Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm cho báo chí và các nhà báo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhà văn hóa kiệt xuất, “Người có duyên nợ với báo chí”, là một nhà báo vĩ đại. Và, báo chí cách mạng Việt Nam trong hơn 94 năm qua đã phát triển, lớn lên dưới ánh sáng tư tưởng của Người.
Báo chí là bộ phận khăng khít trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân, dân tộc và của Đảng
Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí và các phương tiện thông tin - tuyên truyền đại chúng là bộ phận hữu cơ, luôn gắn với mục tiêu của cuộc cách mạng, vì cách mạng mà phải hình thành, tổ chức và phát triển báo chí. Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh bắt đầu sự nghiệp báo chí của mình bằng các tác phẩm báo chí, như: Vấn đề người bản xứ đăng trên tờ L’Humanité, ngày 2/8/1919. Nguyễn Ái Quốc đã từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa xã hội, tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Người đến với chủ nghĩa Mác - Lênin từ lúc Người phát hiện ra “cái cần thiết cho chúng ta”, “con đường giải phóng cho chúng ta” trong Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin, Người tiếp xúc văn bản này vào tháng 7/1920. Đây là bước chuyển về chất trong tư tưởng của Người, báo chí là thứ vũ khí, sắc bén, lợi hai, được Người sử dụng và phát huy đến mức tối đa. Cùng với các hoạt động cách mạng khác, Hồ Chí Minh đã dùng “ngòi bút làm đòn xoay chế độ”, thức tỉnh, tập hợp và động viên, tổ chức quần chúng đứng lên đánh thắng kẻ thù, xây dựng xã hội mới ấm no, hạnh phúc, thực hiện ước muốn của mình “đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, cũng được học hành”. Coi báo chí là một bộ phận hữu cơ của sự nghiệp cách mạng, nên khi cả dân tộc Việt Nam lao vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Người đã nhiều lần nhắc nhở anh chị em làm báo: “Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục, và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung. Mục đích là kháng chiến và kiến quốc”1.
Như vậy, mục đích của báo chí được bắt đầu và quyết định bởi ý đồ chính trị của một giai cấp - giai cấp lãnh đạo, một chính Đảng cầm quyền trong xã hội, chứ không phải từ ý đồ của một cá nhân, hay chỉ là phương tiện thông tin giao tiếp đứng ngoài cuộc đấu tranh tư tưởng như một số nhà lý luận báo chí tư sản tuyên bố và có một số người trong chúng ta ngộ nhận. Hiệu lực và hiệu quả của báo chí Việt Nam được thể hiện và phát huy khi nó thực sự trở thành mắt xích của sự nghiệp cách mạng của Đảng và của nhân dân ta. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, mục đích của báo chí là “phò chính, trừ tà”, vì sự nghiệp cách mạng của nhân dân, của dân tộc và của Đảng, chứ không phải thứ “ăn theo nói leo”. Do đó, báo chí luôn luôn là một bộ phận hữu cơ của sự nghiệp cách mạng của nhân dân, của dân tộc và của Đảng, như Lênin đã nói từ đầu thế kỷ XX: Báo chí phải như cái đinh ốc trong bộ máy của Đảng Cộng sản.
“Nói đến báo chí trước hết phải nói đến người làm báo chí”2. Trong các bài nói, bài viết của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vị trí trung tâm và vai trò quyết định của đội ngũ người làm báo đối với báo chí. “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ”3. Những lời chỉ dẫn của Người như một bức tranh phác thảo mô hình các phẩm chất nghề nghiệp thiết yếu của nhà báo, từ chính trị, tư tưởng, văn hóa, chuyên môn đến kỹ năng, kinh nghiệm và trách nhiệm trước dân, trước Đảng. Trong đó, “phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ”4. Thấm nhuần tư tưởng này, Đảng và Nhà nước ta quan tâm đến công tác đào tạo và bồi dưỡng nhà báo. Đối tượng của báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng là đại đa số nhân dân, tức là công chúng xã hội đông đảo. Đây cũng là một tư tưởng cơ bản của Hồ Chí Minh, có ý nghĩa lý luận sâu sắc và ý nghĩa thực tiễn sống động. Người khẳng định: “Báo chí của ta cần phải phục vụ nhân dân lao động”. “Báo chí ta không phải cho một số ít người xem mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền, giải thích đường lối của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu”5.
Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, viết là một khái niệm mở - từ ý đồ, ý định, tư duy lựa chọn sự kiện, thu thập chất liệu đến trình bày ngắn gọn, đầy sức hấp dẫn, phổ thông, dễ hiểu và dễ làm theo. Viết phải gắn liền với xác định mục đích, xác định đối tượng tác động. Cho nên “Phải đặt câu hỏi: Viết cho ai? Viết cho công - nông - binh. Viết để làm gì? Để giáo dục, giải thích cổ động, phê bình, để phục vụ quần chúng..., để nêu cái hay cái tốt của nhân dân ta... Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay cái tốt thì phải có chừng mực...”, đồng thời muốn viết hay thì phải có tài liệu. Phải nghe, hỏi, thấy, xem và ghi chép cẩn thận, tức là một chuỗi những kỹ năng nghề nghiệp trong lao động nhà báo.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về phê bình và tự phê bình công khai trên báo chí
Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho các thế hệ người Việt Nam nhiều di sản quý báu. Mỗi người dân Việt Nam đều gọi Hồ Chí Minh bằng tên gọi thân thiết, gần gũi với lòng biết ơn và kính trọng: Bác Hồ.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh và qua hoạt động của Người, báo chí cách mạng có một vị thế xã hội rất quan trọng. Trong đó, cán bộ báo chí giữ vai trò quyết định. Nhưng khi nói đến cán bộ báo chí, Bác cũng đồng thời nói tới đạo đức của người làm báo. Đó là nền tảng của các phẩm chất nghề nghiệp báo chí.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt vấn đề rằng, báo chí không chỉ “để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ”, mà còn là vũ khí tự phê bình và phê bình rất lợi hại. Bác Hồ kính yêu của chúng ta không chỉ là nhà chính trị, vị lãnh tụ thiên tài của Đảng Cộng sản và dân tộc Việt Nam, không chỉ là nhà danh nhân văn hoá thế kỷ XX, mà trước hết, Người là một nhà báo đích thực, vĩ đại. Trong một chuỗi hoạt động cách mạng bôn ba, nghề nghiệp Bác Hồ khai rất đơn giản: làm báo. Trong tư tưởng của Người, làm báo đồng nghĩa với làm cách mạng. Do miệt mài học tập từ những bước đi đầu tiên, tập viết những dòng tin cho đến khi thành thạo và tinh tường trong “công việc viết báo”, cho nên, Hồ Chí Minh để lại một di sản về “cách viết”. Đó là phong cách báo chí Hồ Chí Minh.
Năm 1951, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đang ở giai đoạn khó khăn, ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Tự phê bình” (báo Nhân dân ngày 20/5/1951).
Bác Hồ viết:
Dao có mài, mới sắc.
Vàng có thui, mới trong.
Nước có lọc, mới sạch
Người có tự phê bình, mới tiến bộ.
Đảng cũng thế.
Cách ví von giản dị, lôgíc hiển nhiên đã biểu hiện tính khách quan, cần thiết của việc tự phê bình. Đó là điều mà “Ai cũng cần tắm rửa cho mình mẩy sạch sẽ. Thì ai cũng cần tự phê bình cho tư tưởng và hành động được đúng đắn”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu vấn đề và chính Bác tự giải đáp: “Tự phê bình là gì? Là thật thà nhận, công khai nhận trước mắt mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Điều đó nói thì dễ, nhưng làm thì khó, Khó là vì người ta hay có lòng tự ái. Thừa nhận cái sai, cái dốt, cái kém của mình thì sợ mất thể diện, mất uy tín, mất địa vị”.
Tự phê bình là cuộc cách mạng diễn ra ngay trong mỗi con người chúng ta, là đấu tranh với chính bản thân mình. Nhưng phải làm việc đó trước mắt tập thể, trước mọi người để mọi người cùng học tập, cùng rút kinh nghiệm. Bởi vì “Thật thà tự phê bình chẳng những giúp cho mình sửa chữa, giúp cho mình tiến bộ mà còn giúp cho người khác biết để mà tránh”. Hồ Chí Minh chống thói qua loa, đại khái, tính hình thức trong tự phê bình, chỉ chỉ trích người khác, còn ai nêu khuyết điểm của mình đã không cảm ơn, lại còn khó chịu, trù dập.
Trong bài “Đạo đức cách mạng” đăng trên Tạp chí Học tập, số 12/1958, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chủ nghĩa cá nhân là một trở ngại lớn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cho nên thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh từ bỏ chủ nghĩa cá nhân”. Vì “chủ nghĩa cá nhân đẻ ra lắm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí”... Tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình đã thể hiện thành một trong những phương châm xây dựng Đảng. Nhưng, không chỉ trong sinh hoạt Đảng, mà Hồ Chí Minh luôn đặt vấn đề tự phê bình và phê bình công khai trên báo chí.
