Trung tâm Nghị Lực Sống: Điểm đến đáng tin cậy cho người khuyết tật
Từ lớp học “nhỏ”…
Năm 2003, tại một làng nhỏ của huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An có một lớp học tin học dành cho người khuyết tật với nhóm “Nối vòng tay lớn” trong ngôi nhà của chính “người thầy” là Hiệp sĩ Công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng sau này. Đến năm 2004 thành lập Cơ sở đào tạo Tin học Công Hùng.
Trao đổi với phóng viên HNHN, Thảo Vân cho biết: Xuất phát từ tình thương yêu của bố mẹ, mong cho hai anh em (Thảo Vân và anh trai là Hiệp sĩ CNTT Nguyễn Công Hùng (đã qua đời) - PV) vơi bớt nỗi buồn, nhà lại rộng, kinh tế cũng khá nên bố mẹ em tìm người đến chơi cùng cho khuây khỏa. Biết được nguyện vọng nên có các bạn cùng xóm đến chơi, trong số đó bố mẹ em nhận 3 người làm con nuôi. Thời gian ở nhà, anh Hùng mua cuốn sách “Tin học thật là đơn giản” về tự học và hướng dẫn lại cho mọi người cùng học theo. Tiếng lành đồn xa, báo chí truyền thông đến đưa tin. Các bạn ở các tỉnh khác xin vào học, có lúc lớp học lên đến 20 người. Vừa học, vừa mở các dịch vụ như: Làm website, chỉnh sửa ảnh, các văn bản, giấy tờ khác… để có thêm thu nhập phụ giúp ba mẹ trang trải cuộc sống cho tất cả mọi người. Dần dần quy mô lớp học nâng lên, dịch vụ phục vụ khách hàng cũng được mở rộng, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho các học viên trong lớp. Nhớ về khoảng thời gian khó khăn, vất vả đó Thảo Vân thốt lên: “Thời kỳ đó thật là vui!”.
Qua
một thời gian hoạt động, nhận thấy mảnh đất Nghệ An môi trường làm việc hạn chế
nên năm 2008, anh Nguyễn Công Hùng đã chuyển cơ sở ra Hà Nội và lấy tên Trung
tâm NLS. Vốn ban đầu chỉ vẻn vẹn 3 triệu đồng của 6 người góp lại để mua tên miền
nghilucsong.net và hotting. Thời gian đầu hoạt động thiếu thốn về mọi mặt từ
trang thiết bị, địa điểm làm việc trong căn phòng bé, chật chội nhưng mọi người
vẫn làm việc hết mình, không quản ngại khó khăn. Năm 2010, có được dự án 300
triệu đồng để sắm sửa trang, thiết bị, Trung tâm từ đó đỡ vất vả và hoạt động
được đi vào nề nếp hơn.
…Đến Trung tâm Nghị Lực Sống “lớn”
Trung tâm NLS là một đơn vị xã hội hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ hòa nhập toàn diện cho người khuyết tật. Mục tiêu của Trung tâm là hỗ trợ NKT để họ có cuộc sống tự lập, tự tin và nhìn nhận đúng về giá trị bản thân, từ đó yêu mến cuộc sống và sống có mục đích.
Trung tâm đào tạo các khóa học kỹ năng như: Kỹ năng sống tự lập, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tiếp cận cơ hội; Các khóa đào tạo về CNTT: Tin học văn phòng, Tin học cơ bản - ứng dụng, Thiết kế đồ họa. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đào tạo các kháo học bổ trợ: Tiếng Anh giao tiếp, Mỹ thuật, Yoga… Trong quá trình đào tạo, học viên không những được trang bị kiến thức mà còn được Trung tâm trang bị cho cả về tâm lý và kỹ năng tìm kiếm việc làm sau khi hoàn thành chương trình học. 100% giáo viên của Trung tâm giảng dạy tình nguyện với phương thức: người học trước, ra đi làm ở những công ty lớn, có kinh nghiệm và quay về giúp đỡ Trung tâm. Thời gian đào tạo của một khóa học được diễn ra trong vòng từ 3 - 6 tháng, tùy với từng đối tượng học viên sao cho phù hợp. Các khóa đào tạo dành cho NKT hoàn toàn miễn phí, vấn đề ăn ở, sinh hoạt học viên tự túc. Vì vậy, chúng tôi thành lập Công ty Cổ phần Nghị Lực Sống với các dịch vụ: Thiết kế - Quản trị website; Thiết kế đồ họa; Thương mại điện tử (cung ứng sản phẩm, dịch vụ của NKT) để vừa là nơi các học viên được thực hành trau dồi kiến thức, vừa kiếm thêm thu nhập duy trì và phát triển Trung tâm. 100% lợi nhuận từ kinh doanh được dùng để hỗ trợ đào tạo CNTT cho NKT - Thảo Vân cho biết.
