Trẻ em Ukraine tha hương, tìm sự sống mới trong cuộc chiến kéo dài
Cuộc di tản của người dân Ukraine được Liên Hợp Quốc gọi là cuộc khủng hoảng người tị nạn gia tăng nhanh nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai. Hầu hết những người chạy trốn khỏi cuộc chiến đổ tới các quốc gia ở biên giới phía tây của Ukraine, như Hungary, Ba Lan, Slovakia, Romania và Moldova. Phần lớn đến Ba Lan, nơi 1,33 triệu người tị nạn đã vượt qua biên giới, theo cơ quan Biên phòng Ba Lan.
Ảnh: AP
Thủ tướng Moldova, Natalia Gavrilița hôm 6/3 cho biết, cứ 8 trẻ em ở đất nước của bà thì có một người tị nạn Ukraine.
Sau khi vượt biên đến Hungary bằng tàu hỏa cùng với hàng trăm người tị nạn Ukraine khác, Annamaria, 10 tuổi, cho biết cô bé đã bắt đầu lo lắng cho những người bạn của mình ở Kharkiv khi nhiều tin nhắn mà bé gửi qua Viber không thấy bạn trả lời.
Ảnh: PAP/TTXVN
“Cháu thực sự nhớ các bạn vì không thể liên lạc được, họ chỉ đọc tin nhắn của cháu thôi. Cháu thực sự lo lắng vì không biết các bạn đang ở đâu”, Annamaria nói bằng tiếng Anh khá rõ ràng, bên trong ga tàu hoả ở thị trấn biên giới Zahony.
Ảnh: PAP/TTXVN
Cô bé chỉ là một trong hơn 1 triệu trẻ em đã chạy khỏi Ukraine trong vòng chưa đầy hai tuần kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại nước này.
Valeria Varenko, 9 tuổi, đã chạy lánh nạn cùng mẹ và em trai từ thủ đô Kiev của Ukraine sau vài ngày phải trú ẩn trong tầng hầm nhà chung cư. Sau khi lái xe cả ngày lẫn đêm suốt hai ngày, gia đình em đến được một trung tâm tiếp nhận người tị nạn tạm thời ở Barabas, Hungary. Valeria cho biết em muốn nói với những bạn nhỏ còn lại Ukraine là hãy cẩn thận, không chạm vào bất kỳ thứ gì trên đường phố vì “chúng có thể là bom, khiến các bạn ấy bị thương”. Bố em đang bảo vệ Kiev. Cô bé nói rất tự hào về bố và nhớ ông rất nhiều.
Ảnh: AP
Ngoài trẻ em, hầu hết những người tị nạn khác là phụ nữ - mẹ và bà của những đứa trẻ đang tìm đến nơi an toàn - vì đàn ông Ukraine từ 18 đến 60 tuổi không được phép rời khỏi đất nước.
Thành phố Kharkiv, quê hương của Annamaria, thành phố lớn thứ hai của Ukraine với 1,5 triệu dân, đã phải hứng chịu những đợt bắn phá nặng nề trong cuộc xung đột đang diễn ra.
Thực tế,chiến sự Nga - Ukraine chỉ là một diễn biến xa hơn, trong một cuộc khủng hoảng nhân đạo kéo dài, bắt đầu từ năm 2014, với những cuộc giao tranh đẫm máu trong một thập niên qua. Hơn 10.000 thường dân đã thiệt mạng hoặc bị thương và 1,4 triệu người phải rời chỗ ở. Ukraine có tỷ lệ người thuộc nhóm dễ bị tổn thương ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nhân đạo cao nhất: người già và người khuyết tật chiếm hơn 30% số người sống ở Ukraine bị ảnh hưởng bởi xung đột, theo báo cáo của Liên hợp quốc.
Ảnh: AP
Bộ Y tế Ba Lan cho biết: Họ đang chuẩn bị một chuyến tàu y tế để vận chuyển những người Ukraine bị thương, và đã lập danh sách 1.230 bệnh viện có thể tiếp nhận những người bị thương. Slovakia cũng thông báo sẵn sàng giúp đỡ những người tị nạn.
Trong khi đó, ngành đường sắt Czech đã cung cấp các toa tàu với 6.000 chỗ ngồi và giường để giúp người dân sơ tán nếu cần thiết. Romania cũng sẵn lòng viện trợ nhân đạo nếu cần.Còn theo Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, đất nước của ông đang chuẩn bị sơ tán bằng đường bộ hơn 4.000 người Bulgaria khỏi Ukraine và sẵn sàng tiếp nhận những người tị nạn Ukraine khác.
Chiến tranh, dù là ở hình thức nào cũng gây ra nhiều mất mát, đau khổ cho người dân vô tội. 65 triệu người đã buộc phải rời khỏi ngôi nhà của họ, và gần 74 triệu người phải đối mặt với nạn đói. Thập niên qua đã chứng kiến sự gia tăng của chiến tranh và bạo lực chính trị vì rất nhiều toan tính, đào sâu sự khốn cùng của con người. Không chỉ ở Ukraine, những quốc gia đang hứng chịu những tổn thương và là điểm nóng là Libya, Yemen, Somalia, Nam Sudan.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.