Hà Nội: Lập chốt kiểm soát, ngăn chặn dịch COVID-19 từ cấp xã, phường
Thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND, TP. Hà Nội cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 6h ngày 24/7/2021 trên phạm vi toàn Thành phố theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện... Vì vậy, nhiều xã, phường đã khẩn trương lập chốt, tùy vào nhân lực và tình hình thực tế của địa phương để linh động cho phù hợp.
Sau khi có chỉ thị 17/CTT-UBND, Chủ tịch UBND xã Tân Triều (huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội) đã ký quyết định thành lập 5 chốt kiểm soát phòng, chống dịch trên địa bàn xã kể từ ngày 24/7. Các chốt hoạt động 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, tết.
UBND xã Tân Triều lập chốt kiểm soát, phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Cụ thể các chốt được lập tại xã Tân Triều:
Chốt số 1 được lập tại khu vực đầu ngõ 66A xóm Chùa, Triều Khúc, Tân Triều, Thanh Trì;
Chốt số 2: Ngã 3 Trạm y tế xã Tân Triều;
Chốt số 3: Ngã 3 cuối ngõ 300 Nguyễn Xiển;
Chốt số 4: Ngã 3 KDT Tổng cục 5 hướng đi chợ Xanh - Văn Quán;
Chốt số 5: Ngã 3 đầu ngõ 21 gần chợ Yên Xá.
Các chốt gồm có các lực lượng như công an, quân sự và nhân viên y tế có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát đối với người và tất cả các phương tiện ra vào địa bàn xã. Phát hiện và ngăn chặn kịp thời nguy cơ truyền nhiễm dịch bênh Covid-19 vào địa bàn xã.
Tất cả các phương tiện tham gia giao thông đi qua các chốt kiểm dịch đều sẽ được đo thân nhiệt và kiểm tra nguyên tắc 5k phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Tiến hành các hoạt động kiểm tra và khai báo y tế, tuyên truyền nhắc nhở người dân trên địa bàn và người tham gia giao thông tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Xử lý hành vi, vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Cùng với việc kiểm soát lượng người ra vào địa bàn xã thì lực lượng công an cũng tiến hành tuần tra kiểm soát nhắc nhở và xử lý những trường hợp hàng quán ko chấp hành quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu nghi nhiễm bệnh, nhanh chóng đưa vào cơ sở y tế, xác định danh tính và sơ đồ dịch tễ, báo cáo ngay với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp huyện gần nhất để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Minh Tưởng, Trưởng phòng Y tế huyện Quốc Oai cho biết, huyện có tất cả 21 xã, thị trấn và đã lập chốt kiểm dịch COVID-19 ở các điểm này. Có xã có 10 điểm chốt nhưng có xã có 2-3 điểm..., tùy thuộc vào địa hình của từng địa phương trong huyện. Với những thôn, ngõ có ca mắc COVID-19 thì lập chốt phong tỏa khu vực đó. Việc lập chốt này nhằm góp phần kiểm soát chặt chẽ việc đi lại của người dân, yêu cầu người dân chỉ nên ra ngoài trong các trường hợp cần thiết, cấp bách để hạn chế lây lan dịch bệnh. Việc thôn cách ly thôn, xã cách ly xã... là chủ trương kịp thời, rất cần thiết trước diễn biến phức tạp của dịch hiện nay.
Tương tự tại huyện Ba Vì, Phúc Thọ cũng vậy. Các lực lượng chức năng của 2 huyện đã tích cực triển khai lập chốt để kiểm soát việc đi lại và ứng phó nhanh chóng với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra. Bà Chu Thị Thu Hà, Phó Trưởng khoa Xét nghiệm, Trung tâm Y tế huyện Ba Vì cho biết, hiện huyện Ba Vì đã lập chốt kiểm dịch ở tất cả các xã để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, đồng thời bảo đảm việc người dân hạn chế ra ngoài, tránh tiếp xúc, tụ tập...
Tại huyện Chương Mỹ, toàn huyện cũng đã có 51 chốt kiểm soát dịch, gồm cả chốt của Thành phố, của huyện xã, thị trấn. Tuy nhiên, có một số chốt do không đủ lực lượng nên đã cắt giảm.
Trong khu vực nội thành, tại các điểm có ca mắc COVID-19 cũng đã được lập chốt phong tỏa, bảo đảm phòng chống dịch. Bên cạnh đó là lập các chốt kiểm soát việc đi lại, hoạt động của người dân (xem xét việc tụ tập đông người, ra ngoài trong các trường hợp cần thiết như đi làm, mua lương thực, thực phẩm...).
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.