũng Ia Đrăng (cách đồn Plây-me 25 km về phía Tây) nhằm đánh đòn bất ngờ vào sau lưng đội hình các đơn vị chủ lực ta. Tuy nhiên địch không thể ngờ là chúng ta đã đoán ra ý đồ của họ; tình huống nằm trong ý định của ta nhằm đưa bộ đội chủ lực trực tiếp đương đầu với quân Mỹ để tìm hiểu khả năng tác chiến của chúng và xây dựng cách đánh Mỹ cho bộ đội. Vì thế, trận Ia Đrăng đã diễn ra liên tục nhiều giờ, cả ngày lẫn đêm hết sức ác liệt, dưới các loại hỏa lực bom và đạn pháo của Mỹ. Bằng quyết tâm cao, thế trận vững chắc, hiểm hóc và cách đánh linh hoạt, chủ động, táo bạo dũng mãnh, quân ta tiêu diệt gần hết một tiểu đoàn và đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn khác của Lữ đoàn 3 kỵ binh không vận Mỹ, buộc chúng phải tháo chạy khỏi thung lũng Ia Đrăng. Với trận đọ sức này đem lại niềm tin to lớn rằng, Quân đội nhân dân ta đủ sức đối đẩu, chiến đấu và chiến thắng kẻ thù dù thua kém về hỏa lực cũng như các phương tiện hỗ trợ. Đó là chiến thắng của tinh thần quyết chiến, quyết thắng, chiến thắng của nghệ thuật quân sự Việt Nam, thể hiện một số điểm chính sau:
1. Đây là trận đầu tiên của Quân đội ta tiêu diệt gần hết tiểu đoàn quân Mỹ trên chiến trường miền Nam, mở ra khả năng ta có thể thắng Mỹ trong điều kiện chúng có ưu thế về lực lượng, trang bị và cơ động. Trong trận đánh này, phía quân giải phóng đã cơ động, tấn công bất ngờ từ nhiều hướng vào các bãi đáp của Mỹ khiến chúng hoàn toàn lúng túng và phản kháng một cách bị động. Chúng ta có lợi thế vượt trội hơn hẳn khi đã chủ động mai phục, đánh trúng vào "chỗ hiểm" của Quân đội Mỹ. Chỗ hiểm đó chính là việc quân giải phóng bắt thóp được chiến thuật trực thăng vận của Mỹ, khi ta có thể đón đoán trước được các khu vực trực thăng Mỹ có thể đổ quân. Những bãi đáp này được Mỹ sử dụng như một cầu không vận để đưa thương binh ra và đưa hàng tiếp tế vào chiến trường. Khi bị chúng ta tấn công vào đây, phía Mỹ hoàn toàn bị động.
2. Ta chủ động đánh giáp lá cà trong khi đó bản đồ chia ô rải thảm bom B-52 của Mỹ trong chiến dịch Plei Me, các khu vực bãi đáp X-Ray và bãi đáp Albany, hai điểm diễn ra cuộc đụng độ cực lớn giữa quân chủ lực của ta và lính Mỹ đều nằm trong bản đồ này, điều khiến người Mỹ không dám rải thảm bom xuống các khu vực diễn ra giao tranh là do phía Mỹ và ta có cự ly chiến đấu quá gần, nếu sử dụng B-52 rất có thể sẽ thả trúng vào cả quân Mỹ.