Từ một lớp học “nhỏ” được mở ngay trong gia đình đến một Trung tâm “lớn” được mở ra với những kết quả đạt được chúng ta không khỏi ngỡ ngàng: Tính từ năm 2003 đến nay Trung tâm đã đào tạo cho hơn 700 NKT và có tới 80% đã có việc làm. Mức thu nhập bình quân hiện tại (tính cả người đang thất nghiêp) là 4,9 triệu đồng/người/tháng. Trung tâm đã tiếp cận được 40 doanh nghiệp sẵn sáng nhận NKT vào làm việc. Điển hình là Công ty EsoftFlow có 100% vốn của Đan Mạch cam kết mỗi năm nhận 20 lao động là NKT do Trung tâm đào tạo, mức lương từ 4 - 12 triệu/tháng. Trung tâm NLS đã góp phần làm thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá của xã hội về năng lực của NKT theo hướng tích cực. Các học viên được đào tạo ở Trung tâm có được những kỹ năng cần thiết để tự tin hòa nhập cộng đồng.
Chân dung người chèo lái Trung tâm
Nguyễn Thảo Vân sinh năm 1987 ở huyện
Nghi Lộc, Nghệ An, là em gái của "Hiệp sĩ" CNTT Nguyễn Công
Hùng. Sinh ra Thảo Vân đã không đi lại được nhưng lớn lên càng ngày cơ thể dần
bị teo lại, căn bệnh mà y học không thể gọi thành tên. Không khuất phục trước số
phận, trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, với ý chí nghị lực phi thường
Thảo Vân đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng người dân Việt Nam và bạn bè nước
ngoài.
Giám
đốc Nguyễn Thảo Vân nhận giải Tình nguyện quốc gia năm 2013
Học xong lớp 12, Thảo Vân đã tự học và được nhận vào làm ở một số công ty nước ngoài. Sau khi anh trai qua đời, Thảo Vân về tiếp nhận và chèo lái Trung tâm ngày càng phát triển. Trước sự nỗ lực cố gắng không mệt mỏi của bản thân Thảo Vân vinh dự được nhận những phần thưởng cao quý, như: Giải thưởng “Dải băng xanh”, “Nhân tài đất Việt” năm 2008; Năm 2010 được Bộ Thông tin - Truyền thông trao giải thưởng đặc biệt “Có sở đào tạo CNTT cho NKT tốt nhất trong cuộc thi Victa Awards”, Bằng khen của Hội Bảo trợ NTT và TMC Việt Nam, Giải thưởng “Doanh nhân xã hội” do tổ chức CSIP trao tặng; Giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2013; Giải thưởng Tâm Tài Nghệ An năm 2014.
Lúc ra về, Thảo Vân chia sẻ thêm: “Với những NKT mọi người thường nghĩ phải có lớp học chuẩn chỉ, chuyên nghiệp nhưng em nghĩ đó chỉ là vấn đề về tâm lý. Tâm lý tốt mọi vấn đề khác sẽ tốt… Hãy tự biết cách để giúp lấy mình, đừng chờ người khác”.
Với một giám đốc – người đứng đầu đầy bản lĩnh, tự tin như Thảo Vân thì Trung tâm NLS sẽ là điểm đến đáng tin cậy cho NKT trong cả nước; là mái nhà đầy ắp tình yêu thương và lòng nhân ái bao la…
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.