Triều Tiên tuyên bố sản xuất được loại rượu uống không say
The Guardian (Anh) vừa trích lại bài báo được đăng tải trên tờ Thời báo Bình Nhưỡng cho hay loại rượu nói trên là kết quả sau nhiều năm nghiên cứu của Nhà máy sản xuất thực phẩm Taedonggang.
Tiếp viên phục vụ bia cho khác tại một nhà hàng ở Bình Nhưỡng. Nguồn: The Guardian |
Theo đó, bằng cách thay thế đường với cơm cháy gạo nếp, sản phẩm của Taedonggang đã loại bỏ được vị đắng và không gây cảm giác khó chịu cho người uống sau khi sử dụng.
“Rượu Koryo được làm từ loại insam (sâm) Kaesong Koryo sáu năm tuổi – loại sâm nổi tiếng nhờ thành phần dược tính cao, cùng với cơm gạo cháy – vốn được các chuyên gia và người yêu chuộng rượu đánh giá cao bởi vị dịu ngọt, không gây say”, bài báo viết.
Hồi tháng 8 năm ngoái, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA cũng đã đăng tải một bài báo cho hay trường đại học Koryo Songgyungwan đang tiến hành nghiên cứu, cải thiện chất lượng rượu Kaesong Koryo. Một bài báo từ năm 1999 cũng từng gọi loại rượu này là “rượu tiên”.
Tuy vậy, tác dụng không say của rượu Koryo đang bị đặt trong vòng nghi vấn của dư luận bởi trước đó Triều Tiên từng có nhiều tuyên bố “rất nổ” như phát minh ra thuốc chữa bệnh MERS, SARS và thậm chí AIDS.
“Triều Tiên sở hữu một số loại rượu cao cấp nhưng theo kinh nghiệm của tôi chưa có nơi nào trên thế giới sản xuất được rượu uống không say”, Andray Abrahamian – giám đốc trung tâm nghiên cứu Choson Exchange, người thường xuyên lui tới Triều Tiên cho hay.
Theo tờ The Guardian, một khi công dụng của loại rượu trên được chứng thực, sản phẩm này sẽ trở nên rất phổ biến ở Triều Tiên. Theo một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2012, trung bình mỗi người Hàn Quốc uống 12,1 lít rượu một năm, nhiều hơn tất cả các quốc gia khác ở châu Á.
Nội dung được thực hiện dựa trên tham khảo nguồn tin từ The Guardian, tờ báo thông tin đời sống xã hội có lượng bạn đọc đông đảo của Anh.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.