Nếu như tự phê bình và phê bình trong nội bộ không có mấy ý kiến phải bàn luận, vì nó như cơm ăn, nước uống, như “rửa mặt hàng ngày” thì vấn đề tự phê bình và phê bình công khai trên báo chí lại lắm ý kiến. Có người cho rằng, phê bình công khai là vạch áo cho người xem lưng, là cho kẻ thù lợi dụng. Hồ Chí Minh cũng đã kiên quyết chống lại những biểu hiện tư tưởng trên đây. Trong tư tưởng của Người, phê bình công khai là “thuốc đắng dã tật”, có những cán bộ tưởng rằng: nếu công khai phê bình những khuyết điểm của mình thì sẽ có hại, vì:
+ Kẻ địch sẽ lợi dụng để phản tuyên truyền;
+ Giảm bớt uy tín của đoàn thể và chính quyền;
+ Làm mất thể diện của cán bộ đã phạm khuyết điểm ấy;
+ Chỉ phê bình qua loa ở nội bộ là đủ rồi.
Thế là tưởng lầm, thế là ốm mà sợ thuốc... mỗi khi đã phạm đến khuyết điểm thì dù mình muốn bưng bít người ta cũng biết. Phải nhớ câu tục ngữ “sừng có vạch, vách có tai”... Cán bộ nào không dám công khai thừa nhận khuyết điểm của mình, e sợ lời phê bình của đồng sự và của nhân dân... thì người đó không xứng đáng là cán bộ, việc phê bình phải từ trên xuống và từ dưới lên.
Phê bình công khai có làm “suy giảm bớt uy tín của đoàn thể và chính quyền” không? Chắc chắn là có. Nhưng có “giảm bớt” này là tạm thời để rồi uy tín lại tăng lên, nếu biết thật thà tự phê bình. Còn nếu sợ mà không phê bình, thì như Hồ Chí Minh nói như “người ốm giấu bệnh”. Mặt khác, trong tư tưởng của Người, tự phê bình và phê bình là việc như cơm “ăn cho khỏi đói”, như “rửa mặt cho khỏi bẩn”, đó là công việc hàng ngày, hiển nhiên cần thiết, tất yếu như vòng tuần hoàn chu chuyển trong cơ thể con người ta.
Tuy nhiên, tự phê bình và phê bình công khai trên báo chí cũng còn phải chống một khuynh hướng nữa. Đó là khuynh hướng “đao to búa lớn”, có bé xé ra to, hoặc lợi dụng tự phê bình và phê bình để hạ bệ nhau, mạt sát nhau. Đó là kiểu phê bình như Hồ Chí Minh viết, là “không nghiêm chỉnh”, “không có tinh thần phụ trách”, không phải “trị bệnh cứu người”.
Trong kinh tế thị trường, những biểu hiện phức tạp của phê bình công khai còn nguy hiểm hơn. Đó là có lúc, có nơi, do sự chi phối của sức mạnh đồng tiền hay vì động cơ cá nhân mà đổi trắng thay đen, uốn cong ngòi bút, thậm chí có biểu hiện “đâm thuê, chém mướn”. Những biểu hiện này tuy rất ít, nhưng gây tác hại nghiêm trọng đến uy tín của báo giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đưa ra các yêu cầu cần thiết có tính nguyên tắc cho việc tự phê bình và phê bình công khai trên báo chí, mà còn rất quan tâm hiệu quả, cách thức giải quyết các vụ việc do báo chí nêu ra. Khi báo chí nêu ra các vụ việc, Bác yêu cầu xử lý ngay, không “đánh trống bỏ dùi” hoặc theo kiểu “sống chết mặc bây”. Có lần, “đọc tờ báo Vùng mỏ của tỉnh Quảng Ninh, có đăng bài phê phán một cán bộ xã 27 tuổi bắt mọi người gọi ông bằng ông. Có một cụ già 60 tuổi có lần quên không gọi ông Chủ tịch xã bằng ông, đã bị khép vào tội coi thường chính quyền, bị viết kiểm điểm, đưa đi dân công”. Đọc bài báo, Hồ Chí Minh đánh dấu nhiều chỗ rồi giao cho văn phòng và yêu cầu kiểm tra, xử lý ngay.
Nếu tư tưởng và phong cách này của Hồ Chí Minh được phát huy, thì hiệu quả tác động của báo chí sẽ rất to lớn, các hiện tượng tiêu cực sẽ hạn chế, giảm bớt rất nhiều.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình không chỉ nêu và phân tích khuyết điểm, thiếu sót mà mặt khác còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đó là biểu dương người tốt, việc tốt. Đây là mặt cơ bản, là xu thế chủ yếu trong tự phê bình và phê bình. Bởi, theo Hồ Chí Minh, “Lấy gương tốt trong quần chúng nhân dân và cán bộ, đảng viên giáo dục lẫn nhau là một phương pháp lấy quần chúng giáo dục quần chúng rất sinh động và có sức thuyết phục rất lớn. Đó cũng là một cách thực hành đường lối quần chúng trong công tác giáo dục”.
Nguyễn Văn Dững
PGS,TS, Nguyên Trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.