Truyền động lực cho người khuyết tật

2020-09-08 08:51:18 0 Bình luận
Ông Phạm Dũng (59 tuổi) - chủ tiệm may Việt Dũng (tại thị trấn Sịa, tỉnh Thừa Thiên Huế) - bước đi trên đôi chân bên cao bên thấp về cuối nhà, pha vội bình nước để tiếp khách.

Suốt nhiều năm qua, ông lặng lẽ gieo niềm tin cho những ai có chung cảnh ngộ khuyết tật, "tàn nhưng không phế".

Ông Dũng (trái) may đo đồ cho khách - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Ký ức tuổi thơ gian khó

Ngược về tuổi 13, cơ thể ông vốn bình thường như bao đứa trẻ khác, rất thông minh, lanh lợi. Cho đến khuya mùng 4 tết năm 1975, người anh trai của ông là một cán bộ đang hoạt động cách mạng, bí mật ghé về thăm nhà sau chuỗi ngày nằm hầm biền biệt.

"Vô chưa được một phút, tiếng bom bi nổ đoàng, "khai màn" làn đạn xả ào ạt như "bắp rang" nhắm vô nhà. 32 tên lính nghĩa quân núp sẵn sau vườn từ khi mô không hay biết. Tui lúc nớ còn đang ngủ say, chỉ giật mình rồi chẳng kịp chạy" - ông Dũng thuật lại.

Nghiệt ngã, mảnh bom bi găm chặt, phá nát phần xương ống lẫn đùi chân trái của ông. Trong tích tắc, những bác sĩ ở Bệnh viện huyện Quảng Điền lúc ấy chỉ định cắt bỏ gần hết phần chân ông. Đứa trẻ tuổi 13 năm ấy chỉ biết khóc xỉu mỗi lần nhìn xuống đôi chân nay chỉ còn có một đầy đáng thương.

Hơn 3 tháng sau, ngày đất nước thống nhất (30-4-1975) cũng là lúc vết thương nơi đầu chân của Dũng khi đó khô lành hẳn. Ham học, cậu bắt đầu chập chững tập đi. Ngặt nỗi, loanh quanh trong nhà thì chẳng sao, nhưng hễ cứ đi xa là lại ngã. Thương tật không cho Dũng chịu nổi con đường lúc trời mưa thì lầy lội, ngập nặng, lúc trời nắng lại hanh hao, mịt mù bụi. Hết lớp 9, Dũng đành phải bỏ cuộc giữa chừng sau gần 1 năm trời cố gắng.

Thương số phận lận đận, gia đình hướng ông theo nghề may. Và rồi, ở cái tuổi 17, mất một chân, ông bắt đầu "cơm đùm gạo bới" vào tiệm may Đồng Tân trên đường Trần Hưng Đạo (tỉnh Bình Trị Thiên xưa, nay là TP Huế) học may.

Sau hơn 3 năm nỗ lực, ông được thầy cho "ra nghề" sớm. Tay nghề khá, tính lại siêng năng giúp ông được nhiều nhà may biết tiếng, mời về làm. Từ thợ may áo sơmi, quần tây, áo vest, ông Dũng tiếp cận rồi học thêm cách may đồng phục trong ngành công an, biên phòng, y tế... Ông nói rằng trời "triệt" đi một chân của mình, nhưng bù lại cho ông đôi tay khéo hơn người.

Vượt lên và truyền động lực

Bươn chải, làm thuê từ đời chủ này sang đời chủ nọ suốt 20 năm, ông Dũng tự tin ra làm riêng và có được tiệm may Việt Dũng ngày nay. Mặt bằng mà ông thuê lại hiện không quá lớn, chỉ đủ kê một sạp vải, tủ đồ cùng vài ba chiếc bàn may. Thấu hiểu với người đồng cảnh, từ nhiều năm trước ông đã tự đứng ra nhận dạy kèm, truyền nghề cho nhiều người khuyết tật. "Họ cũng như mình thôi, muốn kiếm cái nghề, trước có cơm nuôi thân, sau quay lại phụ giúp gia đình. Đừng là gánh nặng, có tàn nhưng không phế là được" - ông Dũng nhấn mạnh.

Ông Dũng nói, để học may rồi đứng được trong nghề này không phải dễ. Chuyện đang học rồi nghỉ ngang giữa chừng vì không đủ kiên nhẫn xảy ra "như cơm bữa", cả người bình thường lẫn khuyết tật.

Thông thường khi chân trái mỏi, người may có thể chuyển sang chân phải để đạp, hai chân thay đổi, hỗ trợ nhịp nhàng. Nhưng với người khuyết tật thì lại không. Chưa kể những ai bị khuyết tật ở tay thì việc đưa vải theo ý đồ đường may để lên hình cho áo quần lại rất khó.

"Người ta hai chân làm xong về sớm, mình một chân làm chậm thì về muộn, mai lại tới sớm. Chỉ cần nhìn người khác tươi vui mặc đồ mình may, kiếm ra tiền bằng chính mồ hôi nước mắt mới càng quý. Tôi luôn răn học trò như thế" - ông Dũng nói.