3. Quân giải phóng miền nam mở chiến dịch "đánh điểm, diệt viện", diệt đồn Chư Ho, vây đồn Plei-me để một chiến đoàn quân đội Sài Gòn ra cứu viện, lập tức bị Quân giải phóng là trung đoàn 33 và trung đoàn 320 đánh cho thiệt hại rất nặng, không còn sức chiến đấu. Lập tức Mỹ đưa một lữ đoàn của sư đoàn kỵ binh bay lên ứng cứu. Khi lữ đoàn đổ bộ xuống một tiểu đoàn do Moore chỉ huy đánh vào tiểu đoàn bộ tiểu đoàn 9 trung đoàn 66. Tiểu đoàn này đã chuẩn bị tinh thần để chiến đấu với quân Mỹ nhưng tiểu đoàn trưởng đi họp với cấp trên, trợ lý tác chiến ở nhà chỉ huy tiểu đoàn bộ trụ vững, chiến đấu kiên cường. Tiểu đoàn kỵ binh bay không thể chiếm lĩnh được trận địa, bị thương vong nhiều. Đến tối, các đại đội của tiểu đoàn 9, trung đoàn 66 đã tiến đánh từ các phía vào, tiểu đoàn kỵ binh bay. Điều này chứng tỏ chúng ta đã chuẩn bị rất tốt cho trận đánh, thiếu chỉ huy nhưng do có kế hoạch, phương án sẵn sàng chiến đấu nên chúng ta đã chiến thắng.
4. Tổng cộng, trong trận Ia Đrăng phía ta đã loại khỏi cuộc chiến tổng cộng 476 lính Mỹ, trong đó có 234 lính tử vong và 245 lính bị thương. Con số này là rất lớn khi mà lực lượng Mỹ tham gia trận Ia Đrăng đông gấp nhiều lần quân ta và chúng đã ném tới 5000 tấn bom, bắn hơn 6000 quả đạn pháo một ngày trong trận đánh này. Chúng ta đã rất khôn khéo điều dụ quân Mỹ đến địa bàn có lựa chọn để hình thành trận then chốt, tiêu diệt lớn quân địch. Ngay từ khi quân Mỹ ồ ạt nhảy vào miền Nam, ta đã tích cực tìm hiểu quy luật hoạt động, thủ đoạn đối phó của chúng; từ đó, đánh giá đúng những chỗ mạnh của địch là: quân đông, hỏa lực mạnh, sức cơ động cao, khả năng tiếp tế hậu cần dồi dào…; đồng thời, thấy rõ những điểm yếu chí tử của chúng là tinh thần chiến đấu kém, ngại đánh gần, ỷ lại hỏa lực, chưa quen khí hậu, thời tiết, v.v. Vì thế, việc điều dụ quân Mỹ vào các địa bàn rừng núi lựa chọn, xa căn cứ của chúng, nhằm hạn chế mặt mạnh, khoét sâu điểm yếu để đánh thắng các trận then chốt là vấn đề rất quan trọng.
KẾT LUẬN:
Lính Mỹ có kỹ thuật chiến đấu cao, hỏa lực rất mạnh lại được hỗ trợ trực thăng, B52 nhưng cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam do giới cầm quyền Mỹ phát động, lính Mỹ không hiểu sang Việt Nam chiến đấu để làm gì, không hiểu đối tượng, không quen địa hình và khí hậu. Còn người lính của Quân đội nhân dân Việt Nam khi cầm súng đã được biết rõ cầm súng để làm gì, chiến đấu để bảo vệ ai, đánh lại ai, cuộc chiến đấu đạt mục tiêu gì và có thể thắng hay không? Những vấn đề lớn về mục tiêu chiến đấu, về nhiệm vụ chiến đấu của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã được giáo dục và thảo luận kỹ trong quân đội cho nên một người lính của Quân đội nhân dân Việt Nam khi chiến đấu rất tự giác, kiên cường, không sợ hy sinh gian khổ, chủ động sáng tạo mưu trí trong cách đánh. Cao hơn hết, trận đánh này người Hoa Kỳ được mở rộng tầm mắt để biết rằng họ đang phải đối đầu với một đội quân mang trong mình sức mạnh và hào khí của 4000 năm lịch sử, luôn chiến đấu và chiến thắng trước mọi kẻ thù xâm lược bất chấp chúng hùng mạnh và hung hãn đến cỡ nào. Người lính Việt Nam ra trận mang theo cả hồn thiêng sông núi, khí phách của tiền nhân, điều đó đã tạo nên sức mạnh vô địch khiến cho Hoa Kỳ kinh hồn, bạt vía, cúi đầu và cuốn cờ./.
Theo Lão chăn bò DVK - 13/11/2019.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.