Mỗi học trò khi đến học thì đóng 5 triệu đồng tiền học phí. Đến khi họ học xong, ông Dũng tặng lại số tiền đó. "Số tiền để "cầm chân" sự kiên nhẫn của người học, tránh việc học được vài ba đường kim đã muốn bỏ đi làm chỗ khác" - ông Dũng cho biết.

Đến nay, học trò của ông Dũng khoảng 200 người, phần lớn là người khuyết tật. Có nhiều học trò từ nghèo khó, tật nguyền nay đã mở được tiệm may ở quê, có người còn mở cả công ty may với nhiều công nhân ở TP lớn như Hà Nội, TP.HCM... Ở thị trấn Sịa, tỉnh Thừa Thiên Huế, danh tiếng của tiệm may Việt Dũng cùng những điều tử tế mà ông làm trước nay đã trở thành câu chuyện đẹp lan truyền.

Anh Phạm Sơn - một người khuyết tật từng học nghề ở ông Dũng nhiều năm trước, nay đã thành chủ một tiệm may cũng ở huyện Quảng Điền - xúc động: "Hai chân bị bại liệt nên tôi không thể đi đứng, làm việc bình thường. Cũng nhờ thầy mà tôi có được cái nghề trong tay, giờ vất vả nhưng vẫn có thể nuôi bản thân và gia đình".

Giúp trò tự tin

Dịch bệnh COVID-19 xảy đến khiến tiệm may Việt Dũng cũng có phần ảnh hưởng. Ông Dũng nói vì hàng hóa ít đi, thu nhập giảm nên ông cho một số học trò tạm nghỉ ở nhà. Hiện lớp chỉ có Nguyễn Văn Tuyển, 22 tuổi, bị tật ở tay do hỏa hoạn vừa mới theo học. Mỗi trưa, Tuyển và thầy đi chợ, thổi cơm ăn chung luôn tại tiệm. Ông nói những lúc đi chợ, ngồi ăn chung, ông vừa truyền nghề, truyền tinh thần giúp học trò tự tin hơn.

"Tưởng chừng đôi tay cong queo này sẽ chẳng làm được gì, thế mà nhờ thầy tận tình chỉ bảo, nay mình cũng bắt đầu biết nhiều thứ hơn" - Tuyển chia sẻ.

Vợ ông Dũng, bà Nguyễn Thị Thương (55 tuổi), nói: "Ông dạy miễn phí, đó là việc tốt nên tui đồng tình ủng hộ".

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Quận Đống Đa phát động thi viết báo bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Đảng ủy Khối doanh nghiệp quận Đống Đa hưởng ứng Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ Tư, năm 2024 trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
2024-03-29 10:26:56

KUN Happy Run Cần Thơ 2024 - Sân chơi thể thao đỉnh cao, căng trào cảm xúc

Trước thềm giải chạy VPBank Can Tho Music Night Run 2024, sáng ngày 13/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), thương hiệu KUN thuộc CTCP Sữa Quốc tế (IDP) và Nexus Sport Events sẽ phối hợp tổ chức giải KUN Happy Run Cần Thơ 2024. Giải chạy nhằm lan tỏa tình yêu thể thao, truyền cảm hứng về lối sống nhân văn, tích cực đến các mầm non tương lai của đất nước.
2024-03-29 10:04:15

Du khách được ăn hơn 400 món tại Lễ hội văn hóa ẩm thực TP.HCM

Lễ hội Văn hóa ẩm thực Món ngon Saigontourist Group 2024 hấp dẫn với hơn 400 món ăn, thức uống đặc trưng ba miền tại 40 gian hàng ẩm thực.
2024-03-28 22:55:00

Thành lập Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật TP Thái Nguyên

Ngày 28/3, tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; Hội Người khuyết tật TP Thái Nguyên tổ chức Lễ ra mắt Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật.
2024-03-28 17:48:00

Về thăm chùa cổ Kiên Lao - Sùng Phúc tự

Chùa Kiên Lao (Sùng Phúc tự) ở làng Kiên Lao, xã Xuân Kiên (Xuân Trường, Nam Định) là một trong những danh lam cổ tự của vùng đất “Địa linh, nhân kiệt”. Nơi đây Hòa thượng Thích Thiện Tri trụ trì là bậc hoằng pháp chân tu cùng Hội phật tử dốc lòng tâm huyết, luôn mang lại phúc lành cho mọi người dân và tín đồ phật tử muôn phương.
2024-03-28 16:04:55

Khám phá những đường chạy cực chất tại VPBank Can Tho Music Night Run 2024

Chính thức khởi tranh vào chiều tối 13/4, VPBank Can Tho Music Night Run 2024 sẽ đưa runner băng qua cung đường ấn tượng gắn kết với những địa danh đã đi vào huyền thoại của thủ phủ miền Tây Nam Bộ.
2024-03-28 13:59:17
Đang tải...